Thursday, February 17, 2011

DOANH NHÂN và DÂN CHỦ (Việt Hoàng)


Việt Hoàng
Đăng ngày 17/02/2011 lúc 02:41:21 EST

Doanh nhân có thể hiểu đơn giản là những người làm kinh doanh hoặc thương mại lớn, có tầm cỡ nhất định. Những bà già "buôn thúng bán mẹt" cũng là người kinh doanh nhưng không ai gọi họ là doanh nhân.

Chủ doanh nghiệp cũng là doanh nhân vì họ phải kinh doanh sản phẩm của họ làm ra. Kinh doanh là một nghề khó khăn và mạo hiểm vì độ rủi ro rất cao. Người nông dân bị mất mùa thì cũng chỉ mất mùa trong một năm, còn người kinh doanh nếu gặp khủng hoảng hay sai lầm trong tính toán thì có thể mất cả cơ nghiệp mà họ gom góp cả cuộc đời. Doanh nhân thành đạt thì có nhiều tiền, cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng lo lắng thường xuyên do áp lực của công việc, vì thế nên có câu "Ăn cơm với thịt gà (thì) lo ngay ngáy; Ăn cơm với mắm cáy (thì) ngáy ó o".

Dưới thời phong kiến, những người làm kinh doanh không được xã hội tôn trọng, họ đứng sau cả người nông dân: "Sĩ – Nông – Công – Thương". Người làm kinh doanh luôn đồng nghĩa với bóc lột "ngồi mát ăn bát vàng", hay gian dối "thật thà cũng thể lái trâu". Thế nhưng người dân cũng nhận ra rằng "phi thương bất phú".

Thực ra kinh doanh là một ngành nghề quan trọng như bao ngành nghề khác, thậm chí nó càng quan trọng hơn trong kỷ nguyên của "toàn cầu hóa", bởi vì doanh nhân là cầu nối (không thể thiếu) giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Nếu không có tầng lớp kinh doanh thì hàng hóa làm ra không biết tiêu thụ thế nào và như vậy xã hội không thể phát triển được.

Chủ nghĩa tư bản và kinh tế hiện đại tôn vinh người làm kinh doanh. Ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà "tư tưởng chính trị" cũng đã đề cao giá trị thực sự của những người làm thương mại: "Thương mại đòi hỏi và làm phát triển nhiều đức tính tốt. Người làm thương mại phải hiểu nhu cầu của xã hội và vì thế phải cố gắng tìm hiểu xã hội. Người làm thương mại sống bằng chữ tín nên phải thực thà, nếu không muốn bị tẩy chay và phá sản. Người làm thương mại cần khách hàng nên phải thực sự quí trọng người khác vì không có sự giả dối nào có thể kéo dài. Người làm thương mại phải tỏ ra dễ mến để tranh thủ khách hàng cho nên ngôn ngữ và thái độ phải trang nhã, cũng chính vì thương mại không phát triển mà con người trong các xã hội Khổng Giáo thường rất thô lỗ". [Đi tìm một mô thức phát triển đất nước]. Nếu chúng ta chia sẻ ý kiến này thì ngay từ bây giờ và trong tương lai tầng lớp doanh nhân Việt Nam phải có một tiếng nói, một chỗ đứng quan trọng trong đời sống chính trị văn hóa của đất nước. Họ phải đóng vai trò tiên phong trong mọi sự phát triển của đời sống và phải tham gia quản lý đất nước.

Vì vai trò đặc biệt quan trọng của tầng lớp doanh nhân Việt Nam, nhất là trong tình hình đất nước hiện nay mà tôi muốn đề cập đến họ trong bài viết đầu tiên trong năm Tân Mão. Trước hết, bản thân tôi cũng là một doanh nhân cho nên tôi hiểu rõ những khó khăn và nỗi truân chuyên mà giới doanh nhân đã trải qua, nhất là những doanh nhân đã từng sống và làm việc tại nước Nga. Hai cuộc khủng hoảng vào năm 1998 và 2008 đã khiến bao người đang từ "doanh nhân thành đạt" trở thành tay trắng. Cùng với đó là nạn tham nhũng và sự tùy tiện của luật pháp đã khiến bao người làm kinh doanh "lên voi xuống chó" chỉ sau một đêm.

Việt Nam và Nga có những điểm tương đồng về thể chế chính trị (cùng độc tài và công an trị) nên thân phận những người doanh nhân như "cá trên thớt, gà trong chuồng", chính quyền muốn “thịt” ai và “thịt” vào lúc nào là quyền của họ.

Bình thường người làm kinh doanh là những con bò sữa, làm tiền các doanh nghiệp tư nhân luôn là dễ nhất. Thế nhưng chỉ cần chút bất mãn hay kêu ca phàn nàn là lãnh đủ. Tỉ phú giàu nhất nước Nga Mikhail Khodorkovsky chỉ vì không "hài lòng" với chính sách của Putin mà mất cả cơ nghiệp và phải ngồi tù mút mùa, vừa sắp hết hạn tù lại bị "gia hạn" thêm 6 năm nữa. Muốn tồn tại thì các doanh nhân phải liên kết và chia phần cho giới quan chức. Những lĩnh vực ngon ăn hay béo bở của nền kinh tế đất nước luôn bị giới doanh nhân "con ông cháu cha" chiếm đoạt và doanh nghiệp tư nhân phải mua lại các hợp đồng sau khi trả phần trăm hoa hồng thích đáng. Doanh nghiệp nhà nước tha hồ làm mưa làm gió và làm bậy, mọi chuyện đã có chính phủ lo. Vụ Vinashin vỡ nợ và được tái cơ cấu cho thấy sự ưu ái một cách thô thiển của chính phủ dành cho các doanh nghiệp nhà nước. Nếu các doanh nghiệp tư nhân nợ vài trăm triệu mà không trả được là tù mọt gông. Thậm chí bị "dựa cột chầu trời" như trường hợp Tăng Minh Phụng.

Các liên minh ma quỷ chi phối nền kinh tế Việt Nam trước sau gì rồi cũng đi đến đỉnh điểm của nó, nó sẽ làm Việt Nam sẽ vỡ nợ trên bình diện quốc gia. Ở Việt Nam tất cả các doanh nhân đều trốn thuế và ngay cả họ có muốn nộp đủ thuế cũng không ai nhận và vì thế mọi doanh nhân đều là con tin của chế độ. Bất cứ lúc nào muốn chính phủ Việt Nam cũng có thể bỏ tù bất cứ một doanh nhân nào. Và đây là bi kịch lớn nhất của giới doanh nhân Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ XI đã kết thúc nhưng vẫn chưa ngã ngũ việc "quyền sỡ hữu" tài sản của tư nhân.

Khi Việt Nam chuyển hướng (đổi mới) từ nền kinh tế đóng cửa hoàn toàn (với thế giới bên ngoài) sang nền kinh tế thị trường (tuy vẫn còn định hướng xã hội chủ nghĩa) thì đây vẫn là một cơ hội "đổi đời" thật sự với một số người. Chỉ sau hai mươi năm "đổi mới" thì một bộ phận nhỏ trong xã hội Việt Nam mà trước đây (vốn) là vô sản (bao gồm thành phần con ông cháu cha và các doanh nhân biết liên kết với chính quyền) đã phất lên một cách nhanh chóng và kinh khủng. Nhiều kẻ trong số họ đã trở thành triệu phú, tỉ phú đôla. Có người kể với tôi rằng nhiều quan chức và doanh nhận Việt Nam không bao giờ uống loại rượi dưới giá 2000 đô la Mỹ một chai. Đây là điều cũng đã xảy ra ở Liên Xô cũ hay Trung Quốc, một số lớn tài sản của nhà nước đã được "phù phép" để biến thành của tư nhân. Quá trình "chuyển giao" này vẫn đang tiếp diễn, khi nào quá trình này kết thúc thì khi đó "thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa" sẽ chấm dứt.
Trước đây, người Việt Nam đến nước Nga với hai bàn tay trắng, hành trang vào đời chỉ có cái nghèo và sự liều lĩnh của tuổi trẻ. Khi chúng ta còn trẻ thì con người hay có tính "liều" và "phiêu lưu". Liên Xô, xã hội chủ nghĩa sụp đổ, một đất nước Nga thời hậu cộng sản với một chính quyền "non trẻ" đã mở ra cơ hội cho nhiều người Việt Nam. Nhiều người đã nhanh chóng đổi đời nhờ sự vô luật pháp lúc đó. Khi luật chơi càng tù mù, luật pháp càng lỏng lẻo thì cơ hội càng nhiều, vì trong môi trường đó dễ làm giàu nhanh, dễ phất nhanh, dễ thay đổi vận mệnh nghèo khổ nhanh và đương nhiên cái giá phải trả cũng không hề nhỏ.

Thế nhưng xuất phát từ quan điểm "của Liên Xô trả Liên Xô", nhiều người đã mạnh dạn kinh doanh khi chưa được phép và một số nhỏ người Việt đã trở thành giàu có. Khi trẻ và quá nghèo chúng ta bất chấp tất cả để làm giàu nhưng khi chúng ta không còn trẻ và nhất là chúng ta đã giàu có thì mối quan tâm bây giờ là làm sao để bảo vệ được số tài sản đã tích lũy được. Có thể lợi nhuận kiếm được ít hơn nhưng quan trọng nhất là thu nhập phải ổn định và nguy cơ "mất trắng" không xảy ra. Rõ ràng là để bảo vệ tài sản một cách tốt nhất là đất nước phải có dân chủ, phải có luật pháp ổn định, phải có sự đảm bảo về quyền sỡ hữu tư nhân… và vì thế, giới doanh nhân Việt Nam cần phải tham gia tích cực vào việc dân chủ hóa đất nước. Chỉ một đất nước có luật pháp rõ ràng và một thể chế chính trị dân chủ mới bảo vệ được tài sản của chúng ta. Không có gì là lạ khi giới doanh nhân Nga làm ăn ở Nga nhưng tài sản và gia đình họ đều nằm ở Anh.

Để không chảy máu chất xám và của cải Việt Nam ra nước ngoài thì tôi cho rằng chính quyền mới trong tương lai sẽ không truy cứu nguồn gốc tài sản của mọi công dân Việt Nam dưới thời cộng sản. Cho dù chúng ta hiểu rằng một phần trong số tài sản đó là tích lũy bất hợp pháp. Tuy nhiên để việc đó được chấp nhận rộng rãi trong dân chúng thì ngay từ bây giờ các doanh nhân giàu có cần có những hành động ủng hộ dân chủ, ủng hộ sự thay đổi thể chế chính trị thay vì tiếp tay cho chế độ cộng sản tồn tại để bòn rút của cải cho bản thân. Chỉ có dưới một chế độ dân chủ thì chỗ đứng và danh dự của giới doanh nhân mới được thừa nhận và có một vị trí xứng đáng. Tôi cho rằng tầng lớp doanh nhân Việt Nam chân chính có hiểu biết, có kiến thức về xã hội dám dấn thân hay ủng hộ phong trào dân chủ là thành phần tinh hoa của đất nước và vì thế họ có quyền và nên tham gia vào việc quản lý đất nước.

Khi nghèo khổ mà bị coi thường đã là nhục nhã nhưng khi giàu có và thành đạt mà vẫn bị người khác coi thường thì sự nhục nhã đó càng lớn hơn. Khi nghèo đói chúng ta không quan tâm nhiều đến nhân quyền hay phẩm giá nhưng khi no đủ rồi thì quyền được nói, quyền được đòi hỏi những "nhu cầu về tinh thần" sẽ trở nên cấp bách và cần thiết. Một người Việt Nam giàu có và thành đạt trong một nước Việt Nam mà đa số dân chúng còn nghèo khổ thì đương nhiên vẫn bị bạn bè trên thế giới coi thường, khinh rẻ là chuyện bình thường. Điều này không khó để nhận biết nếu chúng ta thường xuyên đi ra nước ngoài qua các cửa khẩu quốc tế. Một người Nhật sống nhờ trợ cấp thất nghiệp khi đi qua các cửa khẩu quốc tế vẫn được tôn trọng hơn những triệu phú, tỉ phú đô la của Việt Nam. Rõ ràng là nước nổi thì bèo mới nổi. Trên các cuốn hộ chiếu (hiện nay) vẫn chưa có mục ghi số tiền của mỗi người có trong tài khoản ngân hàng.

Chúng ta không thể sống hạnh phúc khi xung quanh chúng ta còn quá nhiều người nghèo khó. Khi môi trường bị ô nhiễm, an toàn thực phẩm hay an toàn toàn giao thông không được kiểm soát thì dù giàu có vẫn cứ chết như thường. Báo chí đưa tin ngày 06/02/2011, tức là ngày mùng 3 Tết Tân Mão, tàu khách Thống Nhất chạy từ Nam ra Bắc đến cầu Ghềnh tỉnh Đồng Nai đã đâm vào 6 chiếc ô tô liên hoàn khiến 28 người chết và bị thương. Báo chí cũng cho biết là trong dịp Tết đã có gần 300 người chết vì tai nạn giao thông, chắc chắn trong số này có nhiều người giàu có.
Chuyện các "đại gia" Việt Nam mới phất đua nhau khoe của như mua xe ô tô xịn, máy bay, du thuyền, xây biệt thự dát vàng… không còn là chuyện hiếm. Nhưng dù giàu có đến đâu đi nữa thì cuộc sống xa hoa đó vẫn lạc lõng bên cạnh những cuộc đời đầy khốn khó của đa số đồng bào và chắn chắn là tiếng khen thì ít mà tiếng chê thì nhiều.

Giàu có mà thiếu tri thức và lòng nhân ái thì sẽ trở thành những kẻ trọc phú. Giàu có cộng với sự hiểu biết về xã hội và biết chia sẻ với mọi người thì cái sự giàu có đó mới đạt đến đỉnh cao của nó, khi đó họ sẽ thuộc về giai cấp thượng lưu, quí tộc. Việt Nam ngày nay đáng buồn là "trọc phú" nhiều hơn "quí tộc". Hy vọng thời gian sẽ làm thay đổi và biến đổi tâm hồn những "trọc phú" thành "thượng lưu". Khi nghèo người ta bất chấp mọi thủ đoạn để làm giàu và khi giàu có rồi họ thì sẽ nhận ra một điều đơn giản, tiền không phải là tất cả.

Lý do rất chính đáng mà các doanh nhân luôn đưa ra để bào chữa cho mình khi họ tỏ ra thờ ơ với phong trào đấu tranh đòi dân chủ là "chúng tôi kinh doanh chứ không làm chính trị". Họ cố tình hoặc không biết rằng mọi chính sách dù lớn hay nhỏ đang tác động hàng ngày liên quan đến công việc của họ đều xuất phát từ các quyết định chính trị. Có người đã nói "trong các hiểu biết của con người thì hiểu biết về chính trị là hiểu biết lớn nhất", vì vậy những người làm chính trị và giới cầm quyền luôn là tinh hoa của dân tộc, của đất nước.
Tất nhiên khi ai đó được gọi là "tinh hoa" thì người đó phải trải qua quá trình "chọn lựa" và thừa nhận của người dân. Đảng cộng sản không bao giờ là tinh hoa của đất nước vì họ chưa được người dân lựa chọn bao giờ.
Ngày xưa những nhà tư sản hay giàu có đóng góp cho cách mạng không phải vì tự giác mà vì sợ khủng bố. Ngày nay phong trào dân chủ không khủng bố hay đe dọa ai mà chỉ kêu gọi giới doanh nhân đóng góp công sức của mình cho quá trình dân chủ hóa đất nước. Sự lựa chọn khôn ngoan nhất là ủng hộ bí mật cho các tổ chức chính trị có uy tín, những người có thể làm thay đổi số phận của đất nước, đó là việc làm không khó với các doanh nhân nếu họ muốn. Các doanh nhân đều biết đến lời khuyên trong đầu tư đó là "trứng bỏ nhiều giỏ" để tránh sự rủi ro, và đầu tư cho dân chủ là một kênh đầu tư khôn ngoan. Đó là đầu tư cho tương lai của bản thân doanh nghiệp, cho con cái họ, cho bà con họ.

Chỉ có dân chủ mới mang lại hạnh phúc cho cả dân tộc trong đó có gia đình các doanh nhân, đó cũng là niềm hạnh phúc và tự hào lớn lao khi đất nước có tự do và quan trọng nhất là sự đóng góp đó sẽ là sự bảo đảm cho sự an toàn của chính bạn và khối tài sản mà bạn đang có. Trên tất cả, bạn sẽ được sống như những người văn minh với phẩm giá của con người. Tôi tin rằng một chính phủ dân chủ trong tương lai sẽ tôn vinh và phải tỏ lòng tri ân những doanh nhân đã có đóng góp tích cực cho phong trào dân chủ Việt Nam. Bởi vì họ xứng đáng được đối xử như vậy.

Niềm tin của tôi cũng như lập trường của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là mọi sự thay đổi chính trị tại Việt Nam nên diễn ra trong hòa bình, trong tinh thần "hòa giải dân tộc", nên tránh các cuộc "cách mạng đường phố" như tình hình đang diễn ra tại Tunisia hay Ai Cập. Nếu điều đó xảy ra tại Việt Nam thì sự đỗ vỡ sẽ kinh khủng hơn rất nhiều so với các nước này, mọi người đều bị thiệt hại nặng kể cả các doanh nhân. Vì vậy chúng tôi kêu gọi thành phần trí thức tinh hoa của đất nước chủ động tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi quan trọng này. Nếu trí thức Việt Nam không chủ động dấn thân cho đất nước thì người dân Việt Nam cùng khổ sẽ đứng lên làm cách mạng và hậu quả thật khó lường. Doanh nhân Việt Nam cũng là thành phần trí thức và tinh hoa của dân tộc vì vậy phải có trách nhiệm với đất nước. Tiếng nói của tầng lớp doanh nhân rất có trọng lượng đối với thế hệ trẻ tại Việt Nam hiện nay. Ngoài sự hiểu biết các doanh nhân Việt Nam còn có một đức tính mà nhiều trí thức không có được đó là lòng dũng cảm và sự quả quyết.

Tôi cho rằng không phải dân trí người Việt Nam kém mà ý thức của tầng lớp trí thức Việt Nam kém. Nếu không kém thì trí thức Việt Nam đã làm được việc "khai dân trí, chấn dân khí" cho mọi người Việt Nam. Trước tình hình đất nước như hiện nay thì trí thức phải xem việc dấn thân chính trị như là mệnh lệnh của lòng yêu nước và trí thức phải nhận lãnh trách nhiệm dẫn dắt người dân và lãnh đạo đất nước.

Các nước văn minh như Mỹ hay Châu Âu được tự do và hạnh phúc vì tầng lớp trí thức tinh hoa luôn lãnh đạo và dẫn dắt đất nước trong khi đó ở Việt Nam thì tầng lớp tinh hoa này bị tiêu diệt tận gốc: "Trí – Phú – Địa – Hào; đào tận gốc, trốc tận rễ". Để rồi những kẻ thất học, ba đời ăn củ khoai, củ chuối lên nắm chính quyền nên Việt Nam mới không ngóc đầu dậy nổi. Tôi kính trọng và yêu thương tất cả mọi người, mọi tầng lớp nhân dân nhưng không thể nào đồng tình với việc để những kẻ ít học, kém hiểu biết, hung hãn và lưu manh lên nắm chính quyền, những kẻ này sẽ đày đọa tất cả chúng ta. Trí thức Việt Nam phải nhận lãnh trách nhiệm chèo lái con thuyền quốc gia, nếu họ từ chối hay nhường quyền này cho kẻ khác thì dân tộc Việt Nam sẽ tiêu vong.

Có một người nói rằng "cách làm từ thiện tốt nhất (và vĩ đại nhất) là làm chính trị", đây là một sự thật hiển nhiên. Bình thường khi làm từ thiện thì người làm từ thiện chỉ bỏ ra một số tiền hay công sức nho nhỏ mà không ảnh hưởng gì đến tài sản hay công việc của mình, trong khi đó người làm chính trị chân chính sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời họ, chấp nhận mất mát tự do, hạnh phúc và thậm chí cả tính mạng mình cho hạnh phúc của mọi người, mọi nhà.

Lịch sử luôn ghi nhận và đánh giá cao những danh nhân đã hy sinh cuộc đời mình cho dân tộc. Người làm chính trị có thể thành công, có thể thất bại nhưng tấm lòng yêu nước của họ luôn được người đời ghi nhớ.

Nhân dịp năm mới tất cả chúng ta hãy hướng về những nhà bất đồng chính kiến đang còn bị giam giữ trong chốn ngục tù, hãy dành cho họ và gia đình họ lòng kính trọng và sự yêu thương chia sẻ. Nên nhớ rằng việc họ làm không nhằm mang lại lợi lộc gì cho bản thân họ mà là mang lại mùa xuân cho mọi người Việt Nam, cho đất nước Việt Nam.

Trí thức Việt Nam, doanh nhân Việt Nam cần đoàn kết và sát cánh bên nhau trong cuộc cách mạng vĩ đại này, cuộc cách mạng mang lại dân chủ và tự do cho dân tộc Việt Nam.

Việt Hoàng
Thông Luận số 255, tháng 02/2011
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: