Giáo dân Cồn Dầu tỵ nạn tại Thái Lan vẫn sợ bị bắt và trả về Việt Nam
Thanh Phương
Thứ hai 21 Tháng Hai 2011
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110221-giao-dan-con-dau-ty-nan-tai-thai-lan-van-so-bi-bat-va-tra-ve-viet-nam
Chính vì thấy là ở Cam Bốt không còn được Liên hiệp quốc che chở nữa, nên nhiều người Việt xin tỵ nạn đã tìm đường sang Bangkok với hy vọng sẽ có nhiều cơ may hơn. Nhưng ngay cả ở Thái Lan, khả năng được cấp quy chế tỵ nạn cũng không có gì là chắc chắn, thậm chí những người đang xin tỵ nạn tại đây lúc nào cũng sợ bị bắt đưa trở về Việt Nam.
Ngày 15/2 vừa qua, một trại của Liên hiệp quốc nhận người sắc tộc thiểu số từ Tây Nguyên, Việt Nam chạy sang Cam Bốt tỵ nạn đã chính thức đóng cửa. Trong số 75 người tỵ nạn tại trại này, 10 người đã được giao trả cho phía Việt Nam hôm 16/2, những người khác được cho định cư ở Canada và Hoa Kỳ.
Với việc đóng cửa trại tạm cư nói trên, kể từ nay, mọi hồ sơ xin tỵ nạn của người sắc tộc thiểu số từ Việt Nam sẽ do chính phủ Cam Bốt xử lý. Điều này gây quan ngại cho tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch, nhất là vì Cam Bốt trong quá khứ đã từng trục xuất nhiều người tỵ nạn, thậm chí những người đã được công nhận quy chế tỵ nạn.
Tổ chức này đã ra thông cáo nhấn mạnh rằng, tuy trại đón tiếp đóng cửa, nhưng Cam Bốt vẫn phải có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người sắc tộc thiểu số Việt Nam xin tỵ nạn quyền được cứu xét một cách công bằng và dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Theo lời ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, « người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên sẽ còn tiếp tục chạy tỵ nạn khỏi Việt Nam khi nào mà chính quyền Hà Nội vẫn còn vi phạm một cách hệ thống các quyền căn bản của người dân. »
Theo AFP, việc đóng cửa trung tâm đón tiếp của Liên hiệp quốc dường như là nhằm chấm dứt một thỏa thuận ký kết giữa Việt Nam, Cam Bốt và HCR năm 2005. Theo thỏa thuận này, người tỵ nạn tại Cam Bốt có thể chọn, hoặc tái định cư ở một nước thứ ba, hoặc hồi hương. Chính phủ Phnom Penh không muốn bất cứ người tỵ nạn nào được ở lại trên lãnh thổ nước này.
Trưóc hết, thông tín viên RFI từ Phnom Penh Phạm Phan điểm lại tình hình của người Việt tỵ nạn tại Phom Penh.
Tổng quát về người Việt tỵ nạn tại Phnom Penh
Đầu tiên phải đề cập đến sự kiện năm 1993, khi ở Cam Bốt có sự hiện diện của Văn Phòng Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ lúc đất nước này vừa lập lại hòa bình và thực hiện chính thể đa đảng; và một sự kiện nữa là trại tỵ nạn tại Thái Lan bị đóng cửa vào năm 1996. Từ hai nguyên nhân này có thể nói, khoảng năm 1993, người Việt nào gặp trường hợp đặc biệt không thể sinh sống tại Việt Nam và muốn được Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn che chở, họ thường đến Phnom Penh xin tỵ nạn.
Thời gian gần cuối năm 2008, số lượng người tỵ nạn Việt Nam có khoảng 70 người. Đây là những người hoạt động chính trị bị chính quyền ngăn cấm, truy bắt nên họ đào thoát qua đất Cam Bốt. Ngoài ra còn có thành phần sắc tộc Khờme Krom sinh sống ở vùng đồng bằng sống Cửu Long đặc biệt tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu.
Theo lời những người Khơme Krom chạy qua Cam Bốt, họ bị chính quyền bên đó không cho tự do tín ngưỡng và bị đối xử phân biệt với người Kinh. Và thành phần tỵ nạn thứ ba là số đồng bào Thượng sinh sống ở vùng Tây Nguyên thuộc các tỉnh Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai… Những người này chạy qua Cam Bốt vào các năm 2001, 2002 đông gần đến 2 ngàn người. Tất nhiên trong tình hình hiện nay, số lượng người tỵ nạn tại Phnom Penh ngày càng giảm đi.
Đồng bào Thượng khi đến Phnom Penh trình diện Cao Ủy Tỵ Nạn, được đưa vào khu trại riêng, đúng ra đây là một biệt thự nhỏ để người Thượng sinh sống trong thời gian chờ Cao Ủy duyệt xét hồ sơ xin đi định cư của họ.
Còn người Việt tỵ nạn khi trình diện Cao Ủy Tỵ Nạn xong, nếu được công nhận đang trong tình trạng bị đàn áp chính trị hay ngược đãi tôn giáo, họ được cấp giấy chứng nhận là thành phần tỵ nạn, nhưng phải tự kiếm nơi cư trú với số tiền khoảng 80 đôla do Cao Ủy cấp hàng tháng. Thực tế cuộc sống tại đây cho thấy, nếu một người cầm trong tay một tháng dưới 100 đôla thì cuộc sống chật vật, vì tiền mướn nhà, đúng ra là căn phòng nhỏ, một tháng cũng phải ít nhất là 20 đôla. Và thời gian được định cư ở nước thứ ba thì không biết rõ. Có người đến trình diện Cao Ủy được vài năm rồi bị cắt trợ cấp, sau đó phải tự sinh sống. Trước đây vài năm có nhóm người Việt đòi tự thiêu trước Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn để phản đối cách cư xử không trọng nhân quyền này, thế rồi sự việc cũng trôi qua, không ai tự thiêu, và Cao Ủy cũng không điều chỉnh cách làm việc của họ.
Lý do người tỵ nạn Việt Nam rời Cam Bốt đến Bangkok
Khoảng tháng 10/2008, qua thỏa thuận giữa chính quyền Cam Bốt và Cao Ủy Tỵ Nạn thì Bộ Nội Vụ Cam Bốt có trách nhiệm lo phần phỏng vấn số người Việt xin tỵ nạn. Đây là sự kiện sau cùng mà đa số người Việt tỵ nạn thấy đất Cam Bốt không còn là nơi tạm trú an toàn trước khi được hồ sơ được xét duyệt để định cư ở nước thứ ba.
Theo tâm tình của người Việt tỵ nạn tại Phnom Penh mà chúng tôi nghe được thì không ai tin vào Bộ Nội Vụ Cam Bốt, bởi vì họ hợp tác với chính quyền Việt Nam, do đó nếu đến trình diện Bộ Nội Vụ thì không khác gì dê vào hang cọp. Hơn nữa, theo người tỵ nạn, một số người Việt đang sống tại Cam Bốt lại ăn lương của cơ quan an ninh mật, vì vậy có thể bị nguy hiểm khi tung tích họ bị Bộ Nội Vụ nắm được. Từ đó đa phần người tỵ nạn quyết định ra đi, tìm đến Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn tại thủ đô Bangkok ở Thái Lan xin che chở, dù nơi đó không tuyệt đối an toàn, nhưng cũng đỡ hơn phải trình diện Cao Ủy Tỵ Nạn Phnom Penh.
Những con đường đến Bangkok tìm tự do
Hiện nay con đường đi từ Phnom Penh đến Bangkok không dễ như đi từ Việt Nam qua Phnom Penh, nhưng cũng là sinh lộ cho nhiều người tỵ nạn Việt Nam muốn đến đất Thái tạm dung thân.
Theo khách du lịch là người Cam Bốt thì đường xe đò từ Phnom Penh đến điểm biên giới Poi Pet, sau đó vào đất Thái, là con đường chính ngày nay cho các tour du lịch đường bộ. Mặc dù còn con đường khác đi từ Phnom Penh xuống cảng biển Kampong Som, rồi đến tỉnh đảo Koh Kong, qua trạm biên giới Halet vào đất Thái, nhưng đường này hơi xa phải, đi loại tàu đò dọc bờ biển, chỉ có khách du lịch thích ngắm cảnh sóng nước trước khi vào đất Thái mới chọn tuyến đường này.
Để qua điểm biên giới Poi Pet vào đất Thái, thông thường người dân Cam Bốt phải có giấy thông hành, nếu đi làm ăn trong thời gian ngắn một ngày hay vài ngày, có thể được cho đi qua không cần giấy tờ. Cạnh đó, theo lời kể của ông Y Soái Y Ban, sinh năm 1973, một trong số 30 đồng bào Thượng vượt biên giới Cam Bốt – Thái vào tháng 6 năm 2008, thì họ đi chung với đám người buôn lậu vượt rừng qua đất Thái, sau đó kiếm đường đi tới Bangkok trình diện Cao Ủy Tỵ Nạn.
Theo dữ kiện của tổ chức Boat People SOS của người Việt hải ngoại thì năm 2008 có khoảng 400 người Việt lánh nạn tại Băng Cốc và vùng phụ cận, trong đó có chừng 300 người Khmer Krom.
Thành phần người Việt tỵ nạn tại Thái không khác gì ở Phnom Penh, trong đó có đồng bào Thượng, người Khờme Krom và người Kinh. Hầu hết đã đi đường bộ đến Bangkok. Tuy nhiên, không phải người Việt nào đến Bangkok đều nhận được sư bảo vệ an toàn về an ninh bản thân. Tháng 4/2010, vợ chồng ông Phạm Bá Huy và Phạm Thị Phượng bị bắt giải về Việt Nam, đến nay không rõ tung tích. Và 2 năm trước, cảnh sát Thái tổ chức lùng bắt 70 người Khơme Krom, sau đó có 60 người bị trục xuất về Cam Bốt.
Trong tình hình hiện nay khi các quốc gia thành viên khối ASEAN tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, du lịch…, các địa điểm qua lại biên giới được lập ra nhiều hơn để thúc đẩy hoạt động vận chuyển hàng hóa và việc qua lại cũng thuận tiện hơn. Trên tuyến biên giới Việt – Miên có trạm kiểm soát biên giới chính là Mộc Bài ở tỉnh Tây Ninh, kế đến tại các tỉnh Long An, Châu Đốc cũng có địa điểm kiểm soát khác, vì thế người Việt dễ đến Phnom Penh bằng nhiều con đường.
Một khi đã đặt chân lên đất Thái, người tỵ nạn Việt Nam sống như thế nào? Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn anh Trần Thanh Tiến, một giáo dân Cồn Dầu hiện đang chờ Phủ Cao Uỷ tỵ nạn xét đơn. Anh đã bị bắt ngày 4/5 năm ngoái cùng với hàng chục giáo dân khác trong đám tang cụ bà Maria Đặng Thị Tân ở nghĩa trang Cồn Dầu, khi công an mở cuộc đàn áp. Theo lời khai của anh Tiến, anh đã bị công an đánh đập dã man trong suốt 7 ngày hỏi cung và sau khi được thả ra, anh đã trốn sang Thái Lan vào đầu tháng 9 năm ngoái.
Trước hết, anh Trần Thanh Tiến nói về cuộc sống và tâm trạng của anh và các giáo dân Cồn Dầu khác đang xin tỵ nạn ở Thái Lan:
Khoảng 55 người chúng tôi tại Bangkok đang trốn chui trốn nhũi, sợ công an Việt Nam bắt về bất cứ lúc nào. Khỉ bỏ chạy sang đây, chúng tôi không đem theo thứ gì, chỉ đi tay không, cho nên bây giờ cuộc sống vật chất cũng như tinh thần rất là thiếu thốn. Chúng tôi phải nhờ nhiều tổ chức, ân nhân nước ngoài ủng hộ tiền, thức ăn, thuốc men mới sống được đến ngày hôm nay. Cảnh sát Thái Lan bất cứ lúc nào có thể kiểm tra và bắt chúng tôi đưa về Việt Nam ngay, bởi vì chúng tôi chưa có giấy của Cao Uỷ chính thức công nhận là tỵ nạn
Các giáo dân bây giờ thì có người đã được phỏng vấn lần cuối, có người thì vẫn đợi, nhưng không hiểu lý do tại sao. Hình như là LHQ đang rất thờ ơ trong việc cứu xét chúng tôi. Việc xin tỵ nạn của chúng tôi đang bị ách lại.
RFI : Như vậy là anh Tiến và các giáo dân khác vẫn sợ là công an Việt Nam đang có mặt ở Thái Lan và hợp tác với phía Thái Lan để lùng bắt để đưa về Việt Nam ?
Trần Thanh Tiến : Mấy tháng trước có tin là công an Việt Nam đã công khai loan báo đưa Nguyễn Công Cẩm, lãnh đạo đội mật vụ của Việt Nam qua Thái Lan để phối hợp với cảnh sát Thái, để có thể theo dõi chúng tôi suốt từ đó đến giờ. Vì vậy, lúc thì chúng tôi sống chỗ này, nghe động một cái là phải dời đi chổ khác. Mỗi lần như vậy phải bỏ tất cả tiền đặt cọc thuê nhà, mà ở Bangkok này thì tiền đó rất là đắt. Mỗi lần như vậy là rất khốn khổ cho chúng tôi. Chúng tôi cũng có một số người đứng phía sau hỗ trợ cho chúng tôi về nơi ăn chốn ở, nhưng nói chung cuộc sống rất là khốn khổ.
RFI : Bản thân anh có đã được HCR phỏng vấn chưa ?
T.T.Tiến : Tôi đã được phỏng vấn hết rồi, nhưng đang trong thời gia chờ trả lời. Họ nói là sau ba tháng sẽ có kết quả, đến bây giờ là gần hai tháng rồi.
RFI : Khi được phỏng vấn thì anh đã trình bày như thế nào ?
T.T.Tiến : Họ hỏi tại sao tôi rời khỏi Việt Nam. Tôi trả lời là vì tính mạng của tôi đang bị đe doạ. Lúc nào tôi cũng có thể bị bắt đi. Cái chết của Nguyễn Thành Nam đã ám ảnh tôi rất nhiều, còn sức khỏe của tôi ngày càng xuống cấp. Vì vậy tôi phải rời khỏi Việt Nam để thoát thân, mong giữ được mạng sống của mình.
RFI : Thái độ chính quyền và công an địa phương khi bắt anh đã vượt biên sang Thái Lan ?
T.T.Tiến : Bởi vì tôi xin phép điạ phương về quê vợ để làm đám cưới, nên họ cấp cho tôi giấy tạm vắng một tháng. Nhưng chỉ sau hơn một tháng thì tôi nghe tin là họ đã xuống đập bàn, đập ghế dọa nạt ba tôi, hỏi tôi đi đâu mà không thấy về trình diện. Sau đó, họ bắt buộc mẹ tôi ký vào biên bản về việc bán nhà trái phép gì đó, mà mẹ tôi cũng không đọc kỹ bản đó. Tôi chỉ được biết như vậy thôi.
RFI : Từ đó cho tới nay anh không có tin tức gì mới của gia đình ?
T.T.Tiến : Từ đó đến nay tôi cũng ít liên hệ với gia đình, bởi vì tôi sợ họ theo dõi, làm phiền, quấy rầy, gây áp lực gia đình chúng tôi, chứ còn tôi qua đây rồi chẳng còn gì để mất nữa rồi
RFI : Xin cám ơn anh Trần Thanh Tiến
.
.
.
No comments:
Post a Comment