Sunday, February 6, 2011

NỀN DÂN CHỦ CÓ THỂ CÓ THỂ HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO Ở TRUNG ĐÔNG ? (Fareed Zakaria)

Fareed Zakaria, TIME, 03/02/2011
Hiếu Tân dịch
6.2.2011
1
Khi Frank Wisner, nhà ngoại giao Hoa Kỳ kỳ cựu và đặc phái viên của tổng thống Obamar gặp Hosni Mubarak hôm thứ Ba, 1 tháng 2, quang cảnh này chắc đã quen thuộc với cả hai người. Trong 30 năm vừa rồi, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã đi vào một trong những nơi giàu có nhất ở Heliopolis, một vùng lân cận Cairo từ đó Mubarak thống trị Ai cập. Tổng thống Ai Cập đã tiếp đãi người Mỹ nồng nhiệt, và hai bên bắt đầu bàn bạc về những quan hệ Mỹ-Ai Cập và số phận của nền hòa bình Trung Đông. Rồi sau đó người Mỹ có thể nhẹ nhàng nêu lên vấn đề cải cách chính trị. Tổng thống sẽ nóng mặt lên và độp lại, “Nếu tôi làm như các ngài muốn, bọn chính thống Islamist sẽ cướp chính quyền.” Cuộc đàm đạo sẽ quay trở về những khúc quanh mới nhất trong quá trình hòa bình.
Hoàn toàn có khả năng một phiên bản của cuộc trao đổi này đã diễn ra hôm thứ ba vừa qua. Mubarak chắc đã cảnh cáo Wisner rằng không có ông ta, Ai cập sẽ làm mồi cho chủ nghĩa cực đoan của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood), một phong trào chính trị Islamist Ai Cập. Ông ta đã thường xuyên nhắc nhở các vị khách của công trình toi tiền của Mỹ ở Iran năm 1979, khi nó hủy bỏ viện trợ cho một đồng minh trung thành, Shah, để rồi thấy chế độ ấy bị thay thế bới một chế độ chính trị thần quyền chống Mỹ tệ hại. Nhưng lần này, nhà ngoại giao đã có lời đáp khác đối với những lý lẽ của Tổng thống Ai Cập. Đó là thời gian cho sự chuyển đổi đã bắt đầu.
Và đó là thông điệp mà Obama chuyển tới Mubarak khi hai bên nói chuyện qua điện thoại ngày 1 tháng 2. “Đó là một cuộc chuyện trò gay gắt,” một quan chức chính quyền (Mỹ) nói. Đội cận vệ kỳ cựu của Bộ an ninh quốc gia tụ tập xung quanh máy nói trong Văn phòng Bầu dục để nghe cuộc nói chuyện. Mubarak làm rõ cuộc nổi dậy đã gây khó khăn cho riêng cá nhân ông ta như thế nào. Obama ép nhà lãnh đạo Ai Cập phải kiềm chế không được có bất cứ đối phó bạo lực nào với hàng trăm nghìn người trên các đường phố. Nhưng một ngày sau đó những đường phố này - vốn vẫn yên tĩnh một cách lạ thường kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu - chuyển sang bao lực. Ở Cairo, những người ủng hộ Mubarak - trong số đó có những người ngồi trên lưng ngựa xông vào đám đông và bắt đầu đánh đập những người biểu tình.
Đó là một điều nhắc nhở rằng tiến trình chính xác mà cách mạng Ai cập sẽ đi theo trong những ngày những tuần sắp đến không thể nào biết được. Sự đụng  độ giữa các nhóm ủng hộ và chống đối chính phủ đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột này. Chế độ này có nhiều người sống nhờ sự bảo trợ của nó, và họ có thể chiến đấu để giữ gìn chính quyền của họ. Nhưng phái đối lập hiện giờ đầy nghị lực và có quyền hành động. Và thế giới - và Hoa Kỳ - đã đặt Mubarak vào tầm chú ý.
Cho dù điều gì xảy ra trong mấy ngày tới, thì câu chuyện  trung tâm của cách mạng A Rập cũng sẽ không thay đổi. Các nhà sử học sẽ ghi chú rằng ngày 25 tháng Giêng đánh dấu bắt đầu của sự kết thúc 30 năm cầm quyền của Mubarak. Và bây giờ chúng ta sẽ thử nghiệm lý thuyết mà các chính khách và các học giả đã tranh cãi từ lâu. Một nước Ai Cập dân chủ hơn có thể trở thành một nhà nước Islamic cực đoan không? Một nền dân chủ có thể hoạt động trong thế giới A Rập hay không?
2
Lạc hậu, tham nhũng, yêu chuộng hòa bình.
Không mấy ai nghĩ nó lại có thể trở nên thế này. Ai cập từ lâu đã được coi như một xã hội tôn trọng quyền uy, có một nhà nước mạnh và một bộ máy quan liêu có thể là hủ lậu và tham nhũng nhưng vẫn giữ được hòa bình. “Đây là một đất nước có kỷ lục nổi bật về ổn định chính trị” Fouad Ajami viết trong một tiểu luận năm 1995, chỉ ra rằng trong hai trăm năm qua, Ai cập chỉ được cai trị bởi hai chế độ, quân chủ thành lập 1805 và Phong trào các Sĩ quan Tự do, nắm chính quyền năm 1952, với Gamal Abdel Nasser. (Để so sánh: Pháp đã trải qua một cuộc cách mạng, hai đế chế, năm nền cộng hòa, và một nền độc tài nửa phát xít trong khoảng thời gian gần đúng như thế) Trong trí tưởng tượng của nhiều người, người Ai cập là giống người thụ động, ngoan ngoãn thần phục tôn giáo và tôn ti trật tự. Nhưng vào cuối tháng Giêng, các đường phố Cairo và Alexandria và các thành phố khác ngập đầy những người khác nhau: những đám đông gồm những con người mãnh liệt, ý chí sắt thép từ mọi tầng lớp xã hội và có cả một số phụ nữ, tất cả đều quyết tâm làm nên số phận của họ và trở thành những người chủ vận mệnh của chính họ.
Điều gì đã thay đổi? À, những người Ai cập chưa bao giờ dễ bảo như người ta vẫn nghĩ về họ. Xã hội Ai cập đã sinh ra nhiều hoạt động chính trị, từ Hồi giáo cực đoan đến marxist đến chủ nghĩa dân tộc A rập, đến chủ nghĩa tự do. Nhưng ngay từ cuối những năm 1950, chế độ Ai cập đã đàn áp thẳng tay xã hội dân sự của nó, cấm các chính đảng hoạt động, đóng cửa báo chí, bỏ tù các nhà chính trị, làm hư hỏng các quan tòa và bịt miệng giới trí thức. Trong ba thập niên qua, Ai cập đã trở thành nơi có rất ít sách nghiêm túc được xuất bản, các trường đại học bị giám sát, các báo thận trọng theo một đường lối nhu mì, và người ta chăm chú theo dõi những gì họ đưa ra công luận. Trong 20 năm qua, cuộc chiến chống các nhóm khủng bố Islamist - thường là những kẻ sát nhân thật sự man rợ - cho phép chế độ Mubarak đè nén mạnh hơn đối với xã hội Ai cập dưới danh nghĩa an ninh.
Cải cách và cách mạng
Ai cập đã có một số thành công, và thật mỉa mai, một trong số đó đã giúp khích lệ sự thay đổi. Trong thập niên qua, Ai cập đã cải cách nền kinh tế của nó. Từ giữa những năm 1990 trở đi, Ai cập đã thấy rằng để được vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, nó phải dỡ bỏ những bộ phận ít hiệu quả nhất của hệ thống kinh tế có hơi hướng xã hội chủ nghĩa. Trong những năm gần đây, Mubarak - được con trai ông ta là Gamal, một nhà ngân hàng được đào tạo ở Phương Tây, thuyết phục - đã chỉ định một nhóm các nhà cải cách mạnh mẽ cho nội các của ông ta, họ bắt đầu một cố gắng đầy tham vọng để tái cấu trúc nền kinh tế Ai cập, giảm thuế và thuế quan, bỏ những quy chế và giảm bao cấp. Nước Ai cập đang thoi thóp bắt đầu vùng dậy mạnh mẽ. Từ 2006 đến 2008, kinh tế tăng trưởng 7% một năm và ngay cả năm ngoái, sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng lên tới gần 6%. Bị cách li lâu dài sau bức tường bảo hộ, với truyền thông nằm trong kìm kẹp của chế độ, Ai cập cũng trở nên kết nối nhiều hơn với thế giới thông qua các công nghệ truyền thông mới.
Tại sao tiến bộ kinh tế lại thúc đẩy chống đối? Tăng trưởng khuấy động mọi sự, làm rối loạn trật tự ổn định, tù đọng và tạo ra những bất công và tình trạng không chắc chắn. Nó cũng tạo ra nhiều mong đợi và đòi hỏi mới. Tunisia không tăng trưởng mạnh mẽ như Ai cập, nhưng ở đó cũng có một trật tự cũ mục nát đã bị xé toang ra, và dẫn đến một tình trạng náo động chứng tỏ có quá nhiều thứ chế độ cần phải xử lý. Alexis de Tocqueville đã từng nhận xét rằng “Thời khắc nguy hiểm nhất cho một chính phủ tồi tệ là khi nó bắt đầu tự cải cách nó.” Đó là một hiện tượng mà các nhà khoa học chính trị đã đặt cho cái tên “một cuộc cách mạng của những mong đợi đang tăng lên” các chế độ độc tài cảm thấy chúng rất khỏ xử lý được những thay đổi, bởi vì cấu trúc quyền lực mà chúng đã thiết lập không thể đáp ứng được những đòi hỏi mới và mãnh liệt từ nhân dân của chúng. Ở Tunisia đã là như vậy, ở Ai cập đã là như vậy. Sự thất nghiệp của tuổi trẻ và giá cả thực phẩm tăng cao là những nguyên nhân trực tiếp, nhưng xu hướng cơ bản là một khối quần chúng bất trị đang lớn lên, bị khuấy động bởi những làn gió kinh tế mới mẻ, được liên hệ với một thế giới rộng lớn hơn. (Lưu ý rằng những nước tù đọng hơn như Syria và Bắc Triều Tiên vẫn còn ổn định hơn.)
Mubarak kết hợp những chuyển động tiến lên trong kinh tế với một loạt bước thụt lùi tàn tệ về chính trị. Sau khi đã có những cuộc bầu cử quốc hội tương đối cởi mở năm 2005, chế độ đã đi ngược dòng và gian lận trong các cuộc bầu cử năm 2010, giảm số ghế đại biểu của Muslim Brotherhood trong quốc hội từ 88 xuống zêrô. Ayman Nour, người tranh cử với Mubarak trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2005, bị bắt vì những cáo buộc vu khống, bị cầm tù, bị tra tấn và cuối cùng được thả năm 2009. Mubarak đã nới ra đôi chút tự do ngôn luận và tự do hội họp trước và sau những cuộc bầu cử năm 2005, sau đó lật ngược những gì mới hơi hé mở. Các quan tòa và các luật sư đối lập với chế độ bị truy tố.


3

Trong vấn đề gay cấn về kế tục chính trị, Mubarak làm nhiều người Ai cập thất vọng cay đắng, trong đó có nhiều thành viên của nội các, những người tin rằng năm 2011 sẽ là năm chuyển sang một Ai cập không có ông ta. (Nói rõ ra, nhiều người trong đội ngũ thân cận của ông ta hy vọng rằng thủ lĩnh của họ, Gamal Mubarak, có thể sẽ vươn lên trong một không khí chính trị có kiểm soát. Nhưng ngay cả họ cũng đã nghĩ rằng chế độ này lẽ ra đã phải trở nên cởi mở hơn nhiều.) Năm ngoái, Mubarak ra tín hiệu rằng ông ta có ý định ứng cử thêm nhiệm kỳ thứ sáu nữa, mặc dù đã 82 tuổi và sức khỏe kém. Đó là dấu hiệu cho biết dù kinh tế có thể tiến bộ như thế nào, thì cải cách chính trị nghiêm chỉnh vẫn là điều không thể nghĩ tới.

Trường hợp Hy vọng

Giả sử Mubarak đã tuyên bố hứa không ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm ngoái chứ không phải vào 1 tháng Hai năm nay, thì chắc ông ta đã được hoan hô như một nhà cải cách dẫn dắt nước ông vào một kỷ nguyên mới. Hôm nay, thì điều ấy là quá nhỏ, quá muộn. Nhưng thanh danh của ông ta phụ thuộc nhiều vào loại chế độ nào sẽ kế tục ông ta. Nếu Ai cập không rơi vào hỗn loạn hay trở thành một nhà nước thần quyền theo kiểu Iran, thì nhân dân sẽ nhìn lại chế độ Mubarak một cách quý mến. Trớ trêu thay, nếu Ai cập làm tốt hơn nữa và trở thành một nền dân chủ hiệu quả, thì cái di sản của ông ta, một nhà độc tài đã thống trị đất nước trước khi nó chuyển thành tự do, sẽ hỗn tạp hơn nhiều.

Nó sẽ trở thành cái nào? Bất kỳ ai đưa ra những tiên đoán với lòng tin chắc đều đang liều lĩnh một cách điên rồ. Ai cập là một đất nước rộng lớn và phức tạp, và nó đang ở giữa một quá trình thay đổi không thể đoán trước. Chắc chắn có những dấu hiệu lộn rộn rắc rối. Khi Trung Tâm nghiên cứu Pew điều tra nghiên cứu thế giới A rập vào tháng Tư vừa qua, nó thấy rằng người Ai cập có những quan điểm sẽ đập vào mắt Phương Tây như quá khích. Pew thấy rằng 82% người Ai cập ủng hộ việc ném đá như một hình phạt đối với tội ngoại tình, và 84% ủng hộ án tử hình đối với những người Hồi giáo bỏ đạo, và trong cuộc đấu tranh giữa “hiện đại hóa” và “chính thống,” 59% đồng ý với chính thống.

Điều đó là đủ để người ta phải lo lắng về sự vùng lên của một chế độ kiểu Iran. Chỉ có điều đây không phải là tất cả những gì mà cuộc điều tra của Pew cho thấy. Một cuộc thăm dò ý kiến năm 2007 thấy rằng 90% người Ai cập ủng hộ tự do tôn giáo, 88% ủng hộ việc xét xử không thiên vị, và 80% ủng hộ tự do ngôn luận; 75% chống kiểm duyệt, và theo báo cáo năm 2010 đại đa số tin rằng dân chủ được ưa thích hơn bất kỳ loại chính phủ nào khác.

Tôi vẫn cứ tin rằng nỗi lo sợ về một nhà nước thần quyền Ai cập đã bị thổi phồng quá đáng. Iran Shi'ite không là kiểu mẫu cho bất cứ nước nào, chắc chắn nó không là kiểu mẫu cho một xã hội A rập Sunni như Ai cập. Dân tộc này đã thấy cả Mubarak lẫn mullahs của Iran và không muốn bất cứ ai trong hai thứ đó. Có vẻ có khả năng hơn, là một viễn cảnh một nền “dân chủ tự do” trong đó Ai cập có tự do tương đối và bầu cử công bằng, nhưng cái đa số được bầu lên hạn chế các quyền cá nhân và quyền tự do, cắt bỏ xã hội công dân và sử dụng nhà nước như công cụ quyền lực của nó. Nói cách khác, nguy hiểm ở chỗ nó ít “Iran” mà lại nhiều “Nga” hơn.

Hy vọng của tôi là Ai cập tránh được con đường đó. Thành thật tôi không thể nói với bạn là nó sẽ tránh được. Nhưng có nhiều bằng chứng gợi lên rằng nền dân chủ ở Ai cập có thể hoạt động được. Trước tiên, quân đội, vẫn còn hoàn toàn thế tục, sẽ ngăn cản mọi cố gắng tạo ra một trật tự chính trị tôn giáo. Quân đội Ai cập có thể chống lại những cố gắng của những người dân chủ nhằm loại bỏ một số yếu tố của nền độc tài quân sự - vì những kẻ đặc quyền đặc lợi của các lực lượng vũ trang đã được hưởng quá nhiều lợi lộc từ chế độ đó - nhưng nó đủ mạnh và hợp lòng dân để có khả năng ngừng lại ở một điểm nào đó. Ở Ai cập, và ở Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội có cơ hội để đóng vai trò sống còn trong việc hiện đại hóa xã hội và ngăn chặn sự thái quá của chính trị tôn giáo.

4.

Xã hội công dân Ai cập phong phú, phức tạp và có trong lòng nó giọng điệu tự do phóng khoáng dai dẳng liên tục. Từ thời Napoleon xâm lược Ai cập năm 1798, người Ai cập đã muốn bắt kịp Phương Tây. Các trào lưu tự do của tư tưởng và chính trị đã nhiều lần nở hoa trên đất nước này - nổi bật nhất là các thập kỷ 1880, 1920, và 1950. Luật Cơ bản Ai cập năm 1882 tiên tiến hơn hầu hết các hiến pháp của các nước châu Á và Trung Đông vào thời kỳ ấy.

Ai cập cũng giữ được một số yếu tố cốt lõi của một trật tự tự do theo hiến pháp, trong đó chủ yếu là hệ thóng tư pháp đã đấu tranh chống sự lạm quyền nhà nước trong nhiều thập kỷ. Trong một cuốn sách hấp dẫn và hợp thời năm 2008, Ai cập hậu Mubarak Bruce Rutherford của Đại học Colgate đã mô tả chi tiết cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ của tư pháp để khắc họa vai trò độc lập của bản thân nó, ngay cả dưới một nền độc tài quân sự. Những chuyển động gần đây của nền kinh tế theo hướng cởi mở hơn và dựa trên thị trường cũng tạo ra một tầng lớp tinh hoa kinh doanh mới có một vai trò nhất định trong trật tự tự do hiến định.

Tất nhiên cũng có khả năng những cải cách kinh tế ấy sẽ không tiếp tục nữa. Giống như ở nhiều nước, các chính sách hủy bỏ bao cấp và dỡ bỏ các ngành công nghiệp được bảo hộ gây nên nỗi lo âu của công chúng và tạo nên tâm trạng chống đối từ những đầu sỏ chính trị trong kinh doanh (những kẻ này té ra chính là những kẻ đã từng được bảo hộ). Nhưng vì Ai cập cần phát triển kinh tế, nên vận động cơ bản theo hướng tự do hơn cho thị trường sẽ không có khả năng quay ngược. Những chính sách như thế đòi hỏi có những đạo luật và những tòa án tốt hơn, cộng với những cố gắng để xử lý tham nhũng và cải thiện giáo dục. Và với thời gian, chúng sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu độc lập hơn với nhà nước.

Sức hấp dẫn và những hạn chế của Hồi giáo.

Còn lại thách thức thật sự là vai trò của Hồi giáo, của chủ nghĩa chính thống Islamist và Muslim Brotherhood. Hồi giáo có một sức hấp dẫn đặc biệt ở Ai cập và rộng hơn, trong thế giới A rập, nhưng hiểu lý do tại sao là điều quan trọng. Các nhà độc tài thế tục đã cai trị những mảnh đất này nhiều thập kỷ và đã đàn áp man rợ tất cả các hoạt động chính trị. Chỉ có một nơi mà chúng không thể đóng cửa là các nhà thờ Hồi giáo, bởi vậy những nơi đó trở thành trung tâm hoạt động và thảo luận chính trị, và Hồi giáo trở thành tiếng nói đối lập.

Điều này không phải là phủ nhận rằng đối với nhiều người Ai cập, “Hồi giáo là giải pháp” như khẩu hiệu của Muslim Brotherhood tuyên bố. Những nhóm này có một sức cám dỗ trong xã hội Ai cập nói chung bởi vì nó đã bị khủng bố và bị cấm nhiều thập kỷ. Một khi nó phải cạnh tranh trên thị trường tư tưởng, nó có thể thấy rằng, giống như trong nhiều nước Hồi giáo, nhân dân quan tâm nhiều hơn đến vấn đề năng lực của chính phủ, tham nhũng và tăng trưởng hơn là những tuyên bố lớn lối về ý thức hệ.

Những vấn đề thiết thân này đang nằm ở trung tâm các cuộc chống đối không chỉ ở Ai cập mà cả ở Tunisia. Thật hấp dẫn khi được theo dõi cái huyền thoại “đường phố A rập” cuối cùng đã bùng ra một cách tự phát và tự do. Hóa ra không phải nó bị phá hủy bằng quá trình hòa bình Trung Đông hay người Palestin. Người Israel phản ứng với sự náo loạn ở Ai cập bằng tâm trạng lo sợ, họ tin rằng bất kỳ thay đổi nào cũng đều có nghĩa là mất an ninh đối với nước họ. Điều đó đúng đên một mức độ nào đó. Hòa bình giữa Ai cập và Israel chưa bao giờ là giữa hai dân tộc, mà chỉ là giữa hai chế độ của họ. Israel có thể phải tự hỏi nó phải theo đuổi chính sách nào để tạo ra ổn định với một nước Ai cập dân chủ. Khó lòng có thể có thuốc trị bách bệnh, nhưng giá Israel đưa ra cách xử lý mà người Palestin chấp nhận, thì chắc chắn nó sẽ giúp thuyết phục Ai cập rằng Israel không tìm cách áp bức người Palestin.

Thách thức đối với Israel là thách thức đối với Hoa Kỳ. Thái độ chung của công chúng Ai cập đối với Mỹ đã bị đầu độc bởi những năm Washington hậu thuẫn những nhà độc tài và ủng hộ kiên định đối với Israel. Cả Mỹ nữa cũng sẽ phải hỏi nó sẽ phải làm gì để có quan hệ tốt hơn với không chỉ tầng lớp thượng lưu quân sự mà với nhân dân Ai cập. Và nó sẽ phải tránh phản ứng thái quá - giống như ở Israel - chụp cho mọi chuyển động về phía bảo thủ xã hội cái mũ thánh chiến Hồi giáo. Yêu cầu phụ nữ đeo mạng che mặt khác với bảo đàn ông đeo thắt lưng mang bom tự sát. Nếu Mỹ chống lại mọi biểu hiện của lòng mộ đạo, thì nó sẽ thấy bất lực không hiểu được hay làm việc được với một Trung Đông mới, dân chủ hơn.

Khía cạnh thú vị nhất của các cuộc biểu tình ở cả Tunisia và Ai cập là vai trò của Mỹ trong trí tưởng của công chúng sao mà nhỏ bé lu mờ đến thế. Những người trên đường phố chủ yếu không quan tâm đến Mỹ, mặc dầu Obama đã trở thành một tiêu điểm khi đã rõ là ông có thể giúp đẩy Mubarak xuống. Ở Tunisia, Mỹ thậm chí đóng một vai trò còn bé hơn. Theo một nghĩa lạ lùng, điều này có thể là hậu quả của những quan điểm của cả George W. Bush và Obama trong khu vực này. Sau sự kiện 11/9, Bush đã đặt một tầm quan trọng đặc biệt vào vấn đề các nhà độc tài A rập theo một cách làm cho chúng không thể bị lờ đi. Nhưng ông ta đã làm mất uy tín sự nghiệp của ông ta với một chính sách ngoại giao cực kỳ mất lòng dân trong thế giói A rập (chiến tranh Iraq, ủng hộ Israel v.v..). Năm 2005, Mubarak đã có thể làm nhục các nhà hoạt động dân chủ bằng cách chỉ ra rằng họ có lý lẽ ủng hộ chương trình của Mỹ đối với Ai cập.

Obama thì ngược lại, rút lui khỏi vai trò hống hách, xâm lược của Mỹ, khiến cho các nhà dân chủ tự do Ai cập tìm được tiếng nói của họ mà không bị chụp mũ là bị Mỹ giật dây. (thậm chí gần đây đám đông ủng hộ Mubarak còn cảnh cáo rằng “các lực lượng bên ngoài” đang cố làm mất ổn định Ai cập, nhưng nó không có tác dụng.) Thật ra những cuộc biểu tình ở Ai cập, Tunisia, Jordan và nhiều nơi khác đã cộng hưởng với công chúng rộng lớn hơn của thế giới A rập bởi vì chúng xuất hiện từ bên trong, đã lớn lên một cách hữu cơ và quan tâm đến điều kiện sống của người dân thường A rập.

Trong năm thập kỷ Trung Đông đã là nơi nuôi dưỡng một diễn ngôn chính trị dựa trên những hệ tư tưởng lớn. Đối với những người biểu tình Iran, Mỹ không phải chỉ là một nước hay thậm chí một siêu cường mà chỉ là “com quỷ Sa tăng khổng lồ”. Những gì diễn ra ở Tunisia và Ai cập có thể là sự quay trở về một nền chính trị bình thường hơn, được tiếp sức bằng những thực tế của thế giới hiện đại, đã bén rễ trong hoàn cảnh của mỗi nước. Theo nghĩa này, đây có thể là những cuộc cách mạng hậu-HoaKỳ đầu tiên của Trung Đông./.
.
.
.
.
.

No comments: