Monday, February 7, 2011

KHI ĐẤT ĐÁ TRỞ MÌNH (Nguyễn Vĩnh Nguyên)

Nguyễn Vĩnh Nguyên 
Lũ lụt, sạt lở... - những lời nhắc nhở nghiêm khắc từ thiên nhiên sẽ còn là điệp khúc trong những năm tới nếu con người không điều chỉnh những hành xử bất nhã với môi trường và không có giải pháp phát triển bền vững lâu dài.

1.
 Những ngày cuối năm, núi Gò Chợ (Phú Ninh – Quảng Nam) xuất hiện nhiều vết nứt lớn đe dọa mạng sống của 24 hộ dân sống ở thôn Bồng Miêu dưới chân núi. Người ta nhìn sâu vào những vết nứt xé lòng núi và thấy những lạch nước ngầm vẫn âm ỉ chảy dù mùa lũ đã đi qua.

Cũng những ngày cuối năm, một vụ sạt lở núi tại Bản Hồ - Lào Cai đã vùi lấp nhà máy thủy điện Sử Pán 2 thuộc công ty thủy điện Sông Đà – Hoàng Liên, gây thiệt hại nghiêm trọng. Người ta truy tìm nguyên nhân và nghi ngờ rằng, sự cố xảy ra vì gần đó, có dự án thủy điện Nậm Toóng đang nổ mìn thi công, gây chấn động mạnh.

Một năm, những thông tin về hiểm họa bùn đỏ từ Hungary đã xới lại những phản biện trong dư luận trí thức trước các dự án khai thác bauxite tại Việt Nam. Trận lũ bùn ở Nà Lũng - Cao Bằng là một lời cảnh báo gần. Tiếp đó, thiệt hại hàng trăm mạng người trên dải đất miền Trung vì những cơn lũ dữ, đột ngột mà nguyên nhân chính được xác định là do các đập thủy điện nhỏ và vừa ở thượng nguồn xả lũ.

Một năm chằng chịt tai ương đã vẽ ra cho chúng ta những cận cảnh mất mát và bất an. Điều đáng nói là những cận cảnh ấy sẽ là viễn cảnh tương lai, khi mà những câu hỏi lớn về hành xử với môi trường chưa có lời giải thật sự thích đáng. Những lời nhắc nhở nghiêm khắc từ thiên nhiên, những thiệt hại sẽ là điệp khúc trong những năm tới nếu con người chưa điều chỉnh được những hành xử bất nhã với môi trường, chưa có được giải pháp phát triển bền vững lâu dài.

2.
 Lang thang cuối năm ở vùng Đông Bắc, có lẽ ám ảnh nhất với tôi đó là chuyến hành trình xuôi dòng sông Gâm từ Bắc Mê sang Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang. Một dòng sông đẹp đến mê hồn với hai bên là vách núi đá vôi dựng như phóng khoáng vung tạc những đường nét hùng vĩ vào trời xanh.

Thế rồi, trong cái quang cảnh thơ mộng, giữa lúc cái tâm trạng thơ thới trên sóng nước yên bình đó, tôi bất giác bị chao đảo bởi thuyền trôi vào một khúc sông có nhiều cây cổ thụ trơ cành vạu vọ như những cánh tay xương vươn lên từ mặt nước vừa như oán hờn, vừa như thách thức. Hàng ngàn cây cành như thế quằn quại soi vẻ đẹp bi thảm lên nền sương hư ảo của làn nước tĩnh lặng buổi sớm khiến tôi hình dung đến những scene đầy chất huyền ảo về một miền địa đàng khánh kiệt, đầy ám chướng, hoang mang chết chóc trong các chương cuối bộ phim Antichrist của Lars Von Trier - đạo diễn người Đan Mạch gây nhiều tranh cãi. Một khung cảnh địa đàng trần thế đã mất với những biểu tượng môi sinh đầy dọa nạt, tàn khốc khiến con người bị ném vào trạng thái đày ải, nghi hoặc, bất an, thoái hóa và giết chóc lẫn nhau. Một khung cảnh có sức cảnh báo văn minh tăng trưởng và phương tiện trong các thước phim rùng rợn kia đang mở ra thực sự trước mắt tôi đây chỉ sau vài giờ đắm chìm trong sự thỏa mãn bay bổng của chuyến viễn du.

Người dẫn đường nói với tôi rằng, ngày trước, đây là một thung lũng. Việc chặn đập Na Hang đã nhấn chìm toàn bộ những cánh rừng trong thung lũng này và những nhánh cây cổ thụ hoang dại đang chết trơ xương kia cứ qua một mùa lũ lại đột ngột nổi lên trên mặt nước phô bày những hình thù quái dị như vậy. Trong những ngày sương mù phủ kín dòng sông, nhìn những bộ xương cây cổ thụ hiện ra lừng lững trên mặt nước, có du khách đã mất hồn thốt lên thất thanh: “Ma! Ma cây!”

Với hàng trăm dự án thủy điện được ký duyệt và thi công hằng năm, sẽ còn biết bao nhiêu cánh rừng cổ thụ chịu ngâm thân mục rữa trong nước, chết đứng, làm “ma cây”, vươn ngàn cánh tay xương giữa âm u trời đất đủ gieo vào lòng những viễn khách vô tâm nhất những xúc cảm bất an.

Với hàng trăm đập thủy điện vận hành và xả lũ đồng loạt nhân danh mục tiêu năng lượng và tăng trưởng thì, những ruộng vườn làng mạc bị san phẳng, những đợt lũ gỗ cuồn cuộn hung hãn tưởng chỉ có thể có trong thủ pháp văn chương hiện thực huyền ảo của G.G.Marquez sẽ không còn diễn ra trên màn hình tivi gợi lòng xót thương của những thị dân mà có thể là hiểm họa trực tiếp đe dọa đời sống những đô thị kiêu hãnh tăng trưởng trong tương lai gần.

Thuyền xuôi về đập thủy điện Na Hang, tôi gặp những chuyến xe xuôi ngược vớt gỗ, chở gỗ nhộn nhịp như một công trường đang mùa khai thác. Tôi cũng được giới thiệu một nhà hàng nằm gần đó, làm toàn bộ bằng gỗ quý, có hàng trăm hũ rượu ngâm bằng các loại thú rừng quý hiếm. Hàng trăm đôi mắt thú rừng đang từ trong những bình rượu đang soi vào bữa ăn vội vàng của khách lạ như trách móc, như bật ra những lời oán thán xé lòng.

Chúng tôi rời Na Hang để theo sông Gâm, Sông Năng sang Ba Bể. Không còn xúc cảm thơ thới lãng mạn. Biết bao thông điệp từ đất, từ cây vẫn hiện lên trên mặt nước rồi đi vào giấc ngủ lữ khách như một nỗi ám ảnh tàn khốc.

3.
Sự tệ bạc trong hành xử với môi sinh vì những mục tiêu tăng trưởng vội vã trước mắt đang đẩy chúng ta đến một bờ vực cuộc sống bủa vây bởi nỗi bất an.

Trong lặng thầm, trong ôn tồn, đất đang gửi đến cuộc sống con người những thông điệp, những lời nhắc nhở hay những cú cựa mình đánh thức. Trở về các sự cố sụt lở đất trong những ngày cuối năm, tôi sực nhớ đến một câu thành ngữ của người Việt: “lành như đất”, và tôi tự hỏi, chúng ta đã làm gì để đến nỗi, mặt đất, điểm tựa cơ bản dưới chân mình cũng không còn có thể “lành” nữa?
.
.
.

No comments: