Nguyễn Xuân Nghĩa
Saturday, February 12, 2011
Một thận trọng tối thiểu khi thẩm định....
Người dân phải có quyền tự do, trong đó có quyền tự do nổi dậy chống ách độc tài. Vì nỗ lực chính đáng và cần thiết, những người khát khao tự do và dân chủ vẫn không nên lầm lẫn khi lượng giá cái gọi là "sức mạnh của quần chúng". Vụ Ai Cập là cơ hội lượng giá và nếu có nêu ra ột vài khía cạnh bất ngờ thì cũng không phải là thừa, may ra có ích để tránh khỏi lầm lạc.
Biến động chính trị tại Ai Cập có nhiều nguyên nhân sâu xa khiến dân chúng biểu tình từ ngày 25 tháng Giêng. Những nguyên nhân sâu xa ấy tất nhiên không ra khỏi tầm hiểu biết của những người trong cuộc, tại Ai Cập và bên ngoài, kể cả bên Mỹ hay ở xứ Israel láng giềng.
Xuất phát từ thực tế đó, ta có thể kết luận như thế nào?
***
MỘT VỤ ĐẢO CHÁNH QUÂN SỰ
Những người trong cuộc tại Ai Cập đã khai thác sự hiểu biết sâu xa của họ về kinh tế, xã hội, tình báo, ngoại giao và chính trị để chuyển quyền một cách êm thắm. Mặt ngoài là thay thế Tổng thống Hosni Mubarak quá già yếu, bệnh tật và có lẽ đã hết minh mẫn như xưa.
Mặt trong là để cứu lấy chế độ.
Trước nhất, mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất trong số "người trong cuộc" là các tướng lãnh.
Từ cuộc Cách mạng năm 1952 đến nay, xương sống của quốc gia này chính là quân đội. Mà trong cơ thể con người, có mấy ai nhìn thấy xương sống! Bốn đời tổng thống của họ, từ Naguib tới Nasser, Sadate và Mubarak đều là tướng lãnh. Hosni Mubarak là sĩ quan không quân anh hùng, rồi làm Tư lệnh Không quân trước khi tham gia chính trị, làm Phó Tổng thống cho Anwar Sadate cho tới khi Sadate bị ám sát năm 1981 mới lên làm Tổng thống.
Nghĩa là các Tướng lãnh Ai Cập vừa đưa một chiến hữu cũ ra về để sẽ tiếp tục lãnh đạo Ai Cập, dù không có vẻ cầm quyền. Họ vừa tiến hành một cuộc đảo chánh, vũ bão mà kín đáo hơn vụ đảo chánh và chuyển quyền tại Tunisie.
Ai Cập có hơn 80 triệu dân, trung tâm Cairo có 17 triệu người. Ngoại trừ một trường hợp quy tụ khoảng hơn nửa triệu cho tới gần người hôm Thứ Sáu tuần trước, số người xuống đường biểu tình tại Cairo chỉ ở khoảng 200 đến 250 ngàn, kể cả cao điểm là đêm Thứ Năm rạng ngày Thứ Sáu 11. Ta hãy bình tâm nghĩ lại mà xem: trong các sinh hoạt của cộng đồng địa phương mà đếm ra vài trăm tới vài ngàn người tham dự là đã khó - và còn cãi nhau về con số "thật". Tại một nơi như Ai Cập hay Alexandria, làm sao nắm vững con số hay kiểm chứng cho đúng số dân biểu tình? Người ta thường phải tin vào lời tuyên bố của các "lãnh tụ" biểu tình hay sự ước tính của truyền thông ở tại chỗ, dưới đất! Cả hai đều biết và quen làm tính nhân.
Nhớ lại thi hơn hai chục năm trước, năm 1989 cả triệu người dân Đông Âu đã xuống đường tại các quốc gia có dân số ít hơn Ai Cập rất nhiều. Họ là lực lượng quần chúng đã lật đổ chế độ do Liên Xô bảo trợ rồi làm ra ách mạng. Hơn ba chục năm trước, năm 1979, cả triệu người Iran cũng xuống đường lật đổ dòng Pahlavi, có khi vô tình dọn đường cho các Giáo chủ đạo Hồi tiến hành "Cách mạng Hồi giáo" sau đó.
Lần này tại Ai Cập, lực lượng quần chúng không đông đảo như vậy.
Trước mặt họ, cảnh sát công an và quân đội có khoảng một triệu quân, hiện dịch lẫn trừ bị. Nhưng phân nửa lại đứng ngoài, không dẹp biểu tình mà còn canh chừng cảnh sát và mật vụ, đó là quân đội. Lãnh đạo quân đội ở trên quyết định không đàn áp dân biểu tình như một chế độ độc tài khác đã có thể làm - đừng quên vụ Thiên an môn năm 1989 khi "Giải phóng quân" vào Bắc Kinh mở cuộc tàn sát. Truyền thông quốc tế thì đếm ra số người biểu tình nhân tang lễ của Hồ Diệu Bang, sau đó mù tịt về số nạn nhân tại Thiên an môn.
Lãnh đạo quân đội Ai Cập cần sức ép của quần chúng trong một chừng mực vừa đủ để Mubarak thấy rõ thực hư và lợi hại mà chấp nhận giải pháp chuyển quyền. Quân đội cần quần chúng Ai Cập giúp mình tiến hành đảo chánh!
Từ đầu đến cuối, trong suốt 18 ngày, quân đội Ai Cập vẫn làm chủ được tình hình, cho dù lãnh đạo Hoa Kỳ đã vụng về nhảy vào châm lửa không đúng chỗ!
Thế rồi, khi Mubarak còn cò kè mặc cả bên trong, các tướng lãnh mới phải gián tiếp xuất hiện qua tin tức về một "Thượng hội đồng" của Quân đội đang nhóm họp. Rồi ngã ngũ xong, Tướng Omar Suleiman trong tư cách Phó Tổng thống mới lên đài truyền hình tối Thứ sáu 11 thông báo việc Mubarak ra đi. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng xuất hiện để ngợi ca công trạng của người lính Hosni Mubarak.
Quân đội ra mặt khi mọi chuyện đã xong. Và cũng không muốn thiên hạ xé xác một chiến hữu cũ, nguyên Tổng thống Mubarak. Suốt mấy ngày đó, Tham mưu trưởng Quân đội luôn luôn ở bên cạnh Mubarak - tất nhiên là với dàn sĩ quan tùy viên và cận vệ - để Tổng thống đừng chơi dại! Ông tướng này đã qua Hoa Kỳ dự hội nghị với bộ Quốc phòng Mỹ từ 24 đến 28 Tháng Giêng và trở về rất kín tiếng, nhưng có mặt đúng nơi đúng thời.
***
SỰ NGHIỆP CỦA QUẦN CHÚNG
Trong 18 ngày biến động, hơn 300 người đã mất mạng, đa số vì mật vụ công an hay tay sai. Một ngày trước khi ra đi, chính Mubarak đã tuyên bố là thủ phạm sẽ bị truy tố. Nhưng đấy là việc về sau, giữa các tướng chỉ huy lực lượng công an võ trang và các tướng cầm đầu việc đảo chánh. Nói chung, các tướng lãnh không để xảy ra tình trạng binh lính bắn công an hay mật vụ tàn sát người dân. Trong một cơn sốt cách mạng, nhiều người có thể hốt hoảng làm bậy, chuyện ấy không xảy ra trong 18 ngày.
Đó là ở bên trong, bên trên.
Ở bên ngoài, quần chúng cho rằng đây là làn sóng cách mạng của nhân dân, truyền thông quốc tế cũng tường thuật không khác. Thực tế thì quần chúng đó chưa quy tụ đủ người để gây động lượng - momentum - hay cái trớn cho một cuộc cách mạng. Họ có lấy một rủi ro lớn khi xuống đường, nhưng ngay từ đầu đã thấy là quân đội không tiến ra để đàn áp. Vậy mà đám đông vẫn... chưa đủ đông để khiến quân đội - và các binh lính - giật mình và mất bình tĩnh.
Dù sao, với 250 ngàn người tại quảng trường Tahrir và quanh cây cầu chiến lược có tên là "mùng sáu Tháng 10", quần chúng đã có một sự nghiệp đáng kể là làm Mubarak thấy ra giải pháp cứu vãn là quân đội và các chiến hữu. Họ góp phần thuyết phục cho các tướng lãnh dễ trình bày lợi hại với Mubarak, mà khỏi phải ám sát ông ta, bằng một liều thuốc bổ trong nhà thương chẳng hạn!
Sau cùng, một mục tiêu mà đám đông biểu tình đã đạt - mẫu số chung lớn nhất - đó là khiến Mubarak phải từ chức.
Còn những mục tiêu kia là gì, quần chúng chưa chắc đã thống nhất. Tự do ngôn luận? Cải cách kinh tế cho công bằng? Gia tăng trợ cấp thất nghiệp cho 24% những người trẻ đang không có việc làm? Lập tức giải tán đảng cầm quyền để tổ chức bầu cử trong 60 ngày tới theo quy định của Hiến pháp? Hay tu chính Hiến pháp để xây dựng chế độ mới rồi tiến hành bầu cử tự do minh bạch?...
Quân chúng chưa thống nhất các đòi hỏi, mà dù sao chưa chắc quân đội đã vội vàng đáp ứng! Nếu hiểu ra sự thể éo le đó, có lẽ quần chúng sẽ bớt bẽ bàng sau này.
Mà "sau này" là gì?
***
NỔI DẬY, CẢI CÁCH VÀ CÁCH MẠNG
Ngoài lực lượng "Huynh đệ Hồi giáo" Muslim Brotherhood có 88 dân biểu trong số 454 dân biểu Hạ viện - đảng đối lập "mạnh" nhất trước 330 dân biểu của đảng cầm quyền Quốc gia Dân chủ và 10 dân biểu cho Mubarak chỉ định - ba đảng đối lập khác chỉ là mảnh vụn chưa chiếm nổi ba chục ghế. Nếu kể thêm những đảng hữu danh khác thì cũng chỉ có sáu đảng đối lập trên chính trường Ai Cập sau cuộc bầu cử năm 2005. (Xin xem lại bài "Ai Cập - Ai Sẽ Nhập Trận?" trong số ra ngày mùng năm Tháng Hai).
Trong 18 ngày biến động vừa qua, một số tổ chức tự phát đang quy tụ quần chúng của mình, thí dụ như "Phong trào 25 Tháng Giêng". Họ tranh giành cả ống kính và máy vi âm của truyền thông cho việc tranh thủ đó. Từ đấy mà gom lại thành những chính đảng có tổ chức, cán bộ và thực lực thì người ta phải có thời gian và sự ổn định tối thiểu.
Vốn là sản phẩm khan hiếm trong lúc nhiệt tình cách mạng đang bừng bừng khí thế.
Vì vậy, khi nói về mục tiêu ưu tiên và những đòi hỏi của cách mạng, chúng ta nên e rằng quần chúng sẽ ngỡ ngàng, còn ngỡ ngàng hơn nữa khi thấy có những lãnh tụ từ đâu đó được thả xuống! Ai ai trong số này cũng đều kêu gọi "đồng bào hãy đoàn kết sau lưng tôi".... Và tung cho đối phương cả chục cái mũ lên đầu, không Hồi giáo cực đoan thì cũng Mỹ đế gian hùng!
Ở bên này, chúng ta có một tổ chức quy củ hơn, đó là quân đội.
Nhưng các tướng lãnh có thể ngồi với nhau để tiến hành việc đảo chánh nhờ quần chúng, chứ họ thống nhất ý chí đến mức nào về những việc phải làm sau đó? Chuyện thời sư rất nên theo dõi!
Thí dụ như trước mắt, Ai Cập đang ở dưới chế độ gọi là "khẩn cấp" (emergency) vừa được Mubarak hứa hẹn bãi bỏ. Bây giờ, các luật gia hay sĩ quan quân pháp có thể thảo luận về tình trạng "giới nghiêm" (curfew), "thiết quân luật" (martial law) hoặc những ngón võ luật lệ gì khác để vãn hồi trật tự, cứu đói và bình thường hóa sự vận hành của bộ máy nhà nước hầu cung cấp những tiện ích công cộng như lương thực, thuốc men, xăng dầu, điện nước v.v...
Chưa kể việc bảo vệ biên cương, đập nước, ống dẫn dầu và các cơ sở quân sự.
Khi phải thảo luận về những việc cấp bách ấy, bất cứ ai cũng suy nghĩ về lẽ lợi hại cho mình sau này. Các tướng lãnh cũng chỉ là người phàm!
Dàn xếp xong việc cấp bách đó, khi họ bước qua việc tu chỉnh hiến pháp và tổ chức bầu cử - với những ai sẽ là ứng cử viên, của ai - ta lại thấy một cơ hội bất đồng khác.
Ba chục năm qua, quân đội Ai Cập thực sự lãnh đạo mà không trực tiếp cầm quyền. Tổng thống là nhân vật "dân sự" cầm quyền với hậu thuẫn của quân đội. Ông có thể tu chỉnh Hiến pháp và đưa hai viện Quốc hội thông qua để áp dụng. Ngon ơ! Cơ chế "Hành pháp" tung hứng với "Lập pháp" theo luật lệ dân sự đã thành nếp, dù bất toàn hay độc tài thì cũng đã thành nếp.
Nay Phó Tổng thống Omar Suleiman, dù sao thì cũng đã 76 tuổi, có trao cho quân đội toàn bộ hệ thống dân sự ấy để cải hóa hay... quân sự hóa không?
Giới am hiểu về luật hiến pháp hay hành chánh công quyền thì có thể nghĩ đến giải pháp quân đội giải tán Quốc hội... "của chế độ cũ" và để cử một cơ chế hành pháp lâm thời do các tướng đảm nhiệm phần chính, với sự cộng tác của một số chuyên gia dân sự cho các bộ chuyên môn. Lực lượng "Quân dân Cách mạng" đó - xin miễn nêu ra một vài danh hiệu quen biết của Việt Nam - sẽ từng bước dựng lại một chế độ chính trị dân sự khác. Rồi sẽ lui về trại lính hay các công ty quân doanh như cũ?
Mà quần chúng khát khao cách mạng có muốn vậy không, nếu "lãnh tụ" của họ lại không nắm quyền hoặc đắc cử trong chế độ chính trị dân sự mới?
Hay là các tướng lãnh sẽ dạo lại cung đàn xưa? Là năm 1952, khi Đại tá Gamal Abdel Nasser dùng quân đội lật đổ Quốc vương để xây dựng một chế độ khác rồi Nasser lại đảo chánh Tướng Muhammad Naguib để lên làm Tổng thống? Mà ai muốn làm Nasser, ai sợ thành Naguib trong những ngày tới? Bên dưới các tướng lãnh lão thành cách mạng cũng còn một lớp sĩ quan cao cấp nhiều sinh lực và tham vọng.
Trong khi ấy, và sau cơn hoàn hồn, nước Mỹ tính gì khi Tổng thống Barack Obama hồ hởi tuyên bố rằng thế giới - không riêng gì Ai Cập - từ nay đã đổi khác! Các tướng lãnh sẽ thi hành việc đổi khác đó? Cho nước Mỹ?
Vì vậy, nên chúng ta đang ở trước một thực tế đầy nghịch lý.
Quân đội Ai Cập làm chủ tình hình từ đầu và vừa hoàn tất cuộc đảo chánh để thực hiện cải cách hầu cứu vãn chế độ họ mà đã xây dựng và duy trì gần 60 năm. Nhưng quần chúng khó chấp nhận cải cách vì tưởng rằng vừa hoàn tất một cuộc cách mạng.
Làm gì với cuộc cách mạng ấy thì quần chúng chưa biết. Còn các tướng thì biết sợ kiểu cách mạng phiêu lưu hay hỗn loạn sau khi họ trao trả quyền lực cho hệ thống dân sự. Họ tính sao, chúng ta chưa rõ.
Nhưng một chủ điểm được Phó Tổng thống Suleiman - cầm đầu an ninh của chế độ - lập tức nhắc nhở là phải cảnh giác với nguy cơ phá hoại của các nhóm đặc công Hồi giáo, từ khủng bố al-Qaeda tới lực lượng Hamas và Hezbollah. Một lời nhắn cho Hoa Kỳ và quần chúng Ai Cập.
Cho nên, ta không vội hồ hởi sảng.
Và càng hiểu vì sao các chế độ độc tài đều e ngại dân trí và sợ hãi một quần chúng biết tổ chức. Hô hào thiên hạ xuống đường khi quân đội đã hạ súng thì chưa chắc đã biết tổ chức ra một cuộc cách mạng.
---------------------------------
BBC (tiếng Nga)
.
.
.
No comments:
Post a Comment