Đức Tâm - RFI
Thứ hai 21 Tháng Hai 2011
Liệu làn sóng biểu tình của người dân chống lại những chế độ chuyên quyền, độc đoán tại Bắc Phi và Trung Đông có lây lan sang Trung Quốc và dẫn tới sự sụp đổ của chế độ hay không ?
Đối với nhiều nhà phân tích ngoại quốc, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc thì câu trả lời là không – hay thận trọng hơn – thì chưa thể xẩy ra vào lúc này.
Nhìn vào mức độ phản ứng, triển khai lực lượng công an ngày hôm qua, 20/02/2011, tại 13 thành phố, do có một thông điệp trên internet kêu gọi người dân biểu tình, noi gương Cách mạng Hoa Nhài, giới quan sát nhấn mạnh : Bắc Kinh sẵn sàng bóp chết từ trong trứng mọi ý đồ nổi dậy.
Có thể nói, đảng Cộng sản Trung Quốc đã rút ra những bài học trong cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989. Vào thời điểm đó, gần như mọi hoạt động ở thủ đô bị tê liệt và cuối cùng, Bắc Kinh phải điều động quân đội đến trấn áp dìm cuộc biểu tình trong biển máu.
Nếu nhìn vào hiện tượng, thì hầu như tất cả những yếu tố mầm mống dẫn đến những cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập đều có tại Trung Quốc : chế độ chuyên quyền độc đoán trấn áp giới ly khai, nạn tham nhũng, gia đình trị, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng tăng, đời sống đắt đỏ, giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao. Hơn nữa, gần một nửa tỷ người Trung Quốc tiếp cận, sử dụng internet.
Thế nhưng, ông Perry Link, thuộc đại học California, Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn, lại không cho rằng Trung Quốc sẽ là quân bài domino bị sụp đổ trong thời gian tới.
Đối với chuyên gia Daniel Bell, đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh thì đúng là tại Trung Quốc có một mong muốn mở cửa hơn nữa ra bên ngoài, tự do ngôn luận, công lý, thế nhưng, đó không phải là mong muốn làm cách mạng giống như ở Trung Đông. Đồng thời, xã hội Trung Quốc lại có những cơ hội mà ở Trung Đông thì thiếu vắng.
Nhà xã hội học Jean Louis Rocca, cũng thuộc đại học Thanh Hoa, bổ sung : tình hình tại Trung Quốc không giống như bên Trung Đông, « ở đây, sự ủng hộ đối với chế độ rất cao, cho dù người dân không hài lòng. Ở đây không có ý muốn thay đổi chế độ ».
Trong ba thập niên cải cách và phát triển kinh tế một cách ngoạn mục, chính quyền đã đưa được hàng trăm triệu dân thoát ra khỏi cảnh đói nghèo và làm xuất hiện một tầng lớp trung lưu hàng trăm triệu người.
Theo chuyên gia Rocca, thì cho dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhìn trong tổng thể, tại Trung Quốc, người ta không có cảm giác bị khủng hoảng sâu sắc, khi so sánh với những gì xẩy ra tại Ai Cập hay Tunisia. Nói một các khác, người ta không mất hy vọng hay có cảm tưởng là không có tương lai, đặc biệt là đối với giới trẻ, mặc dù tỷ lệ sinh viên ra trường, có bằng cấp, bị thất nghiệp khá cao. Mong ước chủ yếu của người dân Trung Quốc là chính quyền hãy làm những gì đã hứa, như giảm chênh lệch giầu nghèo, thiết lập một nhà nước pháp quyền, phát triển hệ thống bảo hiểm y tế v.v.
Về phần mình, chuyên gia Jean Pierre Cabestan, ở đại học Baptist Hồng Kông nhận định, những người thuộc tầng lớp trung lưu có xu hướng mong muốn sự ổn định. Do vậy, đối với một bộ phận dân chúng, « bây giờ không phải là thời điểm để lật chìm con thuyền » và tại Trung Quốc, « chưa hội đủ các điều kiện để tạo ra một cuộc đối đầu trực diện. Có thể còn quá sớm vào lúc này ». Tuy nhiên, ông Cabestan cho rằng cũng không nên loại trừ khả năng xẩy ra những cuộc biểu tình ở thủ phủ các tỉnh lỵ, ví dụ, chống lại nạn tham nhũng của các quan chức địa phương.
Còn có một yếu tố khác biệt nữa giữa Trung Quốc và Tunisia, Ai Cập, Libya hay một số nước Trung Đông, đó là quyền lực trong chế độ cộng sản không tập trung trong tay một cá nhân, một gia đình. Ông Rocca giải thích : « ở đây, người ta không thể hô khẩu hiệu Hồ Cẩm Đào biến đi. Ông Hồ Cẩm Đào chẳng có quyền lực cá nhân nào, bởi vì Bộ Chính trị lãnh đạo ». Chuyên gia Cabestan nói thêm, tại Trung Quốc, cứ khoảng 10 năm thì lại có thay đổi nhân vật lãnh đạo số một. Vả lại, không chỉ có một gia đình làm giầu như ở Bắc Phi hay Trung Đông.
Ngoài ra, còn có một thực tế khác là quảng trường Thiên An Môn khó có thể trở thành một quảng trường Giải phóng – Tahrir Ai Cập : Từ năm 2008 đến nay, công an Trung Quốc lập hàng rào kiểm soát an ninh mọi lối vào quảng trường Thiên An Môn.
Thế nhưng, tất cả những yếu tố trên đây cũng không làm giới ly khai Trung Quốc mất niềm tin và mơ ước. Tuần trước, nhà tranh đấu cho nhân quyền, luật sư Đăng Bưu nói với AFP rằng ông vẫn tin tưởng là sẽ có một sự thay đổi tại Trung Quốc. Từ hôm đó đến nay, không ai có thể liên lạc được với ông qua điện thoại nữa.
-------------------------------------
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110220-trung-quoc-tran-ap-cu-dan-mang-keu-goi-ung-ho-cach-mang-hoa-nhai
.
.
.
No comments:
Post a Comment