Thursday, November 4, 2010

VIỆT NAM TRONG CƠN SÓNG GIÓ MỚI (Lý Kiến Trúc)

Lý Kiến Trúc
Gửi tới BBC từ Orange County, California, Hoa Kỳ
Cập nhật: 14:55 GMT - thứ tư, 3 tháng 11, 2010

Cuối tháng 10/2010, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị cao cấp Đông Á EAS khai mạc và kết thúc ở Hà Nội qua bàn tay đạo diễn chính trị của chủ tịch ASEAN 2010.

So với hàng ngàn năm lập quốc, vệ quốc, kiến quốc, không kể xiết bao nhiêu trận chiến đối đầu với ngoại bang, khoảng trăm năm trở lại đây, nước Việt ta chưa lúc nào “căng thẳng” như lúc này. “Căng” từ trong ra ngoài. Quốc nội, cộng sản Việt Nam đối đầu với trào lưu dân chủ, với tự diễn biến, còn ở ngoài nước đối đầu với ngoại lực của “đa phương hóa”.
Có người nói đùa, nếu đảng vận dụng được cả hai may ra mới “bỏ qua thời kỳ quá độ, tiến thẳng lên nửa chủ nghĩa tư bản, nửa tự do, nửa dân chủ, nửa nhân quyền”.

Trên diễn đàn quốc tế, kể ra Việt Nam lúc này cũng được vị nể, thế giới nhìn về Việt Nam như một “biến cố làm thay đổi diện mạo Đông Nam Á”.
Như một sức hút vô hình, nguyên thủ các cường quốc liên tục đến tìm hiểu một quốc gia nhỏ bé sau bức màn tre. Vị trí định mệnh của quốc gia này được hiểu qua lăng kính: Một là lịch sử đất nước kỳ hùng bên cạnh ông láng giềng khổng lồ chỉ lăm le nuốt chửng, họ vẫn tồn tại và phong phú hóa nền văn hóa đặc thù dân tộc, vẫn giữ được bản sắc dù khói súng tầu đồng và nền văn minh phương Tây đến gieo máu lửa từ những năm 1858 liên miên cho đến 1945, 1954, 1975;
Hai là do trận nội chiến thắng-bại của phe xã hội chủ nghĩa, phe tự do giết gần 3 triệu người; Ba là cuộc di dân vĩ đại nhất hoàn cầu của con Lạc cháu Hồng trên 80 quốc gia; Bốn là sức bật của người Việt trong nước, và Năm là sức sống của tập thể cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Tọc mạch một chút, cuộc nội chiến hàng trăm năm Trịnh - Nguyễn, Nguyễn - Tây Sơn (1627-1672-1775-1802) chưa vang bóng sử; đội thủy quân Xiêm La còn để lại dấu vết chiến thuyền ở Rạch Gầm; đội quân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp Lãng Sa còn để lại dấu vết trên sông Gianh, sông Nhật Lệ; họng đại bác của các Thủy sư Đô đốc nước đại Pháp (phó Đô đốc Rigault de Genouilly, Đô đốc Charner 1858-1861) tiếp tục nhả đạn vào đất Việt.
Đến nay, phải chăng lịch sử lại tái hiện với thời đại của Đô đốc Mike Mullen, Đô đốc Robert Willard, (đến cả trùm CIA của TT Obama cũng là Đô đốc), của đại Hán Đề đốc Quan Hữu Phi, Đề đốc Dương Nghị, các đại Hán đô đốc hậu duệ của Trịnh Hòa, các đô đốc của Pháp, Úc, Ấn Độ, v.v… thời đại của các thủy sư đô đốc thi nhau “nộ kình ngư”, khốn thay, Biển Đông của chúng ta lại được chấm là nơi tranh tài thủ lợi.

Tháng 8 năm 1945, kết thúc Thế chiến thứ hai. Tháng 11, 1989 chủ nghĩa và chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ theo bức tường Bá Linh, như quân cờ Domino, cái nôi của Karl Marx-Vladimir Lenin tan tành theo mây khói, tư bản phương Tây được thế lên như diều.
Nếu thế kỷ 20 khai thác tối đa đất liền, sang thế kỷ 21 các tập đoàn rục rịch chuyển hướng làm ăn ra đại dương.
Tài nguyên biển vừa là thị trường mua, vừa là thị trường bán với giá béo bở. Nhìn thấy trước nguồn lợi vô biên của đại dương và vị trí chiến lược của Biển Đông, tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc ra quân chiếm cho bằng được Hoàng Sa, quần đảo tiền tiêu, đông vươn ra Thái Bình Dương, tây đe dọa Đông Dương (Hoàng Sa cách Quảng Ngãi 360km, quá gần so với vũ khí hiện nay).

0Nước Mỹ đang làm gì?
Nước Mỹ, người Mỹ không bao giờ bỏ qua cơ hội làm ăn trên toàn thế giới. Con đường vận chuyển ngang qua hải không phận biển Đông đang đe dọa quyền lợi của họ, chưa kể những thông tin lạc quan về mỏ dầu và khoáng sản biển Đông dào dạt báo tin mừng. Nhưng nước Mỹ bây giờ mới trở lại biển Đông có muộn không?
Nhớ lại sau hiệp định Paris, mãi 30 năm sau, chiến hạm đầu tiên của Hoa kỳ USS Vandergrift cập bến Sàigon. Có người nói muộn mà chắc. Có người cho rằng muộn mà chưa chắc.

Để cho chắc ăn, bà Ngoại trưởng Hillary Clinton mở hai ngày hội thảo tại Washington DC quy tụ các yếu nhân thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đánh giá lại Đông Dương từ năm 1945 đến 1975. Cuộc hội thảo lấy dấu mốc năm 1945 và năm 1975 có ý nghĩa đặc biệt của nó.
Mục đích gần của hội thảo là nhằm đưa ra chính sách mới của Mỹ đối với Thái Bình Dương. Nếu chỉ xét riêng về Việt Nam, kể từ năm 1963 là năm người Mỹ đảng Dân Chủ triệt hạ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa miền nam VN để đảng Cộng Hòa bước chân vào chiến trường trắc nghiệm thử lửa, (Kissinger (đảng Cộng Hòa) nói trong cuộc hội thảo: “Vì thế tôi nhớ lại đâu đó có một lời tuyên bố của (Tổng Thống) Johnson (đảng Dân Chủ) khi ông nói: “Tôi không đủ sức chiến thắng (tại Việt Nam) mà lại không thể rút lui);
47 năm sau, người Mỹ đảng Dân Chủ “mới tinh” thực sự trở lại Việt Nam, liệu chính sách của TT Obama đối với Thái Bình Dương, bước đầu từ ASEAN qua bản Thông Cáo Chung New York 2010 mà ông vừa mới ký có giải quyết được các thách thức an ninh hiện nay ở khu vực, liên đới tới an ninh toàn thế giới hay không? Chưa thể trả lời gẫy gọn được.

Biển Đông đã được minh định qua hai bản Thông Cáo Chung New York tháng 9/2010 và Tuyên Bố Chung Hà Nội ASEAN+8 tháng 10/2010.

Thông Cáo Chung New York và Tuyên Bố Chung Hà Nội chỉ là mắt xích trong chiến lược điều chỉnh lại vị thế của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tuy nội dung của nó có mang lại sự an toàn nhất thời cho ASEAN, nhìn thoáng qua tuy Mỹ có dồn được Trung Quốc cộng sản ngồi xuống thảo luận tiến trình CoC, nhưng con đường hòa bình và lợi ích của các quốc gia trong vùng vẫn còn nhiều khúc mắc.
Một khi tiến trình CoC cù cưa cho đến năm 2011 và cho đến cái gọi là xây dựng một mô thức Liên minh ASEAN 2015 còn là viễn ảnh, chưa nói đến chiến lược Tái cấu trúc Biển Đông và chuyện “cái cầy đặt trước con trâu” của Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn những nước đi đầy bí ẩn ngoạn mục.

Chiến thuật Trung Quốc
Nhìn lại các chiến thuật của Bắc Kinh ta thấy ngay sau khi họ đạt được bản Tuyên bố Phom Penh 2002, Trung Quốc gia tăng thế lực hải quân, tầu chiến, tầu ngầm hiện đại, các chiến hạm cũ cải tiến thành “Ngư chính” (số hiệu 311), tuần tiễu, “tầu lạ” truy đuổi và tấn công ngư thuyền, thành lập Bộ “Hải quân Nhân dân” với hàng ngàn chiến đỉnh nhỏ, thành lập đoàn “Hải quân Trinh sát” trang bị các tiểu chiến đỉnh lợi hại.
Các chiến đỉnh tuy nhỏ nhưng đã đụng độ và cản mũi trước Impeccable to lớn gấp 10 lần khi mon men tới vành đai Tam Á (cách Hải Nam 110km), đã áp sát đuôi Khu trục hạm USS John Mc Cain.
Nói tóm lại, Trung cộng đã đưa dàn du kích biển, chủ lực biển ra so gươm đọ súng với Hạm đội Hoa Kỳ, tuy cả hai không ông nào gây sát thương, nhưng hai con hổ biển đã lượng định được sức mạnh của nhau.
Về chính trị ngoại giao, phe tướng lãnh Trung Cộng đại biểu cho giới “diều hâu cực chiến” liên tục phun ra những lời lẽ hiếu chiến sặc mùi xâm lược. Đám diều hâu này đòi “Giết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ trong trận chiến thu hồi Nam Sa” (5), và không tiếc lời cảnh cáo “hành động bá quyền” của Mỹ.

Một thái độ của ASEAN đòi hỏi sự minh bạch của các hội nghị ASEAN + 2, ASEAN + 3, ASEAN +8 vừa qua, cho thấy đa phần họ đã nhìn ra nước cờ của bốn cường quốc Hoa Mỹ Việt Xô. Việc Nga “âm thầm” bán vũ khí tối tân, bảo trì và huấn luyện cho quân đội các nước ASEAN là một chỉ dấu cho thấy sự hiện diện của Nga ở tọa độ khác với Trung Cộng và Hoa Kỳ. ASEAN khó mà có thể quên được sự viện trợ quân phí khổng lồ cho Việt Nam phục vụ cuộc chiến Đông Dương lần hai.
Các trận đánh biên giới Tây Bắc Việt Trung năm 1979 phần nào giải thích về cuộc tranh chấp quyền lực, quyền lợi giữa hai phe Trung Xô trên bãi chiến trường bán đảo Đông Dương.
Lợi dụng vào sự sụp đổ Đông Âu dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết, Trung Quốc đã từ từ lên ngôi thượng phong, hậu quả của hai bản Hiệp ước biên giới trên bộ 1999 và Hiệp ước biên giới dưới biển 2000 là một khiên cưỡng tất yếu của VN trước cường lực của kẻ thù truyền kiếp. Thời điểm này Hoa Kỳ lặng im.

Có đủ khả năng
Thế nhưng, giai đoạn nghẹt thở đó đã qua với lời tuyên bố trên báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) xuất bản tại Hồng Kông vào cuối tháng 7/2010, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng CSVN mạnh mẽ nói rằng nước ông có đủ khả năng đối phó với sự đe dọa nào.
Ông Vịnh có một lối nói “bóng gió chính trị”, ai muốn hiểu sao thì hiểu, hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tuy ông không nói rõ sự đe dọa nào đến từ Mỹ, từ Trung Cộng, hay từ đồng chí Nga, hay từ thế lực nào khác, nước ông vẫn có đủ khả năng đối phó! Hàm ý, ông Vịnh muốn chứng minh chủ trương đa phương hóa của đảng CSVN đã lột tả sức mạnh của VN hôm nay.
Bằng cách tung hàng tỉ đô la ra mua tầu ngầm Kilo và chiến đấu cơ của Nga. Nga hiện diện ở Việt Nam như một bạn hàng lớn, như một đồng chí cường quốc âm thầm đóng vai cung cấp vũ khí, nhưng ông Vịnh ông Thanh sẽ rất nhức đầu khi Biển Đông “bị” nâng lên hàng “quốc tế hóa”. Quốc tế hóa là gì? Hiểu theo nghĩa của Mỹ ra sao? Hiểu theo ASEAN ra sao? Dù hiểu theo cách nào thì chủ trương quốc tế hóa cũng là con dao hai lưỡi đối với Việt Nam.
Nếu câu tuyên bố của tướng Vịnh không cách xa bao lâu bài diễn văn của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton đọc tại khách sạn Kahala Hotel-Honolulu hôm 25 tháng 10, bà Ngoại trưởng đã nhấn mạnh tới chiến lược điều chỉnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, đặc biệt đối với ba quốc gia Việt Nam, Miến Điện và Indonesia.
Đối với Miến bà cảnh cáo, Indonesia bà đề nghị, riêng đối với Việt Nam, một nhân tố quan trọng trong việc tạo ổn định cho khu vực và cũng là một trong hai ông chủ lớn ở Biển Đông, Bà Hillary đã nói: “Quan hệ Việt-Mỹ hiện nay là quan hệ đồng minh chiến lược góp phần vào ổn định và hòa bình khu vực”.

Vành đai hỏa lực xanh dẫn từ Bắc Á, Okinawa, vòng qua Biển Đông, Nam Á tới Ấn Độ xuyên qua nỗ lực chính trị của bà Ngoại trưởng Hillary, xuyên qua các cuộc hành quân trên biển cả của các đô đốc, sẽ là tham vọng của Mỹ thách đố Trung Cộng.

Muốn là một chuyện, trả lễ lại cái muốn của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Dương Khiết Trì nói: “Quốc tế hóa Biển Đông thì liệu mang lại kết quả gì hay chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn và khó giải quyết hơn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Lương Quang Liệt ôn tồn chỉ ra chính sách của Trung Quốc về “sự phát triển quốc phòng của Trung quốc không nhằm đe dọa hay thách thức ai, mà nhằm bảo đảm an ninh (của Trung Quốc) cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế lẫn khu vực".
Đồng thanh tương ứng với Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phùng Quang Thanh tuyên bố tại hội nghị Shangri-La 6/6/2010: “Giữ nguyên hiện trạng và không làm phức tạp thêm tình hình”.

Thế cho nên, chúng ta tiếp tục chờ đợi kết quả của Bản Quy Ước Cụ Thể Hành Xử Biển Đông gọi tắt là CoC có cơ may làm sáng sủa thêm tình hình Biển Đông hay ngược lại thời gian sắp tới vẫn chỉ là bầu khí nén.
---------------------------
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả Lý Kiến Trúc, CLB Văn hóa và Báo chí, Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: