Sunday, February 13, 2011

HOÀI NIỆM NHÀ VĂN LÊ VĂN TRƯƠNG (Viên Linh)

Viên Linh
Wednesday, February 09, 2011

Nhà văn Lê Văn Trương sinh năm 1906 tại làng Ðồng Nhân, Hà Nội, mất ngày 25 tháng 2, 1964 (13 Tết Giáp Thân) tại nhà riêng, số 100/67 đường Trần Hưng Ðạo, Sài Gòn, lúc mới 58 tuổi.

Nhà văn Lê Văn Trương (1906-1964), ảnh trên bìa Tạp chí Văn Sài Gòn số đặc biệt về ông

Ðoạn văn sau đây là tổng hợp nhiều ghi chép, nhật ký, nhận định về ông của một người viết văn lớp sau, vốn yêu mến văn tài và tác phong tác giả “Người Anh Cả” từ lần đầu tiên đọc ông, khi người đọc còn là một học sinh tiểu học ở Hà Nội.

“Với trên 200 cuốn tiểu thuyết, một thời từ 1935 tới 1945, anh (Lê Văn Trương) đã một tay gây sóng gió trong làng văn. Chính cuộc cách mạng tháng 8, 1945, tác phẩm của anh đã dự một phần rất lớn vào việc đúc kết tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Cái tinh thần mã thượng, không hèn, không sợ, cái tinh thần quân tử thấy việc nghĩa thì làm, cái tinh thần sống mãnh liệt theo luân lý đạo đức cổ truyền, mà tiểu thuyết của anh bao giờ cũng xếp đặt cho thắng cuộc ở dòng chữ cuối cùng, dù có phần nào có thể còn khuyết điểm về phương diện bố cục văn chương, cũng vẫn ảnh hưởng sâu xa đến tâm hồn của độc giả. Cho nên trên văn đàn của Ðất Nước, nhà văn học sử, từ lâu, đã hân hạnh đặt anh ngồi riêng một mình một chiếu danh dự. Dù anh chết ngày hôm nay trong âm thầm lặng lẽ, hay anh chết trong những biến cố dồn dập từ 1945 tới đây, tên tuổi của anh vẫn sống mãi trong lịch sử văn học Việt Nam.

Khi anh Lê Văn Trương bước chân vào làng văn với tác phẩm “Trước cảnh hoang tàn của Ðế Thiên Ðế Thích” và khi kể chuyện “Cô Tư Thung” cũng như tất cả các bạn văn khác, không phải là anh đã không biết cái kiếp con tằm rút ruột kéo kén để nằm trong ổ kén mà chết như thế. Nhưng anh vẫn từ bỏ cuộc đời công chức nhàn hạ và chắc chắn ở tương lai để lao mình vào văn nghệ. Phải rằng đã không có phần hy sinh nào của bản thân đâu!” (Trích bài viết của học giả Lê Văn Siêu trên báo Sáng Dội Miền Nam, 1.1964)

1.
Nếu có một nhà văn nào mà tôi yêu thích nhất, về cả đời sống, con người, lẫn tác phẩm, thì đó là Lê Văn Trương. Ðó là một người mà sinh hoạt tương tự như một dòng nước đổ từ thượng nguồn dòng nước đổ xuống, bọt sóng tung tóe trên những mỏm đá cao, nước cũng biết đục ngầu nơi bãi thấp, rất chẳng bao giờ là nước ao tù. Dòng nước ấy cũng rất tạp nhạp bọt bùn ở khúc hạ lưu, nhưng rồi tới biển, nước không cần nhớ nó đã qua đâu, chỉ biết rằng nước là nước chảy, nước là nước luân lưu, nước là nước sống. Hình ảnh dòng nước ấy với tôi là Lê Văn Trương. Xem tiểu sử, được biết ông là người giao thiệp với đủ hạng người. Có sỏi nơi cao và phèn quãng thấp. Là một nhà văn, ông viết từ những nơi đó, chấm ngòi bút vào mực trần gian, trải bản thảo trên những miền khác biệt. Ðá ở Ðế Thiên kia nám máu hồng, bút viết ra Hoang Tàn Những Cảnh. Tình ở Lovéa rất biếc, giấy kể về Mẹ Là Tôi. Rảy cỏ làm phi trường thượng du đường ngược, “xiết máu,” ném đồng tiền thành phố ăn chơi. Cũng có khi “lương tâm trong gió lốc.” Rất nhiều lúc “ngựa đã thuần rồi.” Ðấy, tôi cũng rất tuồng để nhớ đến một tác giả mà đời sống sôi động, không khác gì kịch, có từng màn từng cảnh, có xen sau lạ lùng hơn xen trước, và có một chung cuộc - buồn thay - rất không có hậu chút nào.

Tuy nhiên trong cái chung cuộc ấy không phải là không có bất ngờ, không phải là không có kịch: đám ma Lê Văn Trương rất vắng bạn văn chương, vắng đến leo teo thưa thớt, và đông thay là các nghệ sĩ màn nhung! Xe tang không phải xe nhà đòn, mà là xe dùng để chở y trang cảnh trí của một gánh cải lương được cải biến. Sống đến thế, chết như thế, tác giả Trận Ðời quả đã bị một vố nặng.

2.
 Lê Văn Trương thời Tiền chiến là nhà văn được ưa thích nhất, đã nhiều năm liền là tác giả có sách dẫn đầu số bán, cũng như được trả bản quyền cao nhất, có khi gấp đôi hay hơn nữa so với những nhà văn đương thời không phải là không nổi tiếng bằng ông. Sách ông bán chạy nghĩa là ông có nhiều độc giả - độc giả nhiều nhất.

Không biết đa số độc giả đến với Lê Văn Trương bằng cách nào, riêng có một người đọc rất nhỏ là tôi đã đến với ông một cách tình cờ, không ai dẫn dắt hay giới thiệu. Tôi đến với Lê Văn Trương chỉ vì những nhan đề, tương tự như tôi đã là độc giả của Arthur Koestler từ năm hơn mười tuổi. Lúc ấy, khoảng năm 1951, còn là học sinh trường tiểu học Ngô Sĩ Liên, ở phố Hàm Long Hà Nội, và sau đó lên Chu Văn An bên cạnh Hồ Tây, tôi đã rất mê tiểu thuyết. Những nhan đề và những tác giả đọc từ thuở đó, còn nhớ đến bây giờ là Lệ Hằng Phục Thù của Trường Xuân, Lê Phong Phóng Viên của Thế Lữ, Dao Bay của Ngọc Cầm, Nhà Sư Thọt, Vết Tay Trên Trần của Phạm Cao Củng. Và cứ kiểu xem nhan đề như thế, có những truyện không phải truyện trinh thám đã chạy lầm vào hòm sách của người vị thành niên, vì cậu ta tưởng là truyện trinh thám: Ðêm Hay Ngày (1) của Arthur Koestler, Cô Tư Thung, Những Ðồng Tiền Xiết Máu, của Lê Văn Trương. Tuổi 13 tôi say mê Koestler và câu đánh morse qua bức tường dày của nhà giam Xô Viết: “Hãy vùng lên hỡi những kẻ bị đọa đày trên thế gian.”

Có ai biết một chú học sinh đệ thất đệ lục đã đọc tác phẩm lớn và tác giả lớn như thế, hẳn phải phục lăn! Và có ai biết một chú nhỏ như thế lại mê đọc những truyện ngoại tình, cờ bạc, ăn chơi trác táng như truyện Lê Văn Trương, hẳn phải phục lăn không kém. Như thế tôi biết Lê Văn Trương. Nhưng không phải đọc để tò mò thích thú như đọc truyện trinh thám nữa: mà đọc để đi tìm những tội lỗi của nhân vật. Lê Văn Trương đã chuyển cái người đọc giả của tôi sang một giai đoạn. Tôi tham dự chuyện đời - chuyện người lớn - ngay từ lúc thiếu niên là qua các tác phẩm của ông.

3.
Có một khía cạnh để nói được rằng yêu Lê Văn Trương là từ khước Tự Lực Văn Ðoàn, nếu bạn đã biết cuộc xung đột của họ. Cách đây trên mười năm [tức 1957] tôi có đọc trên một số tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy cũ, nói về những hành vi không được đẹp của nhóm này đối với tác giả Một Người. Hành vi ấy là trong một cuộc diễn thuyết của Lê Văn Trương ở Nam Ðịnh, nhóm TLVÐ chở nhau trên xe hơi đến tận nơi, và hệt như một bọn lâu la - trừ Khái Hưng và Tú Mỡ, noi theo Nguyễn Vỹ - họ bóp còi inh ỏi để phá đám cuộc diễn thuyết này. (2)

Không đánh bạt được ảnh hưởng của Lê Văn Trương bằng các tác phẩm, họ dùng báo chí để chế riễu, gọi ông là “Huênh hoang tôn ông.” (3). Cứ xét về trình độ báo văn nghệ bây giờ, và so với cái kiểu trên, thì ngày nay, sự mạ lỵ cá nhân, nhằm vào nhược điểm cá nhân đồng nghiệp nhà văn đã bớt đi nhiều lắm. Mà cái nhược điểm của LVT - cái tính nói nhiều và đôi lúc quá tự tin ấy - còn tốt đẹp nhiều lắm so với sự giả đạo đức.

Nói nhiều như Lê Văn Trương có thể là một cá tính bẩm sinh. Có thể đến từ quan niệm của riêng ông về bạn bè. Ai đã được coi là bạn thì ta nói thẳng điều mình nghĩ, và lại tin rằng họ là bạn mình, khỏi dè đặt. Nhưng đâu phải tất cả những người đi chơi với ông, uống rượu với ông đều là bạn ông. Vẫn cái kiểu tứ hải giai huynh đệ, đúng như lối sống của LVT đã được phản ảnh trong các bài viết sau này, ông bị lỡ bộ rất nhiều. Ông không dè dặt với cả người đang chăm chỉ ghi nhận một chân dung LVT để rồi đả kích hay chế diễu. Nhưng có rất nhiều người lại yêu cái mẫu người LVT. Ðó là một người bộc trực, đôi khi cộc cằn, nhưng vui vẻ rộng rãi; cả tin nhưng khi đã mất niềm tin thì sợ đối tượng như sợ hùm beo. Một người như thế là một người có bản tính rất chân thật.

4.
 Lê Văn Trương từ trần trong cảnh túng quẫn với một hình hài to lớn đấy nhưng với nước da cháy đen một màu than khô, khuôn mặt hốc hác và dáng điệu vật vờ. Tôi chỉ được biết ông vài tháng trước ngày ông nhắm mắt, một buổi chiều tại Câu Lạc Bộ Báo Chí. Tôi đã ngắm nhìn ông rất kỹ càng khi được biết đó là tác giả Cô Tư Thung, tác phẩm tôi đọc hồi còn đang học lớp nhất một trường tiểu học. Lê Văn Trương cắp một cái cặp nhỏ, bước vào Câu Lạc Bộ Báo Chí, đường Lê Lợi. Ông đến ngồi bên cùng cái bàn tôi đang ngồi, mặc dù chúng tôi không được quen biết nhau. Có lẽ vì đó là cái bàn duy nhất ở Câu Lạc Bộ có ghế bành, hoặc có lẽ trên bàn có một bát điếu thuốc lào. Ông có nhìn tôi nhưng không nói gì trực tiếp. Có nói trống không một vài điều gì đó mà tôi không để tâm. Ông không có lửa châm thuốc, mượn cái bật lửa của cô chiêu đãi nhưng bật xòe mãi không được. Tôi sờ túi, nhưng tôi cũng không có lửa. Trong khi ấy tác giả Hận Nghìn Ðời vẫn chăm chú hí hoáy với cái bật lửa. Ông nói lẩm bẩm lầm bầm trong miệng có vẻ bực bội và nếu tôi không nhớ lầm, ông có chửi “đéo mẹ” mà vẫn bật cái bật lửa nhôm xoèn xoẹt.
Tôi ngắm chiếc sơ mi trắng rất thẳng nếp của ông. Cái quần ông mặc có vẻ như rộng, nhưng sạch, mới. Hôm ấy chắc là trong túi tác giả Ông Hoàng Một Ðêm cũng có chút tiền, nói thế vì tôi biết Lê Văn Trương lúc bấy giờ nghèo lắm. Cái nghèo của một nhà văn cuối đường ở Việt Nam, một cái gì dĩ nhiên, được thực tế khẳng định, được xã hội chấp nhận và nhất là được chính những người trong làng coi là chuyện phải đến. Tôi đã được ngó thấy căn nhà tối tăm của ông trong một con ngõ đường Trần Hưng Ðạo vài lần khi vào thăm anh Lê Văn Vũ Bắc Tiến, chủ nhiệm tờ Sân Khấu, ở đối diện nhà Lê Văn Trương. Hình như đó là căn nhà mà ông bán đi trước khi chết được ít ngày, lúc tiền còn cầm tay mà chưa được tiêu cho bõ. Chuyện này, nhiều người đã nói đến: Là Lê Văn Trương sống nghèo mấy năm chót trong đời, nhưng khi chết lại chết giàu lắm. Chết còn để lại cả túi tiền lớn, lớn vì đó là thứ tiền không cất kín trong két, ở nhà băng, mà để ở trong túi (nhà văn là người chỉ có tiền trong túi nhất là theo nhà thơ Trần Tuấn Kiệt kể lại), khi đã nằm trên giường bệnh ở nhà thương thí rồi, ông còn nhờ Kiệt và cậu con nuôi ra phố mua cho được một chiếc đồng hồ đeo tay thứ đồng hồ ông thích để biết thì giờ trong cuộc du hành qua bên kia thế giới. (Mà còn dặn phải mua thứ đồng hồ có dây đeo mạ vàng mới được).

Dù trang trọng như thế hôm ấy tôi vẫn thấy Lê Văn Trương rất buồn. Cái buồn lẩn thẩn một mình trong tuổi già cô đơn. Tôi lấy cái bật lửa trên tay ông, kéo cái bấc cao lên và bật được lửa. Tôi rất lấy làm hài lòng về việc này. Ông truyền lửa vào thỏi giấy đã làm sẵn và nói: “Cảm ơn ông nhé.” Sau đó ông hút thuốc không nói gì thêm. Và sau đó ông cắp cái cặp rời Câu Lạc Bộ, thong thả ra đi.

5.
Lê Văn Trương là một người viết thật. Có những nhà văn rất trau chuốt làm nên những tác phẩm thành công nhiều mặt, song trong tác phẩm đó phần thật không phải là quyết định cho sự thành công. Ngược lại với tôi trường hợp Nam Cao, Bùi Hiển, Vũ Trọng Phụng chẳng hạn. Ba tác giả này là ba người viết thật. Trên tổng quát tôi nghĩ Lê Văn Trương cũng là viết thật, trên một khía cạnh khác. Ba nhà văn trên viết thật trong cảnh cùng túng của lớp xã hội thấp, hay lớp tư sản sa xuống thấp, và trên khía cạnh bản năng. LVT khai thác trên phương diện đạo đức, luân lý.
Nhiều phong trào qua đi, nhiều khuynh hướng áp dụng vào việc làm nghệ thuật cũng sẽ qua đi, nhưng những người viết thật vẫn ở nguyên trong vị trí của họ. Giống như trong các truyện cổ và võ hiệp, có nhiều nhân vật tài ba mưu lược đáng nể sợ, nhưng có nhiều người chân thật hào hùng. Những người được yêu mến mãi mãi, như Võ Tòng, Lý Quỳ hay Lỗ Trí Thâm. Lê Văn Trương đối với riêng tôi là một trong những người như thế.
(Sài Gòn, 3.1975. Trích Hồi Ký Văn Học, chưa hoàn tất.)

CHÚ THÍCH
(1) Ðêm Hay Ngày, Tân Việt xuất bản, không đề tên dịch giả, dịch từ Darkness at Noon của Arthur Koestler.
(2) Theo Nguyễn Vỹ.
(3) Nói về Tự Lực Văn Ðoàn của Nhất Linh, ông Nguyễn Văn Xuân “phát giác: * đó là một đoàn thể kết hợp để ‘làm ăn’ để tự phát triển và nhiều khi để chống đoàn thể khác chứ không có ý hô hào, cổ võ tinh thần đoàn thể.” (Lửa Thiêng số 1, trang 71)
(**) “Nhân viên Tự Lực thường chơi với nhau hơn chơi với người ngoài. Nhờ đó ít lộ nhược điểm của nhóm mình và khiến người ngoài thêm tin tưởng. Mà báo (của) Tự Lực sống phần lớn nhờ vào lối chỉ trích khôi hài của họ.” Ng V Xuân, Lửa Thiêng số 1, trang 67. Và:
(***) Họ (là TLVÐ) đúng là hạng “già hàm,” “cái cả vú lấp miệng em” NVX, Lửa Thiêng số 1, trang 67.
(4) Ðoạn này trích bài Tạp Ghi nhan đề Lê Văn Trương Ba Năm Ðã Chết - VL đăng trên nhật báo Tiền Tuyến hồi tháng 2, 1967.
(5) “Còn một đặc điểm không thể nào không nhắc đến trong nhân vật Lê Văn Trương. Ðó là tính cách luân lý trong hành vi của những nhân vật đó. Thứ luân lý ở đây là một thứ luân lý thông thường, được quan niệm theo một trật tự xã hội Ðông Phương cổ truyền như tình vợ chồng phải chung thủy, ở với anh em phải tận tụy hết lòng, tình bạn bè phải luôn luôn trung tín.” (Ký giả Lô Răng, bài đã kể)
.
.
.

No comments: