Wednesday, November 17, 2010

ĐIỂM LẠI "HỘI THẢO BIỂN ĐÔNG” VỚI GS SU HAO (TRUNG QUỐC)

Ngày 17 tháng 11 năm 2010

Sáng thứ bảy 13/11, THIÊN TRIỀU đã gặp riêng môt diễn giả khá nổi bật trong Hội thảo khoa học về Biển Đông là Giáo sư Su Hao (Trung Quốc) để điểm lại ý nghĩa và kết quả của cuộc hội thảo lần thứ nhì về Biển Đông tổ chức ở Việt Nam. Có phải VN mượn hội thảo này để đả kích Trung Quốc?
-THIÊN TRIỀU: Thưa giáo sư Su Hao, Hội thảo về Biển Đông này là một dịp cho các nhà nghiên cứu trao đổi ý kiến với nhau. Tôi nghĩ rằng các ý kiến đó cũng đến tai người khác nữa. Tỉ như những nhà hoạch định chính sách và cả công chúng để giúp hiểu vấn đề đúng hơn và hiểu biết nhau hơn.

-GS Su Hao: Ông nói đúng. Hội thảo này rất ý nghĩa. Biển Đông là một điểm nóng của khu vực, là một vấn đề cũ (lâu đời) của khu vực, không chỉ giữa Trung quốc và Việt Nam. Đã có những diễn đàn chính thức khác như Diễn đàn ARF, Diễn đàn hợp tác an ninh, Diễn đàn Đông Á, các diễn đàn ngọai giao “kênh 2” (2nd track Diplomacy, còn gọi là “ngoại giao công dân”, THIÊN TRIỀU) tổ chức từ lâu ở Malaysia, Indonesia…Các bàn tròn an ninh khu vực khác. Hội thảo này do nuớc ông tổ chức là một mặt bằng mới để các học giả trao đổi ý kiến. Đây không phải là “kênh 2 ngoại giao”, cũng không phải chỉ gồm những nước liên quan đến vấn đề Biển Đông, mà là một mặt bằng đối thọai khác, rộng rãi hơn với những nước khác…

MỘT HỘI THẢO HỮU ÍCH CHO CÁC HỌC GIẢ TRUNG QUỐC.

-THIÊN TRIỀU: Một diễn đàn có qui mô thế giới…

GS Su Hao: Đúng thế. Có cả đại diện những nước khác nữa chứ không chỉ những nước chung quanh Biển Đông hay quanh châu Á - Thái bình duơng TQ quan tâm đến hội thảo này và do đó chúng tôi có mặt ở đây. Tôi cũng muốn nói rằng Biển Đông từ một hai năm nay trở thành một vấn đề khu vực nóng; nên cần có cơ hội trao đổi cái nhìn giữa các nước. Các nhà nghiên cứu cần trao đổi ý kiến với nhau để hiểu biết lẫn nhau hơn, và từ sự hiểu biết lẫn nhau đó có thể xây dựng niềm tin với nhau. Tôi nghĩ rằng đây là một mặt bằng có chức năng làm tránh những hiểu lầm, giảm đi những cảm nhận sai.
Kế đến, do lẽ đây là một diễn đàn quốc tế, nên có những ý kiến khác từ phương Tây, Mỹ, châu Âu. Trong quá khứ đã có những ý kiến từ phưong Tây về cái gọi là “sự nổi lên của Trung Quốc”, về cái gọi là thách thức, đe dọa “lợi ích quốc gia” đối với Mỹ chẳng hạn... Một số sự việc trong Biển Đông đã trở thành những cái gọi là “bằng chứng” đối với một số học giả phương Tây để cho rằng “sự nổi lên của Trung Quốc là một thách thức”. Thành ra, tôi nghĩ rằng diễn đàn này chính là một cơ hội để các học giả Trung Quốc phát biểu, bày tỏ cho thế giới quan điểm của mình, chúng tôi hiểu đất nước chúng tôi như thế nào, để giúp thế giới bên ngòai nhận biết thế nào là Trung Quốc đích thực, thái độ của Trung Quốc như thế nào, Trung Quốc xử lý mọi việc ra sao, kể cả vấn đề Biển Đông ra sao. Đây là dịp để các học giả Trung Quốc cho xã hội bên ngoài hiểu rằng Trung Quốc có một thái độ rất trách nhiệm trong vấn đề Biển Đông.
-THIÊN TRIỀU: Đó chính là thông điệp mạnh mẽ của ông trong hội thảo: Chính phủ Trung Quốc có một thái độ rất trách nhiệm.

GS Su Hao: Đúng vậy. Chúng tôi biết rõ chính phủ chúng tôi nghĩ gì, làm gì, ứng xử giải quyết vấn đề với tất cả trách nhiêm của mình, chứ không như các ý kiến đổ tội chúng tôi của phưong Tây.Trong hội thảo này, các học giả Trung Quốc, qua các phát biểu của mình đã cho thấy Trung Quốc thực sự nghĩ gì, hành động ra sao, rằng Trung Quốc có khả năng có một thái độ rất trách nhiệm đối với khu vực, đối với Biển Đông. Chứ Trung Quốc không hề có thái độ bạo ngược, trái lại chỉ muốn giữ ổn định và hòa bình cả trong Thái Bình duơng lẫn trong Biển Đông. Đó chính là suy nghĩ đích thực của chúng tôi. Di sản (tinh thần) của chúng tôi là duy trì ổn định và hòa bình ở Biển Đông và Thái bình duơng. Chúng tôi không hề có ý định gọi là « sử dụng phương thức quân sự » để xử lý vấn đề. Thành ra, ở hội thảo này chúng tôi đã làm rõ những vấn đề đó. Phuơng Tây cứ cho rằng Trung Quốc có « lợi ích » trên Biển Đông, trong khi đó Trung Quốc đã không hề có tuyên bố gì gọi là « lợi ích (cốt lõi) như thế cả! Thành ra, chúng tôi muốn truyền thông đại chúng VN và quốc tế nhận thức đúng về cái gọi là “lợi ích” (cốt lõi) này.

-THIÊN TRIỀU: Ông có nghĩ rằng thông điệp của ông đã được nghe và hiểu rõ ở hội thảo này?

GS Su Hao:Họ hiểu chứ. Thành ra, Trung Quốc tham dự hội thảo này là rất tốt để cho phưong Tây và thế giới bên ngòai có thêm thông tin và cảm nhận đúng về một Trung Quốc thực sự. Điều đó thật là tốt!

AI ĐANG LÀM GÌ Ở BẮC KINH ?

-THIÊN TRIỀU : Có ý kiến tham luận cho rằng ở Trung Quốc hiện đang có những dị biệt trong giới lãnh đạo. Tỉ như giới quân sự nay có thế lực hơn, họ có những quan tâm riêng của họ, có những lợi ích riêng của họ, họ đang diễu võ giương oai. Câu hỏi đặt ra là: ở Trung Quốc, ai đang « nắm công việc »? Ông còn nhớ ý kiến của nhà tham luận đó chứ ?

-GS Su Hao: Của một nhà nghiên cứu phương Tây[1]. Họ nói như thế để nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang xây dựng quân sự, để chỉ trích rằng Trung Quốc có một thái độ xâm luợc. Qua hội thảo này, các học giả chúng tôi cho thấy việc một cuờng quốc có những họat động quân sự là bình thuờng. Một hiện tượng rất bình thuờng. Trung Quốc đang hiện đại hóa, kể cả quân sự. Nước nào cũng thế, kể cả VN.

-THIÊN TRIỀU : Đúng thế, kể cả VN...

Nghe đến đây, Ren Yuanzhe ,một tiến sĩ, giảng viên đại học ngọai giao Trung Quốc, trợ lý của GS Su Hao vội ghi chép vào trong sổ tay.

-GS Su Hao lập lại: VN cũng thế phải không ? Đúng không ?

-THIÊN TRIỀU : Đúng vậy.

Ren Yuanzhe tiếp tục ghi chép trả lời của THIÊN TRIỀU.

-GS SU Hao : So với phát triển kinh tế của Trung Quốc, thì phát triển quân sự như thế là còn thấp, nên hiện đại hóa quân sự là bỉnh thuờng, rất bình thuờng thôi. Trung Quốc đang đối diện nhiều thách thức an ninh quốc gia. Như vấn đề Đài Loan. Đất nuớc Trung Quốc còn bị chia cắt, nhiệm vụ tái thống nhất vẫn còn đó. Đài Loan vẫn còn được trợ giúp từ bên ngoài, được Mỹ bán vũ khí. Mỹ bỏ qua một số cam kết vể vấn đề Đài Loan. Thành ra, Trung Quốc cần tăng cường khả năng quân sự.

THẾ NÀO LÀ HỮU NGHỊ ?

-THIÊN TRIỀU : Gần đây tôi đang viết một bài có liên quan đến hai sự kiện mà không biết kết luận ra sao. Sự kiện thứ nhất là hôm 29/10, Thủ tướng các ông, Ôn Gia Bảo, theo AFP tường thuật, đã tuyên bố Trung Quốc sẽ hòa bình hữu nghị trên Biển Đông với các nước. Ba ngày sau, hôm 2/11 Global Times, Xinhua net, loan tin Trung Quốc tập trận tấn công với 1800 lính thủy đánh bộ cùng 100 tàu chiến, tầu ngầm các lọai ở Biển Đông. Nhật báo Global Times các ông đăng lại phát biểu của một quan chức các ông cho rằng « tập trận đó là để cho thấy sức mạnh của lính thủy đánh bộ Trung Quốc », rằng « cuộc tập trận này là để cảnh cáo các nước nào muôn tập trận với nước khác ». Theo ông, cuộc tập trận đó chính xác nghĩa là gì ?
GS Su Hao : Ngày 2/11 à ? Tôi không biết tin này. Cho dù sao đi nữa, tôi cũng cho rằng đó là chuyện bình thuờng cả. Trước hết, môt cuờng quốc như Trung Quốc cần tập trận. Nước nào cũng thế,VN cũng thế phải không ? Kế đến, chúng tôi cần tập trận như thế để cho một số thế lực bên ngoài thấy sức lực của chúng tôi. Đây là liên quan đến an ninh quốc gia chúng tôi, đến eo biển Đài Loan.Tiếp nữa, năm nay, như ông biết, có nhiều vấn đề. Ở Đông Bắc Á chẳng hạn, Mỹ tập trận với đồng minh Nam Hàn, Nhật Bản.

THIÊN TRIỀU : Tôi muốn thu hút sự chú ý của ông đến một số chi tiết sau. Thứ nhất là vị trí của cuộc tập trận là trên Biển Đông gần Trường Sa. Thứ nhì là bản chất của cuộc tập trận. Đây là một cuộc tập đổ bộ tấn công chứ không phải tập phòng thủ. Tập trận cũng có dăm bẩy đường tập trận. Với 1800 lính thùy đánh bộ tập đổ bộ trên Biển Đông như thế, cuộc tập trận này chính là chuyện gây « hiểu lầm » đấy. Ông nói đến Mỹ, đến Nhật, nhưng láng giềng gần sát nhất cuộc tập trận đổ bộ này lại là Việt Nam!

GS Su Hao : Tôi nghĩ rằng, nếu quả thật là như thế, thì Trung Quốc cũng không muốn nhắm đến VN. VN không là mục tiêu của Trung Quốc. Hai nước chúng ta hữu nghị mà. Chúng tôi không nhắm VN như là một mục tiêu quân sự. Chúng tôi tập trận ở Nam Hải nhưng thật ra nhắm đến Biển Đông Bắc. Ở đó, tình hình không cân xứng. Mỹ và liên minh của họ rất mạnh...

THIÊN TRIỀU : GS Su Hao, tôi đọc rất nhiều bài xã luận của ông trên Global Times. Ông là nhà xã luận ôn hòa nhất.Tôi muốn nhờ ông giải thích giùm tôi bài báo này đăng trong mục « Diễn đàn » tờ Global Times ấy. Tựa đề bài báo là "Trung Quốc cần hủy họai nền kinh tế VN để tránh một cuộc chiến tranh thực sự” (China needs to destroy vietnam's economy to avoid real war). Bài này mới đăng hôm 8/10, cách đây không lâu, do Steven Guo biên tập. Bài này được trình bày rất đầy ý nghĩa với hai bức ảnh xe cộ như nêm ở Bắc Kinh tương phản với xe đạp ở Hà Nội.
GS Su Hao : Tờ báo này không phải là một tờ báo nghiêm túc. Họ thích câu khách.

THIÊN TRIỀU : Tôi vẫn tưởng đó là một tờ báo nghiêm túc vì ông, một học gỉa nghiêm túc, thường có bài trên đó. Ông có nghĩ rằng những bài báo như thế có ích gì cho điều gọi là tình hữu nghị hai nước ? Tôi có thể đoan chắc với ông rằng không thề thấy một bài báo nào như thế trên báo chí VN.

GS Su Hao : Đó là một tờ báo độc lập, họ muốn đăng gì thì đăng. Không cấm được.

THIÊN TRIỀU : Tôi ngạc nhiên khi hay biết ở Trung Quốc lại tự do báo chí đến thế. Nhờ ông nói lại với Global Times rằng những bài báo như thế không hữu nghị chút nào. Nói đến hữu nghị, ông có mở truyền hình trong phòng khách sạn của ông không? Ông đếm được bao nhiêu đài của Trung Quốc ?

GS Su Hao : Có kênh 4 (CCTV4).

THIÊN TRIỀU : Ông hãy đếm kỹ nữa đi, còn có ít nhất 4,5 đài nữa, Quảng Đông, Phượng Hoàng vân vân... Ông có biết chúng tôi có 64 tỉnh thành và mỗi tỉnh thành có ít nhất một đài truyền hình. Và đài nào cũng chiếu phim Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng không ở một nước nào khác trên thế giới này, lại có một môi trường hữu nghị với văn hóa Trung Quốc như ở VN. Thành ra, tôi nhắc lại, tôi không nghĩ rằng những bài báo như thế lại là có ích cho hai nước.
GS Su Hao : Tôi có thể giữ bài báo này ?
THIÊN TRIỀU : Xin mời ông. Tôi in ra để ông đọc vì quan tâm đến tình hữu nghị hai nước ấy mà.

-----------------------
[1] Leszek Buszynski của Đại học Quốc gia Úc. Xem “Hội thảo quốc tế về Biển Đông: Biển Đông trở thành vấn đề quốc tế”, TUỔI TRẺ Thứ Sáu, 12/11/2010.

.
.
.

No comments: