Elizabeth C. Economy
Foreign Affairs, tháng 11/ tháng 12 năm 2010
Đăng bởi bvnpost on 21/11/2010
(Đương đầu với cuộc cách mạng đối ngoại của Trung Quốc)
ELIZABETH C. ECONOMY là nghiên cứu trưởng của chương trình C. V. Star và là giám đốc ban Nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
---------------------------------------------
Sau nhiều thập niên đi theo khẩu hiệu “Che đậy ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối” [thao quang, dưỡng hối] của Đặng Tiểu Bình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc (TQ) bắt đầu nhận thức rằng việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị trong nước sẽ không tùy thuộc vào sự nhún nhường mà là nhờ vào việc tích cực kiểm soát các biến cố ở ngoài biên giới TQ. Do đó, Bắc Kinh đã phát động một chiến lược “đi ra” (“go out” strategy) nhằm thay đổi qui phạm và cơ chế toàn cầu. Lúc tự chuyển đổi chính mình cũng là lúc TQ đang chuyển đổi thế giới. Hãy quên đi ý niệm coi TQ như một kẻ hùn vốn có trách nhiệm (responsible stakeholder); TQ đã trở thành một cường đang làm cách mạng.
Trong gần suốt lịch sử cận đại của TQ, các nhà lãnh đạo nước này luôn tuyên bố không mấy quan tâm đến việc tìm cách ảnh hưởng các vấn đề toàn cầu. Lâu nay họ vẫn rêu rao là họ ủng hộ việc duy trì nguyên trạng (the status quo): nào là TQ giúp đỡ thế giới bằng cách tự giúp đỡ chính mình; nào là sự trỗi dậy hòa bình của TQ; nào là chính sách hai bên đều thắng lợi; đấy mới chỉ là một vài khẩu hiệu tiêu biểu. Bắc Kinh đã miễn cưỡng đứng ra tổ chức các cuộc thương thuyết liên quan Bắc Hàn; Bắc Kinh cố tránh né các cuộc đàm phán về tiềm năng Iran trở thành một cường quốc nguyên tử, thường thì Bắc Kinh không mấy bận tâm về các cuộc xung đột quân sự và chính trị của các nước khác. Trên nhiều khía cảnh, ảnh hưởng của TQ lên phần còn lại của thế giới là không cố ý – mà do hậu quả của các cuộc cách mạng diễn ra bên trong TQ. Khi người TQ thay đổi lối sống và cách quản lý kinh tế, họ bắt đầu có ảnh hưởng sâu sắc lên phần còn lại của thế giới. TQ không cố tình để trở thành nước đứng đầu trong việc gây ra nạn thay đổi khí hậu toàn cầu; sự thể này chỉ là hậu quả của đà tăng trưởng kinh tế phi thường và việc 1 tỉ 3 nhân dân TQ lệ thuộc vào dầu khí để thoả mãn nhu cầu năng lượng.
Tuy nhiên tất cả điều này cũng sắp thay đổi. Có một thời các nhà lãnh đạo TQ cố tình cô lập chính mình để khỏi dính sâu với thế giới bên ngoài; ngày nay họ nhận ra rằng việc thỏa mãn nhu cầu năng lượng đòi hỏi một chiến lược toàn cầu năng động hơn. Việc dùng tuyên truyền để cổ vũ một “môi trường quốc tế hoà bình” trong đó TQ có thể phát triển kinh tế bằng cách lợi dụng nỗ lực ngoại giao của các nước khác là chưa đủ. Để đảm bảo các đường tiếp liệu cung cấp tài nguyên thiên nhiên, TQ không những chỉ cần đến một nghị trình phát triển và mậu dịch có bài bản, mà còn cần đến một chiến lược quân sự rộng lớn. Người TQ không còn muốn làm những kẻ thụ động tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài; họ muốn uốn nắn thông tin đó để cho người trong nước và người nước ngoài sử dụng. Và khi sức mạnh kinh tế của họ bành trướng, họ không những muốn đảm nhận những vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế, mà lại còn muốn thay đổi qui luật của cuộc chơi.
Những nhà lãnh đạo TQ nhìn nhận rằng họ đang đứng giữa ngã ba đường và đang phấn đấu để đưa ra một đường lối mới. Trong một cuộc phỏng vấn với China News Service, cựu đại sứ Wu Jiamin, một người khôn khéo chính trị, cố gắng hòa giải luận điệu cũ với thực tế mới: “Vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay hoàn toàn chấm dứt… rõ ràng là TQ sẽ đóng một vai trò có ý nghĩa hơn trên thế giới”, ông tuyên bố. “Những gì chúng tôi đạt được chỉ là bước khởi đầu. Tư tưởng Đặng Tiểu Bình, ‘giữ một hình bóng lu mờ và cố gắng thực hiện được một điều gì’ vẫn còn có thể áp dụng chí ít đến cả 100 sau.” Điều mà cái thông điệp khá hàm hồ của Wu báo hiệu là TQ sẽ đi ra thay đổi luật chơi của thế giới.
Phần còn lại của thế giới nên biết rằng, chương trình nghị sự mới của TQ sẽ đòi hỏi một sự quan tâm to lớn hơn để khai thác tính năng động trong nước (internal dynamics) và triển khai một nỗ lực đối ngoại năng động hơn, phối hợp chặt chẽ hơn. Thế giới cần đảm bảo rằng TQ biết tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác trong khi TQ tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình. Và nếu Hoa Kỳ muốn duy trì thế ưu việt của mình, hay chí ít duy trì vai trò khuôn nắn các qui phạm và giá trị (norms and values) nhằm hướng dẫn thế giới trong thế kỷ 21, chính sách TQ của Hoa Kỳ không thể chỉ là một phản ứng đối với các nỗ lực mới mẻ của Bắc Kinh. Chính sách này phải nằm trong một chiến lược toàn cầu dài hạn, rộng lớn hơn, bắt đầu bằng một sự xác định rõ ràng các ưu tiên đối nội của Hoa Kỳ. Bước đầu là, trong khi Bắc Kinh tìm kiếm đường lối để xuất khẩu cuộc cách mạng của mình cho phần còn lại của thế giới, phần còn lại của thế giới cần phải hành động nhanh chóng nhằm nắm bắt hình dáng của cuộc cách mạng này và tiên liệu hậu quả của nó.
Cuộc cách mạng nội bộ của TQ
Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, nhà lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu tiến trình “đổi mới và cởi mở”, thúc đẩy một loạt cải tổ mà trên ba thập niên qua đã tạo được sự thay đổi mang tính cách mạng. Các cơ chế kinh tế, các mô hình thăng tiến và tương tác xã hội (patterns of social mobility and interaction), các giá trị xã hội và thậm chí Đảng Cộng sản TQ đều được chuyển hoá. Dù bằng thước đo nào chăng nữa, cuộc cách mạng của Đặng Tiểu Bình cũng tạo được một trong những tấm gương thành công kinh tế vĩ đại của thế kỷ 20. TQ hiên nay là nền kinh tế và là nước xuất khẩu đứng nhì thế giới. Nhờ một khu vực xuất khẩu phát đạt, một nguồn vốn nước ngoài ào ạt chảy vào liên tục, và một tiền tệ được quản lý (a managed currency), ngân hàng trung ương và các cơ sở đầu tư nhà nước TQ hiện nắm giữ những lượng ngoại hối to lớn nhất thế giới. Trong quá trình đổi mới này, hàng trăm triệu người dân TQ đã thoát được cảnh đói nghèo chỉ trong vòng vài thập niên.
Tuy nhiên, đối với giới lãnh đạo TQ hiện nay, cuộc cách mạng của họ Đặng đã đến hồi kết thúc. Họ đang phải đối đầu với hậu quả tiêu cực của 30 năm phát triển không kềm chế: đó là, những chỉ số ô nhiễm và sự xuống cấp môi trường tăng nhanh, nạn tham nhũng tràn lan, nạn thất nghiệp tăng vọt (theo nhiều nguồn tin, nạn thất nghiệp ở trong khoảng từ 9,4% đến 20%), một mạng lưới an sinh xã hội rách nát, và bất quân bình lợi tức ngày một gia tăng. Gộp lại với nhau, những tệ trạng xã hội này đã đưa đến trên 100.000 vụ chống đối mỗi năm. Để đối phó với tình hình, lãnh đạo TQ đang chuẩn bị phát động một loạt cải tổ không kém phần ngoạn mục [so với những cải tổ của họ Đặng] để một lần nữa thay đổi đất nước và chỗ đứng của TQ trên thế giới. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, trong vòng 20 năm hay có thể sớm hơn, thế giới sẽ không thể nhận ra được nước Trung Hoa tân tiến này: một xã hội thành thị, đầy sáng kiến, có ý thức môi trường, được nối mạng, và là một xã hội công bằng.
Nằm ở trung tâm của cuộc cách mạng tiếp theo này là một kế hoạch theo đó Bắc Kinh sẽ đô thị hoá 400 triệu người dân trước năm 2030. Năm 1990, mới chỉ 25% dân số TQ sống trong vùng đô thị; ngày nay con số đó gần được 45% và sẽ lên 70% trước năm 2030. Đô thị hoá TQ sẽ cho phép việc phân phối các dịch vụ xã hội hữu hiệu hơn và giúp giảm bớt những chênh lệch về lợi tức. Một TQ đô thị hoá sẽ là một xã hội đặt cơ sở trên khoa học tri thức (knowledge-based). Vì không còn muốn thấy quốc gia mình là một nhà máy sản xuất khổng lồ của thế giới, các nhà lãnh đạo TQ đã lao vào một nỗ lực táo bạo để chuyển đổi đất nước thành một trung tâm sáng kiến hàng đầu. Bắc Kinh đang hổ trợ lãnh vực nghiên cứu và phát triển; kêu gọi các nhà khoa học TQ được đào tạo ở nước ngoài trở về để làm thủ trưởng các phòng thí nghiệm và điều khiển các trung tâm nghiên cứu; và nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình phát kiến (models of innovation) từng thành công ở Phương Tây.
Các đô thị mới của TQ cũng sẽ có ý thức môi trường cao (green). Bắc Kinh đang đầu tư hằng trăm tỉ đôla vào khu vực năng lượng sạch và đang tài trợ cho các nhà sản xuất trong nước nhằm khuyến khích chế tạo và bán ra các sản phẩm năng lượng sạch. TQ đã là một trong những quốc gia hàng đầu của thế giới chế tạo các tua-bin gió (wind turbines) và các pa-nô biến điện mặt trời (photovoltaic panels). TQ chuẩn bị chiếm nhiều phần đáng kể của thị trường toàn cầu trong ngành vận chuyển dùng năng lượng sạch (clean-energy transport); bao gồm đường hỏa xa cao tốc và xe chạy bằng điện. Sau cùng, dân chúng thành thị TQ sẽ được nối mạng. TQ đang nằm trong một cuộc cách mạng tin học. Khoảng 30% dân số TQ sử dụng Internet, và hầu hết đều ở đô thị. Trong một cuộc thăm dò của hãng Gallup vào năm 2009, 42% thị dân TQ cho biết có nối mạng Internet trong nhà họ, tiêu biểu cho mức tăng vọt 14% chỉ từ năm 2008. Nói một cách tuyệt đối, có nhiều người nối mạng tại TQ hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Thậm chí khi TQ xúc tiến các kế hoạch táo bạo để chuyển đổi kinh tế và xã hội, nhiều sức ép và thách thức mới sẽ xuất hiện. Những đòi hỏi tài nguyên cho một cuộc đô thị hoá nhanh chóng là rất lớn. Một nửa số công trình xây dựng các cao ốc trên thế giới diễn ra tại TQ, và theo một ước tính, quốc gia này sẽ xây thêm khoảng 20.000 đến 50.000 nhà chọc trời trong những thập niên tới. Thượng Hải, vốn là trung tâm đô thị đông dân nhất nước, chẳng bao lâu nữa sẽ được 10 đô thị vệ tinh (satellite cities) vây quanh – mỗi đô thị có khoảng nửa triệu dân hay nhiều hơn. Muốn nối tất cả các đô thị này và nhiều đô thị mới khác trong cả nước phải cần đến 53.000 dặm xa lộ (khoảng 85.000 km). Một khi các đô thị này được xây dựng và nối lại với nhau, nhu cầu tài nguyên sẽ tiếp tục gia tăng: dân thành thị TQ tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn dân nông thôn (gấp 3,5 lần về năng lượng và gấp 2,5 lần về nước), gây căng thẳng đáng kể cho các nguồn lực vốn đã hiếm hoi của quốc gia. Khoảng trước năm 2050, thị dân TQ có thể sẽ tiêu thụ hết 20% năng lượng toàn cầu.
Khác hẳn với đồng bào của họ ở nông thôn, thị dân TQ cũng sẽ đưa ra nhiều đòi hỏi chính trị có tổ chức hơn – để đòi hỏi một môi trường vệ sinh hơn, quyền phát biểu những đề tài văn hóa rộng lớn hơn, và chế độ quản lý đất nước minh bạch hơn. Xã hội dân sự đang phát triển mạnh trong các đô thị TQ: các hội chủ nhà, các nghệ sĩ, các người bảo vệ môi trường và y tế cộng đồng ngày càng khẳng định quyền sinh hoạt của mình. Nỗ lực gia tăng giai cấp trung lưu TQ lên đến 400 triệu người sẽ mang lại nhiều đòi hỏi hơn và tạo nhiều sức ép chính trị hơn cho giới lãnh đạo TQ.
Việc dân chúng sử dụng Internet rộng rãi sẽ tạo thêm nhiều rủi ro cho lãnh đạo TQ bằng cách gia tăng nguy cơ là, mối bất bình chính trị sẽ sở thành một thách thức có cơ sở rộng lớn chống lại quyền cai trị của Đảng Cộng sản. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhìn nhận đã “lướt mạng” hằng ngày để tìm hiểu các mối quan tâm của người dân, nhưng chủ tịch Hồ Cẩm Đào lại bày tỏ một số quan ngại về các khả năng khác của Internet đối với TQ: “Liệu chúng ta có thể đối phó được với Internet hay không, đây là một vấn đề ảnh hưởng đến việc phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa, đến an toàn thông tin, và sự ổn định của nhà nước”. Phát biểu của Hồ Cẩm Đào báo hiệu rằng lãnh đạo TQ ý thức được sự thách đố chính trị mà Internet có thể đặt ra cho quyền cai trị của họ trong tương lai.
Internet đang dần dà trở thành một hệ thống chính trị ảo tại TQ: nhân dân TQ tự tìm hiểu thông tin, tổ chức, và phản đối trực tuyến. Tháng Bảy 2010, các bloggers đã gửi đi các bản tin đầu tiên về một tai họa ô nhiễm môi trường rộng lớn tại tỉnh Jilin, có nội dung trái ngược với các báo cáo của chính quyền. Hàng ngàn người bất chấp sự trấn an của các quan chức, giận dữ lên án họ đã che đậy sự thật, và lũ lượt đi mua nước đóng chai. Người dân TQ cũng “biểu quyết” trên mạng. Trong một trường hợp, một ký giả bị cảnh sát truy nã về tội mạ lỵ, một cáo buộc được dàn dựng, đã tự biện hộ trên Internet. Trong số 33.000 người được thăm dò ý kiến, có đến 86 phần trăm cho rằng viên ký giả vô tội. Tờ Người quan sát kinh tế (the Economic Observer), một tuần san tài chính TQ, sau đó đã tung ra một loạt bài đả kích cảnh sát, lên án âm mưu đe dọa một “chuyên gia trong ngành truyền thông”. Nhờ vậy, những cáo buộc nhắm vào viên ký giả bị hủy bỏ.
Những người tranh đấu cũng sử dụng Internet để phát động nhiều chiến dịch khá thành công – một số liên quan đến các cuộc xuống đường – để ngăn chặn việc xây đập thủy điện và các nhà máy gây ô nhiễm, cũng như phản đối việc lấy tiếng Quảng Đông ra khỏi các chương trình truyền hình được phát tại tỉnh Quảng Đông. Nổi bật nhất có lẽ là sự xuất hiện một số thần tượng văn hóa dùng Internet vào mục đích chính trị. Hoạ sĩ danh tiếng Ai Weiwei, chẳng hạn, đã đi tìm công lý cho các gia đình có con bị chết trong trận động đất tại tỉnh Tế Xuyên, thậm chí đã ghi lại và đưa lên YouTube các cuộc đối đầu của ông với các viên chức ngoan cố. Blogger Han Han, vốn là tay đua xe hơi và cũng là một tiểu thuyết gia, thường xuyên đòi hỏi phương tiện truyền thông phong phú hơn và tự do văn hóa rộng rãi hơn. Từ khi mở trang mạng vào năm 2006 đến nay, blog của ông đã nhận trên 410 triệu lần truy cập. Có ý nghĩa hơn cả có lẽ là, Twitter, vốn bị cấm tại TQ, đã xuất hiện như một diễn đàn chui sôi nổi nhất để tranh luận chính trị tự do – bao gồm cuộc đối thoại trực tuyến mang tính đột phá giữa cư dân mạng TQ và đức Đạt lai La ma vào tháng Năm 2010. Những ưu tiên cốt lõi của lãnh đạo TQ ngày nay cũng gần giống như những ưu tiên của Đặng Tiểu Bình 30 năm trước đây: phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Tuy nhiên, môi trường hoạt động của họ ở trong nước và nhận thức của họ về con đường đưa đến thành công là khác hẳn. Ngày nay nếu chỉ tập trung vào mặt trận quốc nội là thiếu sót; các lãnh đạo TQ muốn uốn nắn tình hình quốc tế để bành trướng mậu dịch.
Cách mạng TQ lan rộng toàn cầu
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, nguyên chủ tịch TQ Giang Trạch Dân phát động chính sách “đi ra” đầu tiên của đất nước, khuyến khích các xí nghiệp quốc doanh đi ra nước ngoài để tìm kiếm nguyên liệu. Do sáng kiến của họ Giang, quan hệ mậu dịch của TQ với các quốc gia giàu tài nguyên tại Đông Nam Á, châu Mỹ La tinh, và châu Phi nở rộ từ năm 2001 đến 2007, gia tăng 600 phần trăm. Hàng ngàn công ty TQ hiện hoạt động khắp nơi trong thế giới đang phát triển và bằng vốn đầu tư của mình đã làm sống lại một số nền kinh tế trước đó đã phá sản. Các giới lãnh đạo từ Cộng hòa Dân chủ Congo đến Venezuela và Campuchia đã tiếp nhận đầu tư và các cơ sở hạ tầng do TQ đưa đến như một hình thức trợ giúp thực dụng mà nước họ đang thèm khát. Trong nhiều trường hợp, các xí nghiệp quốc doanh TQ sẵn sàng – và có khả năng, với sự hậu thuẫn của chính phủ – tiến hành các dự án mà không một công ty đa quốc nào khác cho là thận trọng về tài chính. Những mỏ đồng của Zambia đã phải đóng cửa hơn cả một thập niên, mãi cho đến khi người TQ đến đầu tư mới hoạt động trở lại. Việc bành trướng kinh tế ra nước ngoài này đã đi song đôi với một nỗ lực ngoại giao ráo riết chưa từng có. TQ đưa ra một thực đơn đồ sộ gồm các hiệp đồng thương mại và viện trợ, yểm trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cống hiến cơ hội giáo dục và đào tạo kỹ thuật cho các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên.
Thông thường, các nhà đầu tư TQ được giới lãnh đạo bản địa hoan nghênh vì họ ngấm ngầm hứa hẹn chia sẻ một ít thành công của “mô hình TQ” với nước chủ nhà. Việc chính phủ và các xí nghiệp quốc doanh TQ sẵn sàng đến đầu tư bất cứ nơi nào, vào bất cứ thời điểm nào, và với bất cứ giá nào đã trở thành chuyện trứ danh của thời đại. Như ông Sahr Johnny, đại sứ của Sierra Leone tại Bắc Kinh, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn liên quan đến các công trình xây cất tại nước ông: “Nếu một nước trong nhóm G-8 muốn xây lại cái sân vận động ấy, chẳng hạn, đến giờ này chúng tôi vẫn còn họp họp, bàn bàn. Người TQ chỉ việc đi đến và làm ngay. Họ không cần họp bàn để đánh giá các hậu quả tác động lên môi trường, bàn về nhân quyền, về quản trị đất nước tốt hay xấu”.
Tuy vậy, không phải ai cũng hồ hởi với lối làm ăn của TQ. Các công ty TQ đã gặp phải sự chống đối tại một số quốc gia, gồm Papua New Guinea, Peru, và Zambia. Các thủ tục môi trường và an toàn yếu kém, cùng với các chính sách lao động dành ưu tiên lộ liễu cho công nhân TQ, đã gây ra nhiều xung đột gay gắt với dân chúng địa phương tại tất cả các nước này. Tại Việt Nam, một dự án khai thác bauxite của TQ, sẽ mang vào hơn 2.000 công nhân TQ, đã gây phẫn nộ cho công nhân Việt Nam, cho các nhà lãnh đạo tôn giáo, và cả những quan chức trong chính quyền và quân đội. Một luật sư Việt Nam nổi tiếng còn đi xa hơn nữa, là đã khởi đơn kiện thủ tướng chính phủ, lên án ông ta đã vi phạm bốn luật khác nhau vì đã vội vã chấp thuận dự án.
Việc TQ đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa cũng sẽ tăng cường nỗ lực hướng ngoại để lùng sục thêm tài nguyên thiên nhiên. Thêm nhiều đô thị, thêm nhiều đường sá, và nhiều cơ sở hạ tầng có nghĩa là cần thêm thép, thêm đồng, và thêm bauxite. Hiện nay TQ chiếm khoảng một phần tư nhu cầu của thế giới về kẻm, sắt và thép, chì, đồng, và nhôm. Vào giữa năm 2010, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, TQ đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. TQ cũng đang quan tâm về việc tìm kiếm cho đủ nguồn nước. Tại TQ, lượng nước sử dụng của mỗi người chỉ bằng một phần tư lượng nước bình quân cho mỗi người trên thế giới. TQ tuyệt đối có lượng nước dồi dào, nhưng nếu xét đến dân số, mức độ ô nhiễm, và địa điểm của các nguồn nước tại TQ, thì khắp TQ có nạn khan hiếm nước – khiến lãnh đạo TQ lo thiếu nước nghiêm trọng trong tương lai vì nhu cầu nước cho công nghiệp và hộ gia đình tăng lên nhanh chóng. Do đó, họ âm thầm nhưng mạnh dạn tiến hành việc ngăn đập và chuyển dòng các nguồn nước của cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, một hành động sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người bên ngoài biên giới TQ. Những nỗ lực của TQ nhằm thay đổi dòng chảy của các con sông đang gây lo lắng đáng kể cho Bangladesh, Ấn Độ, Kazakhstan, và nhiều quốc gia khác, và sẽ đưa đến các tranh chấp vùng trong tương lai: việc sinh sống của hàng triệu người nằm ngoài biên giới TQ tùy thuộc vào sự tiếp cận với những nguồn nước này.
Tuy nhiên, đợt kế tiếp trong chính sách “đi ra” của TQ sẽ vượt quá các đầu tư nhắm vào tài nguyên thiên nhiên. Trong khi TQ trở thành một nền kinh tế tri thức, đầy sáng kiến, giới lãnh đạo đang khuyến khích các công ty quốc doanh giàu tiền mặt và các quỉ đầu tư mua phần hùn hay sang lại các công ty nước ngoài, đặc biệt các công ty có công nghiệp mà TQ thèm muốn. Thị trường nào mà sản phẩm TQ có sức cạnh tranh, các công ty TQ sẽ nhanh chân nhảy vào trước. Bộ Thương mại TQ mạnh mẽ ủng hộ các công ty TQ, chẳng hạn, các công ty chủ trương dịch vụ “trọn gói” cho các hàng xuất khẩu năng lượng sạch (clean-energy exports): gồm cung cấp thiết bị, chuyên môn và các dịch vụ liên hệ. Chính phủ thậm chí sẽ cho vay các khoản nợ cần thiết, có thể dùng để chi trả các thiết bị được chế tạo tại TQ, công nhân, và các công nghệ. Bắc Kinh đã hứa xây dựng 1.000 dự án năng lượng sạch cho các nước châu Phi.
Muốn đảm bảo một hợp đồng sòng phẳng với các công ty TQ đến đầu tư, các quốc gia sở tại cần phải thương lượng thẳng thừng với các công ty đó. Chẳng hạn, Bộ Đường sắt TQ, cơ quan đấu thầu với General Electric để xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc cho California, đã hứa cung cấp vốn, kỹ thuật, thiết bị, và “nhiều kỹ sư giỏi và chuyên viên giỏi”, việc này có khả năng đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò nào mà GE và công nhân Hoa Kỳ sẽ nắm giữ trong dự án. California và nhiều bang khác của Hoa Kỳ cần phải đảm bảo rằng việc đầu tư của TQ sẽ thỏa mãn cùng một lúc nhiều lợi ích của Hoa Kỳ, kể cả lao động.
Các lãnh đạo TQ cũng đang muốn có tiếng nói trong các định chế thương mại và tài chính, trong một nỗ lực nhằm đảm bảo rằng lợi ích kinh tế của họ sẽ được bảo vệ. Tháng Ba, 2009, trong khi cả thế giới đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lãnh đạo TQ đã đưa ra một số tuyên bố có tính khiêu khích về tương lai của hệ thống kinh tế thế giới. Thống đốc ngân hàng trung ương được nhiều người kính nễ của TQ, ông Zhou Xiaochuan, tuyên vố đã đến lúc cần phải tránh xa đồng đôla như một loại tiền tệ toàn cầu của thế giới và bắt đầu phát triển một loại “siêu tiền tệ” (super sovereign) đặt cơ sở trên một tập hợp của nhiều đơn vị tiền tệ. Bằng luận điệu tương tự, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi rà soát lại hệ thống tài chính toàn cầu tại cuộc họp thượng đỉnh G-20 tháng Tư, 2009. Ông ta gặp phải phản ứng nhanh chóng từ công luận: hầu hết các nhà bình luận quốc tế cho rằng chưa đến lúc thế giới từ bỏ đồng đôla. Các quan chức TQ bèn rút lời lại, bằng cách trấn an những người chỉ trích rằng những gì họ đưa ra chỉ là những đề xuất có thể thực hiện vào thập niên tới, chứ không phải là sang năm.
Tuy nhiên, TQ vẫn lặng lẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề này trong phạm vi Quỉ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và khi số phiếu bầu của TQ gia tăng hơn nữa (tăng từ 2.9% lên 3.6% trong năm 2006 và đang chờ tăng lên 3.8% năm 2010), TQ sẽ có nhiều cơ may thúc đẩy vấn đề đồng đôla. Dần dà, có thể TQ sẽ tìm cách thay đổi triệt để hơn nhiều khía cạnh khác của việc quản trị IMF, chẳng hạn như việc duyệt xét thường niên chế độ tiền tệ của các nước và các điều kiện liên quan đến việc điều hành quốc gia và tính minh bạch của các nước vay tiền IMF. Cả hai thủ tục này đều làm TQ phải nhức đầu: IMF từng gián tiếp cũng như trực tiếp phê bình Bắc Kinh vì đã giữ giá đồng Nguyên (yuan) ở mức thấp giả tạo. Ngoài ra, thái độ TQ coi thường những chuẩn mực của IMF về tính trong sáng và khả năng điều hành quốc gia trong các hợp đồng mậu dịch và viện trợ ở thế giới đang phát triển đã bị cộng đồng quốc tế phê bình nghiêm khắc hơn nữa.
Mặc dù việc bành trướng ảnh hưởng kinh tế của TQ trên thế giới là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của chính sách đối ngoại năng động gần đây, nhưng những nỗ lực của TQ nhằm giới hạn sự cạnh tranh của các nước khác trong một số khu vực chiến lược chủ yếu, cũng sẽ gây ra ảnh hưởng quan trọng. Nỗ lực của TQ nhằm hậu thuẫn cho cái gọi là “sáng kiến nội địa” (indigenous innovation) đã nhận khá nhiều chỉ trích từ các nước khác. Cố tình bác bỏ mô hình canh tân công nghệ của Nhật Bản và Nam Hàn, một mô hình đặt cơ sở trên chiến lược đuổi bắt dài hạn bằng cách thuê bản quyền công nghệ nước ngoài, TQ đang tìm cách tạo ra các chuẩn mực riêng cho sản phẩm và công nghệ của mình. Và TQ đang lợi dụng các cơ chế quốc tế để biến chuẩn mực nội địa của TQ thành chuẩn mực toàn cầu. Chẳng hạn, hiện nay TQ quyết tâm vận động cho các tiêu chuẩn của mình về mã hóa phần mềm và các mạng cục bộ vô tuyến (wireless LANs) trở thành tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế, hay IPO. (Trước đây, IPO đã bác bỏ đề nghị của TQ về việc chấp nhận nghi thức mới này cho cả toàn cầu, một phần vì TQ đã dùng một giải thuật không được tiết lộ (undisclosed algorithm), sự che giấu này gây lo ngại về lề lối thương mại thiếu sòng phẳng của TQ. Như Jeremie Waterman, một giám đốc kỳ cựu tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, đã nhận xét trong bản điều trần của ông trước Ủy ban Thương mại Thế giới của Hoa Kỳ vào tháng Sáu 2010, “Bắc Kinh “vừa bắt đầu thi hành một kế hoạch về sáng kiến nội địa trung hạn và dài hạn, xuyên qua một mạng lưới ngày càng lớn rộng gồm có các chính sách công nghiệp phân biệt đối xử, trong các lãnh vực như việc thu mua của chính phủ, an ninh thông tin, thiết định chuẩn mực, thuế khóa, chống trust, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và việc thực thi quyền này, và nạn gián điệp công nghiệp. Trong thực tế, thay vì phải cố gắng giải quyết những vấn đề tồn tại lâu dài này trong các khu vực thương mại và đầu tư của mình, TQ lại sử dụng những bất cập trong chế độ điều tiết và thi hành luật lệ của TQ để tạo lợi thế cạnh tranh to lớn hơn nữa cho các công ty của mình. Tước đoạt sở hữu trí tuệ của các công ty khác tất nhiên đỡ tốn kém thì giờ và tiền bạc hơn là thuê mướn bằng sáng chế hay tự mình tạo ra sở hữu trí tuệ. Bao lâu các công ty TQ khó bị trừng phạt vì tước đoạt sở hữu trí tuệ của các công ty khác, thì chúng cũng khó mà thay đổi lề thói kinh doanh.
TQ còn dùng nhiều biện pháp để đảm bảo việc nắm giữ các nguồn lực chiến lược và, trong một số trường hợp, đã bắt buộc các công ty nước ngoài xây dựng cơ sở sản xuất tại TQ, nếu không sẽ bị sạt nghiệp. Bằng tiến trình này, Bắc Kinh đang phá hoại các qui phạm mậu dịch toàn cầu (global trade norms). Tháng Mười Một 2009, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã kiện TQ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì TQ đã sử dụng những hạn chế xuất khẩu trên 20 nguyên vật liệu (raw materials), chẳng hạn bauxite và than cốc, những vật liệu rất cần thiết cho các sản phẩm cơ bản như thép, chất bán dẫn (semiconductors), và máy bay. Chưa đầy một năm sau, Bắc Kinh tuyên bố thêm một loạt chính sách thương mại có tính hạn chế mậu dịch, lần này là các kim loại đất hiếm (rare-earth metals), cắt hạn ngạch xuất khẩu nguyên liệu này đến 72 phần trăm. Những kim loại này, mà TQ gần như nắm độc quyền, là cần thiết để chế tạo không những nam châm, điện thoại di động, và cáp quang (fiber-optic cables) mà còn cả các bình điện của xe chạy bằng điện (electric-vehicle batteries) và tua-bin gió. Nếu không được rút lại, hành động này của TQ sẽ ép buộc nhiều công ty năng lượng sạch phải sản xuất các cơ phận quan trọng ngay tại TQ, vì cả Hoa Kỳ và nhiều nước khác sẽ mất nhiều năm nữa mới khôi phục lại khả năng khai thác đất hiếm.
Thế giới đã trở nên quen thuộc với nhiều tác động toàn cầu của cuộc cách mạng kinh tế TQ. TQ đã trở thành một cường quốc mậu dịch và đầu tư, đã mua một lượng trái phiếu rất đáng kể của Hoa Kỳ, và đóng một vai quan trọng trong các thị trường hàng hóa toàn cầu. Hiện nay TQ đang năng nổ tìm cách khuôn nắn các qui phạm thương mại và đầu tư quốc tế sao cho phù hợp với cuộc cách mạng kế tiếp của TQ, phần còn lại của thế giới có thể dựa vào kinh nghiệm quá khứ để thương lượng với, và thỉnh thoảng thậm chí thay đổi hướng đi của, TQ. Tuy nhiên, cách ứng phó này của thế giới không thể áp dụng cho các nỗ lực bành trướng quân sự của TQ.
Hải quân TQ đang dòm ngó đại dương
Tháng Tư 2010, chuẩn đô đốc TQ Zhang Huachen, phó tư lệnh Hạm đội Đông Hải, thẳng thừng tuyên bố chiến lược hải quân TQ đã thay đổi: “Chúng ta đi từ phòng vệ duyên hải sang bảo vệ biển khơi… Với sự bành trướng các lợi ích kinh tế của đất nước, hải quân muốn bảo vệ các đường vận chuyển của quốc gia và an ninh của các hải đạo chính của chúng ta”. Trên thực tế, tuyên bố của họ Zhang chỉ là lễ khai mạc cho một chiến lược đã lên kế hoạch từ năm 2007. Chiến lược này dự kiến sức mạnh hải quân TQ sẽ được bành trướng qua ba giai đoạn: trước tiên, phải tiến tới một lực lượng hải quân có khả năng canh chừng “chuỗi đảo thứ nhất” gồm các đảo quốc từ Nhật Bản đến Đài Loan và Phi Luật Tân; tiếp theo, phải tiến tới một lực lượng hải quân vùng với khả năng vói tới Guam, Indonesia, và Australia; và giai đoạn cuối là tiến tới một lực lượng toàn cầu trước năm 2050. Tờ Global Times (Toàn cầu Thời báo) của nhà nước TQ nhấn mạnh những bước đầu tiên trong khi mô tả sự thay đổi chiến lược của hải quân: “Đương nhiên, sự chuyển hóa của hải quân TQ sẽ mang nhiều thay đổi cho mô hình chiến lược tại Đông Á và tây Thái Bình Dương, một mô hình đã tồn tại trong 5 thập niên qua”.
Biển Nam Trung Hoa [tức Biển Đông] đã trở thành chiến địa đầu tiên. Vào tháng Ba, thậm chí trước cả tuyên bố của chuẩn đô đốc Zhang, các viên chức chính phủ TQ lần đầu tiên tỏ ra quyết đoán rằng biển Nam Trung Hoa – nơi có tài nguyên từ lâu đã được một số nước khác tuyên bố chủ quyền, gồm Malaysia, Philippines và Việt Nam – là một “lợi ích cốt lõi”, một từ trước đó chỉ dành cho Đài Loan và Tây Tạng. Không bao lâu sau đó, vào tháng Tư, hải quân TQ mở cuộc tập trận kéo dài gần ba tuần lễ ở trong vùng biển này, như một hành động đi theo các lời tuyên bố.
Cộng đồng quốc tế liền phản ứng nhanh chóng. Tại Cuộc Đối thọai Shangri-la vào tháng Sáu 2010, ở Nam Hàn, có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng khắp vùng châu Á-Thái Bình Dương, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert Gates, xác định rằng quan tâm của Hoa Kỳ trong biển Nam Trung Hoa là đảm bảo “sự ổn định, tự do lưu thông, và phát triển kinh tế tự do và không bị ngăn cấm”. Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, đã tiếp nối lập trường này tại Diễn đàn vùng ASEAN vào tháng Bảy, tại Hà Nội, bằng cách đưa ra đề nghị là Hoa Kỳ muốn giúp đỡ, làm trung gian hoà giải cho các tranh chấp liên quan đến tài nguyên và các hải đảo trong biển Nam Trung Hoa. Đề nghị của bà liền được nhiều, mặc dù không phải tất cả, quốc gia tranh chấp chủ quyền hoan nghênh. Và đến tháng Tám, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc diễn tập hải quân hỗn hợp lần đầu tiên tại biển Nam Trung Hoa.
Sẽ có nhiều thử thách tiếp theo. Vào tháng Bảy 2010, một trong những học giả hàng đầu TQ về an ninh quốc phòng, Shen Dingli, đưa ra những lý do phải thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở nước ngoài bằng cách thiết lập các căn cứ quân sự. Mặc dù các viên chức hải quân TQ nghỉ hưu đã từng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, nhưng hình như bây giờ mới có đủ lực đẩy chính trị cho một động thái như thế. Chính phủ TQ đã xúc tiến việc phát triển các cảng nước sâu tại Pakistan, Myanmar (Miến Điện), và Sri Lanka và công khai thảo thuận tiềm năng của các địa điểm khác tại Bangladesh and Nigeria. Có thể phải mất cả thập niên hay lâu hơn, hải quân TQ mới có đủ sức mạnh tương xứng với tham vọng của mình, nhưng những đường nét chính của một chiến lược an ninh quốc phòng TQ năng động hơn trước thì đã rõ ràng.
Bảo vệ quan điểm của TQ
Khi ảnh hưởng của những chính sách chuyển hóa TQ vang dội khắp thế giới, Bắc Kinh nhận ra nhu cầu phải có một chiến lược truyền thông táo bạo tương xứng với chủ nghĩa bành trướng kinh tế và quân sự của mình. Vì mạng lưới Internet cho phép người nước ngoài nhìn vào TQ theo nhiều cách thế khác nhau, giới chức TQ bắt đầu nhận thấy nhu cầu phải trình bày quan điểm của mình với phần còn lại của thế giới. Như một viên chức tuyên giáo cấp cao bình luận, “Chúng ta phải…bắt đầu nhắm vào một số mặt trận để tranh thủ công luận quốc tế, và tạo một môi trường công luận quốc tế khách quan, thuận lợi, và thân thiện với chúng ta”.
Nhận thức này đưa đến một cuộc tấn công chớp nhoáng của TQ bằng phương tiện truyền thông, với chi phí lên đến 80 tỷ đôla. Tân Hoa Xã đang tung ra một chương trình TV phát sóng 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày bằng tiếng Anh, đặt trụ sở tại Times Square ngay trong thành phố New York, để cạnh tranh với CNN và BBC với mục đích “đưa tin tức TQ và quốc tế cho khán giả toàn cầu, theo quan điểm của TQ”. Ngành truyền thông nhà nước TQ đã gửi 400 thông tín viên đến 117 văn phòng báo chí khắp thế giới, và đang lên kế hoạch cho 180 văn phòng trước năm 2020. Các hãng truyền thông TQ – như Tân Hoa, Trung Hoa Nhật báo, Toàn cầu Thời báo, và Nhân dân Nhật báo — hiện nay thường xuyên yêu cầu các chuyên gia nước ngoài bình luận về các vấn đề toàn cầu.
Nhưng đồng thời, các giới chức TQ vẫn giữ quyết tâm kiểm soát luồng thông tin từ ngoài vào và cả từ trong nước. Chế độ kiểm duyệt, hệ thống công an mạng, những luật lệ mới ban hành liên quan việc đăng ký các nghi thức giao tiếp mạng (Internet Protocols), và việc bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến sử dụng Internet, tất cả nỗ lực này đều nhằm ngăn chặn người dân TQ khỏi ra ngoài các hạn giới chính trị được chấp nhận. Ngoài ra, các hãng truyền thông nước ngoài gần như không thành công bao nhiêu trong việc chiếm được thị phần (market share) đáng kể tại TQ, khiến một số hãng – như Google và nhà đại tư bản truyền thông Rupert Murdoch – đã cắt giảm hoạt động hay đành phải rút khỏi thị trường trước những chính sách giới hạn quá khắt khe.
Nhiên hậu, mức độ thành công của ngành truyền thông TQ trong nỗ lực tranh thủ nhân tâm của phần còn lại của thế giới rất có thể sẽ tùy thuộc vào khả năng thay đổi lề thói kinh doanh của TQ. Hiện nay các quốc gia độc tài khác cũng đang bắt chước mô hình TQ, bằng cách giới hạn việc tiếp cận Internet của dân chúng và kiểm soát báo, đài trong nước. Tuy nhiên, muốn dành được sự kính nể và tin cậy của các quốc gia khác, TQ phải đi theo một chiến lược khác hẳn hiện nay. Một đường lối đưa tin công khai và thẳng thắn về TQ sẽ là rất cần thiết. Rốt cuộc, có lẽ việc xông xáo của truyền thông TQ ở nước ngoài chuyển đổi được thế giới thì ít mà chuyển đổi mặt trận trong nước thì nhiều. Khi các công ty truyền thông TQ phải tự lột xác để cạnh tranh trên trường quốc tế với cách đưa tin cởi mở và có tính điều tra hơn, thị trường khán, thính giả trong nước sẽ gia tăng sức ép, buộc các công ty này phải chấp nhận các chiến lược tương tự.
Hoa Kỳ là ưu tiên hàng đầu
Trong ba thập niên qua TQ rất nhất quán trong việc xác định phát triển kinh tế và ổn định chính trị là lợi ích cốt lõi của mình. Chỉ có nhận thức của lãnh đạo về phương tiện cần thiết để đạt được hai mục tiêu này là thay đổi. Nỗ lực của TQ nhằm tái tạo các chuẩn mực toàn cầu cũng được thôi thúc bằng một chủ nghĩa dân tộc đang sống dậy, nhắc nhở đến thời đại khi TQ đã là một cường quốc thương mại trên thế giới. Đối với một số giới chức TQ, thế kỷ vừa qua – trong đó TQ gần như vắng bóng về sức mạnh kinh tế và quân sự — chỉ là một chệch hướng của lịch sử. Theo cách nhìn của họ, hiện nay mọi việc đang trở lại bình thường.
Chính sách đối ngoại năng động của TQ khiến Hoa Kỳ cần phải làm một cuộc tái thẩm định chiến lược. Những khẩu hiệu như “ngăn chận”, “cầu thân”, “vừa ngăn chận vừa cầu thân”, và ý niệm về một “G-2” sẽ không còn là những quan niệm thực dụng trong những năm sắp tới. Thay vào đó, Nhà Trắng cần phải cân nhắc chính sách của mình trên ba bình diện.
Trước hết, thay vì chỉ dựa vào quan hệ song phương (một nỗ lực đã được Hoa Kỳ thử nghiệm nhưng về sau phải loại bỏ vì phía TQ không mấy quan tâm), chính quyền Obama cần phải tiếp tục cộng tác với nhiều nước khác để có thể ảnh hưởng lên thái độ của Bắc Kinh. Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, và Nhật Bản thường xuyên phối hợp chính sách thương mại đối với TQ; Hoa Kỳ hợp tác với Nga đã thuyết phục được TQ trong một loạt biện pháp trừng phạt của LHQ dành cho Bắc Hàn; và Hoa Kỳ cùng với một số quốc gia Đông Nam Á đã tìm thấy chính nghĩa chung trong việc gây sức ép nhằm đưa TQ đến bàn thương thuyết về Biển Nam Trung Hoa. Vì TQ sẽ bành trướng hoạt động hải quân trong những thập niên tới, những hợp tác đa phương như thế – kể cả việc cùng nhau tạo sức ép – sẽ là rất cần thiết để thuyết phục TQ thảo luận tính minh bạch quân sự và các luật lệ quốc tế về an ninh hàng hải.
Nhà Trắng vẫn phải tiếp tục minh định rằng chính phủ Hoa Kỳ tin tưởng phải có một số giá trị cốt lõi nhất định làm nền tảng cho hệ thống quốc tế. Những giá trị này trên hết phải phản ánh sự cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do – tự do trên biển, trên không, trong không gian, và trên Internet; chế độ pháp trị; và các quyền tự do chính trị đi liền với các quyền cơ bản của con người. Mức độ xung khắc giữa những giá trị này và những giá trị được TQ cổ vũ có thể giải thích tại sao con đường đi đến tin cẩn và hợp tác giữa hai nước vẫn còn nhiều thách đố. Ngay tại TQ cũng có những nhà tư tưởng chính trị, những nhà cải cách, và thậm chí giới chức chính quyền chia sẽ những lý tưởng mà Hoa Kỳ cổ vũ. Nhưng, cho đến khi các quan điểm của những người này trở nên thắng thế, Hoa Kỳ vẫn phải sẵn sàng nêu cao những lý tưởng này xuyên qua các sáng kiến ngoại giao và chính sách của mình.
Chính sách của Hoa Kỳ đối với TQ không phải chỉ gồm có chặn đứng, chống chọi với những nỗ lực của TQ và xiển dương các lý tưởng Hoa Kỳ. Washington cũng không thể dựa vào các cuộc đối thoại thường niên nhằm rà soát một loạt vấn đề để, ruốt cuộc, cũng chỉ mô tả các lãnh vực mà Hoa Kỳ và TQ bất đồng quan điểm mà chẳng đóng góp được gì cho việc tranh thủ lợi ích của Hoa Kỳ.
Bình diện thứ ba trong chính sách của Hoa Kỳ là phải quan tâm về các lợi ích và mục tiêu bên trong nước Mỹ. Chính quyền Obama nên khởi sự bằng cách lấy một trang trong sách chơi của TQ. Cũng như TQ, trước hết Hoa Kỳ phải xây dựng chính sách đối ngoại của mình từ việc xác định rõ ràng mục tiêu và sách lược trong tương lai: Trong 50 năm nữa, Hoa Kỳ sẽ phải như thế nào, và làm sao để đi đến đó? Từ lợi thế có được một viễn kiến như vậy, chính sách đối với TQ sẽ trở thành một phương tiện để đạt những mục tiêu của Hoa Kỳ, chứ không phải tự nó là một cứu cánh (an end in itself).
Nếu Hoa Kỳ muốn là nước đi đầu trong công nghệ năng lượng sạch trước năm 2050, chẳng hạn, ngay từ bây giờ Hoa Kỳ phải xây dựng hạ tầng cơ sở về tri thức, về tài chính, và về chính trị để đạt mục tiêu ấy. Và khi các công ty đầu tư năng lượng sạch của TQ đến gõ cửa, như họ đang làm, Hoa Kỳ sẽ phải có đủ tư thế để quyết định loại đầu tư nào đáng được hoan nghênh. Khi thực hiện đúng cách, các hợp đồng như thế mới có tiềm năng đưa đến sự hùn hạp công bình và hợp tác thành công. Chẳng hạn, vào tháng Tám 2010, Nghiệp đoàn Công nhân ngành thép Thống nhất (United Steelworkers union) đã ký hợp đồng với các công ty A-Power Energy Generation Systems và Shenyang Power Group của TQ để xây dựng một cánh đồng tua-bin gió (wind-farm) trị giá 1 tỉ rưỡi đôla tại bang Texas, tạo ra 1.000 việc làm cho công nhân Hoa Kỳ – nhảy lên từ 330 việc làm khi dự án được đề xuất lần đầu – và dùng khoảng 50 ngàn tấn thép do Hoa Kỳ sản xuất.
Trong một cách tương tự, những nỗ lực của TQ nhằm tách rời hệ thống tài chính quốc tế ra khỏi đồng đôla, trữ kim của thế giới hiện nay, cho dù có khả năng gây thiệt hại nếu thực hiện đột ngột, nhưng về lâu về dài biết đâu lại có lợi cho Washington. Nếu Hoa Kỳ không còn có thể vay mượn dễ dàng hơn các nước khác, nghĩa là không còn thâm thủng mậu dịch to lớn, với lợi thế chấn động kinh tế đến chậm hơn, chẳng hạn, Hoa Kỳ sẽ áp đặt được kỷ luật ngân sách có ích lợi lên kinh tế Hoa Kỳ.
Quan tâm theo dõi những chuyển biến trong nội bộ TQ là việc rất có lợi cho các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đang tìm cách đoán trước TQ sẽ làm gì trong bước tiếp theo. Việc khan hiếm nước tại TQ, chẳng hạn, rất có thể sẽ ảnh hưởng và thậm chí giới hạn các cơ hội phát triển nông nghiệp và công nghiệp tại TQ trong nhiều thập niên tới. Lắng nghe các dấu hiệu báo trước những thay đổi chính sách, như lời bình luận công khai và uyên bác về tương lai các căn cứ quân sự TQ ở nước ngoài, cũng là điều quan trọng. Sau cùng là, lãnh đạo TQ sẽ được thay thế vào năm 2012. Năm trong bảy vị lãnh đạo chóp bu trong Ủy ban Thường vụ Chính trị bộ, gồm chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo, sẽ nghỉ hưu. Những kỹ sư tương đối cách biệt với thế giới bên ngoài này sẽ được thay thế bằng một giới lãnh đạo gồm phần lớn các nhà khoa học xã hội đầy tự tin, đi đây đi đó nhiều, và có đảm lược chính trị. Có thể những thay đổi chính trị táo bạo sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của họ, nhưng một số trong nhóm này đã từng đưa ra những thử nghiệm hay cải tổ chính trị khi họ còn làm lãnh đạo cấp tỉnh. Đó là một nhóm lãnh đạo, khi được giao quyền bính, chắc chắn sẽ mang lại nhiều thay đổi hơn trước và thậm chí có thể làm thế giới ngạc nhiên. Mặc dù lãnh đạo TQ đã đưa ra viễn kiến của họ và đã khởi động tiến trình thay đổi, nhưng những sức ép quốc nội và quốc tế có thể mang lại một kết quả khác xa với điều họ tiên liệu. Tất cả mọi cuộc cách mạng đều chứa đựng những yếu tố bấp bênh nội tại, và cuộc cách mạng của TQ không phải là một ngoại lệ. Hoa Kỳ cần phải sẵn sàng, và việc này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ biết phản ứng lại chính sách đối ngoại năng động của TQ; nó đòi hỏi Hoa Kỳ phải có một chính sách biết nhìn sâu vào cuộc cách mạng nội bộ của TQ, để dự kiến những thử thách và cơ hội trong tương lai cho một cộng đồng quốc tế sẽ xuất hiện do hậu quả của cuộc cách mạng này.
Trong khi TQ cố tình tái tạo các định chế và qui phạm toàn cầu, Hoa Kỳ cũng cần phải tiếp tục khẳng định các lý tưởng và các ưu tiên chiến lược của mình, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các quốc gia cùng chí hướng. Nhưng, nhiên hậu, Hoa Kỳ sẽ thành công chỉ khi nào Hoa Kỳ có thể phát biểu rõ ràng những ưu tiên kinh tế và chính trị của mình và sau đó phải nắm chắc TQ có thể giúp mình thực hiện những mục tiêu ấy như thế nào. Chính sách TQ của Hoa Kỳ phải là một phương tiện đưa đến một cứu cánh, chứ không phải là một cứu cánh tự thân.
Túy Vân phỏng dịch
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.
No comments:
Post a Comment