Friday, February 18, 2011

CHUYỂN TIẾP TỪ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI Ở ĐÔNG NAM Á là BÀI HỌC CHO TRUNG ĐÔNG (VOA)

Heda Bayron | Bangkok
Thứ Sáu, 18 tháng 2 2011

Vào lúc dân chúng ở Trung Đông biểu tình đòi tự do và dân chủ, nhiều nước ở châu Á lại nhớ đến các cuộc tranh đấu của mình chống lại các chính phủ độc tài hồi thập niên 1980 và 1990. Thông tín viên VOA Heda Bayron tại Bangkok điểm lại các diễn biến lật đổ những nhà độc tài lâu năm ở Philippin và Indonesia, và tìm ra các bài học từ các cuộc chuyển tiếp qua dân chủ của hai nước này.

Khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức sau nhiều tuần lễ biểu tình ở Cairo, Tổng thống Philippin Benigno Aquino III đã mau chóng tuyên bố đoàn kết với nhân dân Ai Cập.

Thân mẫu của ông, cố Tổng thống Corazon Aquino, đã là gương mặt chính trong cuộc cách mạng gọi là “Sức mạnh nhân dân” cách đây 25 năm chấm dứt 20 năm cai trị của ông Ferdinand Marcos.

Vào tháng 2 năm 1986, hàng chục ngàn người Philippin đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Manila và cùng với những người ly khai khỏi quân đội, đã buộc ông Marcos và gia đình phải chạy trốn qua Hoa Kỳ. Sự kiện này tạo sự khích lệ cho các phòng trào tương tự đòi dân chủ ở Nam Triều Tiên, Đài Loan, Thái Lan và Indonesia.

Nhưng như người dân Philippin đã chứng minh, lật đổ một nhà độc tài là một chuyện, còn thay đổi dân chủ lại là một chuyện khác.

Những năm tiếp theo vụ lật đổ ông Marcos đầy xáo trộn. Các thành viên của quân đội, từng chiếm địa vị thống trị và được nhiều ân sủng trong chính sự, đã gây thất vọng.

Ông Steven Rood là đại diện của Philippin trong Quỹ châu Á, một tổ chức ủng hộ cải cách kinh tế và các sáng kiến về chính quyền.

“Có một số âm mưu đảo chính bởi vì giới lãnh đạo dân và quân sự cần phải đi tới một sự sắp xếp mới sau khi từng là thành phần của một khối nhỏ nắm quyền thế dưới trướng một nhà độc tài. Mặc dầu quân đội là công cụ đẩy nhà độc tài này ra khỏi quyền lực, điều đó không nhất thiết có nghĩa là họ thoải mái với đặc ân mới.”

Quân đội Ai Cập đã góp phần gây áp lực buộc ông Mubarak từ chức, hiện đang nắm quốc sự cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử trong vòng 6 tháng.

Vai trò của quân đội cũng là một mối lo ngại tại Indonesia sau khi Tổng thống Suharto bị lật đổ năm 1998.

Một số chuyên gia phân tích thời cuộc tiên đoán rằng không có sự nắm quyền của ông Suharto, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á sẽ rơi vào tình trạng bạo động phe phái và các phòng trào ly khai và quân đội sẽ tiếp quản.

Tại Indonesia, quân đội vừa là một lực lượng chính trị vừa là một lực lượng an ninh, với các ghế được bảo đảm trong quốc hội.

Điều đó đã không xảy ra. Quân đội Indonesia đã có khả năng điều chỉnh với trật tự chính trị mới.

Ông Leonard Sebastian là phối hợp viên của chương trình Indonesia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore nhận định:

“Theo tôi, lợi thế vào lúc đó là quân đội được thúc đẩy bởi các phe phái khiến họ không bao giờ có thể sử dụng các quyền to lớn của họ để chiếm quyền lực. Ngoài ra còn có rất nhiều áp lực cả ngoài đường phố lẫn trên trường quốc tế từ phía các nước như Hoa Kỳ, để quân đội không nắm được quyền lực. Điều thứ ba tôi có thể nói là sự nổi dậy của một nhóm các sĩ quan có đầu óc cải cách rất nóng lòng đưa quân lực ra khỏi chính trường và chuyển quân đội vào một con đường chuyên nghiệp hơn.”

Ông Sebastian nói rằng một trong những sĩ quan quân đội đó chính là đương kim tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

Ông Rood cho rằng điều quan trọng là đề ra một vai trò mới cho quân đội sau những cuộc cách mạng như thế để giới lãnh đạo dân sự tiếp quản. Ông nói:

“Đó là một công tác quân bình rất tế nhị, và Philippin đã phải mất cả thập niên để đến được chỗ đó, mặc dù tôi nghĩ rằng hiện họ đã đến nơi.”

Tại Indonesia, ông Sebastian cho rằng các tổ chức Hồi giáo lớn nhất nước như Nahdlatul Ulama và Muhammadiyah, với hàng triệu thành viên, cũng đóng các vai trò thiết yếu trong việc quảng bá dân chủ:

“Các tổ chức này có cam kết với sự tiết chế, dung chấp và hòa đồng. Họ tìm cách đóng góp vào cuộc tranh luận. Các ánh sáng dẫn đường bên trong 2 cơ chế này rất nổi bất trong cái xã hội dân sự đã bắt rễ đặc biệt vào thập niên 1990 để thúc đẩy đòi thêm dân chủ.”

Vai trò mà tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo tại Ai Cập sẽ đóng trong thời gian chuyển tiếp vẫn chưa rõ ra sao; Tổ chức này đã từng là một lực lượng đối lập chính ở đó từ nhiều thập niên.

Dân chủ ở Indonesia và Philippin vẫn chưa xóa được tất cả những tệ nạn mà các chính phủ độc tài đã vướng mắc, như tham nhũng và nghèo khó.

Nhiều chuyên gia phân tích thời cuộc coi Indonesia như một nền dân chủ ổn định hơn so với Philippin. Indonesia đã tổ chức ba cuộc tổng tuyển cử với số cử tri tham gia đông đảo kể từ năm 1998, và bất kể nhiều vụ tấn công khủng bố và những vụ bạo động phe phái, nền kinh tế của nước này đã phồn thịnh.

Tuy nhiên, Philippin đã có một thành tích không đều. Năm 2001, một vị tổng thống nữa đã bị lật đổ bởi các vụ biểu tình ồ ạt vì bị cáo buộc tham nhũng, quân đội đã tổ chức cuộc nổi loạn vào năm 2003, và gian lận tràn lan đã làm lu mờ cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Nền kinh tế cũng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Rood nói người dân Philippin trông đợi nhiều hơn những gì họ đã có được sau năm 1986.

“Bởi vì họ tập trung sự bất mãn vào một người, gạt bỏ chỉ một người đó ra khiến họ nghĩ rằng mọi thứ sẽ biến thành tốt đẹp hơn ngay. Và đương nhiên khi mọi sự không ra như thế, thì sẽ có nhiều bất mãn nổi lên.”

Và sự thay đổi không nhất thiết có nghĩa là những gương mặt cũ sẽ biến mất. Gia đình Marcos đã bị kiện về nhiều vụ tham nhũng và vi phạm nhân quyền, mà không đi đến kết quả thu hồi lại được hàng tỷ đôla mà gia đình này bị cáo buộc đã lấy cắp. Ông Marcos chết trong thời gian sống lưu vong vào năm 1989. Ngày nay vợ ông là Imelda, một người con trai và một người con gái đang giữ các chức vụ công cử ở Philippin.

Ông Suharto qua đời năm 2008. Gia đình ông tiếp tục sở hữu các cơ sở kinh doanh lớn. Nhiều đơn kiện con cái ông, nhưng không có ai bị kết tội tham nhũng. Đảng cũ của ông Suharto là đảng Golkar vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chính trường Indonesia.

-----------------------------

.
.
.

No comments: