Thursday, February 17, 2011

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG CÓ ĐẠO ĐỨC KHÔNG ? (Nguyễn Gia Thưởng)

Nguyễn Gia Thưởng
Đăng ngày 16/02/2011 lúc 09:58:12 EST

Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định tiến lên chủ nghĩa xã hội. Họ vẫn u mê tin rằng đảng cộng sản sẽ dẫn đưa dân tộc Việt Nam vào thiên đường cộng sản và tin rằng đây là một chân lý bất biến. Thật sự ban lãnh đạo đảng cộng sản tin tưởng mãnh liệt vào chân lý này, nếu không họ đã không hân hoan ăn mừng thắng lợi của Đại Hội XI vừa qua. Họ không thấy con đường họ đang đi càng lúc càng đưa họ vào bế tắc, đưa cả nước vào tụt hậu.

Đảng cộng sản Việt Nam đã sai lầm ngay từ căn bản về những phạm trù của xã hội. Karl Marx, cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản muốn áp đặt phạm trù đạo đức lên phạm trù kinh tế. Và từ việc áp đặt này, những đệ tử ngu muội của ông đã sáng tạo ra một cụm từ quái thai mang tên "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Hình ảnh của ông Tây râu xồm Karl Marx vẫn ngự trị trong những dịp hội lớn của đảng cộng sản Việt Nam.

Phân biệt phạm trù

Sinh hoạt của loài người luôn nằm trong giới hạn của bốn phạm trù. Những phạm trù này chi phối tất cả sinh hoạt con người.

Phạm trù thứ nhất: Khoa học - Kỹ thuật
Khoa học kỹ thuật ngày nay cho phép con người thực hiện nhiều kỳ công. Ví dụ như chiết tạo (clone) tế bào, chiết tạo sinh vật và thay đổi di truyền tính v.v. Đâu là giới hạn cho việc tạo nên con người dòng vô tính? Khoa học kỹ thuật không thể trả lời và mãi mãi không trả lời được câu hỏi này. Sinh vật học chỉ cho chúng ta biết cách thực hiện nhưng không chỉ bảo cho chúng ta có nên làm hay không.

Trong lãnh vực kinh tế cũng vậy. Đâu là giới hạn của kinh tế thị trường, của tư bản chủ nghĩa ? Đã có một kinh tế gia trong một buổi họp hội đồng quản trị nói rằng : "Từ lâu lắm tỉ giá cacao (nguyên liệu để chế biến chocolate) được duy trì quá thấp so với mức độ mà lòng tử tế có thể chấp nhận được". Câu này nghe rất hữu lý. Tuy nhiên lòng tử tế không phải là một ý niệm kinh tế.

Giới hạn của tỉ số chứng khoán của mặt hàng cà phê hoặc cacao là bao nhiêu ? Kinh tế không có câu trả lời cho câu hỏi này vì kinh tế không thể nào ấn định trước trị giá tối thiểu của những món hàng này. Biên giới nội tại giữa những gì thực hiện được và những gì không thực hiện được luôn luôn thay đổi. Những việc cách đây 10 năm không làm được, nay kỹ thuật đã cho phép con người làm được. Nhưng tiến bộ kỹ thuật không đủ bảo đảm hạnh phúc con người. Chúng ta có thể liên tưởng đến những quả bom nguyên tử nổ ở Nagasaki và Hiroshima.

Mỗi khi trên thị trường chứng khoán cacao mất hai mươi xu (20 cents) một tấn, ở Luân Đôn hoặc Nữu Ước, có khoảng một chục ngàn người buộc phải sống dưới mức nghèo khó tại các nước sản xuất. Vì lòng thương người, chúng ta có thể khó chịu về những việc buôn bán đầu cơ này. Nhưng chúng ta không thể nào làm thay đổi con số này với lòng thương người được.

Phạm trù thứ hai: pháp lý - chính trị

Vì phạm trù kinh tế - kỹ thuật - khoa học không thể tự nó giới hạn, nên con người cần đến phạm trù pháp lý - chính trị để vạch rõ những gì luật pháp cho phép và không cho phép. Tuy nhiên phạm trù pháp lý cũng không thể nào ấn định hết những giới hạn. Ví dụ, không có luật nào cấm chúng ta nói dối trong phạm vi giao tiếp. Không có điều khoản luật pháp nào cấm chúng ta ích kỷ, cấm chúng ta khinh khi, cấm chúng ta hận thù, cấm chúng ta hung dữ. Một người đểu cáng có thể là một người tuân thủ luật pháp một cách triệt để.

Người ta thường nói trong một nền dân chủ, nhân dân có mọi quyền vì nhân dân là chủ tuyệt đối. Nhân dân có quyền đàn áp các dân tộc thiểu số, chẳng hạn ra luật đàn áp người Hồi. Như vậy nhân dân có quyền giết người hợp pháp, có quyền mở trại cải tạo để bỏ tù những thành phần bất mãn hoặc tuyên chiến với những nước láng giềng. Nhân dân có quyền làm đủ mọi thứ chăng ? Một thể chế dân chủ tự bản chất không có giới hạn vì vậy dân chủ chưa hẳn đã đem lại thái hòa cho xã hội. Vì dân chủ không có khả năng tự kiềm chế nên con người đã ấn định một phạm trù thứ ba. Đó là phạm trù luân lý.

Phạm trù thứ ba: luân lý
Có những điều mà pháp lý không thể can thiệp được. Đó là những luật lệ thiên nhiên. Đảng cộng sản Việt Nam không thể nào ban hành một quyết định pháp lý buộc mặt trời phải xoay quanh trái đất năm lần trong ngày. Con người không thể bỏ phiếu chọn lựa những gì thật và giả, những gì về thuộc lãnh vực thiện và ác. Người ta không thể ra lệnh cho sự thật, bắt sự thật phải tuân thủ luật pháp. Lương tâm chỉ nghe lệnh của cá nhân và chỉ áp dụng cho cá nhân. Vì vậy cá nhân có nhiều bổn phận hơn là một công dân.

Ước vọng tự do không lệ thuộc vào thể chế dân chủ. Đa số áp đảo chuyên chế không thể nào ngăn cản được khát vọng tự do. Do đó, phạm trù thứ ba xuất hiện : phạm trù luân lý.

Theo triết gia Kant, luân lý là tổng hợp những bổn phận của chúng ta, tổng hợp những ép buộc hoặc cấm kị mà chúng ta tự đặt để cho chính mình, nhưng lại độc lập với mọi khen thưởng hoặc chế tài.
Luân lý là toàn bộ những quy luật mà nhân loại tự áp đặt để chống trả lại tính chất dã man, tàn ác của chính con người.
Chúng ta cần phân biệt ở đây con người luân lý và con người giảng dạy luân lý. Con người luân lý là con người biết thi hành bổn phận của mình. Còn người giảng luân lý là người chỉ vẽ bổn phận của người khác, một người chỉ biết chăm giữ bổn phận của bản thân mà không đếm xỉa gì tới người khác. Người này thiếu tinh thần liên đới với đồng loại. Tinh thần liên đới này phát xuát từ tình thương (compassion). Vì vậy chúng ta có thêm một phạm trù thứ tư : phạm trù đạo đức hoặc là phạm trù của tình thương.
Phạm trù thứ tư: đạo đứcKhông có một giá trị nào cao cả hơn là tình thương. Tình thương vô giới hạn không đe dọa một ai. Vì tình thương là giá trị tối thượng. Con người luôn yêu sự thật, con người luôn yêu tự do, con người yêu nhân loại hoặc yêu tha nhân. Tình thương xen lấn vào tất cả ba pham trù trên nhưng không hủy hoại phạm trù nào. Chúng ta cần tất cả bốn phạm trù này, nhưng không phạm trù nào tự bản thân có đủ điều kiện để thỏa mãn cho tham vọng con người.

Tư bản chủ nghĩa có đạo đức không?

Luân lý tự bản chất không thể ấn định giá cả của thị trường. Chính luật cung cầu của kinh tế cho phép con người ấn định giá cả của một món hàng. Đức hạnh của con người tự nó cũng không tạo nên giá trị của một món hàng, ngược lại chính công sức con người đã tạo ra giá trị và món hàng đó. Không phải bổn phận chi phối kinh tế mà chính luật thị trường chi phối kinh tế. Tư bản chủ nghĩa cũng không ra khỏi ngoại lệ đó. Ép buộc tư bản chủ nghĩa phải có luân lý là một việc không thể làm được, vì tư bản chủ nghĩa không có luân lý, nhưng nó không vô luân vì nó phi luân lý.

Người ta thường lẫn lộn hai cụm từ "luân lý" và "đạo đức" và cho rằng hai cụm từ này có cùng một nghĩa. Thật ra hai cụm từ này chỉ định hai thực thể khác nhau. Giản dị hơn, hãy mượn định nghĩa của ông André Comte-Sponville để giải thích
: luân lý là tất cả những gì chúng ta phải tuân thủ vì bổn phận ; đạo đức là tất cả những gì chúng ta làm vì tình thương.Sai lầm của Karl Marx
Karl Marx cho rằng kinh tế tư bản là phi luân lý do đó phải luân lý hóa kinh tế. Ông muốn phạm trù khoa học kỹ thuật phải tuân thủ phạm trù luân lý. Ông lập luận xoay quanh những ý niệm tha hóa và bóc lột. Hai ý niệm này nằm lưng chừng ở giữa khoa học kỹ thuật và luân lý. Marx muốn chấm dứt sự bất công không phải bằng cách đơn thuần áp dụng chính sách tái phấn phối, vì ông biết rõ những giới hạn của nó. Ông không trông cậy vào lương tâm luân lý của những cá nhân. Ông đã sáng chế ra một hệ thống kinh tế mới, trong đó tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau trong sinh hoạt kinh tế. Trên phương diện luân lý, Karl Marx không sai. Nhưng về mặt kinh tế, sự bình đẳng này có thể thực hiện được không đó là chuyện khác.

Marx cho rằng con người chỉ hành động vì lợi ích riêng tư: "Những cá nhân chỉ theo đuổi những lợi ích riêng tư, và lợi ích riêng tư này không đi đôi với lợi ích chung". Ở ngay điểm này người ta thấy ngay sự hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản do Marx đề ra. Để chủ nghĩa cộng sản có thể thành công, con người phải không được ích kỷ và đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi riêng tư. Nếu thực hiện được điều này chủ nghĩa cộng sản có nhiều cơ may thành công, bằng không nó sẽ dẫn đến thất bại. Trong thực tế, sau vài chục năm áp dụng, tất cả các chế độ cộng sản đều đã thất bại, vì con người luôn luôn ích kỷ và chỉ đặt quyền lơi riêng tư của mình lên trên lợi ích chung.

Như thế, chủ nghĩa cộng sản không thể nào ôn hòa vì không thuyết phục được ai, do đó phải chuyên chính. Sinh hoạt kinh tế trong các nước cộng sản buộc phải chuyên chế để ép buộc con người đi vào khuôn phép vì luân lý không có khả năng làm việc này. Từ đó chủ thuyết cộng sản hoang tưởng của Marx của thế kỷ thứ 19 chuyển sang hệ thống chuyên chính kinh hoàng mà loài người đã chứng kiến trong thế kỷ thứ 20.

Vì không muốn vứt bỏ giấc mơ đẹp nhưng hão huyền này, người cộng sản muốn biến cải con người và họ không từ bất cứ một phương tiện nào để chứng tỏ đường lối của họ là đúng: tuyên truyền, nhồi sọ, trại cải tạo, bệnh viên tâm thần
… Cho đến nay chưa thấy chế độ cộng sản nào thành công, tất cả các chế độ cộng sản đều đã thất bại. Sự lạm dụng danh xưng xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa xã hội chỉ để che mắt thiên hạ, vì các chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam chỉ là những chế độ chà đạp nhân phẩm con người và bóc lột đến tận xương tủy của những thành phần cùng khổ nhất trong xã hội.
Sai lầm nguy hiểm của Marx là muốn lấy luân lý và đạo đức áp đặt lên trên kinh tế. Marx muốn chấm dứt tình trạng người bốc lột người, chấm dứt sự tha hóa, xóa bỏ nghèo đói, san bằng giai cấp xã hội, và ngay cả dẹp bỏ chính phủ để có thể thỏa mãn nhu cầu cho mọi cá nhân không phân biệt khả năng hoặc nghề nghiệp. Nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa cộng sản là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, nghĩa là làm thế nào để tài sản ưu tiên đến tay người lao động chứ không đến tay những kẻ đã sở hữu, đến tay những người thiếu thốn mọi sự chứ không đến tay những kẻ đã giàu có để thực hiện công lý và bình đẳng cho mọi người. Quá lý tưởng để những người có đầu óc sáng suốt một chút có thể tin tưởng vào nó. Trong thực tế những đệ tử của nó đã làm ngược lại tất cả.

Khoa học và kỹ thuật không có luân lý. Kinh tế cũng vậy, vì kinh tế vừa là một khoa học vừa là một kỹ thuật. Nếu theo dõi tin khí tượng ở trên đài truyền hình và người đọc tin khí tượng bỗng dưng nói : "Thưa quý vị, ngày mai thời tiết sẽ tốt trở lại, vì trời đã mưa suốt sáu tuần lễ vừa rồi. Nếu ngày mai trời tiếp tục mưa nữa thì thật quả là ông trời không có luân lý!". Các bạn chắc chắn cho rằng anh này đã đứt dây thần kinh rồi, bởi vì các bạn biết rằng trong bộ môn khí tượng học không có luân lý.

Mọi người ai cũng muốn có tăng trưởng kinh tế, nhưng điều này không đủ sức ngăn cấm sự suy thoái. Ai cũng muốn có thịnh vượng, nhưng điều này cũng không ngặn chặn được sự đói kém. Kinh tế nó có những quy luật vận hành riêng của nó. Đem luân lý và đạo đức vào kinh tế để giải quyết suy thoái và lạm phát là một điều không tưởng.
Hậu quả của việc đạo đức hóa kinh tế
Để có thể "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", những người lãnh đạo phải có đạo đức cao. Chính vì điều kiện bắt buộc phải có này để có thể áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên toàn xã hội, các lãnh tụ cộng sản luôn đề cao "đạo đức cách mạng", nghĩa là cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư. Những cán bộ trung kiên phải hội đủ những đức tính này mới có thể lãnh đạo đất nước và thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Họ lặp đi lặp lại khẩu hiệu đến độ những chữ này đã mất hẳn ý nghĩa nguyên thủy của chúng để rồi đạo đức trở thành phi đạo đức.

Đã có rất nhiều lãnh tụ cộng sản ngồi xổm lên đạo đức và vỗ ngực xưng to: "Đạo đức là ta". Cần kiềm liêm chính đã trở thành nhũng lạm tham ô. Họ thi nhau làm tiền trên mồ hôi nước mắt của người dân. Bản chất con người vốn vị kỷ nên chủ nghĩa cộng sản mong muốn con người vứt bỏ lòng vị kỷ này đi. Đảng viên cộng sản đã từng đấu tranh cho lòng vị tha nay bỗng nhiên khi có quyền lực trong tay thấy được sự thú vị của lòng vị kỷ, nên họ phải sống hai mặt đôi lòng, miệng hô chí công vô tư, nhưng tay lại bòn rút công lao của nhân dân để trở thành những tay nhất kỷ nhì công. Thuế má, đất đai của nhân dân là của chung nên cán bộ đảng viên tha hồ rút tỉa từ kho dự trữ khổng lồ này. Thứ nhứt lấy cho ta, sau cùng mới tới dân. Ông chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyên Văn An đã thấy rõ điểu này và đã phải lên tiếng kêu gọi "sửa lỗi hệ thống".

Chính vì vậy tại các nước theo chủ nghĩa để tiến lên thể chế cộng sản, sự phân biệt giai cấp mỗi lúc một rõ rệt hơn. Giai cấp cai trị trở nên giàu có hơn giai cấp bị trị. Vì phải theo định luật của kinh tế nên các đảng viên cộng sản đã trở nên phi đạo đức. Họ phi đạo đức nên họ trở nên toàn trị. Vì chì còn có một mình bản thân đảng viên cộng sản là giá trị cao nhất nên họ tự nhận họ là đỉnh cao trí tuệ.

Những tượng đài của những đỉnh cao trí tuệ này đang thi nhau rơi rớt trên khắp năm Châu. Không lẽ chỉ có một mình ông Nguyễn Văn An nhận chân ra sự thật phũ phàng này? Nước Việt Nam cần có nhiều vị như ông Nguyễn Văn An để đưa đất nước ra khỏi bế tắc. Mong lắm thay!

Nguyễn Gia Thưởng
(Brussels)

Thông Luận số 255, tháng 02/2011
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: