Nguồn: Mike Giglio, Newsweek
Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
Wed, 02/16/2011 - 07:23
Ban ngày Wael Ghonim làm việc cho Google. Nhưng vào ban đêm, anh đã tổ chức một cuộc cách mạng.
Vào thứ Năm 27 tháng 1, từ Cairo, một cú điện thoại trễ gọi đến. "Tôi nghĩ rằng họ đang theo dõi tôi", người gọi nói với bạn mình bên kia đầu dây. "Tôi sẽ phá hủy đường dây điện thoại này".
Sau đó, đường điện đàm mất đi.
Ngay sau đó, các đường điện thoại di động trên khắp Ai Cập, rồi đến Internet đều bị cắt, khi chính quyền phong toả mọi đường liên lạc trong một nỗ lực cạn vét cuối cùng nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình đang kềm chặt đất nước này.
Dấu vết duy nhất mà người gọi để lại nằm trong không gian mạng, nơi anh đã gửi một thông điệp ám ảnh qua Twitter: "Hãy cầu nguyện cho Ai Cập".
Ba ngày sau đó tại Washington, DC, Nadine Wahab, một di dân Ai Cập, chuyên viên về các mối quan hệ truyền thông báo chí, ngồi nhìn chằm chằm vào máy tính của mình, hy vọng rằng tin đồn về sự biến mất của người gọi đến là không đúng sự thật.
Đột nhiên, screen name của anh ta nhảy ra trên màn hình. Cô nhìn chằm chằm vào tin nhắn.
"Admin 1 mất tích, Đây là Admin 2".
"Admin 1 mất tích, Đây là Admin 2".
Admin 1 là người bạn đã gọi cô, người quản trị viên vô danh của một trang Facebook từng đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho cuộc nổi dậy ở Cairo. Anh đã để lại cho Wahab một kế hoạch dự phòng. Nếu anh mất tích, Wahab nên đợi đến ngày 8 tháng 2, hai tuần kể từ ngày cuộc biểu tình đầu tiên, trước khi cô tiết lộ danh tính của anh và sẽ lên tiếng báo động. Bằng mọi giá, cô phải duy trì sự xuất hiện bình thường trên trang mạng.
Kế hoạch dự phòng đã không đề cập đến Admin 2 và Wahab lo sợ rằng tin nhắn ấy có thể là một cái bẫy.
Trong tuần lễ tiếp theo, Wahab và bộ phận nhỏ của những người cộng tác trực tuyến của cô trở nên đắm mình trong một không khí căng thẳng mờ ảo trên mạng.Tại trọng tâm của sự căng thẳng này là một chuyên viên đeo kính có tên là Wael Ghonim, người cha 30 tuổi có hai con, mgười trưởng ngành tiếp thị của Google ở Trung Đông.
Nhiều tháng trời trao đổi thư từ trực tuyến giữa Ghonim và Wahab, nhiều phần trong số đó đã được cung cấp cho Newsweek, cũng như các cuộc điện đàm, trò chuyện trực tuyến với tạp chí, tiết lộ cho thấy một người đàn ông từng xử dụng danh tính của một người đã chết để thúc đẩy dân chủ và tham gia vào một cuộc sống bí mật khiến suýt tàn phá đến mạng sống của mình.
Ghonim từng có bằng thạc sĩ về tiếp thị và tài chính từ trường Đại học Hoa Kỳ ở Cairo và đã bắt đầu làm việc cho Google vào cuối năm 2008. Trong chưa đầy một năm, anh được thăng chức giám đốc tiếp thị cho vùng Trung Đông và Bắc Phi, một chức vụ có trụ sở tại Dubai, nơi anh và gia đình chuyển vào ở một ngôi nhà trong vùng ngoại ô giàu có của thành phố.
Ghonim và Wahab chỉ gặp nhau qua mạng điện tử vào mùa xuân vừa qua, sau khi Ghonim tình nguyện quản trị các trang hâm mộ Mohamed ElBaradei trên Facebook, người Ai Cập từng đoạt giải Nobel Hoà Bình, đã nổi lên như một nhà lãnh đạo đối lập quan trọng; Wahab đã giúp về công việc Giao tế công chúng (PR). Ghonim có căn bản công nghệ vững vàng, từng sáng lập một số trang web thành công. Nhưng chính kỹ năng tiếp thị của anh đã giúp đưa sự chuyển đổi của ElBaradei đến các nhà hoạt động mạng quan trọng nhất của Ai Cập.
Dưới sự điều hành của Ghonim, trang mạng thúc đẩy cải cách dân chủ ElBarade phát triển nhanh chóng. Anh khảo sát người hâm mộ của mình, thúc đẩy những ý tưởng như các loại Hỏi Đáp bằng Video thu hút đông người xem. "Bầu phiếu là phương cách đúng đắn để đại diện người dân một cách dân chủ", anh đã viết cho Wahab như thế vào tháng Năm. "Ngay cả trong nội bộ Google chúng tôi cũng sử dụng bầu phiếu. Kể cả khi Giám đốc điều hành của chúng tôi đang trực tuyến, ông cũng phải trả lời nếu có ai đó tải lên một câu hỏi khó khăn và những người khác bỏ phiếu cho câu hỏi đó".
Ghonim nghĩ rằng Facebook có thể là công cụ cách mạng lý tưởng trong tình trạng cảnh sát Ai Cập bị nghẹt thở. "Một khi bạn đã là người fan hâm mộ, bất cứ điều gì chúng tôi công bố sẽ được tải trên trang tường của bạn" ông viết. "Vì vậy, sau này chính phủ không có cách gì để ngăn chặn. Trừ khi họ hoàn toàn cấm mạng Facebook".
Khi được phát triển, trang mạng càng được biết đến hơn và Ghonim bắt đầu cảm thấy mình trải qua hai cuộc sống riêng biệt. Ông trầm ngâm với Wahab vào tháng Sáu:"Buổi sáng tôi sống cuộc đời của một nhà ngân sách, tối đến, tôi là một biên tập viên video tại YouTube".
Tháng đó, một doanh nhân người Alexandria trẻ tên là Khaled Said, người đã đăng tải một đoạn video trên mạng cho thấy hình ảnh người cảnh sát ăn cắp tiền từ một vụ bắt ma túy đã bị cảnh sát địa phương đánh tại một quán cà phê Internet. Họ kéo ông ta ra ngoài quán và đánh ông đến chết giữa ban ngày. Những hình ảnh về xác chết bị đánh đập thê thảm của ông ta đã trở thành sống động.
Ghonim đã xúc động bởi những bức ảnh để bắt đầu một trang Facebook mới gọi là "Tất cả chúng ta đều là Khaled Said", qua đó ông bắt đầu dành ra phần lớn nỗ lực của mình. Trang mạng này nhanh chóng trở thành một chiến dịch mạnh mẽ chống lại sự tàn bạo của cảnh sát ở Ai Cập, với một dòng liên tục của những hình ảnh, video và tin tức. Phong cách tác động qua lại của Ghonim, kết hợp với các bài đăng tải - về tình cảm, thái độ thờ ơ chính trị và các lôi cuốn rộng rãi - đã được hiệu chỉnh cẩn trọng - nhanh chóng trở thành một trong những trang web hoạt động lớn nhất của Ai Cập.
Chỉ những người được chọn, bao gồm Wahab, từng nhanh chóng đăng nhập vào để giúp đỡ mới biết về sự tham gia của Ghonim trong trang mạng. Để điều hành trang mạng, Ghonim đã dùng bút danh El Shaheed, hoặc Kẻ Tử đạo, để bảo vệ bản thân và tưởng nhớ con người đã chết - tạo nên một nhân cách vốn trở thành một trong những công cụ mạnh nhất của Ghonim. "Mục đích của tôi," ông nói trong một cuộc trò chuyện với Wahab, "là tăng cường mối gắn bó giữa người dân và các nhóm tranh đấu thông qua nhân cách không ai biết được của tôi. Từ cách thức này, chúng tôi tạo ra được một đội quân tình nguyện".
Ngày 14 tháng Một, cuộc biểu tình tại Tunisia đánh gục nhà độc tài lâu đời của đất nước này và Ghonim lấy được cảm hứng để thông báo trên Facebook về một cuộc cách mạng cho Ai Cập của mình. Mỗi người hâm mộ của trang mạng có trên 350000 người đã được chân thành mời tham dự cuộc biểu tình vào ngày 25. Họ có thể bấm vào nút "yes", "no" hoặc "may be" để báo hiệu cho biết mình có muốn tham dự hay không.
Trong khoảng không gian của ba ngày, hơn 50.000 người đã trả lời "yes". Xuất hiện trong vai trò El Shaheed trong phòng chat Gmail, Ghonim đã lạc quan nhưng cũng lo ngại rằng sự ủng hộ trực tuyến có thể không chuyển thành một cuộc nổi dậy trên các đường phố.
"Điểm mấu chốt chính là: Tôi hoàn toàn không biết gì cả" anh nói. Trong khi một số nhà bình luận thổi phồng rằng "internet làm nên một cuộc cách mạng", những người khác lại tuyên bố rằng "cách mạng không thể tweet được", anh nói. "Tôi không biết và tôi đéo cần biết. Tôi chỉ đang làm những gì cần phải làm để đất nước mình được tốt đẹp hơn".
Ghonim năm nỉ những cổ động viên Facebook của mình lan truyền tin tức về những người biểu tình đến mọi người và anh cùng các nhà hoạt động khác đã liên tục phối hợp các nỗ lực, kết hợp sự khôn ngoan về trực tuyến với các hoạt động trên đường phố vốn lâu nay từng được thực hiện bởi các phong trào dân chủ của đất nước. Dường như Ghonim xem các trang mạng vừa là một loại trung tâm chỉ huy vừa là một điểm tập hợp - giúp dân chúng vượt qua được "rào cản về tâm lý".
Ghonim nhấn mạnh rằng chẳng phải anh cũng không phải bất cứ ai khác đã phụ trách chỉ đạo công việc. Các động lực thực sự đằng sau những cuộc biểu tình, anh dự đoán, sẽ là những người mà anh từng cố gắng trang bị sức mạnh cho họ. "Điều mà bạn không hiểu và có vẻ như bạn không muốn hiểu, đó là cuộc biểu tình này không hề có những nhà tổ chức thực sự" ông nói với tờ Newsweek. "Đó là một cuộc biểu tình không có người lãnh đạo".
Dù nài nỉ để được giấu danh tính, Ghonim không hề khiêm tốn. Anh đùa, "Nhận tiện, tôi muốn ảnh của mình được đăng ở trang bìa" tạp chí.
Khi được nhắc nhở rằng điều này có thể ảnh hưởng đến danh tính còn ẩn của mình, anh đề nghị sử dụng một bức ảnh của mặt nạ Guy Fawkes từng được xử dụng bởi nhân vật chính trong phim V for Vendetta, một bộ phim về một nhà cách mạng bí ẩn, và nài nỉ được được gọi là "V" trong bất kỳ câu chuyện nào, trước khi anh cuối cùng chịu được gọi tên là El Shaheed.
Một tổ chức phi chính phủ Mỹ đã liên lạc với anh để cung cấp hỗ trợ tài chính, anh nói "Tôi trả lời với hai từ: ĐM chúng mày".
Trong cuộc trò chuyện khác, anh đã chế nhạo ý tưởng cho rằng bất kỳ chính trị gia nào cũng có thể nắm được lực đẩy ngày càng tăng của cuộc chống đối. "Một anh chàng từ cõi ảo mà họ không hề biết đã bảo cho họ biết phải làm gì" anh nói. "Tôi có dân chúng đứng về phía mình".
Dường như Ghonim nghĩ rằng một nhân cách vô danh là một loại cân bằng có thể ngăn chặn lực đẩy của phong trào chống đối khỏi bị các chính trị gia như ElBaradei, các nhóm như Hồi Giáo Brotherhood hoặc có lẽ ngay cả chính bản thân Ghonim cướp đoạt mất. "Tôi sẽ giữ danh tính của mình vô danh ngay cả khi có một cuộc cách mạng xảy ra và chính phủ này bị đá nhào" anh nói. "Bởi vì tôi nghĩ nguyên nhân tại sao chúng tôi phá hại đất nước này là vì mọi người đều đang muốn tìm kiếm danh vọng cho cá nhân mình. Mọi người đều khởi đi từ đâu đó với ý định tốt đẹp. Cuối cùng rồi họ sẽ bị mục nát hư hỏng".
Anh đã định đặt nền tảng cho nhân cách El Shaheed sống được mà không cần có mình, thừa nhận trong một cuộc trò chuyện với Newsweek rằng biệt danh của Kẻ Tử Đạo có thể trở nên đại diện cho số phận của chính anh. Điều ấy rõ ràng vì khi bay đến Ai Cập để tham gia cuộc biểu tình anh sẽ bị đe dọa.
Vào ngày thứ Ba 25 tháng 1, Ghonim tham gia cuộc biểu tình đầu tiên cùng với hàng trăm ngàn người trên cả nước. Esraa Abdel Fattah, một nhà tổ chức khác, người biết Ghonim nhưng không nhận được anh chính là El Shaheed, đã nhìn thấy anh trong đêm ấy tại Quảng trường Tahrir cùng với nhiều người biểu tình khác.
Trong một cuộc trò chuyện trực tuyến vào ngày hôm sau, Ghonim đã ngây ngất nhưng cũng lo lắng. Ông cho biết, các nhà hoạt động đã bắt đầu biến mất. Vào đêm thứ Năm, khi các nhà tổ chức lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình lớn vào ngày hôm sau, Facebook bắt đầu tắt loé, lúc được lúc không. "Tôi chỉ mới vừa thông báo các địa điểm, Facebook đã bị chặn nữa. Đồ chó đẻ",Ghonim nói.
Một vài giờ sau đó, anh đã thực hiện một cuộc gọi điện đáng ngại cho bạn bè mình, cho biết rằng anh nghĩ mình đã bị theo dõi.
Sáng hôm sau, cảnh sát mặc thường phục đã đến tìm anh.
Ghonim - Admin 1- bây giờ đã mất tích.
Admin 2 - người yêu cầu không nêu tên, có quy cách riêng của mình để tiếp nối công việc - cho biết: "Tôi là người dự phòng đàng sau trong trường hợp có điều gì thực sự khủng khiếp xảy ra" anh nói trong một cuộc gọi qua Skype với tờ NEWSWEEK. Một khi nhận ra Ghonim bị mất tích, anh thông báo cho Google và gia đình của Ghonim, sau đó bắt tay vào làm việc, thay đổi mật khẩu và đảm bảo mọi thứ trên mạng Web. "Tôi muốn trang mạng phải sống còn. Điều quan trọng nhất là chính bản thân trang mạng" anh nói. "Trang web quan trọng hơn bất cứ cá nhân nào".
Thực ra, anh lo lắng rằng vì việc thay đổi mật khẩu, anh có thể gây rủi ro hơn cho Ghonim - nhỡ cảnh sát tra tấn anh ta để truy cập vào trang web thi sao ? " Hoặc là tôi bảo vệ bạn mình hoặc tôi tiếp tục đi tới" anh nói, rõ ràng bị ám ảnh bởi tình trạng khó xử này. "Hóa ra tôi không phải là một người bạn tốt".
Vẫn tuân theo các hướng dẫn của Ghonim, Admin 2 tiến hành dò tìm qua hộp thư của Shaheed El để tìm người mà Ghonim đã chỉ mô tả là một cô gái ở Hoa Kỳ, người mà anh được ra lệnh để liên hệ.
Khi Nadine Wahab nhận được thông điệp của anh ta, thoạt tiên cô lo sợ rằng Admin 2 là một cảnh sát Ai Cập, nhưng cô nhanh chóng thấy rằng Admin 2 cũng lo sợ như cô và cả hai bắt đầu xuất hiện trên trang Facebook, giả vai như El Shaheed. (Admin 2 cũng đã trao một phong bì dán kín cho một người bạn với lời hướng dẫn là sẽ mở phong thư ra nếu anh ta bị mất tích hơn một ngày. Phong bì chứa đựng các tên người xử dụng, mật khẩu và hướng dẫn về việc duy trì các trang web...)
Trong hơn một tuần, không hề biết được có phải Ghonim đã bị bắt giữ hay không - cuộc tìm kiếm ráo riết từ các nhà tù địa phương và bệnh viện không đưa đến kết quả gi. Google đưa ra một tuyên bố rằng Ghonim đã bị mất tích mà không hề đề cập đến việc tham gia vào chính trị của ông. Công ty cũng thiết lập một đường dây điện thoại và một địa chỉ email để tìm bất cứ lời mách bảo nào về nơi chốn của anh.
Khi cuộc tìm kiếm đang tiếp diễn và khi lời đồn về sự mất tích từ người điều hành Google lan rộng ra, tin đồn bắt đầu xoáy trên đường phố và trên báo chí rằng Ghonim chính là El Shaheed, khiến gia đình của Ghonim lo sợ có thể đặt anh trong mối nguy hiểm lớn hơn. Trong khi đó, những người biểu tình tại Quảng trường Tahrir tuyên bố anh là nhà lãnh đạo tượng trưng của họ. Trang Facebook có tiêu đề "Tất cả chúng ta đều là Wael Ghonim" bắt đầu xuất hiện.
Giữa các cuộc gọi điên cuồng với Bộ Ngoại giao, Wahab đã cố gắng trong tuyệt vọng để chặn đứng những tin đồn, thậm chí Newsweek phải gửi email từ địa chỉ El Shaheed trong một nỗ lực để cho thấy rằng tất cả mọi điều đều đang tốt đẹp.
Trong khi đó, cô cảm thấy như mình kẹt giữa một âm mưu như trong phim ảnh. Cô đặt những chiếc gối lông bên dưới cửa trước của mình để có thể phát hiện nếu như ai đó lẻn vào trong nhà. (Con mèo của cô đã lôi những cái gối đi). "Thật như một sân khấu của chuyện ngu ngốc", gần đây Wahab đã cho biết, "Làm sao mà tôi lại có thể đưa đẩy mình vào chuyện này ?"
Khi Ghonim bị bịt mắt ngồi trong phòng giam, kẹt cứng trong sự giám sát của lực lượng an ninh nổi tiếng của Ai Cập, chính là những kẻ mà anh phải từng trầy vi tróc vẩy trực tuyến trong tám tháng qua, mối lo chính của anh như sau này anh đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua truyền hình, là danh tính của mính sẽ được tiết lộ ra cho những người biểu tình.
Ghonim đã trải qua gần hai tuần bị giam giữ, không hề biết gì về cuộc cách mạng kích động đang diễn ra ở bên ngoài. Cuối cùng khi được thả ra, Ghonim mới phát hiện ra rằng mình đã trở thành gương mặt của cuộc nổi dậy của Ai Cập, chính xác là định mệnh mà ông từng muốn tránh.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tờ Newsweek vài giờ sau khi được trả tự do vào thứ hai ngày 7 Tháng 2, trong đó cuối cùng anh đã thừa nhận danh tính thực sự của mình, thoạt tiên Ghonim cố tránh vai trò mới này. "Đó không phải là ý định của tôi và tôi ghét vai trò ấy nhưng tôi không thể làm gì hơn được nữa" anh nói. "Tôi không phải là một anh hùng. Tôi chỉ là một kẻ tầm thường. Thật sự tôi đã chỉ làm những điều đơn giản nhất là viết lách thôi. Rất nhiều người đã phải chết ".
Tuy nhiên, khi Musharak cố bám vào quyền lực để rồi cuối cùng thất bại, những người biểu tình vẫn tiếp tục tìm nghe giọng nói của Ghonim.
Cuối cùng, con người vô danh đã chết. Nhưng trong sự vắng mặt của con người ấy, dường như Ghonim đã được xức dầu thánh như nhà lãnh đạo của một phong trào không có thủ lãnh mà anh từng giúp tạo dựng nên.
.
.
.
No comments:
Post a Comment