Thursday, February 3, 2011

KỂ CHUYỆN MẸ (Ngô Nhân Dụng)

.


Kể chuyện Mẹ
Ngô Nhân Dụng
Wednesday, February 02, 2011
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126520&z=7

Tết là một ngày mình không nên nhức đầu. Cho nên, cũng không nên làm người khác phải nhức đầu. Chắc chắn không nên viết chuyện chính trị trong ba ngày Tết. Ký giả nẩy ý muốn mời quý vị suy nghĩ và thảo luận về một đề tài rất dễ thương: Làm Mẹ.

Lý do vì mới đọc tin về một cuộc tranh luận giữa bà Amy Chua và ông Larry Summers bàn về nghệ thuật làm mẹ, ngay tại Hội nghị Davos về Kinh tế Thế giới. Larry Summers từng là bộ trưởng Tài Chánh Mỹ, nguyên viện trưởng Ðại Học Havard, mới thôi chức cố vấn kinh tế ở Tòa Bạch Ốc. Amy Chua, giáo sư Luật khoa Ðại Học Yale, nổi tiếng vì mới viết một bài báo gây tranh luận mạnh mẽ ở Mỹ, sang cả đến Hồng Kông, Ðài Loan. Bà Amy Chua, tên Hán Việt là Thái Mỹ Nhi, trích một đoạn trong cuốn sách về kinh nghiệm dậy các con bà với kỷ luật rất nghiêm khắc. Bài báo tựa đề là: “Tại sao các bà mẹ Trung Hoa giỏi hơn?” (Why Chinese Mothers Are Superior?). Rất nhiều người phản đối, bài này nhận được nhiều thư độc giả phản ứng nhất trong lịch sử trên 100 năm của nhật báo Wall Street Journal (hơn 6,000 thư).

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì trong ba ngày Tết chúng ta cũng không nên đọc những ý kiến của bà Chua và những người phản đối bà. Chắc chắn sẽ nhức đầu. Có khi còn gây cãi cọ mất hòa khí. Xin hẹn quý vị trong vài tuần nữa, sau Tết chúng ta có thể bàn chuyện này. Bây giờ, vẫn xin kể chuyện các bà mẹ, nhưng chỉ nói đến những chuyện không nhức đầu thôi.

Khi loan tin bà Amy Chua đang gây cuộc tranh luận về “các bà Mẹ Trung Hoa,” tuần báo Economist đã nhắc đến chuyện Mẹ Thầy Mạnh Tử. Người Việt Nam đã đi học ai cũng biết chuyện chuyện này. Mẹ Thầy Mạnh Tử đã đổi nhà ở ba lần; chỉ vì lo cho việc giáo dục đứa con trai. Khi ở gần lò heo thì cậu bé Mạnh Kha ham chơi trò mài dao mổ lợn. Tới ở gần nghĩa địa thì cậu bắt chước người ta khóc lóc, thổi kèn đánh trống, làm bộ đưa đám. Cuối cùng, bà mẹ dọn nhà tới gần một trường học. Cậu bé bắt đầu mê đọc sách, chăm chỉ học hành. Cứ thế, sau này cậu đã trở nên một nhà hiền triết. Một điểm đặc biệt là trong câu chuyện trên không thấy nói gì đến ông bố hết. Có lẽ vì chỉ ghi trong Liệt Nữ Truyện của Lưu Hướng đời Hán, cho nên tác giả không quan tâm đến các ông bố. Nhưng Lưu Hướng cũng không viết là cụ bà có hỏi ý kiến của cụ thân sinh Thầy Mạnh mỗi lần đổi địa chỉ. Ðiều này cũng chứng tỏ rằng trong truyền thống Á Ðông (các nước Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản đều học theo Khổng Mạnh) người mẹ đóng vai chính trong việc giáo dục con cái từ hơn 2300 năm nay rồi (Mạnh Tử sống trong thế kỷ thứ tư và thứ ba trước Công Nguyên – trẻ hơn Aristote, Zeno và Epicure mấy chục năm).

Ở Tây phương, một bà mẹ cũng nổi tiếng đã chăm nom, dạy dỗ con cho nên người (nên thánh nữa!) là bà Thánh Monica, bà mẹ của Thánh Augustine, vào thế kỷ thứ tư. Ông bố coi như không được việc gì, bà mẹ là người đã trông nom lúc nhỏ vì con hay đau yếu; chính bà khuyên bảo mãi ông bố Patritius mới chịu rửa tội, trước khi chết sớm. Bà thúc đẩy con học hành, vì Thánh Augustine tự thú, tánh ngài rất lười biếng. Ông con bỏ nhà đi Roma thì bà mẹ theo lên tận Roma; con lại bỏ đi Milan, bà cũng tới Milan. Quan trọng nhất là bà đã khuyên bảo được cậu con bỏ những tật xấu, trở lại với đạo, để sau này trở nên một triết gia, một nhà văn và thần học lỗi lạc.

Một bà mẹ Trung Hoa xuất sắc đáng nhớ nữa là thân mẫu Thiền Sư Ðức Thanh vào thế kỷ 17. Hám Sơn Niên Phổ kể năm lên 7 tuổi, một hôm cậu bé trở về nhà, bà mẹ bảo vào mời ông chú ra ăn cơm. Cậu bước vào bên giường chú nằm; cậu gọi, rồi lay, chú vẫn không trả lời. Bà thím đi ra, vừa khóc vừa nói, “Chú đi rồi cháu ơi.” Cậu ngạc nhiên, ra hỏi mẹ sao chú vẫn nằm đó mà lại đi đâu? Bà mẹ giảng cho con biết như thế gọi là chết. Mấy tháng sau, thím sinh con. Nhìn đứa bé, cậu ngạc nhiên hỏi mẹ: Sao nó lớn thế mà ở trong bụng thím được? Bà mẹ củng lên đầu: “Ngu ơi là ngu! Thế mày đã từng ở trong bụng mẹ thì sao?” Ðó là bài học đầu tiên của cậu bé về lẽ sinh tử.
Năm lên 8 tuổi, Ðức Thanh được cho sang làng khác học, mỗi tháng mới được về thăm nhà một lần. Một hôm trở lại nhà rồi, cậu bé cứ bám lấy mẹ, khóc lóc không chịu đi. Bà mẹ quất cho mấy roi, kéo cậu ra tận bờ sống. Cậu lại nhất định không chịu xuống đò. Bà túm lấy tóc con, đẩy tuột xuống sông rồi bà quay đi luôn. May có bà nội đứng đó kêu người tới cứu và đem cháu về. Bà mẹ nói: Cứu cái thằng ngốc đó làm gì? Rồi lại lôi con đi ra bờ sông. Lúc này thì cậu bé biết mẹ mình chẳng yêu thương mình chút nào hết; cậu đi trọ học mà không còn nhớ nhà nữa. Sau này, cậu nghe bà nội kể lại mới biết, “Mẹ tôi thường ra bờ sông ngồi khóc. Khi bà nội trách móc, mẹ nói: ‘Con phải làm cho thằng bé nó dứt ra khỏi mẹ nó, nếu không thì làm sao nó học hành gì được.’” Ðó là một bài học của người mẹ không biết chữ, dạy cho cậu con biết tâm từ và tâm xả: Tình thương yêu không vướng mắc.

Bà mẹ đã giảng cho cậu con biết nếu đi học, thi đỗ, làm quan, có thể làm đến chức tể tướng. Năm 12 tuổi, ông bố lần đầu tiên xuất hiện, báo tin đã chọn được một cô làm vợ cho cậu bé; nhưng cậu nhất định từ chối, và trốn nhà lên chùa ở. Lúc đó bà mẹ lại nhất quyết bênh vực con; cậu được ở chùa, mặc dù vẫn tiếp tục học sách vở Nho giáo. Ðến năm 19 tuổi mới cạo đầu đi tu.

Những bà mẹ Thầy Mạnh Tử, Thánh Augustine và ngài Hám Sơn đều xuất chúng. Nhưng chúng ta biết có bao nhiêu bà mẹ khác, những con người giản dị, tầm thường nhưng đối với những đứa con thì họ vẫn là những hình ảnh đẹp vĩnh cửu. Bà Amy Chua nên viết: All Mothers Are Superior! Tôi xin kể chuyện nhỏ về mẹ tôi, để làm thí dụ. Có lần tôi đã kể chuyện này rồi; nhưng kể chuyện về các bà mẹ chắc nói mãi cũng không chán.

Tết năm đó, lúc tôi 5 hay 6 tuổi, Mẹ tôi nói sẽ may cho tôi một cái quần mới. Ðó là những ngày mùa Ðông rét mướt ở một làng quê miền Bắc Việt Nam. Mẹ đã tự tay dệt vải, đêm này qua đêm khác, tôi đã trông thấy. Bên đĩa đèn dầu lạc ngọn bấc leo lét, mẹ ngồi đạp cửi, chiếc khung cửi gỗ trong nhà, bóng người chiếu lên vách đất, tiếng gỗ chạm vào nhau cọt kẹt. Không nhớ bao nhiêu đêm mới dệt xong tấm vải. Dệt xong vải rồi, phải nhuộm đen, vì quần áo trắng rất dễ lấm bẩn, mặc quần trắng sẽ phải giặt luôn; mà ở nhà quê người nghèo như chúng tôi thì không có xà phòng, món hàng xa xỉ, đắt lắm. vả lại, giặt nhiều lần sẽ làm cho quần áo dễ cũ, sẽ rách sớm hơn, lại tốn tiền may đồ mới. Thuở nhỏ anh chị em chúng tôi chỉ biết quần thâm với áo vải nâu. Ở làng tôi, quần áo trắng là một thứ chỉ mặc trong những dịp lễ, tết.

Ở nhà quê tất nhiên không có thuốc nhuộm. Lâu lâu có bác thợ nhuộm quẩy quang gánh đi dạo làng này sang làng khác, lắc cái chuông leng keng; ai gọi vào lại mặc cả giá nhuộm mỗi cái áo, cái quần là bao nhiêu. Muốn tự nhuộm lấy mầu nâu thì các bà dùng “củ nâu,” một thứ củ cũng phải mua, giá có thể bằng một bữa cơm, nhưng rẻ hơn thuê thợ nhuộm.

Nhuộm đen là rẻ nhất, vì có thể dùng bùn dưới ao. Vét bùn đen từ dưới đáy ao lên, vét tự chỗ càng sâu thì bùn vớt lên càng đen nhánh và mịn màng. Ðem nhúng tấm vải vào chậu bùn, vò cho bùn thấm vào vải cho thật kỹ, thật sâu. Xong, đem phơi khô; tấm vải khô rồi lại đem ra ao giặt lại cho hết bùn. Lại phơi nắng một lần nữa; khi khô rồi, lại đem vải nhúng bùn lần thứ hai. Rồi lại phơi, lại giặt cho hết bùn. Rồi lần thứ ba, lần thứ tư, càng nhiều lần thì mầu đen càng giữ được bền. Cho đến khi tấm vải có mầu đen tuyền, đen thẫm; và mặt vải dầy hẳn lên, mùa Ðông mặc mới thật là ấm áp.

Mẹ dệt và nhuộm thâm tấm vải cho cả ba đứa con lớn chứ không riêng cho tôi. Mẹ thường giao cho tôi việc bế em, nếu anh tôi bận và chị tôi phải theo mẹ ra chợ. Một bữa tôi ngồi ôm đứa em bé trong lòng, tôi mới khám phá ra một điều, là khi bế em thì hai cái đùi để trần của mình cũng được ấm áp. Khi mỏi, nâng em đứng dậy thì đùi lạnh. Lúc đó tôi mới năm tuổi, và đó là mùa Ðông đầu tiên phải bế em, cho nên đối với một đứa trẻ những cảm giác vừa khám phá đó cũng rất mới mẻ, không thể nào quên được. Từ hôm đó tôi hay tình nguyện giữ em giúp mẹ.

Thử tưởng tượng lại coi, buổi sáng mùa Ðông lạnh giá ở miền Bắc, được ngồi ôm đứa em ấm áp trên đùi, nhìn tấm vải phơi trên sân sẽ may quần cho mình; mặt trời đang phà hơi nóng xuống hun sấy cho tấm vải thâm khô dần, cho những hạt bùn mịn nhuyễn bám chặt hơn vào từng sợi bông, vải sẽ dầy thêm. Nắng đang sưởi khô từng sợi một.

Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ mình sau khi đi chợ về, lặn lội ven bờ ao, thò tay vét bùn. Mẹ run, vì bà rất sợ đỉa. Mẹ khom lưng thò tay móc từng vốc bùn lên, cúi xuống cố thọc tay xuống thật sâu. Nước ngập lên đến bả vai, lại nghiêng mình thọc tay xuống sâu nữa. Rồi nhìn mẹ lần lượt nhúng cả tấm vải trong chậu bùn đen, mẹ ngồi xuống, vòng hai cánh tay vò đi vò lại cho chất bùn thấm vào từng thớ sợi. Rồi đem trải tấm vải dài trên sân phơi nắng. Phơi mấy ngày rồi, lại khom lưng trên cầu ao vò đi vò lại miếng vải cho đất tan ra hết. Hôm sau lại vét bùn, lại nhúng vải trong bùn, rồi đem phơi lần nữa. Mỗi lần thấy tôi đứng nhìn, chân run lập cập, co ro lạnh vì chưa có quần mặc, mẹ lại an ủi: Chờ mấy nắng nữa thôi con ạ. Càng nhuộm bùn nhiều lần thì vải nó càng dầy, mặc nó bền con ạ. Thế nào con cũng có quần mặc trước Tết.

Những lúc đó, nghe lời mẹ lòng tôi thật vui sướng. Tôi ngồi xếp bằng trên thềm, lấy chân sưởi ấm chân mình, nhìn tấm vải ướt đẫm bùn phơi trên sân đang hứng nắng ấm. Mình được sưởi nắng, tấm vải thâm cũng được sưởi nắng. Lòng tràn ngập niềm vui, nghĩ mình thế nào Tết cũng có quần mặc.

Tết năm đó tôi có quần mặc, quần mới. Vải cứng quá không che sát đùi cho nên gió bấc cứ luồn cả vào bên trong, lạnh cả vào suốt hai cẳng chân. Nhưng nó bền lắm. Chỉ tiếc, tuổi trẻ lớn lên rất nhanh; khi quần mặc ngắn quá mẹ phải đem đi bán cái quần cũ đó lấy tiền mua vải may cho tôi cái quần khác, mỏng hơn. Dù hồi đó còn nhỏ nhưng tôi cũng cảm thấy mẹ đang lo cho mình hết sức. Bây giờ vẫn còn nhớ, không cần ai dạy mình nhớ ơn cha mẹ cả. Công ơn của mẹ đã phơi ngay trước mắt mình, dài mấy thước trên sân gạch, đen lấp lánh trong nắng ấm cuối mùa Ðông. Ðó là những giờ phút hạnh phúc. Hạnh phúc có thật, sờ thấy được, ấm cả ngón tay.

——————————-
Đọc thêm :
VẤN NẠN GIÁO DỤC Ở MỸ : CON NÊN NGƯỜI LÀ NHỜ MẸ CHUA, MẸ RHEE ? 
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2011/02/van-nan-giao-duc-o-my-con-nen-nguoi-la.html
.
.
.

No comments: