Saturday, February 5, 2011

NĂM MÃO NÓI CHUYỆN MÈO (Nguyễn Châu)

NGUYỄN CHÂU 
Thursday, 03 February 2011 10:29

Cali Today News - MÃO là”chi” thứ tư trong thập nhị Địa Chi (tức 12 nhánh hoặc giòng thuộc đất). TÂN là”can” thứ tám trong thập Thiên Can (tức là 10 khu vực thuộc trời). Năm TÂN Mão thuộc Thủy vận, nhưng là”Thủy bất cập”(không đầy đủ), thủy hư nên Thổ khí thừa thế vượng lên lất át, cùng với Hỏa khí hóa thành Thấp. Sách Đông Y gọi là”Hỏa Khí Dụng Sự” biến hóa không ngừng và nhanh chóng. Về thời tiết thì vừa nắng nóng vừa mưa lũ, các núi lửa bừng tỉnh dậy làm rung động địa cầu; về nông nghiệp, giống lúa đen lỗ nhưng không thành hạt (bị xép), các loại đậu và hao quả sinh trưởng muộn, trái mùa, lúa vàng cũng bị mất mùa, vũ trụ và vain vật không tươi nhuận, có phần thiếu sinh khí.
Về phương diện bệnh lý thì thấp nhiệt lan tràn, dễ sinh các bệnh phong lở, đau ở phần hạ thể (long, thận, đầu gối, gót chân); chứng phong chẩn (nổi mày đay, dị ứng) lạm vào trong làm đau bụng, đau vùng ngực, tim.
Thủy suy, nên thổ vượng. Khi Thổ mạnh quá, thì Mộc phục thù gió to, bão lớn đột ngột phát sinh...
Với thời khí này, con người đễ bị chứng mình nặng, phù thũng nhẹ, bụng đầy, da thịt máy giật (thủy chứng), tính khí hay giận...

Tóm lại:
Năm Tân Mão là năm Thổ thịnh, cây cỏ tốt tươi, nhưng vì thủy suy, thủy khí không đầy đủ (bất túc) nên trái, quả không nhiều, phẩm chất không ngon. Năm Tân Mão, Mộc khí sẽ tranh đấu với Thổ khí gây rung chuyển và trôi giạt... có gió to vào cuối các mùa trong năm. Mão thuộc âm Mộc, phương Đông, màu Xanh. Dần là tháng Giêng, đầu xuân, phối với Giáp, dương Mộc, Mão là tháng Hai, trực ở trọng xuân, phối ở Ất là âm mộc. Tân thuộc Mộc. Về số mạng, người tuổi Mão hợp với các tuổi Hợi và Mùi (trong Tam hạp: Hợi/Mão/Mùi); Xung đối với tuổi Sửu (trong Tứ Hành Xung: Thìn<->Tuất, Sửu<->Mùi). Riêng tuổi Tân Mão, mạng tùng bách Mộc, không bị ảnh hưởng bởi vận khí thủy bất cập.
NGÀY ĐẦU NĂM TÂN MÃO (mồng Một Tết), thuộc Hành HỎA, nhiều Hung Thần như: Hoang Vu, Địa Tặc, Hỏa Tai, Nguyệt Sát, Tứ Thời Cô Quả... là một ngày không thuận lợi đối với Việc Xuất Hành Cầu Phúc, Cầu Tài, Khai Trương, chỉ nên đi Chùa, nhà Thờ để cầu nguyện.

Năm Mão và Con Vật Biểu Tượng: Mèo hay Thỏ?
Tử vi Đông phương phát xuất từ Trung Hoa, 12 địa chi có 12 hai con vật tượng trưng: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (cọp, hổ), Thố (thỏ), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (heo). Theo sách”A DICTIONARY OF CHINESE SYMBOLS” của Wolfram Eberhard, nhà xuất bản Routledge, thì con vật thứ tư trong Chu kỳ Hoàng Đạo (Chinese Zodiac) là con Thỏ rừng (Hare) chứ không phải là con mèo:”The hare is the fourth creature in the Chinese Zodiac. It is resident in the moon, juest as a raven is in the sun, and it is there still for everyone to see...” (trg 139). Chữ viết là:(), phát âm là”tu-z”, âm Hán Việt là”thố” Việt hóa thành”thỏ”. Chữ Mão của Việt Nam (có khi đọc là”Mẹo”) bắt nguồn từ tiếng”Mao” của Trung Hoa chỉ con mèo. Trung Hoa đọc là”mao”, tiếng Hán Việt đọc là”miêu”. Theo sách đã dẫn trên đây, thì con thỏ được xem như con mèo ở núi”The mountain cat” is the hare” (sđd, trg 59). Phải chăng đây là nguồn mạch đưa đến sự thay thế con thỏ bằng con mèo trong tử vi đông phương tại Việt Nam? Sự khác nhau giữa hai con vật biểu tượng Thỏ và Mèo trong tử vi Tàu và Việt cần phải đặt ra và tìm hiểu, vì khi căn cứ vào tính tình và cuộc sống của con vật tượng trưng cho tuổi để luận đoán về con người, theo phương pháp loại suy (analogie-analogy) thì thỏ và mèo rất khác nhau về tính chất và về vị trí trong khu vực văn hóa.
Chẳng hạn, đối với người Việt, thỏ là biểu tượng của nhát gan (nhát như thỏ), nói dối (thỏ láo) còn mèo là biểu tượng của ung dung, dịu dàng, sung sướng, nhưng là điềm nghèo khó... vân vân. Trong lúc đó người Tàu rất trân trọng biểu tượng thỏ, xem nó là cư dân của cung trăng... Vấn đề Mèo hay Thỏ này thật khó quyết đoán ngay được vì hiện chưa có tài liệu nào rõ rệt. Vậy thì tạm gác lại để cứ nói chuyện mèo trong năm Mão xem sao. Trước hết cũng nên tìm xem họ hàng nhà mèo đã xuất hiện từ lúc nào trên trái đất, có những đặc điểm và sinh hoạt ra sao, sau đó mới tìm hiểu sự liên quan giữa mèo với đời sống loài người...

Họ Nhà Mèo.- Theo sử sách thì những con mèo đầu tiên đã xuất hiện trên địa cầu vào cuối Nguyên đại Eocene, khoảng 38 triệu năm trước, tại vùng Bắc Mỹ và Eurasia, hình như đã tiến hóa từ loài chồn sơ thủy và giống xạ miêu... (mèo có mùi hôi). Hầu hết loài mèo đều cô độc và dạ hành. Trừ loài sư tử thường được xếp vào các nhóm gọi là đàn (hùng mạnh) và loài báo đốm châu Phi là đi tìm mồi vào ban ngày. Con mồi của họ mèo nói chung, là những động vật khác nhau từ nhỏ như chuột đến những loài ăn cỏ, ăn lá lớn nhất như trâu, nai... Chúng thường bắt mồi bằng cách đứng hay nằm chờ và tấn công một cách nhanh chóng, chớp nhoáng. Các con mồi thường bị giết chết bởi một cú cắn vào phía sau cổ, những con lớn như trâu thì bị cắn vào cuống họng hoặc mũi làm cho ngộp thở. Loài mèo thường có khả năng nghe rõ những âm thanh có tần số cao lên tới 50,000 chu kỳ/một giây hay nhiều hơn thính độ của loài người hai lần. Về thị giác, một thời người ta đã nghĩ rằng loài mèo không có khả năng nhìn màu sắc, nhưng các nghiên cứu từ thập niên 1950 đã cho thấy rằng mèo nuôi trong nhà, ít nhất cũng có một khả năng tri giác nào đó về màu sắc, có khả năng tri giác màu đỏ và màu xanh. Đời sống sinh dục của loài mèo.
- Các họ mèo thân hình nhỏ có thể trưởng thành về mặt sinh dục vào tuổi dưới một năm, còn các họ mèo lớn hơn thì thường không sinh sản hoặc gây giống cho đến khi chúng đạt đến lúc được vài ba tuổi. Nơi họ mèo bé nhỏ, thời gian mang thai là hai tháng và nơi họ mèo lớn là khoảng ba tháng. Mèo đẻ trung bình mỗi ổ hai hoặc ba mèo con, với số giới hạn trong vòng từ một đến tám. Hầu hết các họ mèo đều sống lâu khoảng 15 năm tuổi, nhưng tuổi thọ này cũng thay đổi tùy theo chủng loại và tùy thuộc vào hoàn cảnh sống riêng của mỗi con.

Có Bao Nhiêu Loại Mèo?
Các nhà sinh vật học đã đưa ra nhiều bảng phân loại về họ mèo khác nhau và hiện đang được sử dụng, nhưng qua một bảng phân loại được chấp thuận rộng rãi, thì họ nhà mèo được xem như gồm có 37 chủng loại hiện đang sống tập hợp thành bốn loài (genera) chính; Felis, Panthera, Neofelis và Acinomyx. Theo truyền thống thì giống Felis bao gồm các giống mèo nhỏ có bộ răng 30 cái. (Giống sơn miêu hay mèo rừng (lynx) chỉ có 28 răng nên thường xếp riêng cho loài Lynx). Một giống thuộc họ mèo mà nhiều người biết đến đó là cọp. Có khoảng chín giống mèo được tìm thấy trên địa cầu:
1/ Mèo hoang Âu châu (F. Silvestris) sinh sống tại Âu châu từ Tô Cách Lan đến vùng Tiểu Á ( Asia Minor) và lan tàn đến Bắc Á, giống này không thuần hóa được..
2.- Mèo rừng (Jungle Cat, F. chaus) cũng có thân hình lớn như mèo hoang Âu châu chỉ khác ở chòm lông dài dọc theo đoạn chính giữa lưng. Giống này tìm thấy ở các rừng cây khô ráo và nương rẫy ở Đông Bắc Phi châu và lan tràn đến Á châu và Trung Hoa. Cả hai giống mèo này đều được tin là tổ tiên của giống mèo nhà.
3.- Mèo Kaffir (F. lybica) giống mèo hoang thông thường ở Phi châu, sống khắp nơi trên lục địa, nhất là tại các vùng có nương rẫn và cỏ cao.
4.- Mèo Pallas (F. manul), tai ngắn, lông xám bạc, có vài sọc đen hai bên vùng lưng, sống ở vùng thảo nguyên Siberia, sa mạc Mông cổ, và các vùng đá sỏi khô cằn của Tây Tạng.
5.- Mèo Beo (F. bengalensis): là giống mèo đốm thông thường tại Đông Á châu, rải rác trong các vùng từ phía Đông Tây Bá Lợi Á xuống Nam Mã Lai và Nam Dương (Indonesia), Tây Bangal, đến phía Đông Đài Loan và quần đảo Phi Luật Tân. Giống mèo này cả thân và đầu chỉ dài khoảng 25 inches tức 65 cm. Người Tàu gọi giống mèo này là”Mèo đồng tiền” (Chin oh ien mao) vì những đốm tròn trên thân mèo giống với đồng tiền Trung Hoa...
6.- Mèo bắt cá (Fishing cat) thuộc giống F. viverrina, gốc gác từ Ấn Độ đến Đài Loan và Nam Dương. Chúng thường lui tới trên những bờ kênh, lạch, khe suối, ao hồ để kiếm mồi nuôi sống. Các nhà quan sát nhận thấy rằng giống mèo này sông bằng những thịt của loài thủy tộc có vỏ cứng (loài giáp xác) chứ không phải loài cá theo nghĩa thông thường, đôi khi chúng cũng ăn thịt những con chim nhỏ và một số động vật khác. Loại này lớn, cân năng 25 pounds (11 kilô).
7.- Kim miêu hay Kim Mao (golden cat) thuộc giống F. temminckii, là một loại mèo to lớn tìm thấy ở Nam Á châu từ Trung quốc đến Mã Lai, Nepal và Nam Dương. Giống mèo này thân dài trên dưới 4 feet tức 1 mét 20 kể cả đuôi (18 in. = 45 cm) bộ lông màu vàng kim pha hồng sẩm, đôi khi có những chấm đặc biệt. Giống kim mao sống trong những vùng núi đá và rừng. Mồi của chúng là nai nhỏ, cừu, dê thỉnh thoảng là trâu nghé.
8.- Mèo mướp hay mèo cẩm thạch (marbled cat) thuộc giống F. marmorata, là loại mèo đẹp nhất và nhỏ bé của Á châu, sinh sản trong vùng từ Hi Mã Lạp Sơn (Himalayas) đến Mã Lai và Boeneo. Con vật này có thân dài khoảng 3 feet tức 90 cm kể cả cái đuôi lông xù dài bằng than hình (18 in. = 45 cm). Với bộ lông như cẩm thạch, giống mèo này dễ núp lén trong các khu rừng mà chúnh sing sống.
9.- Mèo hoang Nam Mỹ (Pampas cat) thuộc giống F. Colocolo, cũng còn gọi là mèo rơm, mèo cỏ... tìm thấy ở Nam Mỹ từ phía Nam Patagonia đến Ba Tây và Bolovia. Nó có bộ lông dài, dày và thô cứng, có cái bờm nổi cộm trên sống lưng, cái đầu có vẻ nặng nề, mặt tròn và ngắn, chân cũng thấp, sống ở các vùng đồng bằng nhiều cỏ, lông màu vàng nâu. Những giống mèo kể ra trên đây đều sống tại những nơi hoang dã của thiên nhiên như núi, rừng...
Ngoài chín giống trên, còn có một giống mèo thứ mười đó là mèo nhà hoặc đúng hơn”mèo nuôi trong nhà.”

Mèo Nuôi Trong Nhà (The Domestic Cat).
- Mèo nhà là tiếng thường dùng để chỉ một động vật thuộc loài có vú, nhỏ bé, linh hoạt (agile) và là một trong những con vật được nuôi trong gia đình như là bạn của con người. Mèo nhà đã thích ứng để sống chung với loài người và lệ thuộc con người, nhưng nếu vì một lý do nào đó nó không thể sống cùng con người thì mèo vẫn có thể tồn sinh trong thế giới riêng của loài mèo nghĩa là như mèo hoang, tự tìm lấy cái ăn để sống. Mèo nhà là thành viên nhỏ bé nhất trong họ nhà mèo gồm những thành viên như sư tử, cọp, beo (leopard) và báo đốm Mỹchâu (jaguar). Sở dĩ mèo nhà được liệt vào một họ với sư tử, cọp, beo, mà Mỹ thường gọi là Big Cat, là vì tuy nhỏ bé về thân hình, nhưng về căn bản, các đặc điểm cơ thể và tập tính, mèo nhà đều giống với các thành viên khác trong họ mèo. Người ta ước lượng có khoảng chừng 50 triệu con mèo nhà trên toàn nước Mỹ. Dĩ nhiên là không phải tất cả đều thật sự đang được nuôi trong nhà. Một số nhà nghiên cứu cho rằng không có một giống mèo nào được hoàn toàn thuần hóa cả, mèo có thể trở thành mèo hoang (feral cats) cũng như đã trở thành thú vật nuôi trong nhà sống chung bên cạnh con người. Khi còn ở với người mèo hiền lành nhưng sau khi xa người, trở thành mèo hoang một thời gian, sẽ rất hung dữ.

Con Người Nuôi Mèo Từ Lúc Nào?

Nguồn gốc của mèo nhà được quy chiếu về với thời thượng cổ. Căn cứ vào những cuộc khai quật, các nghiên cứu về các hang động và những nét khắc họa cũng nét viết từ Trung Hoa, Á-rập (Arabia), Ai-cập và Ấn độ... thì mèo được nuôi trong nhà như bạn của con người (pet) đã ít nhất từ 5,000 năm về trước. Tại Ai-cập, mèo được xem là vật thiêng liêng và được bảo vệ bởi luật pháp, do đó tại đây có nhiều mèo hơn bất cứ một nền văn minh nào trước đó hay từ đó. Đã có rất nhiều huyền thoại và truyền thuyết liên quan đến loài mèo. Chẳng hạn, người Ai Cập đồng hóa mèo với nữ thần mặt trăng. Có lẽ là vì mèo có con mắt phản chiếu những hình ảnh kỳ bí...Vào thời Trung cổ, thời điểm mà sự tin tưởng vào ma thuật (witchcraft) đã trở thành phổ thông tại Âu Châu, thì nhiều người tin rằng mèo đen là bạn đồng hành của những tay phù thủy. Hậu quả là mèo thường bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn hoặc bị đốt trong các đống lửa lớn ở ngoài trời... Những tin tưởng dị đoan về mèo vẫn tiếp tục tồn tại một thời gian sau khi mèo được những người đi chinh phục thuộc địa đem theo đến Bắc Mỹ. Khoa học đã dần dần đào thải các tin tưởng dị đoan. Mèo được nuôi trong nhà và năng khiếu bắt chuột, giết chuột của mèo ngày càng được nhìn nhận là hữu ích, cho nên số lượng mèo đã gia tăng nhanh chóng trong quần chúng. Tuy thế, vết tích của mê tín dị đoan liên quan đến mèo ngày nay vẫn còn trong quan niệm rằng trên đường ta đang đi nếu có một con mèo đen chạy ngang qua là điềm xấu.
Tại Hoa Kỳ, đa số những người nuôi mèo đều xem như nuôi con vật bạn hữu (pets), nhưng thực tế, mèo có một giá trị kinh tế rất lớn trong việc ngăn chặn được chuột phá hoại mùa màng. Nhiều nông dân và nhiều người chỉ nuôi mèo nhằm mục đích duy nhất là để trị chuột. Và để phục vụ số lượng mèo nuôi trong nhà, tại Mỹ đã có những cơ sở sản xuất thức ăn cho mèo thu hút khá nhiều nhân công. Trị giá thức ăn của mèo tính vào cuối thập niên 1980 là hơn hai tỉ Mỹ kim/mỗi năm. Ngoài ra còn bao nhiêu thứ cần cho sự chăm sóc mèo cũng đòi hỏi có xí nghiệp sản xuất.

Đặc điểm và Tính Tình của Mèo.
- Mèo nhà khi đúng độ lớn trọnglượng trung bình từ 4 pounds (tức 1.8 kg) đến nhiều nhất là 18 pounds (tức 8.2 kg). Về cấu tạo cơ thể có nhiều sự khác biệt nhau rất rõ. Chẳng hạn, chiều dài của chân, của thân, của đuôi và kích thước của tai. Ngoài ra còn có sự khác biệt tổng hợp như mèo chân lùn với đuôi dài, chân dài đuôi cụt và nhiều thứ khác nữa. Về phân loại các giống mèo thường căn cứ trên những khác biệt này cũng như trên màu sắc và phẩm chất của bộ lông. Những đặc điểm của đầu và mặt cũng thay đổi rất nhiều. Có những con mèo với cái mặt lộn ngược hoặc lõm vào đến nỗi giống như loài chó Bắc Kinh; những con mèo này thường gọi là mang mặt chó Nhật Bản. Trong nhiều loài khác thì khuôn mặt dài và hẹp. Nơi mèo đực (tomcat) trưởng thành cái đầu phát triển rộng hơn nơi mèo cái (cattas) do đó đực hay cái đã phân biệt sẵn rồi. Đời sống trung bình của mèo là từ 10 đến 15 năm nếu không chết yểu vì thươngtích hay bệnh tật. Thỉnh thoảng cũng có một số mèo sống tới trên 20 năm.

Bộ Xương và Bắp Thịt.
- Một trong những phương tiện tốt nhất giúp mèo tồn tại là cấu trúc của bộ xương và bắp thịt. Cách cấu trúc này đã làm cho con vật vô cùng uyển chuyển và mềm dẽo trong các cử động. Cái xương sống rất linh động và hai chân trước có thể xoay một cách tự do ra phía ngoài khớp vai, cho phép mèo chui qua những chỗ rất hẹp và lượn vòng nhờ đó mà mèo thường đáp xuống mặt đất trên bốn chân của nó khi bị rớt từ trên cao. Điều cần nói ở đây là người ta thường nghĩ rằng chính cái đuôi dài của mèo đã điều khiển khả năng đứng thẳng khi rơi xuống đất. Quan điểm này không được chấp nhận vì sự kiện rằng những con mèo cụt đuôi như loài mèo của đảo Manx cũng có cùng khả năng này. Nhờ khả năng này mà loài mèo đã có thể sống sót khi rơi từ các cao độ lớn. Hiện nay, mèo đang là đối tuợng của một số cuộc khảo cứu liên quan đến tình trạng vô trọng lượng (weightlessness). Một cách khá kỳ qúai, các khảo cứu này đã chứng minh rằng dưới những điều kiện vô trọng lượng một con mèo sẽ không thể tự nó điều chỉnh hướng mà sẽ nổi trôi khắp mọi vị trí; trái lại, một con người sẽ tự điều chỉnh hướng của mình bằng phương tiện của thị giác.

Bộ Lông và Màu Sắc.
- Bộ lông mèo có nhiều dạng: có thể có sọc, một màu hoặc tổng hợp nhiều màu, nhiều đường nét hay đốm khoang... Những màu căn bản thường là: mèo mướp (tabby), mèo mun (black), da cam, mai rùa, trắng và mèo Xiêm (Thái Lan). Mèo tam thể là mèo có bộ lông tổng hợp bởi ba màu. Màu sắc của lông mèo đều được quyết định bởi”Gene” và sự di truyền. Mèo mướp thường gọi là”mèo cọp”. Có nhiều loại mèo mướp sọc đen trắng khác nhau: sọc rõ, hẹp và gần nhau, sọc đen có bề rộng trung bình phân biệt với sọc trắng và một loại thứ ba có ít sọc với nhiều đốm vòng. Mèo có lông xanh hoặc màu kem có thể là mèo mướp hay một màu thôi. Bộ lông”mai rùa” còn gọi là mèo hoa (calico) với một tổ hợp những mãng đỏ và đen. Kinh nghiệm cho thấy rằng hầu hết những mèo hoa với lông trắng hoặc không, đều là mèo cái.

Màu Lông và Màu Mắt của Mèo.
- Mắt mèo trong và thường có màu hồng vì ánh sáng phản chiếu từ những mạch máu trong mắt. Nơi một loại mèo khác thì bộ lông trắng, nhưng mắt màu đen lánh. Mắt mèo cũng còn có màu xanh hay lục và thỉnh thoảng một mắt xanh một mắt lục... Mèo trắng, mắt xanh thường là mèo điếc! Chân Mèo.- Mèo bình thường chân có bốn ngón xếp quanh bàn chân hơi tròn, có lông mọc giữa các ngón chân. Móng và vuốt của chân mèo có khả năng thu lại và bung ra, được điều khiển bằng các gân. Khi mèo đùa giỡn thì các móng vuốt sắc bén thu lại nhưng khi mèo chiến đấu thì giương móng vuốt ra. Trên mỗi cẳng chân trước của mèo có một cái ngón phụ, gọi là cái”đeo” một loại móng giả, móng này không đụng mặt đất. Nó có ích trong việc leo trèo. Một số ít mèo có nhiều ngón chân hơn bình thường, tuy vậy không thể gấp đôi số ngón chân trung bình.

Răng Mèo.

- Một đời sống, mèo có hai bộ răng. Bộ thứ nhất, răng tạm (deciduous), 26 cái, mọc ra vào lúc mèo con được hai hay ba tuần tuổi. Khi được ba tháng rưỡi hoặc bốn tháng tuổi, bộ răng tạm rụng hết ra dần dần được thay thế bởi 30 cái răng vĩnh viễn. Bố trí như sau: hàm trên gồm 6 răng cửa (incisors), 2 răng nanh (canines), 6 răng hàm ngoài (premolars) và 2 răng hàm (molars) trong; hàm dưới cũng giống hàm trên chỉ không có hai răng hàm trong mà thôi. Răng nanh mèo nhọn và sắc để có thể cắn xuyên da thịt của loài gậm nhắm tạo nên cái chết nhanh chóng. Răng mèo có cạnh sắc để cắt thịt ra thành miếng nhỏ trước khi nuốt.

Tiếng Kêu.
- Các nhà nghiên cứu đã phân ra ba thứ tiếng mèo kêu: tiếng gừ gừ (purring), tiếng mi-ao và tiếng rít xì dài (hisses). Tiếng Gừ gừ gồm những âm rì rầm và rung chuyển tạo nên khi miệng khép lại. Đây là những tiếng kêu khi mèo thích thú, hưng phấn thần kinh.Tri thức thông thường cho rằng khi mèo kêu gừ gừ là đang thỏa mãn, sự thật thì khi sợ hải chúng cũng gừ gừ... Tiếng Mi-ao là âm thanh căn bản của mèo, khi kêu”mi-ao, mi-ao” miệng mèo mở ra rồi khép lại ngay. Tiếng rít xì dài tạo nên khi miệng mèo há ra và giữ nguyên vị thế. Nói chung, mèo có thể thay đổi các tiếng kêu này như thay đổi ngôn ngữ nơi người (khi nói chuyện). Những tiếng kêu mang âm hưởng than vãn, kêu xin hay gào réo chỉ phát ra từ mèo cái khi các nàng sẵn sàng giao hợp. Mèo đực đáp ứng tiếng kêu, khi nó được lặp lại nhiều lần. Người Âu, Mỹ phiên âm tiếng mèo kêu là”mi-ao, mi-ao”; người Việt thì nghe là”meo... meo”.

Về Cảm Quan.

- Trên nguyên tắc căn bản, mèo là một động vật sống về đêm. Do đó, mắt mèo nhìn rất rõ trong bóng tối. Cấu taọ của mắt mèo với võng mô (retinas) có một số lượng dồi dào những tế bào hình roi là những tế bào cảm quang hoạt động trong ánh sáng mờ nhạt. Trong tối tăm hoàn toàn mèo cũng như các sinh vật khác đều sẽ không thấy được gì cả. Mặc dù bẩm sinh mèo sống trong bóng tối, nhưng mèo vẫn có thể nhìn rõ trong ánh sáng ban ngày. Đồng tử mắt mèo tự điều chỉnh theo ánh sáng nhiều hay ít: trong ánh sáng rực rỡ, đồng tử mắt nhỏ lại và trong ánh sáng lờ mờ, đồng tử mắt nở lớn ra để nhận nhiều hơn. Mèo có thể nhìn rõ trong ánh sáng ban ngày nhưng tầm nhìn chỉ bằng một phần năm tầm nhìn của con người. Mèo có thể phân biệt các hình dạng và có thể nhìn nhận được vài màu sắc chứ không hoàn toàn mù về màu như người ta đã nghĩ trước đây. Tai mèo rất thính, nhạy. Mèo có thể nghe tiếng sột soạt nhẹ của một con chuột trong đám cỏ dày. Sự thính tai này căn bản trên khả năng cảm nhận những sóng âm thanh. Mèo có thể nghe âm thanh cao đến 60,000 chu kỳ trong một giây trong lúc tai người không thể nghe âm thanh trên 20,000 chu kỳ. Mèo có khả năng định vị trí nguồn phát ra âm thanh giỏi hơn chó và người.

Ria hay Râu Mèo.

- Những sợi lông cứng và dài mọc từ môi trên chỉa ngang ra từ hai bên mép gọi là ria mèo. Ria (whirkers) mèo là một bộ phận rất nhạy cảm thuốc xúc giác (touch) giúp cho mèo nhận phản xạ âm thanh và có chức năng giống như cần ăng-ten của mèo. Bằng chứng là những con mèo bị mù với bộ ria toàn vẹn có thể đi qua giữa các đồ vật chướng ngại mà không va vấp vào chúng. Nếu cắt hết ria mép của mèo thì ban đêm nó không có gì giúp để tránh va chạm vào đồ vật. Ngoài ra mèo còn có khứu giác (sense of smell) nhạy bén dùng để săn mồi và tìm đồ ăn. Về vị giác (taste)mèo cũng tương đương với người.
 

Về Thông Minh.
- Hình như mèo được xem như cũng thông minh như chó và một số thú vật nuôi trong nhà nhưng không bằng khỉ và vượn. Ngày nay người ta đã có thể dạy cho mèo một số việc như đã huấn luyện cho chó.
Mèo được dạy nhào lộn, múa, sử dụng keyboard computer, đánh Piano vân vân.

Tập Tính và Cách Hành Xử.

- Mèo sống lang thang khắp nơi. Không giống như các loài thú khác, loài mèo không chiếm lấy riêng một lãnh địa nào, và do đó không chiến đấu để bảo vệ. Nuôi chung trong nhà với chó từ nhỏ, nếu không do người tập tính ác cảm, mèo và chó sẽ đi đôi với nhau rất thích thú và thân thiết. Dường như mèo thích thú được chó đuổi rồi đuổi ngược lại... Người Việt có thành ngữ”sống với nhau như chó với mèo” chỉ những cuộc sống chung không hòa thuận của một số người trong một số gia đình. Khái niệm này bắt nguồn từ chuyện chó với mèo ghét nhau vì sự phân biệt đối xử của chủ nhà, đặc biệt là trong bữa ăn, chó phải ở dưới đất còn mèo thì ngồi trên sạp, trên bàn ăn với chủ.

Mèo Và Chuột, Phải Chăng Kẻ Thù Truyền Kiếp?
 Mèo khởi sự bắt chuột tự lúc nào? Tại sao? Đó là câu hỏi mà nhiều người đã và đang đặt ra nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Người ta thường nghĩ một cách đơn giản mèo và chuột có lẽ là kẻ thù của nhau trong vũ trụ thiên nhiên. Một vài nhà tâm lý học cho rằng trong thiên nhiên, mèo có thể yêu cũng như có thể ghét chuột. Chẳng hạn, trong một số thí nghiêm, khi được nuôi chung từ bé, lớn lên mèo và chuột rất thân thiện, có lẽ vì chuột đã quen một số mùi của mèo. Trong một số thí nghiệm khác, mèo nuôi chung với chuột trắng sẽ chỉ không ăn thịt chuột trắng mà lại bắt chuột đen. Sự đói không có ảnh hưởng gì đến chuyện mèo bắt chuột. Ngoài ra, những con mèo”ăn chay” không ăn thịt những con chuột mà nó bắt được, bản năng bắt chuột không bị ảnh hưởng bởi”ăn chay”. Người ta cũng đã chứng kiến cảnh mèo mẹ đi tha chuột về để dạy cho con tập bắt chuột. Một thí nghiệm khác cho thấy khi nuôi những con mèo con cô lập từ nhỏ đến trưởng thành, một nửa trong số chúng đã biết bắt chuột không cần học tập. Vậy phải chăng mèo sinh ra để bắt chuột?
Tại Hoa Kỳ, đôi khi ngườy ta thấy mèo nhìn chuột một cách thanh bình, không có ý thù hận hoặc muốn bắt chuột. Chưa tìm thấy một thoại hay một truyền thuyết nào giải thích sự kiện này cả. Mèo Trong Văn Hóa và Đời Sống Loài Người Mèo và chó là hai con vật được nuôi và được sống chung dưới cùng một mái nhà với người. Trong xã hội Việt Nam, mèo xem như được nuông chiều hơn chó mặc dầu chủ nhà thường thừa nhận là chó có nhiều công lao và trung thành hơn mèo. Mèo đã đi vào cuộc sống con người trong các lãnh vực văn chương, tín ngưỡng, biểu tượng vân vân. Mèo được sống chung trong nhà với người, nhưng Mèo không có mặt trong cuộc”tranh công của lục súc”. Trong tác phẩm”Lục Súc Tranh Công” (Khuyết danh) chỉ có Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà và Heo. Tại sao cùng là vật nuôi trong nhà mà Mèo không được liệt vào hàng”Súc”?
Muốn hiểu vấn đề cần tìm xem chữ”súc” nghĩa là gì? Từ Điển Hán Việt của Thiều Chửu định nghĩa: Súc là”Giống muông nuôi trong nhà, như: ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn, gọi là lục súc”...(trang 406 sđd). Định nghĩa này không soi sáng được gì mà còn tạo thêm hiểu lầm, vì mèo cũng được nuôi trong nhà! Trong phần mở đầu của”Lục Súc Tranh Công” tác giả đã viết:”Trời hóa sinh muôn vật Đất dong dưỡng mọi loài Giống nào là giống chẳng tài; Người đâu dễ không người nhờ vật. Long chức quản bổ thiên, dục nhật Lân quyền tư giúp thánh, phò thần Quy thông hay thành bại, kiết hung Phụng lảu biết thạnh suy, bỉ thái. Trong trời đất ba ngàn thế giái Đều xưng rằng tứ vật chí linh Nhẫn đến loài lục súc hi sinh Trời cho xuống hộ người dương thế.”
 Căn cứ vào câu”Nhẫn đến loài lục súc hi sinh” tôi thấy rằng sở dĩ Mèo không liệt vào danh sách Lục Súc là vì mèo không phải là con vật nuôi để ăn thịt. Sáu con vật kia đều có thể dùng thịt để ăn khi cần cho nên mới nói”lục súc hi sinh” trong đó có ba con thường dùng trong việc tế lễ, cúng kiến gọi là”tam sanh” gồm heo, gà, dê. Tam sanh có nghĩa là ba con vật phải hi sinh để cho người tế thánh thần.”Lục súc hi sinh” thường gọi tắt là”súc sinh” tức vật nuôi để làm việc và ăn thịt. Về nghĩa bóng”Súc sinh” trở thành từ ngữ hàm ý miệt thị, hóa kiếp con người trong hiện tiền thành con vật.

Mèo Trong Văn Chương.
-Văn chương bình dân và văn chương bác học đều có một số đề tài liên quan đến Mèo.

1/ Trong Ca Dao: có khá nhiều câu rất dí dõm:
Nói về xích mích giữa chó với mèo:
-Con mèo trèo lên cây vông,
Con chó đứng dưới ngó mông con mèo
Mèo rằng:”Sao chó chẳng theo?
Lên đây mèo sẽ dạy leo cho mà!”
(Vì vậy mà Mèo hay bị chó rượt, do chó tìm cách trả đũa) Nói về mối thù giữa mèo với chuột:
-”Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo!”
Nói về tính khí tự đắc:
-”Mèo nằm bồ lúa vĩnh râu
Thấy con chuột chạy ngóc đầu kêu ngao...”
Nói bóng gió về nỗi oan tình thường xảy ra trong đời:
“Con mèo đập bể nồi rang
Con chó chạy lại phải mang lấy đòn.”
Những câu hát vui, chuyên chở một sự đương nhiên:
“Con mèo, con mẻo, con meo
Muốn ăn thịt chuột, phải leo xà nhà.
Hoặc nói về nếp sống hằng ngày của mèo:
“Con mèo nằm bếp ro ro (+co ro?)
Ít ăn, nên mới ít lo, ít làm...
Về tính nết:
“Tuổi Mẹo là con mèo ngao
Hay quấu hay cào, ăn vụng quá tinh
hoặc mỉa mai:
“Mèo nào mèo lại ăn than
Bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên”

2/ Trong Sấm Trạng Trình:

“Chuột sa chỉnh gạo nằm chơi
Trâu cày ngóc lại chào đời bước ra
Hùm gầm khắp nẻo gần xa
Mèo kêu rộn tiếng quỷ ma tơi bời
Rồng bay năm vẻ sáng ngời
Rắn qua sửa soạn hết đời sa tăng
Ngựa lồng quỷ mới nhăn răng....
Câu sấm trên đây, thiền sư Đại Lãng đã phiếm luận như sau:”Năm Tý (2008) là năm kinh tế dồi dào, chuột rơi vào gạo tức là no ấm, sung túc. Năm Sửu (2009) trâu cày lại bước ra chào đời chỉ sự vất vả lam lủ của năm mà kinh tế Á châu bị khủng hoảng trầm trọng, vì chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế khắp toàn cầu! Riêng Á châu là nơi có nhiều trâu đã phải cày cấy rất nhọc nhằn. Trâu làm việc nhiều mà không đủ cỏ, rơm để ăn, nên bị bệnh lỡ mồm, long móng.
Năm Dần (2010)”Hùm gầm khắp nẻo gần xa” vì những con cọp kinh tế Á châu đang bị vây trong vòng khủng hoảng trầm trọng của kinh tế tài chánh, đang lớn tiếng kêu cứu một cách khẩn thiết... các nước trên thế giới viện trợ. Riêng tại rừng chính trị Việt Nam, những con hùm một thời làm chủ sơn lâm như Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (nguyên Đại sứ CS Việt Nam tại Bắc Kinh), cựu phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình vân vân, như đang gầm rú đòi phá hủy chế độ xã hội đã và đang gây tàn hại đất nước, từ núi rừng, đến sông biển (họ đòi ngưng khai thác Bâu Xít ở Cao Nguyên Trung Việt, ngưng cho thuê Rừng Đầu Nguồn vân vân). Trong tất cả những tiếng gầm của những cựu đảng viên CS nhiều tuổi đảng nhất, tiếng gầm của Trần Độ trước đó đã gây tác động mạnh nhất về tư tưởng làm cho quỷ đỏ, ma mảnh phải tơi bời không chống nhưng khó đỡ nổi. Năm 2011”Mèo kêu rộn tiếng quỷ ma tơi bời” ý nói năm Tân Mão này với các phong trào chống đối nổ ra khắp nơi, CS Việt Nam sẽ te tua vì phải đối phó với những cao thủ chính trị cùng với áp lực đòi nhân quyền, đòi Dân Chủ từ quốc nội đến hải ngoại...
Suốt năm con mèo CS sẽ vô cùng khốn nguy vì các cuộc chống đối của trí thức và tôn giáo tại quốc nội. Đến đây người ta nhớ lại câu sấm:
“Mèo ngoao cắn cổ ông thầy,
ông thầy bắt được cả bầy mèo ngoao!” của năm Quý Mão (1963).
Cho đến năm Thìn (2012),”Rồng bay năm vẻ sáng ngời” tức là rồng năm sắc sẽ bay về với chính nghĩa quốc gia ngời sáng trời Đông, chuẩn bị cho năm Tị” Rắn qua sửa soạn hết đời sa tăng” tức là quỷ ở Địa Ngục đỏ hấp hối, khắc khoải... cho đến năm Ngọ (2014)”Ngựa lồng” đạp cho quỷ nhăn răng mà chết. Chế độ cộng sản chấm dứt...”
Theo Đại Lãng thiền sư thì tuy Sấm Trạng Trình áp dụng để đoán thời cuộc”tam bách niên tiền và tam bách niên hậu” nhưng vì lịch sử có những chu kỳ tái diễn, nên những câu sấm này chắc có thể đúng một lần nữa. Quý vị có tin như thế không? Nếu có hãy cầu anh linh tiền nhân hộ trì.

3/ Mèo Trong Chuyện Trạng Quỳnh.
- Chuyện:”Đánh Cắp Mèo Của Vua”:”Vua Lê có một con mèo rất quý. Vua cho làm một cái xích bằng vàng để buộc mèo. Hằng ngày mèo vua thường ăn toàn cao lương mỹ vị. Một hôm vào cung vua, nhân lúc vắng người, Quỳnh liền ôm con mèo ấy về nhà. Quỳnh bỏ cái xích bằng vàng đi, thay bằng một sợi giây chuối. Đến bữa ăn, Quỳnh đặt trước con mèo, một bên là bát cơm rau muối, một bên là bát thịt cá. Hễ con mèo bước đến bát thịt cá là Quỳnh cầm roi vụt. Ngày nào cũng thế, bữa nào cũng thế, mèo đói quá đành phải ăn bát cơm rau muối. Được rèn luyện như thế chừng mươi hôm, thì khi mèo đứng trước hai bát cơm rau muối và thịt cá, con mèo cứ cơm rau muối mà ăn. Một hôm, vua Lê cho gọi Quỳnh vào cung và phán rằng:
-”Ta nghe nói nhà ngươi có con mèo giống như con mèo của ta đã mất, vậy ngươi mang con mèo đó vào cho ta xem thử có phải mèo của ta không?” Quỳnh về mang mèo vào cho vua xem. Vua nhận ra đó là con mèo mà vua đã mất. Quỳnh tâu rằng: Ẳ Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ muốn biết con mèo là của bệ hạ hay của hạ thần, xin bệ hạ cho thử. Mèo của hạ thầmn là mèo của nhà nghèo, nó chỉ quen ăn cơm rau, cơm muối. Mèo của bệ hạ là mèo của nơi tôn quý, quenă cao lương mỹ vị. Bệ hạ cho đặt trước con mèo này một bát cơm rau muối và một bát cơm thịt cá, nếu mèo ăn bát thịt cá thì đó là mèo của bệ hạ, trái lại nó ăn bát cơm rau muối, thì đó làmèo của thần”. Vua Lê nghe lời, cho để hai bát thức ăn như thế ở trước con mèo. Quả nhiên con mèo chỉ ăn bát cơm rau. Quỳnh cười chỉ vào mèo, nói: -”Tâu bệ hạ, đó là mèo của nhà nghèo.” Thế là vua đành phải để Quỳnh ôm con mèo quý về nhà. (theo Việt Nam Văn Học Toàn Thư - Hoàng Trọng Miên)
Các nhà phân tích cho rằng câu chuyện trên đây mượn cớ con mèo để nói lên ý thức phản kháng đối với chế độ quân chủ, nói lên sự tranh chấp đấu trí của hai lớp người trong xã hội. Thật ra, không phải chỉ có khía cạnh xã hội được bao hàm trong câu chuyện này. Nó còn một khía cạnh khoa học nữa. Đó là kinh nghiệm về”hành động theo phản xạ có điều kiện” (réflexe conditionné) như trong thí nghiệm sinh vật học của nhà khoa học người Nga, thế kỷ 19, ông Pavlov. Pavlov đã thí nghiệm với con chó: cứ mỗi lần cho ăn, đánh một tiếng chuông, sau nhiều ngày, phản ứng của chó khi ăn liên kết với tiếng chuông. Do đó, sau này, mỗi lần nghe tiếng chuông là dịch vị trong miệng và dạ dày chó tiết ra, dù không có đồ ăn trước mặt. Trường hợp con mèo mà Trạng Quỳnh luyện tập cũng vậy: việc bước tới bát cá cơm liên kết với sự đau đớn do roi vụt, cho nên cứ nghe tiếng roi vụt là phải tránh xa bát cơm có cá thịt. Như thế là vào thế kỷ thứ 18, trạng Quỳnh của Việt Nam đã có kinh nghiệm về”phản xạ có điều kiện” để áp dụng mà huấn luyện con mèo của vua thành mèo nhà nghèo. Chỉ tiếc là sự kiện này vẫn nằm trong tri thức thường nghiệm (connaissance empirique), không có công trình hay sáng kiến để biến nó thành khoa học thực nghiệm (expérimentale) như tại Âu Mỹ!

4/ Mèo Trong Truyện Kiều.
- Chữ”mèo” chỉ xuất hiện một lần trong thành ngữ”mèo mả gà đồng”:”Con này chẳng phải thiện nhân; Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng; Ra tuồng mèo mả gà đồng...” (cc 1729-1731)”Mèo mả gà đồng” ám chỉ những mèo hoang, lang thang trong nghĩa địa, sống quanh các mồ mả, gà rừng sống ở ngoài đồng, ý chỉ những người không có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, con gái, đàn bà bất chính...

5/ Mèo và Người:
- Người Mèo: Là một trong các sắc dân thiểu số tại vùng thượng du miền Bắc Việt Nam từ biên giới Trung Quốc xuống gần lưu vực phía bắc sông Gianh, như: Nùng, Thổ, Mán, Lô Lô, Mèo, Khả, Lư, Phủ-nội, Thái, Mường...
- Mèo hai chân.
- Một người đàn bà tự trang điểm làm cho mình trở nên hấp dẫn để quyến rũ những người đàn ông hiếu sắc, tỏ ra khao khát yêu đương, thích được vuốt ve, âu yếm... thường bị xem như một”con mèo đen” ma mảnh, có sức thu hút kỳ diệu.”Có mèo” hay”theo mèo” là từ ngữ chỉ một người đàn ông có gia đình bị rơi vào vòng tình ái với một người nữ đầy sức quyến rũ. Đây chính là loại”mèo hai chân” Người đàn bà có sức quyến rũ về thể xác và tâm hồn, bằng lòng ăn ở không chính thức với một người đàn ông có gia đình, được gọi là”mèo.” Nguyên do từ đâu? Về mặt phân tích tâm lý, có thể tạm giải thích bằng những nguyên cớ sau đây:
a/ Về cử chỉ và cung cách:”Cô Mèo” thường dịu dàng, ngoan ngoản, thuần phục... như dáng điệu con mèo khi được vuốt ve, âu yếm... mắt nhìn”tình tứ” xuyên suốt, tiếng kêu nhỏ nũng nịu, rên rỉ, khi được vuốt ve, thân hình mềm ra... đây là những yếu tố tâm lý có khả năng lôi cuốn lòng ái dục nơi nam giới... nhất là những người đầy”anh hùng tính,” ưa chiều chuộng...
b/ Tính cách hấp dẫn của sự vụng trộm, thầm lén và sự đuổi bắt (mèo-chuột),”mèo” là đối tượng, tuy có thể chiếm hữu, nhưng vẫn không thể sở hữu vô điều kiện như vợ ở nhà được, cho nên vẫn phải cần sự chinh phục...
Vợ thì khó mất, vì người vợ chỉ bỏ chồng khi đã cố gắng hết sức mà vô phương cứu chữa. Trái lại,”mèo” thay”kép”, đổi chủ là chuyện có thể xẩy ra trong giây phút và rất nhanh chóng, nhẹ nhàng! Đây chính là tác động ma quái làm cho nhiều người đàn ông bị hóa thân biến thành con chuột thú vị và tội nghiệp trước móng vuốt nhung êm của loại mèo hai chân này... Đây là loài mèo không bắt chuột nhưng lại thường gây đổ vỡ cho bao trong gia đình...chẳng may gặp người chồng ưa mèo-mỡ. 

6/ Mèo Trong Ngôn Ngữ.
- Hình tượng”mèo” đã xuất hiện trong ngôn ngữ loài người có lẽ vì mèo sống gần gũi với người nhiều hơn các vật khác. Trong các thành ngữ người ta đã nhân cách hoá mèo để qua mèo nói về những hành vi cử chỉ của con người. Chẳng hạn:”mèo khen mèo dài đuôi” là ám chỉ những người khoe khoang khoác lác về bản thân mình;”mèo nào cắn mĩu nào” ý nói chưa biết ai sẽ thiệt hại trong một cuộc tranh chấp;”như mèo thấy mỡ” chỉ sự khao khát thèm thuồng biểu lộ rõ rệt của con trai khi thấy con gái đẹp;”mèo mỡ” là từ ngữ chỉ sự ham thích tình dục ngoài hôn nhân...;”trò mèo chuột” chỉ cuộc đuổi bắt, trốn tìm trong đó có sự thiếu sòng phẳng...”Như Mèo giấu cứt” chỉ sự kín đáo về chuyện riêng tư.
Mèo Mà Chẳng Phải Mèo! Đó là những đồ vật hay sinh vật có tên ghép với Mèo. Chẳng hạn: cú Mèo, nấm Mèo, mắt Mèo... Trong tiếng Anh có rất nhiều tiếng ghép với chữ”cat” như: Cat-block (dây kéo neo tàu thủy); Cat-burglar (trộm leo tường); Cat-eyed; Cat-fish; Cat-harpings (thừng buộc buồm với nhau); Cat-head (bộ phận móc neo tàu); Cat-hole (lỗ thả neo); Cat-lap (Rượu nhạt, trà loãng); Catnap (giấc ngủ trưa ngắn)...v...v.
Thành Ngữ có chữ”mèo”
“Mèo già hóa cáo
Mèo khen mèo dài đuôi
Mèo mù vớ cá rán
Trò mèo chuột
Chuột khóc mèo
Chó treo, mèo đậy
Chó chết, mèo le lưỡi
Mèo mả gà đồng
Nam thực như hổ, nữ thực như miêu
Như mèo thấy mỡ
“Chưa biết mèo nào cắn miễu nào”
Đem chuông đi buộc cổ mèo (Ngụ ngôn Lafontaine”Hội Đồng Chuột”)
Mèo Vạc (địa danh) tên một huyện ở tỉnh Hà Giang, Bắc Việt Nam.
Râu Mèo: một loại dược thảo, còn gọi là”bông bạc” tên khoa học là Orthsiphon Stamineus. Tính mát, vị ngọt (hơi ngọt thôi), có tác dụng: lợi tiểu, giải độc, làm mát huyết, thông tiểu tiện trong bệnh sỏi túi mật, chữa sốt phát ban, cúm, tê thấp, phù thũng, viêm gan vàng da. Dùng lá, ngọn và hoa khô hãm với nước sôi. Mỗi ngày dùng từ 16 tới 40 gam, hãm trong 1/2 lít nước sôi khoảng 10 phút. Chia làm hai, uống trước bữa ăn 20 hoặc 30 phút, uống nóng.

7/ Một vài tin tưởng dân gian liên quan đến Mèo:
a/.- Mèo đem lại điềm xấu: Mèo lạ đem theo bầy con vào nhà mình là một dấu hiệu rất xấu: dù là chúng chỉ vào nhà mà thôi cũng là một điềm báo trước sự nghèo khó. Tại sao? Người ta giải thích rằng: vì con mèo biết rằng có nhiều chuột đang xâm nhập vào nhà đó để ăn, để cắn làm cho gia đình đó phải tan gia bại sản (out of house and home). Nhà nghèo thường nhiều chuột. Dân gian Việt Nam cũng tin rằng”Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang!”
b/.- Mèo là con vật mà các bà mẹ dùng để dọa trẻ con:”Nếu không đi ngủ mèo sẽ đến tha đi.” Và thường giả làm tiếng mèo kêu”ngao ngao” để hù trẻ không chịu ngủ.
c/.- Mèo linh (Linh miêu): Người Trung Hoa cho rằng, mèo có cặp mắt rất tinh nên nó có thể thấy được các linh hồn trong bóng tối. Tại tỉnh Zhejiang, mèo trắng không bao giờ được nuôi, là vì chúng trèo lên mái nhà vào ban đêm và trộm hết ánh trăng; chúng cũng có thể biến thành những hồn ma tinh quá, tai hại. Chính vì lý do này mà người ta không bao giờ chôn những con mèo chết, sợ chúng sẽ hóa thành những con quỷ. Để bảo đảm sự an toàn, người ta treo xác mèo chết lên cành cây. Tại Đài Loan, hiện nay thỉnh thoảng người ta vẫn còn thấy những cây có treo từng dãi xác mèo chết lủng lẳng trên các cành..
d/.- Mèo làm người chết sống lại: Người ta cũng tin rằng, nếu một con mèo, nhất là mèo đen (mèo mực) nhảy ngang qua quan tài (hòm người chết) thi thể sẽ sống lại và trở thành quỷ ám ảnh trong vùng...Dân gian Việt Nam thường gọi hiện tượng này là”quỷ nhập tràng.” Để trừ”quỷ nhập tràng” ngoài việc tìm cách ngăn chặn mèo ngảy qua cơ thể người mới chết, người ta còn để một con dao phay dưới gối người chết. Hiện tượng mèo mực nhảy qua xác người mới chết làm cho xác đứng bật dậy được một số người giải thích bằng hấp lực của điện từ nơi mèo và nơi người. Mèo mực được xem là có điện từ mạnh có thể hút làm xác chết chuyển động. Do đó, con dao là vật bằng thép sẽ thu hết từ điện mà cơ thể mèo phát ra để không còn sức tác dụng vào người chết(?). Tại Âu, Mỹ, con mèo mực thường đi đôi với các mụ phù thủy hung ác. Nó là tay sai của phù thủy.
e/.- Mèo mực đối với Người Ai cập và Người Anh Cát Lợi Tại Ai Cập, từ xưa, tất cả các loại mèo đều rất được quí trọng, nhất là mèo mực. Mèo lông đen tuyền được xem là biểu tượng thiêng liêng của Chúa JSIS qua huyền thoại kể rằng: mèo mực là tướng tinh của nàng BEST ái nữ cưng quý của JSIS. Nếu ai vô tình giết chết một con mèo bị coi như xúc phạm đến sự thiêng liêng cao quý, kẻ đó phải đền tội, bị phạt khổ hình cho đến khi tắt thở. Người Ai Cập tin rằng gặp được mèo mực ở bất cứ nơi nào họ đều được may mắn. Khi được mèo đen đem nhau đến cho, họ tưởng như sống thêm trăm tuổi. Người Ai Cập lấy nhau mèo sấy khô trộn với trầm hương đem đến nhgĩa địa Mèo và dâng cúng trước bàn thờ của BEST. Nhau mèo sẽ đem lại cho họ sự may mắn về tiền bạc và tình ái. Chuyện nhau mèo đem lại giàu sang cũng được một số ít người Việt tin là có thật. Trái với người Ai Cập, người Anh Cát Lợi xem mèo mực là điềm xui xẻo. Họ cho rằng mèo mực là biểu tượng của ác độc nham hiểm vì nó là phù thủy hóa thân. Quan niệm này có từ thời trung cổ, nhưng ngày nay nhiều người vẫn ghê sợ mèo đen. Người ta đã truyền tụng câu chuyện ở tỉnh Lincolshire kể rằng có hai cha con một nhà nọ thấy một con mèo đen to lớn và kỳ dị, cho đó là mụ phù thủy độc ác hóa ra, liền hô hoán mọi người giết chết nó. Quả nhiên sau khi mèo bị đập chết, mụ phù thủy hung tợn đã hiện nguyên hình mắt lộ như mắt mèo, răng nanh nhọn hoắt... f) Mèo Tam Thể đem lại may mắn, thịnh vượng

8/ Mèo Trong Văn Hóa Trung Hoa (theo A Dictionary Of Chinese Symbols

- Hidden Symbols in Chinese Life & Thought/ Wolfram Eberhard) Mèo - Tiếng Tàu phát âm là”MAO”, âm Hán Việt đọc là”Miêu” chẳng hạn trong truyện”Ly Miêu Hoán Chúa” (Truyện tích”Bao Công Xử Án Quách Hòe”)

Một vài ý nghĩa tượng trưng:

Mèo được tượng trưng cho sự”sống lâu”, bởi vì”mèo” chữ Hán là”miêu”, người Tàu phát âm là”máo” gần giống với tiếng”mạo” có nghĩa là”cụ già 90 tuổi”. Cách phát âm chữ”Mao” trong tiếng Trung Hoa nghe giống như chữ”Lão” (octogenarian). Sự trường thọ cũng được tượng trưng bằng hình con bướm. Bướm, chữ Hán là”hồ điệp”, người Tàu phát âm chữ”điệp” gần giống với tiếng”điệt” có nghĩa là”ông già 80 tuổi”. Do đó, khi người Tàu vẽ một bức tranh trong đó có những con mèo và những con bướm là hàm ý chúc người nhận tranh sống thọ từ 80 đến 90 tuổi.
Bức tranh vẽ một con mèo với cây mẫu đơn (plum, TH đọc là”Mei”, đồng âm với”Mei” có nghĩa là”mỗi, một, mãi mãi (each, every, always) và một bụi tre. Tre tiếng Trung Hoa đọc là”Zhu” (âm Hán Việt là”Trúc”),”Zhu” đồng âm với”Chúc” (wish, pray), tượng trưng cho một lời chúc tụng về trường thọ với ý nghĩa”Trong mọi lúc chúng tôi xin chúc rằng ông bà sẽ sống đến tuổi chín muồi”.

 Nói tóm lại, từ xưa nhiều người đã tin rằng loài mèo có một năng lực quỷ quái (demoniac), biến hóa (demonic). Loài người đã thuần hóa Mèo và nuôi trong nhà, lúc đầu có lẽ là nhằm mục đích dùng vào việc bắt chuột, dần dần vì”tính tình dễ thương” mèo được xem như bạn, được nuông chiều... và từ đó nhiều người nuôi mèo để cho có bạn những lúc cô quạnh. Mèo dễ thương, hiền lành nhưng bản chất của mèo thuộc loài ăn thịt nên khi mèo tức giận thì móng sắc vuốt nhọn sẽ dương ra. Cho nên chơi với mèo, nên nhớ lời nhắn nhủ của thi sĩ Jane Taylor trong bài thơ”I Like Little Pussy”:”I like little Pussy, her coat is so warm, And if I don't hurt her, she'll do no harm.” Trong cuộc sống chắc loại mèo nào cũng như thế chỉ hiền với người tử tế... Chuyện Mèo thì nói mấy cho vừa, cho nên một vài điều bàn bạc tổng quát để quý vị đọc cho vui nhân đầu năm Mão.

NGUYỄN CHÂU 
.
.
.

No comments: