Thursday, February 17, 2011

ĐẦU NĂM ĐỌC TRUYỆN TÀU (Nguyễn Minh)

Nguyễn Minh
Đăng ngày 16/02/2011 lúc 06:53:55 EST

Mỗi năm cứ đến dịp Xuân, gia đình nào cũng cố gắng làm một cái gì đó để ghi nhớ ngày đầu năm. Người thì nhờ ông đồ viết đôi câu liễn để về treo, người thì dâng hoa quả cúng ông bà, người thì ngắm hoa uống rượu... Riêng tôi thì khác, tôi muốn chia sẻ với quí độc giả Thông Luận truyện Tàu. Có lẽ không ai trong chúng ta không từng nghe đến bốn đại danh tác (tứ đại kỳ thư) của văn học cổ điển Trung Hoa : Tam quốc chí, Tây du ký, Hồng lâu mộng, Thủy hử truyện...

Tam quốc diễn nghĩa là một sử liệu được Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ 3, nói về những tranh chấp quyền lực giữa các cấp lãnh đạo ba nước Ngụy, Thục và Ngô bên Trung Quốc.

Tây du ký, tác giả giấu tên (có người cho là của Ngô Thừa Ân), được viết vào những năm 1590, kể về chuyến đi của Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng) sang Ấn Độ thỉnh kinh về Trung Quốc.

Hồng lâu mộng (tên gốc là Thạch đầu ký), được Tào Tuyết Cần sáng tác vào giữa thế kỷ 18 thời nhà Thanh, kể về những hoan lạc của các cấp quan quyền.

Thủy hử truyện, có nghĩa là truyện bờ nước, được Thi Nại Am (hay Lã Quán Trung) viết về thành tích của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, bị triều đình nhà Tống gọi là quân cướp. Nội dung cốt truyện dựa theo Đại Tống Tuyên Hòa di sự ghi lại.

Vào dịp Xuân Tân Mão này, truyện Tàu ở đây là những chuyện có thật và đang xảy ra ngay trên đất Tàu. Nội dung những truyện này giống như những gì đã xảy ra tại Tunisia khi dân chúng nổi lên đòi cơm áo và công ăn việc làm khiến lãnh tụ Ben Ali phải bỏ chạy. Người dân Trung Quốc và Việt Nam cũng cần soi bóng truyện xưa để nhìn lại mình.

Quả thật ngược lại với các con số hào nhoáng về các chỉ tiêu đạt được về tăng trưởng kinh tế, số ô tô bán được, tiến bộ khoa học kỹ thuật… được phô trương trong dịp đầu năm 2011, năm kỷ niệm 90 năm thành lập đảng cộng sản, hiện tình xã hội Trung Quốc ngày nay có nhiều sự kiện giống như đã viết trong tứ đại kỳ thư.

Trước hết nói về Tam quốc
. Trung Quốc trên danh nghĩa là một quốc gia thống nhất, có một lãnh thổ rộng lớn, có một chính quyền trung ương và một quân đội mạnh. Thực tế đã không đúng như vậy, Trung Quốc ngày nay có tới ba trung tâm quyền lực cạnh tranh lẫn nhau và không nơi nào chịu nhường nơi nào : Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông. Bắc Kinh có sức mạnh về chính trị và luật pháp, Thượng Hải có sức mạnh về tài chính và công nghiệp, Quảng Đông có sức mạnh về nông nghiệp và quân sự. Mọi quyết định nếu muốn được thông qua đều phải có sự đồng thuận của ba trung tâm quyền lực này, qua những vị vua địa phương. Những ai dám làm ngược lại hay muốn tạo thế lực riêng đều bị trừng trị, điển hình là Trần Hỉ Đăng (cựu bí thư Bắc Kinh), Trần Lương Vũ (cựu bí thư Thượng Hải), Chu Dương (cựu bí thư Quảng Đông), Bạch Lai Hy (bí thư Trùng Khánh), tất cả đều bị cách chức và lãnh án tù, mất hết quyền lực và quyền lợi.

Để tranh thủ hậu thuẫn, lãnh đạo ba trung tâm quyền lực này đã bằng mọi cách thu phục nhân tâm trong các tỉnh nằm sâu trong nội địa. Bắc Kinh tranh thủ các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Tây và và các tỉnh lưu vực sông Hoàng Hà phía Bắc ; Thượng Hải thu phục các tỉnh dọc sông Dương Tử từ Tân Cương, Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Hồ Bắc, An Huy, Hà Nam, Chiết Giang, Giang Tô và Sơn Đông. Quảng Đông lôi kéo các tỉnh phía Nam dọc sông Trường Giang về phía mình: Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, Giang Tây, Phúc Kiến.

Kế đến là Tây du ký. Theo một thống kê của AFP năm 2008, Trung Quốc đã có tới 415 000 triệu phú USD, chiếm 20% trên tổng số 10,1 triệu phú USD trên toàn thế giới, con số này đến nay không còn đúng nữa. Chắc chắn phải trên 500 000 triệu phú USD, theo ước tính mỗi người phải có ít nhất trong tay 4 triệu USD. Làm gì để cất giữ hay tiêu xài khoản tiền khổng lồ này : đi du lịch hay di cư sang các nước Âu Mỹ, Nhật, Singapore, Úc. Nói tóm lại, những người có tiền đều tìm cách di tản sang các nước dân chủ phát triển phương Tây tiêu xài hay lánh nạn. Có thể nói đây là cuộc di dân lớn thứ ba sau cuộc chạy nạn Thái Bình Thiên Quốc sang California tìm vàng cuối thế kỷ 19 và cuộc chạy nạn cộng sản năm 1949. Những nhà triệu phú này ăn chơi và tiêu xài không thua gì những tay mafia Nga và giới giàu có Nhật Bản và Mỹ. Nhiều người còn xây dựng lâu đài theo đúng những kiểu mẫu cổ kính tại Châu Âu ngay trong mảnh đất của mình.

Tiếp theo là Hồng lâu mộng. Nói về chuyện ăn chơi thì không ai bằng những đại gia Trung Quốc. Những màn ăn chơi, trụy lạc dưới các thời vua chúa trước không thấm vào đâu với cảnh hoan lạc của những ông trùm tư bản đỏ Trung Quốc. Nạn trai thừa gái thiếu chỉ xảy ra tại nông thôn và dành cho người nghèo khó, không ông lớn đại gia nào không có bồ nhí, mỗi ông phải có ít nhất từ hai đến cả chục cô bồ nhỏ, trẻ đẹp như tiên. Trong các buổi dạ tiệc, những ông lớn dành nhau uống rượu rỉ ra từ động thiên thai trên thân thể các thiếu nữ là chuyện thường tình. Cuộc sống đồi trụy của các quan lớn rất là chướng tai, gai mắt buộc chính quyền trung ương và địa phương phải xử một vài người làm gương như thị trưởng Thẩm Quyến (Hứa Tôn Quân), chủ nhiệm Hội nghị hiệp thương tỉnh Quảng Đông (Trần Chiêu Cơ). Những Hồng lâu mộng dành cho các quan lớn đúng là cõi thiên thai, ngay từ lúc vào cho đến lúc ra.

Quần chúng cùng khổ tại Trung Quốc sinh sống ra sao? Họ chỉ có thể bàn về những anh hùng trong truyện Thủy hử. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới năm 2008, hàng chục triệu người mất việc đã nổi lên tại khắp nơi chống đối chính quyền và đòi công lý. Hàng chục ngàn người đã bị bắt và bị kết những án tù nặng nề. Bất mãn và tức giận sẽ dẫn đến nội loạn. Trung bình mỗi năm có trên 80 000 vụ xuống đường biểu tình, đình công đòi cơm áo và công lý. Trong những cuộc chống đối này, rất nhiều người đã bất chấp hiểm nguy đứng mũi chịu sào hô hào dân chúng đòi quyền sống. Bất cứ một vụ đàn áp hay bắt người trái phép nào cũng có thể xảy ra nội loạn. Chẳng hạn như ngày 15-11-2010, gần 20 000 người đã xuống đường biểu tình tại thành phố Đặng Châu (tỉnh Hồ Nam) chống lại việc tái đăng ký các loại xe hai bánh vì các cấp chính quyền địa phương muốn lấy thêm tiền của dân: kết quả 7 xe của cảnh sát bị đốt và trên một trăm người bị thương. Ngày 5-12-2010, hàng ngàn người đến vây đồn cảnh sát tố cáo cảnh sát đã đánh đập dã man một bà mẹ và đứa con gái tại thành phố Trường Xuân (tỉnh Khiết Tân)

Bất mãn của dân chúng đã đạt đến mức giới hạn, bất cứ một thái độ hiếp đáp của những người đại diện công quyền đều có thể đưa tới bạo loạn. Xã hội Trung Quốc như nồi thuộc súng chỉ chực chờ một que diêm để châm ngòi nổ. Chính vì thế mà giới nhà giàu và tinh hoa của Trung Quốc đang có khuynh hướng di tản sang các quốc gia dân chủ phương Tây lánh nạn bằng cách cho con đi du học hay du lịch rồi tìm cách ở lại. Trong khi đó, giới có tiền trong nước không biết làm gì ngoài việc phô trương sự giàu có bằng nhà cao cửa rông, xe hơi bóng láng và tìm quên bên các tiên nữ giáng trần trong các Hồng lâu mộng, bất chấp xã hội và đời sống dân chúng Trung Quốc như thế nào. Tương lai của Trung Quốc không xán lạn bởi những truyện Tàu này.

Nguyễn Minh
(Tokyo)

Thông Luận số 255, tháng 02/2011
© Thông Luận 2011

.
.
.

No comments: