Tác giả: Huỳnh Phan
Bài đã được xuất bản.: 15/11/2010 05:00 GMT+7
Biển Đông và Địa Trung Hải là những vùng biển quốc tế, và không quốc gia nào có thể là người đưa ra luật chơi riêng ở đây. Mọi quốc gia phải tuân theo đúng luật chơi quốc tế. - Vị tướng về hưu người Pháp, Daniel Schaeffer nói.
>> Lịch sử đâu phải thích bẻ cong, uốn thẳng là được!
>> Không thể biện minh việc dùng vũ lực ở Biển Đông
>> Biển Đông: Hết mưa trời lại nắng
>> VN tổ chức hội thảo quốc tế lần 2 về Biển Đông
>> Không thể biện minh việc dùng vũ lực ở Biển Đông
>> Biển Đông: Hết mưa trời lại nắng
>> VN tổ chức hội thảo quốc tế lần 2 về Biển Đông
Một trong những điểm thú vị nhất của hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ hai là các học giả đưa ra các luồng quan điểm trái ngược nhau về những vấn đề mới nảy sinh trong khu vực, từ các phương thức giải quyết tranh chấp đến khả năng hợp tác giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Nhất là đối với phản ứng của Trung Quốc trước sự can dự trở lại của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
Tất nhiên, trừ "lợi ích cốt lõi" và "đường chữ U đứt khúc", khi nhiều học giả, trong các tham luận chính thức, câu hỏi thảo luận, hay trao đổi bên hành lang, đều nhất trí với nhau trong việc đòi hỏi phía Trung Quốc phải làm rõ hai khái niệm này.
Vị tướng về hưu người Pháp Daniel Schaeffer, nguyên tuỳ viên quân sự của Pháp tại cả Việt Nam, Thái Lan, lẫn Trung Quốc, quay trở lại hội thảo lần thứ hai này với tham luận: "Trung Quốc, Hoa Kỳ và Biển Đông: Một quan điểm từ bên ngoài".
Ông nói: "Bài tham luận của tôi chỉ ra những lý do tại sao lại có những bất đồng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định rằng họ có lợi ích quốc gia ở khu vực này, còn Trung Quốc lại đưa ra đường chữ U đứt khúc, với yêu sách chủ quyền đối với 4/5 Biển Đông, nhằm phục vụ lợi lợi ích kinh tế trước mắt, kinh tế chiến lược, và chiến lược nói chung của họ."
Tuần Việt Nam giới thiệu quan điểm cá nhân của ông Shaeffer như một góc nhìn cần tham khảo.
Không ai có thể đưa luật chơi riêng ở Biển Đông
Ông nghĩ thế nào về sự bất đồng quan điểm trong giới học giả tham gia hội thảo này về sự can dự trở lại của Mỹ đối với khu vực này, thưa tướng quân?
Daniel Schaeffer : Theo tôi, không có chuyện người Mỹ can dự trở lại. Họ chỉ khẳng định vẫn tiếp tục tăng cường sự can dự đã có từ trước, nhằm đảm bảo tự do và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Quan điểm của họ vẫn trước sau như một là đứng ngoài các tranh chấp chủ quyền, nhưng họ muốn việc giải quyết tranh chấp phải thông qua các biện pháp hoà bình, không dùng vũ lực.
Tại sao tôi có quan điểm như vậy? Bởi vì tôi tin chắc rằng Biển Đông và Địa Trung Hải là những vùng biển quốc tế, và không quốc gia nào có thể là người đưa ra luật chơi riêng ở đây. Mọi quốc gia phải tuân theo đúng luật chơi quốc tế.
Thế còn luận điểm của Trung Quốc về "vùng nước lịch sử", để họ giải thích cho cái gọi là "đường chữ U đứt khúc" đó?
Daniel Schaeffer : Theo Công ước Quốc tế về Luật Biển, làm gì có điều nào qui định về cái gọi là "vùng nước lịch sử", như cái mà họ vẽ ra. Tất nhiên, đường chữ U này không phải gần đây mới xuất hiện, mà thừa hưởng từ thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch.
Trung Quốc nợ lời giải thích
Ông có nghĩ rằng việc Trung Quốc đưa ra khái niệm "vùng nước lịch sử" là một động thái "câu giờ", như trong bóng đá, khi chưa nghĩ ra cách nào khả dĩ có thể thay thế điều kiện thực thi chủ quyền một cách liên tục. Hay, họ muốn đưa một luật lệ mới, độc lập với Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), như có học giả nước ngoài đã đặt vấn đề?
Daniel Schaeffer : Khả năng đầu tiên là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng tôi vẫn chưa biết họ câu giờ làm gì. Còn khả năng thứ hai tôi thấy nghi ngờ.
Tôi nghĩ họ có thể thách thức Việt Nam , hay ASEAN, hoặc thậm chí một cường quốc nào đó, nhưng họ không dám thách thức những nguyên tắc mà hầu như cả thế giới công nhận. Họ có thể vin vào cái gọi là "cách hiểu khác nhau" mà thôi.
Như trong hội thảo vừa rồi, các học giả trong và ngoài khu vực cho rằng Trung Quốc nợ thế giới một lời giải thích về tấm bản đồ có hình chữ U đứt khúc, cũng như cái gọi là "lợi ích cốt lõi".
Dường như phía Trung Quốc, không hiểu có phải là do thiếu hiểu biết thật hay không, hầu như không bao giờ nhắc tới Hiệp định Thiên Tân (1885), hay Hoà ước Pháp - Thanh năm 1887. Một vị học giả đáng kính từ Bắc Kinh, khi được hỏi về chuyện này, đã im lặng. Là người am hiểu Trung Quốc, cũng như tiếp xúc nhiều với giới học giả của họ, tướng quân có thể bình luận gì về điều này?
Daniel Schaeffer : Tôi nghĩ nếu nghiên cứu nghiêm túc và liên tục về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, khó có thể bỏ qua hai thoả ước quan trọng này.
Trong thời kỳ của chế độ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam, nước Pháp đại diện cho Hoàng đế An Nam trong việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Còn đối với quần đảo Trường Sa, Hải quân Pháp, thay mặt nước Pháp, đã chiếm hữu năm 1930, khi đó vô chủ, và thực hiện các thủ tục mà luật pháp quốc tế thời đó thừa nhận để tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Ba năm sau, họ lặp lại hành động đó. Kể từ đó cho đến khi chủ quyền được chuyển giao lại cho phía Việt Nam theo các thoả thuận quốc tế, chưa bao giờ nước Pháp từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo này.
Mọi chứng cứ pháp lý đều ủng hộ Việt Nam
Trung Quốc cứ khăng khăng với lập trường giải quyết song phương mọi tranh chấp ở Biển Đông. Thế nhưng, khi Hoàng Sa chính là trường hợp của tranh chấp song phương về chủ quyền, mà những dẫn chứng của ông đã nêu rõ, họ lại khước từ với lập luận rằng Hoàng Sa là của họ. Người thì kể ra rằng đô đốc Trịnh Hoà thời nhà Minh đã tuyên bố chủ quyền ở đây. Có người, như vị học giả mà tôi đã nhắc ở trên, có lẽ vì cảm thấy chưa yên tâm, nên đã lùi thêm về cả trước Công nguyên cho chắc ăn.
Vậy, theo tướng quân, Việt Nam nên tiếp tục vấn đề này như thế nào?
Daniel Schaeffer : Tôi nghĩ nếu Trung Quốc cứ chơi theo kiểu "chẳng giống ai" như vậy, Việt Nam phải tính đến khả năng đưa vụ này ra Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), hoặc Toà án Quốc tế về Biển (MIT). Tất nhiên là khi mọi chứng cứ về lịch sử và pháp lý đã chuẩn bị đầy đủ.
Hơn nữa, cần nhớ rằng, việc giành quyền kiểm soát Hoàng Sa của Trung Quốc được tiến hành theo hai bước khác nhau. Việc này rất quan trọng cho việc xác định ưu tiên.
Đầu tiên, họ đã giành một phần từ tay Quốc Dân Đảng - những người đã giành quyền kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh, khi giải giáp quân Nhật ở đó. Nói là giải giáp chứ, thực ra, binh lính người Đài Loan phục vụ trong quân đội Nhật chỉ cần thay đổi quân phục là đủ. Bởi Trung Hoa Dân Quốc đã sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ của mình sau sự đầu hàng của Nhật đối với phe Đồng Minh năm 1945. Phần này khá phức tạp.
Đối với phần còn lại thuộc nhóm Trăng Khuyết, họ đã dùng vũ lực chiếm năm 1974, khi mà Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, những chủ nhân thực sự của phần lãnh thổ này của quần đảo Hoàng Sa theo Hiệp định Hoà bình Quốc tế Geneva, quá yếu không phòng thủ được.
Việt Nam nên tập trung vào việc đòi lại chủ quyền của phần thứ hai, bởi hành động dùng vũ lực đánh chiếm một phần đất thuộc chủ quyền Việt Nam , hay vi phạm luật pháp quốc tế, đã rõ rành rành. Tức là mọi chứng cứ pháp lý đều ủng hộ Việt Nam .
Về lâu dài, điểm quan trọng nhất là bên nào trong số hai nước có yêu sách chủ quyền, đưa ra được những chứng cứ pháp lý và lịch sử chính xác, theo luật pháp quốc tế, về sự thực thi chủ quyền một cách liên tục nhất.
Ngay cả khi Việt Nam đưa ra được những bằng chứng đó, mà Trung Quốc vẫn cứ nói "Không" thì sao?
Daniel Schaeffer : Trước Đệ Nhị Thế chiến Chính phủ Pháp đã yêu cầu Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Quốc Dân Đảng cùng ra toà ICJ để phân định rõ Hoàng Sa, nhưng họ đã từ chối. Bởi vậy, có khả năng chính quyền hiện nay của Trung Quốc sẽ học tập tấm gương ứng xử của Tưởng Giới Thạch.
Thế nhưng, trừ phi Việt Nam muốn từ bỏ chủ quyền hoàn toàn đối với Hoàng Sa, theo tôi, việc chuẩn bị đầy đủ chứng cứ là rất cần thiết. Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc thoái thác việc ra toà.
Bởi lúc đó, Việt Nam , sau khi đã thể hiện thiện chí kiên trì thuyết phục, hay đàm phán, qua các kênh khác nhau, hoàn toàn có thể công bố công khai trước quốc tế, tại các diễn đàn khác nhau, những chứng cứ này. Lúc đó, trước sức ép của dư luận quốc tế, Trung Quốc có thể phải chấp nhận giải pháp khai thác chung nào đó một cách chấp nhận được với cả hai bên, để cứu vãn cho hình ảnh ngày càng xấu đi của mình.
Chẳng hạn, cách đây cách đây 4 năm một Giáo sư ở Khoa Luật, Đại học Bắc Kinh, tên là Zhao Lihai, sau một thời gian dài biện hộ cho đường chữ U cũng ngộ ra rằng nếu không rút lại đường này, uy tín của Trung Quốc sẽ giảm đi nhiều trong cộng đồng khu vực và quốc tế.
Mặc dù vậy, tôi e rằng đây là điều không hề dễ dàng. Có điều, tôi không nghĩ ra giải pháp nào khác khả dĩ hơn.
-------------------------
Đơn phương cấm đánh cá, bắt ngư dân là vi phạm luật quốc tế
Đầu năm 2005, Trung Quốc đã công bố Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp, trong đó đưa ra nguyên tắc đường cơ sở thẳng, để làm biên giới cho lãnh hải của họ. Trước đó 9 năm họ đã ra một tuyên bố với nội dung tương tự trong đó có nói về cái gọi là "đường cơ sở". Đáng chú ý là ngay trước khi tham gia UNCLOS vào cùng năm 1996.
Và câu chuyện bắt ngư dân Việt Nam đã bắt đầu từ lập luận này. Họ cho rằng ngư dân Việt Nam đánh cá ở khu vực giữa đường cơ sở này và Hoàng Sa là vi phạm lãnh hải của họ.
Tôi và nhiều học giả quốc tế trong cả hai cuộc hội thảo về Biển Đông đều khẳng định rằng, Hoàng Sa, cho dù chủ quyền có thuộc về bất cứ quốc gia nào, cũng chỉ có vùng đặc quyền kinh tế dài 12 hải lý. Bởi theo UNCLOS chỉ các quốc đảo mới có qui chế đường cơ sở.
Như vậy, việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá và bắt ngư dân là vi phạm luật pháp quốc tế.
.
.
.
No comments:
Post a Comment