Monday, February 14, 2011

MỘT CƠ HỘI MỚI CHO VIỆT NAM ? (Thông Luận)

Thông Luận
Đăng ngày 14/02/2011 lúc 03:21:19 EST

Những biến cố đã làm sụp đổ các chế độ độc tài Tunisia và Ai Cập và đang tràn sang các nước lân cận không khỏi khiến nhiều người tự hỏi phải chăng đây là một cơ hội mới cho Việt Nam?

Những gì vừa xảy ra ít nhất cũng chứng minh một điều mà chúng ta không bao giờ nhắc lại đủ về một đặc tính chung của mọi chế độ độc tài bạo ngược, đó là cho tới ngay trước khi sắp sụp đổ chúng vẫn tỏ ra rất vững vàng. Cách đây hai tháng có ai nghĩ rằng các các chế độ Ben Ali và Mubarak có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy?
Kết luận quan trọng cần rút ra từ những biến cố này là không nên vì thấy các chế độ bạo ngược có vẻ vững vàng mà mất lòng tin. Chúng là những chế độ bệnh hoạn và có thể chết một cách rất đột ngột.
Tuy nhiên sẽ là một sự lạc quan ngây thơ nếu hy vọng rằng tình hình Việt Nam sẽ biến chuyển nhanh chóng chỉ vì tác động dây chuyền. Hơn hai mươi năm trước, khi cả khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ cùng với bức tường Berlin, chúng ta còn có nhiều lý do gấp bội để tin rằng chế độ cộng sản Việt Nam sẽ cáo chung, nhưng nó đã trụ được. Phải hiểu ý nghĩa sâu xa của các biến cố đã và đang xảy ra mới có thể biết chúng có khả năng tạo ra một cơ hội cho Việt Nam hay không và nếu có phải khai thác nó như thế nào.

Các biến cố này mở đầu một làn sóng dân chủ mới. Thế giới đã chứng kiến ba làn sóng dân chủ trên thế giới, mỗi lần là kết quả của một tư tưởng chính trị đã chín muồi và nhắm san bằng một trở ngại trên lộ trình của các dân tộc về tự do và dân chủ.

Làn sóng thứ nhất, với hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp cuối thế kỷ 18 đã nhắm đánh đổ các chế độ quân chủ thần quyền; nó kéo dài tới đầu thế kỷ 20 với kết quả là đã buộc các chế độ quân chủ châu Âu phải từ bỏ thực quyền, đã làm sụp đổ đế quốc Ottoman và các chế độ quân chủ tại Nga và Trung Quốc.

Làn sóng dân chủ thứ hai bắt đầu cùng với Thế Chiến II nhắm tiêu diệt các chủ nghĩa dân tộc sô vanh, với kết quả cả ba nước Đức, Ý, Nhật và nhiều nước khác trở thành dân chủ.

Làn sóng dân chủ thứ ba, khởi đầu năm 1974 nhắm loại bỏ các chế độ độc tài sống nhờ chiến tranh lạnh; nó bắt đầu bằng cách đánh đổ các chế độ độc tài cánh hữu dựa vào chiêu bài chống cộng tại Bồ Đào Nha, Tây Ba Nha, Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc, Hy Lạp, một số nước Nam Mỹ và Châu Phi; sau cùng làm sụp đổ hầu hết mọi chế độ cộng sản.

Làn sóng dân chủ thứ tư vừa bắt đầu sẽ nhắm loại bỏ các chế độ độc tài mở cửa về kinh tế. Nó bắt đầu tại những nước Hồi Giáo Ả Rập bởi vì đó là những nước chín muồi nhất cho một sự thay đổi chế độ. Tham nhũng và cướp đoạt đã đạt tới mức tột cùng, đồng thời vấn đề đưa Hồi Giáo về đúng vị trí của một tôn giáo đáng lẽ đã phải giải quyết từ lâu vẫn chưa được giải quyết. Giai đoạn mở đầu này có thể kéo dài một hai năm, sau đó sẽ đến lượt Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta quả là có một cơ hội và cũng có thì giờ để chuẩn bị cho cơ hội đó.

Nhưng chuẩn bị như thế nào? Nếu quan sát mọi cuộc cách mạng trên thế giới chúng ta đều thấy là có bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng:
- sự vô lý của chế độ được phơi bày rõ rệt và toàn dân muốn thay đổi;
- sự ruỗng nát và phân hóa vì mất lý tưởng và chính nghĩa của đảng cầm quyền;
- đồng thuận dân tộc trên một chế độ mới và một dự án quốc gia mới;
- sau cùng là một tổ chức mạnh để tập trung và thực hiện những nguyện vọng đổi đời.
Có đủ bốn điều kiện đó thì một cuộc cách mạng chắc chắn sẽ xảy ra.

Chúng ta đã có hai điều kiện đầu và cũng gần như có điều kiện thứ ba. Điều mà chúng ta thiếu, cũng là điều không thể thiếu để có thay đổi chế độ, đó là một tổ chức dân chủ mạnh. Tổ chức dân chủ này phải được xây dựng song song với cố gắng hình thành các tổ chức chính trị và phi chính trị không lệ thuộc chính quyền cộng sản, nghĩa là cố gắng xây dựng xã hội dân sự. Chúng ta có thời giờ để đáp ứng điều kiện bắt buộc này, nhưng không nhiều. Và một cơ hội chỉ thực sự là một cơ hội cho những ai đã chuẩn bị để chờ đợi nó.

Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội rất lớn khi bức tường Berlin sụp đổ, đừng để thành tích đáng buồn này lặp lại.

Thông Luận
Thông Luận số 255, tháng 02/2011
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: