Hài kịch hạ màn, bi kịch mở ra !!!
Xã Luận bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 116 (01-02-2011)
Ban Biên Tập TDNL (01.02.2011 số 116) Tiếng Nói của người dân Việt Nam đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận
Xã Luận bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 116 (01-02-2011)
Ban Biên Tập TDNL (01.02.2011 số 116) Tiếng Nói của người dân Việt Nam đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận
Download : Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 116
Toàn dân Việt vừa chứng kiến một biến cố chính trị mà ở các nước khác thì chỉ là chuyện riêng của một đảng phái nhưng tại Việt Nam lại liên quan đến vận mệnh đất nước và dân tộc, đó là Đại hội lần thứ 11 của đảng Cộng sản. Liên quan tới mức như thế, nhưng ngoài một số đảng viên chú tâm vào đó để trục lợi, một số quan sát viên chú tâm vào đó để bình luận vung vít, một số “góp ý viên” chú tâm vào đó với mong ước vài sự thay đổi tích cực, thì tuyệt đại đa số nhân dân và các nhà đối kháng dân chủ vẫn thờ ơ, hoặc có lên tiếng bình luận thì cũng để chế giễu hay báo động. Vì thật ra, y như 10 kỳ trước, Đại hội đảng CS lần này chỉ là một màn hài kịch, gọi là “hài kịch dở ẹc”, “hài kịch thối tha” hay “hài kịch vĩ đại” đều được.
1- Quả thế, Đại hội 11 đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc…
a- Với một dàn lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính trị gồm 14 khuôn mặt có não trạng bảo thủ, xơ cứng, mù quáng (hay đúng hơn bắt nhân dân mù quáng) tin vào một học thuyết phá sản, một chủ nghĩa không tưởng (tân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng); có thành tích phá hoại an ninh quốc phòng qua việc cho tên xâm lược Trung cộng đi vào yếu huyệt Tây Nguyên ém quân dưới danh nghĩa khai thác bauxite, lũng đoạn kinh tế quốc dân qua việc bảo trợ nhiệt tình cho cái thùng không đáy, tập đoàn vỡ nợ Vinashin, dung dưỡng tham nhũng bóc lột qua việc để chìm xuồng vụ PMU 18, vụ tiền giấy polymer với công ty Securency (tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng); có đầu óc ngông cuồng, thực hiện những chương trình tốn kém, vô hiệu quả như lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, cổ xúy những dự án phiêu lưu, thâm hụt công quỹ, gây nợ cho đất nước như đường sắt cao tốc xuyên Việt (tân chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng). Dàn lãnh đạo chóp bu này lại đặc biệt nặng về văn hóa tư tưởng và chuyên chính công an trị (với Tô Huy Rứa, Tòng Thị Phóng, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc, Ngô Văn Dụ, với 2 tướng công an Lê Hồng Anh, Trần Đại Quang). Nguy hiểm hơn cả, họ có khuynh hướng thần phục lân bang xâm lược Trung cộng.
b- Với một tập thể lãnh đạo trong Ban Chấp hành Trung ương gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết, đa phần là quan chức lớn của đảng đang đứng đầu các bộ, các tỉnh, các cơ quan quan trọng như những ông trời con lộng hành, rồi quý tử các đảng viên cao cấp theo truyền thống cha truyền con nối kiểu cộng sản. Trong số đó, nhiều kẻ vô tài bất tướng, tham nhũng đàn áp như Nông Quốc Tuấn, tiến thân trên con đường chính trị một cách nhanh chóng, mờ ám, kiểu áp đặt như Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị... Mặt khác, trong số 175 ủy viên chính thức đó, có 19 kẻ gốc quân đội và 9 kẻ gốc công an, nhiều hơn đại hội X tới 5 người, trong khi đội ngũ gọi là trí thức hoạt động trong các lãnh vực về kinh tế, giáo dục, đối ngoại… thì đếm trên đầu ngón tay. Rõ ràng đi ngược với “viễn kiến” mà đại hội đã nêu ra là tạo những bước đột phá trong sự phát triển kinh tế của đất nước để đến năm 2020, VN trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại! Nói tóm, Ban chấp hành trung ương này là kết quả của một cuộc mua quan bán chức, tranh giành quyền lực hầu có cơ hội thủ lợi kinh tế, làm giàu bất chính, bóc lột nhân dân và đất nước sau này.
c- Với sự thờ ơ trước những vấn đề lớn của quốc gia xã hội. Hai mươi bốn bài tham luận được trịnh trọng đọc trong đại hội không hề nhắc đến các sự kiện mà nhân dân cả nước quan tâm trong mấy năm và nhất là mấy tháng cận kề. Những cái tên như tập đoàn tàu thủy Vinashin, khu lọc dầu Dung Quất, dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, khủng hoảng tranh chấp ở Đông hải, chủ quyền quần đảo Hoàng Trường Sa, nguy cơ bom bùn đỏ và bom nước thủy điện, các vụ tham nhũng lớn dây dưa như PMU 18 ở Việt Nam, PCI ở Nhật Bản, Securency ở Úc, Nexus Technologies ở Hoa Kỳ, các vụ án bất công tại Hà Giang, Thái Bình, Hải Phòng, Sài Gòn, Hà Nội… đều là những từ cấm kỵ, chẳng đại biểu nào dám nói ra. Có nói thì toàn là “chúng tôi nhất trí cao với các văn kiện đã được chuẩn bị rất công phu đầy đủ”! Mà thực sự các văn kiện này chỉ là những lời tuyên bố rỗng tuếch, dối gạt quốc tế, lừa mỵ nhân dân và không bao giờ thực hiện như: “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại”.
d- Với những định hướng sai lầm và tai hại như kiên trì cái học thuyết Mác-Lê thổ tả đã bị nhân loại vứt vào sọt rác và cái tư tưởng Hồ Chí Minh ngụy tạo đã bị nhân dân dè bỉu; như kiên trì tiến lên “chủ nghĩa xã hội công bằng dân chủ văn minh” mà thực chất là củng cố ách chuyên chế độc tài, đảng trị bóc lột, bất công đầy rẫy; như kiên trì “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà thực chất là nền kinh tế tư bản hoang dã rừng rú, đẻ ra một giai cấp tư sản đỏ thiểu số đoạt lấy đa phần tài nguyên quốc gia; như kiên trì “chế độ nhất nguyên độc đảng” theo lời khẳng định trắng trợn của Đinh Thế Huynh, tổng biên tập báo Nhân Dân, kẻ nhờ đó mà đã được đi vào Bộ Chính trị: "Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng"; như kiên trì “lấy kinh tế nhà nước và xí nghiệp quốc doanh làm chủ đạo” dù thực tế cho thấy chúng chỉ đem đến thua lỗ, phá sản, chồng chất thêm nợ nần quốc tế cho nhân dân nai lưng ra trả. Theo lời kinh tế gia Ngô Nhân Dụng, “đảng Cộng sản quyết tâm bảo vệ chủ trương này bởi vì còn những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước thì còn chỗ “bố trí” cho con cái các quan lớn trong Trung ương đảng vào đó làm chức này, chức nọ. Nếu cho kinh tế tư nhân phát triển, những doanh nhân có khả năng sẽ đánh bại các xí nghiệp của nhà nước, thì còn chỗ nào để đám công tử công tôn “thi thố tài năng quản lý” kiểu Vinashin? Công ty Vinashin lỗ lã mất hàng tỷ Mỹ kim nhưng các quan chức quản lý công ty đều no nê. Mô hình Vinashin sẽ còn tiếp tục để con cháu quý vị đó sẽ được tiếp tục no nê; cho tới bao giờ đảng Cộng sản “tiến đến chủ nghĩa xã hội” mới thôi! Tức là không bao giờ cả!” (bài “Tiếp tục chủ trương kinh tế phá sản”).
đ- Với sự coi thường những phân tích thấu đáo, những phê bình thẳng thắn, những ý kiến xây dựng, những đóng góp chân thành của vô số con dân Việt trong lẫn ngoài nước, trong lẫn ngoài đảng trước ngày Đại hội, thậm chí của nhiều công thần chế độ như cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An hay của nhiều giáo sư viên chức, chuyên gia tư vấn cho đảng. Tất cả đã bị vất vào sọt rác, thậm chí bị kết án nặng nề. Tại Hội nghị Trung ương 14 (trước đại hội), sau khi đã thỏa thuận chia ghế giữ phần với nhau, Bộ Chính trị vẫn ngang ngược giữ nguyên các phần chính của ba Văn kiện dự thảo. Chẳng những thế, trong diễn văn bế mạc, với sự đồng ý của những kẻ đang thao túng quyền lực, Nông Đức Mạnh đã lên tiếng mạt sát những lời tâm huyết của nhiều đồng chí và tuyên bố không thèm nghe: “Đối với một số ý kiến mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại, Ban Chấp hành Trung ương bày tỏ thái độ kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ”. Thái độ này đã khiến Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên thường vụ đảng ủy khối kinh tế Trung ương, chua chát phát biểu trong cuộc hội luận trên RFA ngày 24-01-2011: “Đại hội XI diễn ra trong tình hình đất nước có một sự trỗi dậy, bởi vì có ý kiến của giới trí thức, của các đảng viên, những nhà khoa học, những nhà quản lý… chính các ý kiến đóng góp đó đã tạo cho Đại hội một không khí mới. Thế nhưng điểm lại, Đại hội XI này vẫn chưa đạt được việc “nhìn thẳng vào sự thật, phân tích đúng sự thật và nói rõ sự thật”. 15 chữ đó Đại hội vẫn còn xa…”
e- Cuối cùng là với việc đàn áp khốc liệt phong trào đòi hỏi công lý và dân chủ, trước và sau đại hội, từ các công nhân đòi được trả lương xứng đáng, các nông dân đòi quyền tư hữu đất đai, đến các tôn giáo đòi độc lập trong tổ chức và sinh hoạt, các nhà trí thức đòi bày tỏ quyền yêu nước và đóng góp cho quốc sự, các nhà đối kháng đòi nhân quyền và dân quyền cho đồng bào. Cụ thể là nhà cầm quyền đã vô hiệu hóa các cuộc đình công của 13.000 công nhân Bình Dương rồi 20.000 công nhân Biên Hòa hạ tuần tháng 12-2010, đã tước đoạt tài sản, cấm cản lễ hội của nhiều tôn giáo như Phật giáo, Tin lành, Hòa hảo dịp cuối năm, liên tục đánh phá các trang dân chủ và dân báo từ trong lẫn ngoài nước trước và sau đại hội đảng, phong tỏa nhiều nhà đối kháng dân chủ suốt tuần lễ đại hội, gần đây nhất là tống giam mục sư Nguyễn Trung Tôn và dân oan Hồ Thị Bích Khương, kết án nặng nề cựu đảng viên Vi Đức Hồi, thành viên Khối 8406, đàn áp cuộc biểu tình vĩ đại của hàng ngàn dân cày mất ruộng tại Thủ Đức hôm 29 tháng một.
2- Hậu quả: hài kịch chuyển thành bi kịch.
Tất thảy những sự kiện trên cho thấy đại hội 11 của đảng CSVN chỉ là một trò hề, một màn hài kịch không hơn không kém. Đối với các quốc gia dân chủ, những màn trình diễn lẫn cách hành xử của đảng như thế chỉ chuốc lấy sự khinh bỉ rồi sự loại bỏ của nhân dân trong các cuộc bầu cử. Nhưng tại Việt Nam, chính cái đảng làm trò lố lăng này lại đang ngồi và tiếp tục ngồi trên ghế quyền lực, không phải do bầu chọn của nhân dân mà là do sức mạnh của nòng súng. Thành ra, hài kịch vừa hạ màn, bi kịch đã vội mở ra cho đất nước và dân tộc. Những kẻ vô tài bất tướng, gian dối bạo tàn, coi nhân dân như kẻ thù, xem đồng bào như nô lệ, coi đất nước như của riêng, xem luật pháp như trò đùa, tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ dân tộc, bất chấp vận mệnh của đất nước, sự vẹn toàn của lãnh thổ và sự an nguy của giống nòi.
Nhưng liệu ách đảng trị độc tài đó có trường tồn chăng, khi bao ngọn cuồng phong và cơn bão lửa từ Tunisia, Angiêria, Ai Cập hiện dần dần thổi tới? Vốn đang thiêu cháy những chế độ bất công, tống cổ những lãnh tụ độc tài, các cuộc xuống đường vĩ đại của nhân dân, các cuộc cách mạng long trời của quần chúng từ Bắc Phi và Trung Đông đó là lời mời gọi mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam và là lời cảnh báo nghiêm trọng cho tập đoàn Cộng đảng.
Ban Biên Tập (số 116, ngày 01-02-2011)
.
.
.
No comments:
Post a Comment