Sunday, February 6, 2011

BÃO TUYẾT TÂN MÃO VÙI DẬP HOA KỲ (RFI)

Mai Vân và Trọng Nghĩa - RFI phát thanh ngày 20110205
Saturday, February 5, 2011

Bão tuyết Tân Mão tại Mỹ : thiệt hại kinh tế sẽ rất đáng kể 

 Sau trận bão tuyết mùa Noel 2010 nghiêm trọng hiếm thấy, Hoa Kỳ lại bị một đợt thiên tai kinh hoàng từ đầu tuần này, nhất là trong hai ngày 2/2 và 3/2, tức là ngày 30 và mồng 1 Tết âm lịch, khiến cả trăm triệu người bị ảnh hưởng, một phần ba lãnh thổ dìm trong tuyết trắng.

Toàn khu vực Đông Bắc xuống tới các tiểu bang Trung Tây, từ Chicago, New York, cho đến Houston, Las Vegas, nơi nào cũng bị tuyết phủ trong giá lạnh khiến mọi sinh hoạt đều ngưng trệ. Quy mô trận bão tuyết hoành hành trên đất Mỹ ngay trong dịp Nguyên đán Tân Mão ra sao, và hậu quả kinh tế sẽ như thế nào? Từ California, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết thêm chi tiết : 





Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng California của chúng tôi  đã bị giông bão kéo dài mấy tuần trong mùa Giáng Sinh và qua Tết Nguyên Đán thì khí hậu khô ráo dưới nắng ấm rất đẹp nên nhìn qua các tiểu bang khác, chúng tôi cũng mừng là đất Cali này vốn đã bị hoạn nạn về kinh tế nay lại thoát được một trận bão tuyết có kích thước lịch sử của nước Mỹ! 

Số là một trận bão tuyết mà cơ quan khí tượng ước lượng là dài hơn ba ngàn cây số đã ập xuống các tiểu bang trên vùng Đông-Bắc Hoa Kỳ và phủ tuyết xuống suốt khu vực Trung-Tây khiến các tiểu bang miền Nam như Texas hay New Mexico đều nằm dưới tuyết. Bão khởi sự trước ngày Giao thừa, hoành hành mạnh nhất vào Tết Nguyên đán, và có thể kéo dài qua ba ngày Tết!

Nhiều thành phố chưa biết là xúc tuyết rồi thì đổ đi đâu vì đống tuyết mùa Giáng Sinh được vun vào một góc như núi thì vẫn chưa tan! Nhiều tiểu bang thì giật mình vì ngân sách quá eo hẹp cho việc thu dọn nay lại lãnh thêm một số chi phí nặng hơn mọi khoản dự chi... Cho đến đêm mùng một Tết thì có mười mấy người thiệt mạng. Đó là tình hình chung khi tuyết vẫn còn đổ.... 


Tác hại đáng kể của trận bão tuyết 

Việc di chuyển coi như đình đọng, mọi sinh hoạt đều gián đoạn và trong khi mọi người bủn rủn thì lại nghe thông báo là vùng Đông Bắc sẽ còn bị vùi dập trong tuyết cho đến hết tuần! 

Trước hết, các phi trường trong toàn vùng Đông Bắc đều bị đóng băng, khi Chicago lãnh một lượng tuyết chưa từng thấy trong lịch sử; New York cũng phủ tuyết và tuyết kéo xuống miền Nam đến nỗi bà con ta tại Houston cũng ăn Tết trong giá lạnh. Có hơn hai ngàn chuyến bay đã bị hủy khiến các hãng hàng không đang tính nhẩm là bao giờ giải tỏa tắc nghẽn cho hành khách và họ sẽ tốn bao nhiêu tiền. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu các doanh nghiệp hàng không cũng rơi lả tả như tuyết. 

Thứ hai là việc chuyển vận bằng đường bộ như hoả xa hay xe hàng đều bị gián đoạn và gây ngưng trệ cho mọi sinh hoạt, trong khi nhu cầu điện năng và khí đốt để sưởi ấm lại tăng vọt. Một ảnh hưởng đáng kể là khu vực Trung Tây kéo dài từ phía Bắc xuống đến Vịnh Mễ Tây Cơ lại là nơi tập trung nhiều công nghiệp chế biến, nhất là ráp xe hơi. Các ngành này đều bị đình trệ. 

Để tiết kiệm ngân sách, các doanh nghiệp Mỹ giữ mức tồn kho rất khít khao, tức là làm đến đâu thì chuyển phụ tùng vào hãng xưởng đến đó theo một quy trình chặt chẽ. Bây giờ, khi việc vận tải bằng hàng không và đường bộ đều bị cắt đứt hoặc gián đoạn, nhiều hãng xe Mỹ hay Nhật tại sáu tỉnh Trung-Tây, từ Michigan xuống Indiana, Ohio hay North Carolina phải giảm ca lao động và mọi người từ trên xuống dưới đều bị thất thu. 


Thiệt hại ở vùng Trung-Tây, vựa nông sản Mỹ, sẽ gây bất lợi cho thế giới 

Hoa Kỳ đứng đầu về sản lượng ngô bắp, lúa mì và đậu nành cung cấp cho các thị trường thế giới. Năm tiểu bang sản xuất ngô bắp và đậu nành đều tập trung tại khu vực Trung-Tây này, cho nên giao thông gián đoạn có gây trở ngại cho xuất cảng. Giữa cơn bão tuyết, người Mỹ đang tính xem là chu trình bốc dỡ và vận chuyển bị tắc ở đâu trong các ngành phân phối cả nông sản và lương thực. Sau đó thì mới tính đến hậu quả lâu dài trên sản lượng vì thời tiết khắc nghiệt này có thể phương hại đến việc chăn nuôi và trồng trọt. Nhìn trong bối cảnh chung của toàn cầu là nông phẩm và lương thực đang lên giá, trận bão tuyết Tết Tân Mão là điều khá bất lợi cho thiên hạ ở ngoài nước Mỹ. 

Ở bên trong Hoa Kỳ thì từ năng lượng đến bảo hiểm hay ngân sách hàng tỉnh và mọi sinh hoạt thường nhật của dân Mỹ đều lãnh thêm tai họa. Vì bão tuyết chưa lui, người ta chưa thể kiểm điểm được mức tổn thất để tính ra cái giá kinh tế của thiên tai. Chúng ta biết rằng việc duy trì sinh hoạt bình thường và cung cấp tiện ích công cộng là thuộc trách nhiệm và ngân sách tiểu bang nên qua hai trận bão tuyết Giáng Sinh và Nguyên đán thì nhều tiểu bang đang méo mặt vì vừa qua năm mới thì ngân sách đã bị tuyết đánh thủng một lỗ. Thị trưởng Chicago còn lo là bị dân chúng chửi đến vuốt mặt không kịp vì xúc tuyết không kịp. 

Ai cũng nghĩ rằng năm Dần vốn dữ, vừa qua năm Mão mà đã thấy cả triệu người lóp ngóp dưới một thước tuyết trong không khí giá lạnh như vậy thì phải giật mình! Người ta tính ra là 100 triệu người, tức là một phần ba dân số Hoa Kỳ là đang bị ảnh hưởng bởi trận bão tuyết này. 

Nhưng Hoa Kỳ vốn là quốc gia đã quen với thiên tai với kích thước khác thường và cũng có trình độ tổ chức cao nên có lẽ dân Mỹ chỉ xem đó là những bất tiện của đời sống. Truyền thông Mỹ đang theo dõi vụ khủng hoảng tại Ai Cập, còn đa số dân Mỹ đang xem hậu quả của tuyết giá trên một sinh hoạt quan trọng của họ. Đó là giải vô địch bóng bầu dục, trận Super Bowl giữa đội Green Bay Packers của Wisconsin và đội Pittsburgh Steelers của Pennsylvania đua tài trên sân Cowboys Stadium tại thành phố Dallas đang bị tuyết phủ ở Texas. Sẽ có 100 triệu dân Mỹ theo dõi trận đấu qua màn ảnh truyền hình, tức là bằng với số người bị ảnh hưởng của trận bão tuyết. Và muốn có 30 giây quảng cáo  trên truyền hình trong tiết mục hào hứng nhất năm thì ta phải chi chừng ba triệu đô la!

--------------------

TIN LIÊN QUAN :
.
.
.
.

No comments: