Tuesday, February 22, 2011

NHỮNG BÀI HỌC TỪ AI CẬP (Dmitri Trenin)


Dmitri Trenin (Inosmi.ru, Nga)
Dmitri Trenin là giám đốc và chủ tịch hội đồng khoa học Viện Carnegie ở Moskva.
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/op_ed/20110221/166711465.html

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 23 tháng 2 năm 2011

Những cuộc khởi nghĩa ở Trung Đông vẫn tiếp tục. Mặc dù một số người khẳng định rằng họ đã nhìn thấy trước kết cục như thế đối với những nhà cai trị độc tài ở Ai Cập và Tunisia, nhưng không ai dự đoán được khi nào thì người dân sẽ nổi dậy và các cuộc nổi dậy có phát triển đến mức lật đổ được chế độ hay không. Hiện nay thật khó dự đoán chế độ nào trong các nước Arab có thể tiếp tục kiểm soát được tình hình còn chế độ nào thì sẽ đi theo con đường của Ben Ali và Mubarak. Vấn đề còn khó đoán hơn là: ai sẽ thay thế những nhà độc tài vừa bị lật đổ?

Rõ ràng là những ý kiến so sánh đang xuất hiện ở Mĩ, châu Âu và Israel – lạc quan, khi so sánh với năm 1989 ở Đông Âu và bi quan, khi so sánh với năm 1979 ở Iran, chỉ làm cho người ta mất phương hướng chứ không giúp làm rõ tình hình. Sự bất định lớn chưa từng thấy. Nhưng những sự kiện diễn ra trong sáu tuần qua cho phép ta rút ra một vài kết luận.

1. Làn sóng bất bình trong các nước Arab là kết quả của sự phát triển của những mâu thuẫn nội tại, đã tích tụ suốt hàng chục năm và về nguyên tắc là không thể giải quyết được trong khuôn khổ của những chế độ suy đồi và độc quyền chính trị đó. Có vai trò của các nhân bên ngoài, nhưng rất hạn chế. Dễ hiểu là cả Washington lẫn Paris đều không có kế hoạch lật đổ các đồng minh trung thành và đối tác tin cậy của mình. Trong khi đó quá trình toàn cầu hóa trong mấy thập kỉ vừa qua cùng với sự tiến bộ về mặt kĩ thuật làm cho thông tin có thể truyền bá rộng và nhanh chưa từng thấy. Tuy nhiên cần phải nhớ một điều: cách mạng từng xảy ra trước thời Twitter”. 

2. Mặc dù dường như có sự đồng bộ về thời gian, từ Angeria đến Bahrein và từ Iran đến  Djibouti – và cảnh tức giận tương tự nhau trên màn ảnh truyền hình - nhưng không thấy một kịch bản duy nhất. Ở nước này thì trên tuyến đầu là các giai cấp trung lưu, đấu tranh chống lại giới cầm quyền ù lì; ở nước khác là sự khác biệt sắc tộc và ở nơi khác nữa là sự bất hòa giữa các giáo phái. Có thể nói rằng mỗi dân tộc bất hạnh và bất bình theo cách của mình và cuối cùng là tự quyết định lấy số phận của mình. 


3. Quân đội đóng và tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc quyết định số phận của mỗi dân tộc. Các đảng cầm quyền – thí dụ như Đảng dân chủ nhân dân của Ai Cập – sụp đổ chẳng khác gì những lâu đài bằng giấy. Ở đâu phe đối lập thế tục cũng yếu, không có tổ chức và chưa thu hút được quần chúng. Những người theo phe Hồi giáo cấp tiến đang chờ đợi thời khắc năm 1917 của mình. Giới quân nhân đã đứng ra lãnh trách nhiệm. Ở Tunisia quân đội đã tống khứ nhà độc tài, ở Ai Cập quân đội không chịu bắn vào người biểu tình và cuối cùng đã buộc vị tổng thống cầm quyền đã nhiều năm phải chuyển giao quyền lực cho bộ chỉ huy quân đội. Ở Libia và Bahrein, ngược lại, quân đội đã nổ súng vào người biểu tình, máu đã đổ.

4. Người biểu tình đòi chính quyền thực hiện hai việc chính: cải thiện điều kiện kinh tế –xã hội cho đa số người dân và tự do, nghĩa là không còn độc chiếm quyền lực và mở mang con đường hoạn lộ cho giới trẻ. Không có hệ tư tưởng hay “ism” nào trong những yêu cầu này. Cách tiếp cận như thế chính là biểu hiện của sự trưởng thành của các phong trào quần chúng. Đồng thời cũng không rõ là ý kiến của xã hội sẽ quay thao hướng nào khi người ta phát hiện ra rằng mặc dù chế độ độc tài đã sụp đổ nhưng hoàn cảnh kinh tế xã hội của tuyệt đại đa số người dân vẫn chưa được cải thiện. 

5. Thiết lập chế độ dân chủ theo mô hình phương Tây là kịch bản khó xảy ra. Thí dụ nhãn tiền là Irak, Liban và lãnh thổ Palestine chứng tỏ rằng thiết lập chính quyền đại diện là một quá trình lâu dài, ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất.   


6. Đối với thế giới Arab, chế độ Hồi giáo theo kiểu Iran cũng không được coi là tất yếu. Giới tăng lữ Iran, mặc dù có những thành tố dân chủ, không hấp dẫn được người dân Arab. Ngoài ra, mặc dù chính quyền Iran trong các năm 2009-2010 đã đèp bẹp được phong trào “xanh” ở đó, cũng đang bị rung động – bây giờ là do ảnh hưởng của các sự kiện trong các nước Arab. 


7. Phương án tối ưu đối với thế giới Arab là phát triển theo mô hình của Thổ Nhĩ Kì. Đấy là cải cách về kinh tế và chính trị-xã hội, nhằm xây dựng một nhà nước thế tục trên cơ sở xã hội rộng rãi và có tính đến tác nhân văn hóa Hồi giáo. Trong thế giới Hồi giáo có những thí dụ thành công như Indonesia và Malaysia.

8. Chế độ ở Iran - phương Tây rất muốn nó sụp đổ – lần này có thể sẽ đứng vững. Không nghi ngờ gì rằng Iran đang tiến dần đến một cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng hiện không thể nói cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra vào lúc nào và trong hoàn cảnh nào. 

9. Saudi Arabia cũng sẽ đứng vững. Mặc dù nhà vua đã 87 tuổi và rất yếu, nhưng giờ cáo chung của vương triều chưa điểm. Do vai trò to lớn của Saudi Arabia không chỉ đối khu vực mà đối với toàn thế giới, nhà vua kế nhiệm sẽ phải gánh vác những trách nhiệm rất nặng nề. Vương triều Jordan với hoàng gia được lòng dân sẽ đứng vững. Kuweit, Katar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay vì mức sống ở đó khá cao, đồng nhất về tôn giáo – khác với Bahrein – và có nhiều công nhân nhập cư, những người không có lí do bãi công. 


10. Chế độ Yemen sẽ bị lung lay, nhưng có cơ may sống sót vì sự chia rẽ của những người bất mãn và chính quyền sẵn sàng sử dụng bạo lực đàn áp. Chế độ của Kaddafi ở Lybia cho thấy họ sẵn sàng dìm những cuộc biểu tình phản đối trong biển máu, nhưng ngay cả nếu ông ta còn giữ được chính quyền thì chế độ đã tồn tại từ năm 1969 cũng khó mà sống lâu hơn chính người lập nên nó. 


11. Trong những tuần gần đây chính quyền của tổng thống Obama buộc phải lựa chọn giữa lí tưởng và lợi ích. Trên thực tế ,Washington không đến nỗi ngốc như những người phê phán trong đảng dân chủ khẳng đọnh. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chính phủ Mĩ đã ổn định được quá trình chuyển tiếp ở Ai Cập. Nhưng rõ ràng là ảnh hưởng của Mĩ ở Ai Cập và toàn vùng sẽ giảm đi. 


12. Liên hiệp châu Âu đã nhận ra sự trục trặc trong lĩnh vực ngoại giao của mình. Ai Cập và Tunisia là những trụ cột chính của Liên minh Địa Trung Hải, được thành lập theo sáng kiến của Pháp. Ngoài ra, những khó khăn do cuộc di cư không được kiểm soát từ Bắc Phi đã buộc người châu Âu phải công nhận họ không có khả năng hội nhập người nhập cư theo mô hình “đa văn hóa”, cũng không thể áp dụng mô hình “lò đúc” kiểu Mĩ. 


13. Trong lĩnh vực địa chính trị, Thổ Nhĩ Kì là nước được lợi nhất vì được nhiều người Arab coi là mô hình nên theo, Trung Quốc cũng có thể chiếm được những vị trí mà Hoa Kì bỏ lại. 


14. Nước Nga cũng thu được một vài bài học. Đầu tư của Nga vào Trung Đông không nhiều và không bị đe dọa. Nhưng Moskva không thể tảng lờ vấn đề ổn định của các chế độ độc tài xuất hiện ở miền Nam Liên Xô cũ. Đấy không phải là vấn đề mới. Trong vòng hai mươi năm qua đã xảy ra một cuộc nội chiến đẫm máu ở Tadzhikistan, hai cuộc cách mạng ở Kirgizia và một cuộc đảo chính cung đình ở Turkmenia. Số phận của hai nước lớn là Kazakhstan và Uzbekistan sẽ được quyết định trong mười năm tới, khi mà thời hạn nắm quyền của các vị tổng thống sáng lập ra nền cộng hòa trong các nước này chấm dứt. Hiện nay Nazarbaev còn khỏe mạnh và Islam Karimov vẫn giữ được vẻ lạnh lùng như cũ. Tuy nhiên, việc hai nhà lãnh đạo này quyết định nắm quyền suốt đời chứng tỏ trong ban lãnh đạo tối cao đang có những khó khăn không thể giải quyết nổi. Trong khi “bên trên” tập trung vào vấn đề quyền lực và sở hữu thì “bên dưới” lâm vào những mâu thuẫn không có lối ra. Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng. Hiện vẫn còn thời gian, cần phải rút ra ngay những bài học từ kinh nghiệm của Arab.

.
.
.

No comments: