Thursday, February 24, 2011

BẤT ỔN BẮC PHI VÀ BẤT ĐỒNG MỸ – TRUNG (Ngô Minh Trí)


24/02/2011

Mới đây, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích cho rằng phương Tây, mà đứng đầu là Hoa Kỳ, chính là tác nhân gây nên bất ổn tại Bắc Phi hiện nay. Chỉ trích này có vẻ như rất bất ngờ khi nhiều chính phủ Bắc Phi, đang vấp phải làn sóng chống đối, vốn dĩ là những đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ. Nhưng thực sự thì chỉ trích này không hoàn toàn bất ngờ, mà  ngược lại thì đó  là một dẫn chứng khác cho những bất đồng Mỹ – Trung.

Khi chính phủ Zine El Abidine Ben Ali ở Tunisia sụp đổ và cuộc khủng hoảng chính trị lan sang Ai Cập, nhiều chuyên gia đã nói đến một trật tự mới, mà vai trò của Hoa Kỳ sẽ bị giảm sút, ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Nhận định đó bắt nguồn từ việc cựu tổng thống Hosni Mubarak là một trong những đồng minh thân cận lâu năm của Hoa Kỳ. Tương tự như thế, nằm trong vòng xoáy bất ổn còn có cả Jordan và Bahrain, hai đồng minh quan trọng khác của Hoa Kỳ. Nếu Jordan là nước được Hoa Kỳ hỗ trợ xây dựng các trung tâm quân sự, thì Bahrain chính là nơi mà Hoa Kỳ đặt một căn cứ hải quân. Vì thế, nếu các chính thể này sụp đổ, người ta có quyền cho rằng vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ bị giảm sút, nhất là khi các lực lượng chính trị Hồi giáo chống Mỹ như Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo nâng cao ảnh hưởng trong quần chúng.

Thế nhưng, trong thực tế, Washington, dù muốn dù không, cũng đã lên tiếng ủng hộ các lực lượng biểu tình và kêu gọi không sử dụng bạo lực để trấn áp biểu tình. Phản ứng trên của Washington là điều hiển nhiên bởi họ luôn truyền bá dân chủ, nên không có lý do nào để siêu cường này có thể “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nếu không muốn bị lên án là đạo đức giả. Ngoài ra, việc Hoa Kỳ ủng hộ lực lượng phản kháng là cần thiết, vì những chính thể kia đã thực sự quá lung lay, và Hoa Kỳ đã có những mối ảnh hưởng khác có thể dùng để thay thế. Ví dụ như người đứng đầu lực lượng quân sự, tiếp quản đất nước thời hậu Mubarak, là Hussein Tantawi vốn cũng có quan hệ rất tốt với Washington. Nhiều ý kiến còn cho rằng có thể Tantawi lại là một Mubarak thứ hai vì quân đội có quyền lực rất mạnh tại quốc gia này và khó ai có thể trả lời chính xác khi nào quân đội sẽ trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự.

Trong khi những tổn hại đối với Hoa Kỳ là chưa rõ ràng, thì một số quốc gia đang có quan hệ tốt với Trung Quốc như Iran hay Libya cũng đang rơi vào vòng xoáy bất ổn trên. Lâu nay, Trung Quốc luôn tìm cách từ chối trừng phạt Iran trong các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đầu tư khá nhiều dự án tại Libya, có hơn 30.000 công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Libya. Châu Phi cũng là một nơi chứa nhiều lợi ích của Trung Quốc, tổng đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi lên đến 9,3 tỷ đô la Mỹ chỉ tính riêng năm 2009. Thương mại hai chiều Trung Quốc và châu Phi cũng lên đến 91,1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2009, một con số khá cao dù có thấp hơn mức kỷ lục 106,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2008. Chính vì vậy, bất ổn tại Bắc Phi – Trung Đông cũng gây ra tổn hại đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã phản ứng. Mới đây, theo đài BBC, thì một quan chức Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chính thức bày tỏ lo ngại những diễn biến tại Bắc Phi và cảnh báo về điều mà Bắc Kinh gọi là: “sự can thiệp của nước ngoài” vào tình hình nội bộ Libya. Hay ông Trần Kí Bình, phó bí thư thuộc Ủy ban chính pháp, Ban chấp hành Trung ương  Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã quy trách nhiệm cho phương Tây và viết trên một tạp chí chuyên ngành rằng: “Các thế lực thù địch từ phương Tây lập mưu đồ chia rẽ, giương cao ngọn cờ bảo vệ nhân quyền để nhúng tay vào các xung đột nội địa”.

Một thực tế khác đang diễn ra, đó là những bất ổn tại Bắc Phi cũng đã ảnh hưởng đến Trung Quốc, nơi mà chính các lãnh đạo cũng thừa nhận rằng  đang có những bất ổn xã hội vì khoảng cách giàu nghèo, nạn tham nhũng và chuyên chế. Cả chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đều từng lên tiếng về vấn đề trên, nhiều lần lên tiếng kêu gọi các cấp chính quyền nước này làm hết sức để xoa dịu các mâu thuẫn xã hội và xây dựng “xã hội hài hòa” . Ảnh hưởng của bất ổn ở Bắc Phi lên Trung Quốc là rất thật khi chủ nhật vừa qua Trung Quốc cũng phải ra tay ngăn chặn một lời kêu gọi ẩn danh huy động người dân biểu tình tại 13 thành phố lớn của nước này. Công an Trung Quốc đã bắt giữ một số người bất đồng chính kiến, tăng cường tuần tra và kiểm soát internet, mạng viễn thông.

Chưa dừng lại ở đó, vai trò của internet, trong cuộc khủng hoảng Bắc Phi – Trung Đông lần này, là rất lớn. Nhân cơ hội này, Washington đã lên tiếng kêu gọi tự do trên internet, một bất đồng khác gây nên nhiều xung đột trong quan hệ Mỹ – Trung lâu nay. Ngày 22.02.2011 vừa qua, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc đã đăng bài bình luận chỉ trích luận điểm ủng hộ tự do internet của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và cho rằng những chỉ trích đó bị nhiều người Trung Quốc xem như những lời “đạo đức giả”. Một lần nữa, những bất đồng Mỹ – Trung được khắc họa sâu sắc hơn trong những vấn đề tưởng chừng rất khác nhau trên thế giới.

Ngô Minh Trí – bình luận đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 24/02/2011
.
.
.

No comments: