Tuesday, November 9, 2010

TRUNG QUỐC BẮT NẠT NƯỚC NGOÀI CHO THẤY SỰ YẾU KÉM TRONG NƯỚC


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
09.11.2010

Chính phủ Trung Quốc hẳn rất hằn học khi tiếp tục thấy những giải thưởng Nobel được tặng cho những người Trung Quốc không đúng ý.
Người Trung Quốc không đúng ý đầu tiên là Cao Hành Kiện, một nhà viết kịch, hoạ sĩ và tiểu thuyết gia nổi tiếng được tặng Nobel Văn học năm 2000 khi đang sống lưu vong tại Paris. Mới nhất là Lưu Hiểu Ba, một nhà phê bình văn học và người chuyên viết về chính trị, vừa được trao giải Nobel Hòa bình năm nay, trong khi đang thụ án tù vì tội "lật đổ" chính quyền cộng sản. Vì Dalai Lama không phải là một công dân Trung Quốc, hãy bỏ qua giải Nobel Hòa bình của ông, mặc dù đối với giới lãnh đạo Trung Quốc đây có lẽ điều khó chịu nhất.

Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền Trung Quốc đối với giải thưởng Nobel của Lưu thì thật đặc biệt. Thay vì bày tỏ thái độ kiêu căng chê trách hoặc chính thức im lặng, họ đã có một thái độ phản ứng dữ dội, phản đối quyết liệt về âm mưu phá hoại Trung Quốc và quản thúc tại gia hàng chục trí thức nổi bật, bao gồm cả vợ của ông Lưu là bà Lưu Hạ.
Kết quả là ông Lưu, một người bất lực vô vọng và có ảnh hưởng mờ nhạt đã trở nên không chỉ nổi tiếng thế giới mà còn được trong nước biết đến.

Kết hợp điều này với hành vi uy hiếp của Trung Quốc đối với Nhật Bản bằng cách ngăn chặn việc xuất khẩu kim loại đất hiếm quan trọng đối với ngành công nghiệp Nhật qua việc tranh chấp một vài hòn đảo hoang nằm giữa Đài Loan và Okinawa, cũng như việc từ chối tăng giá đồng nhân dân tệ, ta phải tự hỏi tại sao Trung Quốc lại quá mạnh tay trong quan hệ ngoại giao.

Những chiến thuật mạnh mẽ càng tương phản hơn so với lịch sử chính sách ngoại giao khéo léo Trung Quốc trong vài thập niên qua. Nhật Bản, kẻ cựu thù thời chiến tranh, đã liên tục bị họ qua mặt, và một cử chỉ nhỏ nhẹ đã khiến Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cảm thấy tương đối yên tâm với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhưng những hành xử côn đồ gần đây của Trung Quốc đang thay đổi quan điểm của các nước châu Á. Với sự đón chào nồng nhiệt dành cho Hillary Clinton trong chuyến thăm xuyên châu Á của bà, ngay cả quốc gia cộng sản Việt Nam cũng cho thấy rằng Đông Nam Á cảm thấy an tâm hơn khi bám vào Nền Hoà Bình Mỹ (Pax Americana) lâu thêm chút nữa vì nỗi sợ hãi đối với Trung Quốc. Các nước châu Á khác thậm chí càng gần gũi hơn với Nhật Bản, quốc gia duy nhất có thể thay thế Mỹ như một đối trọng với Trung Quốc. Đây có thể không phải là điều Trung Quốc mong muốn.

Thế thì tại sao Trung Quốc lại trở nên quá nghiêm trọng? Một giải thích là có thể Trung Quốc đang hơi say sưa với vị thế cường quốc mới có được. Lần đầu tiên trong gần 200 năm, Trung Quốc đã có thể thực sự có thể ỷ vào thế mạnh của mình và sẽ làm những gì mình muốn bất chấp thái độ của những quốc gia khác. Một vài thập niên trước đây, chính Nhật Bản nghĩ rằng mình sẽ là số 1, và các doanh nhân, chính trị gia và các quan chức của họ đã không ngần ngại để cho phần còn lại của thế giới biết điều này. Hãy xem những hành động gần đây của Trung Quốc là sự trả thù cho một thế kỷ bị sỉ nhục bởi các cường quốc mạnh mẽ hơn.

Nhưng điều này có thể không phải là cách giải thích tốt nhất cho hành vi của Trung Quốc. Thực tế có thể là ngược lại: đây một thái độ của giới cai trị Trung Quốc nhằm đối phó sự suy yếu trong nước. Ít nhất là từ năm 1989, tính chính danh về sự độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở nên mong manh. Tư tưởng hệ cộng sản đã sức tàn lực kiệt. Việc sử dụng Quân đội Giải phóng Nhân dân để giết hại những vụ biểu tình của công dân, không chỉ ở Bắc Kinh mà còn ở khắp nơi trong nước vào tháng Sáu năm 1989 đã tiếp tục làm suy yếu tính hợp pháp của hệ thống độc đảng.

Phương cách để lấy lại sự hỗ trợ của tầng lớp tiểu tư sản đang lên của Trung Quốc là hứa hẹn một bước nhảy vọt nhanh chóng của sự thịnh vượng thông qua việc tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Khoảng chân không về ý thức hệ tạo ra bởi cái chết của chủ nghĩa Mác chính thống đã được lấp đầy bằng chủ nghĩa dân tộc. Và chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, được khuyến khích tại trường học, truyền thông đại chúng và các đài tưởng niệm và bảo tàng yêu nước đều mang một ý nghĩa: chỉ nhờ sự cai trị cứng rắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới ngăn chặn được người ngoại quốc, đặc biệt là phương Tây và Nhật để họ không thể làm nhục Trung Quốc một lần nữa.

Đây là lý do tại sao bất cứ ai, ngay cả một trí thức tương đối vô danh như Lưu, người đã thách thức tính hợp pháp của chế độ độc đảng bằng cách đòi hỏi bầu cử đa đảng, phải bị nghiền nát. Đó là lý do tại sao chính phủ không dám để cho đồng nhân dân tệ tăng giá quá nhanh, vì sợ rằng việc tăng trưởng kinh tế chậm sẽ khiến đảng bị mất mặt và mất tính hợp pháp. Và đó là lý do tại sao việc bắt nạt Nhật Bản luôn là một lựa chọn tốt: Giới lãnh đạo Trung Quốc không nhất thiết là ghét Nhật Bản nhưng họ sợ có vẻ yếu đuối dưới mắt của các công dân mình, những người vốn được dạy từ lớp mẫu giáo rằng các cường quốc bên ngoài luôn muốn làm bẽ mặt Trung Quốc.

Điều này cho thấy rằng nếu Lưu và những đồng chí của ông đạt mong muốn của họ và dân chủ xuất hiện ở Trung Quốc, vấn đề về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc sẽ không biến mất. Nói cho cùng, nếu người dân cảm thấy bị Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ ngược đãi thì người dân sẽ đòi hỏi những chính sách sô vanh. Dân chủ đã không hâm nóng chủ nghĩa yêu nước tại Nam Hàn nhiều kể từ khi chế độ độc tài quân sự bị sụp đổ trong những năm 1980.

Nhưng chủ nghĩa dân tộc không thể là một hằng số chính trị. Chủ nghĩa dân tộc thường được bồi bổ bằng một cảm giác bất lực. Khi người dân cảm thấy bất lực trước một chính phủ độc tài, điều tốt nhất là làm họ cảm thấy mình được nâng đỡ bởi sức mạnh quốc gia.
Mặt khác, trong một nền dân chủ đa đảng, công dân có liên quan với các quyền lợi, vật chất, xã hội khác, thậm chí cả về văn hóa, do đó ít có khả năng họ sẽ bị cuốn vào chủ nghĩa yêu nước hung hăng. Chúng ta phải hi vọng như thế. Hiện trạng của những nền dân chủ ngày nay không phải là sự quảng bá tốt nhất cho tự do chính trị. Nhưng người dân Trung Quốc cần phải có quyền tự quyết định về điều đó. Và Lưu xứng đáng được vinh danh vì đã dám tuyên bố như thế.
.
.
.

No comments: