Tuesday, November 9, 2010

VÌ SAO TALAWAS ĐÓNG CỬA ? (RFA)

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-11-05

Trang mạng văn học Talawas, sau 9 năm hoạt động và thu hút được khá nhiều người đọc, đã phải thông báo đóng cửa.
Từ nhiều năm nay, khi người đọc bắt đầu từ giã thói quen cầm cuốn sách thưởng thức các tác phẩm văn chương để thay vào đó ngồi vào bàn viết lật từng trang trên internet thì sự cần thiết một trang mạng có đầy đủ chức năng của một thư viện chứa đầy văn bản của các tác giả văn học trở nên bức bách, trước sức lớn mạnh của hệ thống internet toàn cầu không thể phủ nhận.

Khởi đầu là văn học ...

Năm 2001, nhà văn Phạm Thị Hoài bỗng nhiên xuất hiện trên trang mạng mang cái tên ngộ nghĩnh Talawas. Cái tên miền xa lạ này không nói lên điều gì to lớn hay khó hiểu, chỉ đơn giản là Talawas, người xem không có ý kiến gì về cái tên nhưng nhiều nhà văn trong và ngoài nước lập tức chú ý tới nó bởi mục đích và chủ trương của trang mạng này.

Hàng ngàn người yêu văn chương đã vào Talawas để tìm những tác giả mà họ ái mộ. Từ các tác giả trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của miền Bắc đến các kiện tướng của nhóm Sáng Tạo tại miền Nam. Từ Việt Nam vươn ra thế giới, các khuynh hướng văn chương từ Cổ thi đến Tân hình thức, các cuộc tranh luận văn học hay hội họa từ nhiều phía đã làm cho Talawas có một diện mạo mới mà một tờ báo giấy không thể nào thực hiện nổi.

Nhà văn Phạm Thị Hoài cho biết, bà và nhóm chủ trương khẳng định rằng Talawas không lệ thuộc, không chịu sự câu thúc của bất kì tổ chức, đoàn nhóm, thế lực nào, và vì thế quyết định của nhóm không do một áp lực nào từ bên ngoài. Nhà văn Phạm Thị Hoài còn nói rõ lý tưởng mà Talawas theo đuổi trước sau không thay đổi, đó là góp phần khiêm tốn của mình trong việc hình thành một công luận độc lập của người Việt trong và ngoài nước.

Nhà văn Phạm Thị Hoài cùng với những người bạn của bà đưa ra năm tôn chỉ hoạt động của Talawas: Thứ nhất, vì lợi ích chung; Thứ hai, đa nguyên đa chiều không áp đặt; Thứ ba, hoạt động độc lập không phe nhóm; Thứ tư, đối thoại trung thực, thẳng thắn nhưng ôn hoà và thứ năm là chú trọng chất lượng.
Năm tôn chỉ này sau đó được áp dụng vào trang Talawas một cách khắc khe, và những người điều hành trang mạng này chứng tỏ cho người đọc thấy quyết tâm của nhóm chủ trương.

Có lẽ bởi những mục tiêu to tát và ít nhiều nhạy cảm đối với Hà Nội như vậy nên từ cuối tháng 5 năm 2004, chính quyền Việt Nam đã kiểm soát trang web này và thiết lập tường lửa để ngăn chặn sự truy cập từ trong nước. Từ đó đến nay, chỉ có người ở bên ngoài Việt Nam mới theo dõi được.

Những tưởng Talawas đã vượt qua khó khăn ban đầu để tiếp tục phục vụ người đọc, nhưng không, vào ngày 3 tháng 11 vừa qua nhà văn Phạm Thị Hoài đã thông báo trên Talawas là trang mạng này sẽ chính thức đóng cửa vĩnh viễn. Thông báo trên làm nhiều người trong giới sáng tác xúc động và trong một thời gian ngắn hàng ngàn nguồn tin về sự kiện này đã được tung ra dưới nhiều cái nhìn khác nhau.

Không thể tin được sự kiện Talawas đóng cửa, chúng tôi hy vọng nó chỉ bị hacker bỏ thông tin trên Talawas sau khi chiếm đoạt được pass word rồi xâm nhập phá hoại trang này như nhóm tin tặc Sinh Tử Phù vẫn thường làm. Chúng tôi gọi cho nhà văn Phạm Thị Hoài và được bà xác nhận:
"Chắc chắn là Talawas sẽ có một thông báo chính thức về nguyên nhân đi đến quyết định này. Chắc chắn là có chứ không thể ra đi như thế mà không nói cho độc giả biết. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường hoạt động vừa qua và trình bày nguyên nhân kết thúc."

Chúng tôi có cuộc nói chuyện với nhà văn, nhà báo Hoàng Hưng, một người cộng tác rất sớm với Talawas để biết thêm lý do khiến trang mạng nổi tiếng này phải ngưng hoạt động.
Trước tiên nhà văn Hoàng Hưng cho biết:
"Thật ra nói cộng tác thì tôi cũng đã cộng tác rất là sớm, nhưng lúc đó thật sự tôi đang làm báo nên chưa dám cộng tác một cách chính thức. Tôi chỉ gửi cho cô Hoài một số các bài viết của tôi đăng ở trong nước nhưng biên tập bị cắt xén nên tôi gửi nguyên bản ra đăng trên Talawas.
Sau sự kiện Talawas bị tường lửa, tôi bất bình và quyết định dấn thân chính thức tham gia với Talawas để phản đối tường lửa. Sau đó tôi dấn sâu hơn tham gia ban biên tập của Talawas Chủ Nhật chuyên đăng các trang văn học, sau đó làm ban biên tập chuyên về các vấn đề văn nghệ của quốc nội, và rồi bình luận Talawas. Cho tới khi Talawas chuyển sang hình thức blog thì tôi là một blogger nòng cốt của Talawas."

... sau thêm xã hội và chính trị

Mặc lâm: Trong thời gian dài cộng tác với Talawas như vậy thì nhận xét về những tiến triển của nó anh thấy có đáng khích lệ hay không?
Nhà văn Hoàng Hưng: Tôi thấy thành công của Talawas khác hơn nhiều trang mạng khác của người Việt ở chỗ, tất nhiên vì ở nước ngoài nên nó không bị khống chế hay sức ép trực tiếp của an ninh trong nước. Nhưng tôi cho rằng sở dĩ nó có uy tín và có thể coi là hàng đầu trong tất cả các trang mạng của người Việt ở chỗ là thái độ làm việc của Tổng biên tập tức là nhà văn Phạm Thị Hoài và một ban biên tập rất đứng đắn và thể hiện rất rõ tâm huyết những vấn đề của đất nước.
Họ tôn trọng những ý kiến tuy có sự khác biệt miễn có tâm huyết đóng góp thì được tôn trọng. Họ không có ý đồ cá nhân, không muốn nổi danh hay lợi lộc gì cả. Rõ ràng là nó không có ai tài trợ ngoại trừ sự đóng góp cá nhân. Mọi người làm việc không công và có thể nói là rất vất vả. Talawas được rất nhiều cây bút nổi tiếng trong nước hưởng ứng, đó là điều mà nhiều trang mạng nước ngoài không làm được. Tôi cho là thành công của Talawas có lẽ ở chỗ nó tập trung được rộng rãi nhất và phong phú nhất.
Nó có thái độ nghiêm túc bàn về các vấn đề sống còn của đất nước. Đầu tiên bàn về văn hóa nghệ thuật nhưng sau đó bắt buộc nó phải tiến sang các lãnh vực xã hội và chính trị. Sau Talawas nhiều trang mạng cũng theo tinh thần của nó rất nhiều ngay các trang mạng quốc nội cũng đã phát huy tinh thần này, điển hình là trang Bauxit Việt Nam"
Mặc lâm: Từ sự thành công vượt bậc này cho đến việc Talawas đóng cửa có liên quan gì đến nhau hay không? Chẳng hạn áp lực của chính quyền đối với người trong nước?
Nhà văn Hoàng Hưng: Có một điều phải nói thẳng thôi đó là những người làm Talawas nói chung rất là tự nguyện và họ công tác với nhau rất vô tư. Nó không được tổ chức chặt chẽ như một đảng hay một tổ chức, khuynh hướng về một cái gì cả...thế cho nên nó tồn tại được 9 năm, tôi cho là đã quá lâu rồi.
Nếu như nó muốn tiếp tục nữa thì phải có nhiều điều kiện về tài chánh, nhân lực và phương cách tổ chức. Chúng tôi là người tham dự Talawas kể cả lúc trong vai trò cộng tác viên hay trong ban biên tập. Chúng tôi là những người trí thức độc lập không muốn bị ai chi phối, cũng không muốn ngã về phía nào của các đảng phái chính trị, chúng tôi không muốn như thế.
Chúng tôi cũng không muốn thế lực nào tài trợ cho mình rồi lại hướng dẫn mình theo ý họ. Đây là cái hay của Talawas nhưng đồng thời cũng là hạn chế nó không thể như thế này mãi mà phải thay đổi cách làm."

Không còn phù hợp?

Mặc lâm: Cũng có ý kiến cho rằng do Talawas ngày càng chú ý nhiều hơn các mảng đề tài chính trị hơn là văn học như thời kỳ đầu và điều này làm cho nhiều người tham gia hơn nhưng lại khiến cho nó gặp nhiều khó khăn hơn từ phía nhà nước, ông nghĩ sao về những ý kiến này?
Nhà văn Hoàng Hưng: Vâng theo tôi điều đó tất nhiên thôi. Khi Talawas làm chuyện văn hóa văn nghệ đơn thuần thì người ta cũng chưa khó chịu lắm, nhưng khi nó quay sang bàn về chính trị xã hội thì đương nhiên họ khó chịu rồi. Bên cạnh tường lửa thì họ gây sức ép đối với thành viên trong nước, tìm cách tin tặc…
Tôi hiểu ban biên tập không thể nào tránh né chuyện chính trị xã hội mãi được bởi vì cuối cùng thì văn hóa văn nghệ cũng phải giải đáp bằng vấn đề xã hội chính trị. Có một lúc chị Phạm Thị Hoài cũng tâm sự với anh em là đến lúc có những vấn đề khác quan trọng hơn chuyện văn thơ.
Tôi cho đó là thái độ dấn thân ngày càng sâu và tự nhiên của người trí thức, có suy nghĩ có tâm huyết với đất nước chứ chả phải do ai xúi giục hay có động cơ gì mà người ta hay nghĩ xấu là động cơ chính trị. Nó là sự tất yếu thôi và đã tất nhiên như thế thì bị sức ép chứ không có gì lạ cả."

Vậy là sau 9 năm hoạt động, Talawas đã đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 3 tháng 11 vừa qua. Tuy đóng cửa nhưng trang này vẫn còn hiện diện trên Internet như một thư viện Online để ai cần tra cứu tài liệu hay các dữ kiện có thể sử dụng nó.

Chúng tôi vừa nhận được thư từ giã của Talawas gửi cho độc giả, trong đó có đoạn:
“Hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời, với những thành tích đàn áp và triệt tiêu mọi ý kiến bất đồng trong quá khứ và ngay cả trong những ngày này, chắc chắn không thay đổi qua đêm. Kinh nghiệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở” đầu những năm 50, của giai đoạn “Đổi mới” cuối những năm 80, cho thấy khoảng không gian tự do ngôn luận vừa giành được đó có thể bị rút lại bất kỳ lúc nào, bịt miệng những tiếng nói độc lập là điều kiện sống còn của chế độ độc tài tư tưởng. Song ngay cả trong trường hợp chế độ ấy tan rã thì hậu quả và di tích của nó cũng đặt những người làm báo trước những nhiệm vụ khổng lồ.
Chúng tôi cho rằng bối cảnh hiện tại này đòi hỏi một mô hình hoạt động khác, dựa trên những nền tảng khác, mà Talawas – xuất phát từ điều kiện và nhu cầu của những năm qua – không còn phù hợp.
Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự cộng tác bền bỉ, chí tình của hàng trăm tác giả, dịch giả suốt 9 năm qua cũng như tình cảm, sự gắn bó và sự hỗ trợ tài chính của các độc giả và thân hữu. Chúng tôi đặc biệt tri ân những đóng góp tận tụy thầm lặng của các chuyên viên kĩ thuật đã giúp talawas đứng vững sau nhiều đợt tấn công của tin tặc.”

Hy vọng rằng chỉ trong một thời gian sắp xếp lại mọi việc, Talawas sẽ xuất hiện trở lại dưới một hình thức khác, sinh động và hữu ích hơn cho cộng đồng mạng, đặc biệt những ai quan tâm đến vấn đề học thuật cũng như văn học nước nhà.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: