Tuesday, November 9, 2010

MỘT NGƯỜI TÙ (Người Buôn Gió)

Người Buôn Gió
Nov 8, '10 7:51 AM

Từ nhỏ mình đã bị ấn tượng về những người bị bắt tù , mình luôn say sưa đọc về những chiến sĩ cách mạng bị giam ở Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, những vị anh hùng như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú...đến Hồ Chí Minh. Thật ra hồi mình bé thời bao cấp chỉ có sách về các nhân vật này thôi. Lớn chút mới đọc được Pa Pi Lon, thiên hạ say mê anh chàng Bướm lắm, nhưng mình cũng chả thấy có gì hâm mộ anh chàng này, bá tước Monte của Đuy Ma cũng không ấn tượng lắm vì có lẽ thời kỳ của các nhân vật này khá xa lạ với Việt Nam, sau này có điều kiện mới lùng được sách của Solzenitsyn như cuốn Tầng Đầu Địa Ngục, Một Ngày Trong Đời của I Van , hay cuốn Lửa Yêu Thương, Lửa Ngục Tù của Re Mac, cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Mỗi nhật vật đều để lại cho mình những ám ảnh, những ấn tượng. Nhưng có lẽ đoạn văn của Phùng Quán viết lại theo lời kể của Tuân Nguyễn khi Nguyễn ở trong tù là ám ảnh hơn cả'
Nhưng điều may mắn này mới là quan trọng hơn cả: trong mười năm qua, mình đã sống giữa những con người vô cùng phong phú và phức tạp, chất liệu sống vàng ròng cho các nhà văn. Mình chỉ đơn cử với cậu một người…

***
"… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thắng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.
Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười.
Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính. Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc. Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng  (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ. Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc. Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:
- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?
Anh ta chấp tay khúm núm thưa:
- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.
Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, "đầu chày, đít thớt, mặt bù ìoong" cũng phải rơm rớm nước. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?… Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho đầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:
- Anh Tuân này - không rõ anh ta biết tên mình lúc nào - sống ở đây anh thèm cái gì nhất?
- Thèm được đọc sách - mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.
- Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? - anh ta hỏi.
- Voltaire! - một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong Tội ác và trừng phạt. Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại:
- Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?
Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là Cho Pin.
Mình trả lời anh ta:
- Tôi thích nhất là Candide.
- Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?
Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp:
- Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.
Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…
Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: "Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!".
- Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! - anh nói.
Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:
- Anh là ai vậy?
Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:
- Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.
Rồi anh ta tiếp:
- Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi…
Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn - ngu ngơ, đần độn như thường ngày. Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.
Thằng chuyên gia khâm liệm e đi tong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… - những người tù nói, giọng buồn.
Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta.
Giám thị hỏi:
- Trước kia anh có quen biết gì thằng này không?
Mình nói:
- Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.
Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…
Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:
- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…
Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rầm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN.
Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.
Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu.
Giám thị hỏi:
- Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam.
Mình nói:
- Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí.
Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…


Trong số bao nhiêu nhân vật tù đã được nổi tiếng nhờ tiểu thuyết hóa, người bạn tù của Tuân Nguyễn chỉ là hạt bụi bay qua so với những tác phẩm đồ sộ để đời ấy, mấy ai biết đến nhà thơ Tuân Nguyễn và mấy ai biết hơn về người bạn tù bí ẩn của ông.Người ta ấn tượng cách ông già của Solzennitsyn đầu rụng hết tóc, nhai bánh mỳ bằng lợi hay già Đô của Bùi Ngọc Tấn chết vất vưởng đâu đó trên phố phường Hà Nội khi mãn hạn tù..mình cũng ấn tượng những nhân vật ấy.

 Nhưng hình ảnh người tù xấu xí, nghèo khổ đọc nguyên bản Candide bằng tiếng Pháp khiến mình luôn bị ám ảnh trong đầu, Tuân Nguyễn cả Phùng Quán đều về thiên thu, giá như các cụ ấy còn sống mình cũng cất công đi tìm hỏi người mà các cụ nói ấy là ai.

Tình cờ hôm nọ được cho tập hồi ký của Đức Cha Phao Lô Lê Đắc Trọng mới láng máng biết rằng đó là cha Chính Vinh của nhà thờ lớn Hà Nội, vì can tội không cho chính quyền trang trí trước cửa nhà thờ, cha Chính Vinh bị kết án 3 năm tù, nhưng đi tù mãi chả thấy về , tăm hơi biệt tích, hơn 40 năm sau nhờ bạn tù chỉ dẫn, người thân mới biết nơi cha Chinh Vinh chết để chuyển thi hài ngài về.

Sau này cất công đi hỏi một vài vị cao tuổi nữa, mới càng khẳng định chính xác là Cha Chính Vinh. Đúng như lời Tuân Nguyễn nói, đây là chất liệu vàng ròng cho các nhà văn. Tuân Nguyễn thì mất rồi, liệu ai tiếp nối ước nguyện của ông để khai thác những chất liệu quý báu như thế này không.
---------------------------



Một ngày trong đời  của Ivan Denisovich  -  Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn

Tầng đầu địa ngục  -  Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn

--------------------------

Ngô Văn Tạo
Thứ ba, ngày 28 tháng bảy năm 2009

The following is the english version of my french sonnet “Le bagnard”, that I have written in 1999 while reading some poems of Ossip E.Mandelstam (1891-1938), russian poet who have died in a Staline’s Goulag. The english version is written while I remember Tuan Nguyen, a vietnamese poet who have spent most of his life in the duress ( years in the “the re-education camp of the vietnamese communist regime” and in extreme poverty as a social political proscribed for the only reason that in his diary, stolen and opened by the intelligence-service, he has asked himself about the social and moral value of the vietnamese communist revolution).

The Goulag’s man
(in memory of O.E.Mandelstam)

Far away from the ocean, sea-gulls’flights
Rippling waves and the blue sky-line
But the silence in the goulag’s closed compound
Trickling tears in memory of a touching hand

They have taken away all but the dark clouds
And the poetry which is deep in my heart
They fixed a place for the end of my journey
And to bury all aspirations and desires

On the leafless tree by my broken hut, a bird
It seems to sing me the forgotten melody
The high sound of a flute coming from the past

In the muddy pond the reflected image of mine
Emaciated companion in pains and in torments
Distorted shadow of a lost free man
nvt 28.7.2009

Tuân Nguyễn,
Bạn Của Phùng Quán

Ossip E. Mandelstam (1891-1938), thi sĩ tiếng nga, năm 1933 trước nạn đói khủng khiếp ở Liên Xô, hậu quả của chính sách độc đoán thiết lập Cộng Đồng Nông Trường Xã(Kolkoze) của J. Staline, đã dám viết một bài thơ 16 câu mạt thị Staline:
“Chúng tôi sống, không còn trên quê hương nữa
Đứng bên nhau không có quyền được nghe lẫn nhau….”
Còn thêm câu ở nơi khác “Chỉ ở nước Nga (nước Nga của Staline), thi ca thật là trang trọng, có thể đưa dẫn người lên tử đài. Không đâu hết như ở nước Nga, một câu thơ có thể là một cái cớ để giúp họ hại nhau.”
O.E. Mandelstam tức khắc bị bắt giam ra vào những nhà tù chính trị (Goulag), để chết năm 1938 trên đường đi đầy tới Sibérie.

Tuân Nguyễn (1933-1983)*, là nhà thơ Việt Nam. Tuy chứng kiến cái hoạ tàn bạo tố khổ và đói khát của phong trào Cải Cách Ruộng Đất, Tuân Nguyễn may không liên lụy với tội phạm Nhân Văn, nhưng công khai là bạn của Phùng Quán. Năm 1964, tuy đương làm chức vụ trách nhiệm mục “Tiếng Thơ” của đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam, đã phạm hai tội:

1) Đưa lên đài tiếng nói Việt nam, những ý kiến làm sao chặn đứng được việc của một số ít đồng chí trong ngành thuỷ lợi thông đồng với ban chỉ huy công trường thuỷ lợi tại nông trường Rạng Đông, tỉnh Nam Định, nghiệm thu khống việc đào đắp để ăn chặn công nhân và dân công, lấy tiền bỏ túi chia nhau.(Mai Niệm)

2) Chỉ trích thơ Xuân Diệu, Tố Hữu (những lời đó phải đã ghi trong nhật ký). Quyển nhật ký của Tuân Nguyễn ghi rõ tâm tư của tác giả, bị lục lấy cắp đưa lên cho bề trên (ban tuyên huấn, Tố Hữu, Trường Chinh, Lê Đức Thọ???).

Ngay sau đó, không bản án ngoài trừ cái án miệng : “phản cách mạng” , Tuân Nguyễn bị còng tay ngay ở cơ quan Tiếng Nói Việt Nam đưa vào trại tù lao động cải tạo hơn chín năm. Khi về lại Hà Nội năm 1973, không hộ khẩu , không biên chế phải làm phu đánh xi giầy, làm phu khiêng thùng phân để tồn tại. Chỉ sau 1975, đổi lai lịch, vào trong Nam, tìm được chân dạy học, nhưng than ôi, chỉ vài năm sau bị tai nạn xe cán chết năm 1983.

Cao Xuân Hạo từng nói: “…khi có ai đó kêu lên “trời, sao mà tôi khổ thế?”, thì hãy nhìn vào Tuân Nguyễn sẽ thấy mình không phải là người khổ.”

Nguyễn Bình Vợi viết: “cái thời ấy, một số thanh niên có chút kiến thức, tài năng đã hoang tưởng, nghĩ mình có thể cầm đuốc đốt trời! Thiếu kiến thức cuộc đời, thừa kiến thức sách vở, cậu nào cậu nấy bị nạn, nhưng không ai đau đớn oan khuất bằng Tuân Nguyễn”.

*(Theo tài liệu được công bố trong tập sưu tầm biên soạn: Trần Phương Trà, “Nhớ tuân Nguyễn”. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội 2008)
Dưới đây hai bài thơ:
“Le Bagnard” (trích từ tập “Papyrus”, thơ tiếng Pháp, nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Saigon 2000), tôi đã viết năm 1999 dựa trên mấy câu thơ của chính O.E. Mandelstam.

“Tù Chính Trị lao động cải tạo” là bài tôi phỏng dịch lại bài tiếng Pháp trên. Nhưng phỏng dịch với tâm tư hướng về nhân thế của nhà thơ Tuân Nguyễn.

Kết luận hai bài đều là lời gào thét của chính tôi làm sao đây chúng ta không còn cái cảnh người hại người vì những hoang tưởng, oan khiên độc tài gian dối…
Ngô Văn Tao


LE BAGNARD
(O. MANDELSTAM)


Loin de la mer, loin des embruns et loin des vagues
Du vol d’albatros à la ligne d’horizon
Plus rien que silence tout au fond de mon bagne
Larmes d’une caresse ancienne sur mon front

On m’a tout enlevé sauf le vol des nuages
Et la poésie qui est toujours dans mon coeur
On fixe un lieu pour y terminer mon voyage
Et solitude au petit reste du bonheur

Ce matin un oiseau au-devant de ma hutte
Il a sifflé la mélodie que j’ai oubliée
Envol et murmure d’un haut chant de la flûte

Je revois dans l’étang ma propre ombre émaciée
Et à elle, je parle en secret de ma peine
Des mots interdits à la liberté si vaine

2.8.1999
Extrait du recueil de poésie:
Ngô Văn tao - PAPYRUS, Nhà xuất bản Văn Nghệ , Saigon 2000

TÙ CHÍNH TRỊ LAO ĐỘNG CẢI TẠO
(TUÂN NGUYỄN)

Xa biển xa hơi sương và ngọn sóng
Với cánh chim âu ở tận cuối trời
Âm u lạnh lẽo khổ lao tù đầy
Những hàng lệ thầm lăn trên hai má
Người ta tịch thâu hết - còn gì đâu
Còn mây đen với đêm dài tuyệt vọng
Và trong tôi bài thơ không giấy viết
Tôi không còn được nghĩ đến tình yêu
Được nhớ dù chỉ thì thầm không tiếng
Ôi! Hạnh phúc nào khi nói “Yêu em!”

Trên thành tù không ánh nắng bình minh
Con chim xanh hót một điệu nhạc buồn
Như tiếng sáo tự tận cùng thế giới
Bay vi vút dao động cả hồn tôi
Tôi nhìn lại bóng tôi trong vũng lầy
Chiếc bóng hay hình hài con ma đói
Biết chia sẻ cùng tôi niềm u uất
Mất tự do mất cả phận làm người.
14.7.2008

Ngô Văn Taohttp://www.gio-o.com/ngovantao
.
.
.

No comments: