Saturday, November 13, 2010

QUAN HỆ VIỆT-MỸ SAU CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI NỸ NGÀY 2-11-2010

Đào Như
Đăng ngày 12/11/2010 lúc 15:21:46 EST

Trong tình hình chính trị hiện tại của Mỹ, đảng Cộng Hòa sau bầu cử ngày 02/11/2010, chiếm đa số ghế ở Hạ viện, và chiếm thêm 6 ghế ở Thượng viện. Dân biểu Liên Bang Ohio, John Boehner, lãnh tụ thiểu số Công Hoà ở Hạ Viện, chắc chắn sẽ tước đoạt quyền House Speaker, lãnh đạo Hạ viện Hoa Kỳ của Nancy Pelosi, đảng Dân Chủ. Sự chuyển dịch quyền hạn lãnh đạo tại Hạ viện Hoa Kỳ từ Dân Chủ sang Cộng Hòa chắc chắn sẽ mang lại những sự thay đổi quan trọng trong nền chính trị của Mỹ, trên cả hai diện đối nội cũng như đối ngoại. Việt Nam trong tầm nhìn mới của Mỹ hôm nay, liệu có gì thay đổi? Và nước Mỹ hôm nay, trong tầm nhìn của Việt Nam sẽ như thế nào? Mối quan hệ hữu hảo giữa Mỹ và Việt Nam trong suốt 20 năm qua liệu có được bảo tồn và tiếp tục phát triển không?

Để trả lời câu hỏi này một cách trung thực, chúng ta phải tìm lại những dữ kiện lịch sử liên quan mật thiết đến tiến trình xây dựng quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt trong suốt 20 năm qua, kể từ ngày 29/09/1990, ngày Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, Nguyễn Cơ Thạch, tại New York để bàn về quan hệ hai nước Việt - Mỹ… Cho đến hôm nay, năm 2010, Tổng thống Hoa kỳ, Barack Obama, nâng quan hệ Viêt Mỹ lên tầm Quan hệ Chiến lược và xem Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy trong chiến lược Mỹ trở lại Châu Á Thái Bình Dương. Trong suốt 20 năm lịch sử bang giao ấy, có những sự tiếp xúc, qua lại cũng như những trao đổi, đàm phán song phương giữa hai chính phủ Việt - Mỹ trên nhiều cấp bậc: Chuyên viên, Tướng lãnh, Bộ trưởng, Tổng thống, Thủ tướng, Chủ Tịch nước …

Trong giới hạn của bài bình luận, chúng tôi cố gắng chỉ nêu bật lên những sự kiện nói lên tính chất nhất quán của chính phủ Hoa Kỳ trong đường lối mở rộng bang giao với Việt Nam. Thật vậy, quyết tâm mở rộng bang giao với với Việt Nam là chủ trương nhất quán của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ. Vào ngày 14 tháng 12 năm 1992, trước khi rời Toà Bạch Ốc, nguyên Tổng thống George H.W. Bush, Cộng Hòa, thân phụ của nguyên Tổng thống George W. Bush, đã ký sắc lệnh cho phép các doanh nghiệp Mỹ được thiết lập các văn phòng và ký những thỏa ước phát triển kinh tế với Việt Nam (President George H. W. Bush grants the permission for US Companies open offices sign contracts and do feasibility studies in VietNam…). Việc làm này của nguyên Tổng thống George H.W. Bush được xem như một quyết định của ông để lại cho người kế nhiệm về việc mở rộng cửa bang giao với Việt Nam. Vào tháng 2 năm 1994, Tổng thống Bill Clinton, đảng Dân Chủ, tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam. Hơn một năm sau, tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Võ Văn Kiệt cùng tuyên bố: "Vì lợi ích của hai dân tộc Việt - Mỹ và vì sự thịnh vượng chung và nền hòa bình thế giới, hai quốc gia Việt - Mỹ bình thường hóa và tái lập bang giao trên cấp bậc đại sứ". Ngày 12 tháng 5 năm 1997 Mỹ và Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh trao đổi Đại sứ. Và những năm sau đó, dưới thời của Tổng thống Bill Clinton, chính phủ Mỹ chủ động tiếp tục nâng tầm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ:

-Tại hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Canada tháng 11 năm 1997, Mỹ ủng hộ và giới thiệu Việt Nam gia nhập APEC;

-Tháng 3 năm 1998, Tổng thống Bill Clinton chủ động tuyên bố miễn áp dụng Đạo luật Bổ sung Jackson Vanik đối với Việt Nam;

- Tháng 3 năm 1998 Việt Nam và Mỹ ký hiệp định cho phép cơ quan Đầu tư Tư nhân Hải ngoại của Hoa kỳ -OPIC- hoạt động tại Việt Nam;

- Từ ngày 30/09/1998 đến ngày 02/10/1998, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, Nguyễn Mạnh Cầm, lần đầu tiên chính thức thăm Mỹ. Tháng 7 năm 1999 cuộc trao đổi chính trị Việt - Mỹ lần đầu tiên chính thức diễn ra tại Hà Nội… Tháng 12 năm 2000, trước khi rời toà Bạch Ốc, Tổng thống Bill Clinton chính thức thăm Việt Nam. Trong dịp này hai chính phủ Mỹ - Việt ký Hiệp định Hợp tác Khoa học-Công nghệ và Bản Ghi nhớ về Hợp tác Lao động, chứng kiến lễ ký 12 Thư Thỏa Thuận về đầu tư, thương mại…

Tân Bộ Trưởng Ngoại Giao của đảng Cộng Hòa, Colin Powell, lần đầu tiên đến thăm Hà nội vào tháng 7 năm 2001 ngay sau khị đảng Cộng Hòa vừa thắng cử. Chính trong thời gian 8 năm trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống George W.Bush thuộc đảng Cộng Hòa, quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã phát triển vô cùng ngoạn mục. Ngoài việc ký kết Hiệp định Hợp tác Phát triển Quốc phòng, Giáo dục, Y tế, Khoa học Kỹ thuật, Đầu tư kinh tế… Tổng thống George W. Bush còn là môt vị Tổng thống của đảng Cộng Hòa đã vô cùng nhiệt tình hợp tác với những nhà lãnh đạo Việt Nam, đưa 2 nước Mỹ và Việt Nam ngày càng gần với nhau, ngày càng gắn bó với nhau trên mọi lãnh vực. Trong suốt chiều dài 60 năm quan hệ Việt - Mỹ, Tổng thống George W. Bush là vị Tổng thống duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đã nghinh tiếp tại Tòa Bạch Ốc ba nhà lãnh đạo Việt Nam.

- Ngày 21/06/2005, Tổng thống George W. Bush tiếp tại Tòa Bạch Ốc, phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu trong chuyến viếng thăm hữu nghị. Chính trong buổi thương nghị này, Tổng thống George W. Bush long trọng hứa sẽ tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và ông cũng nhận lời mời của Chính phủ Việt Nam là ông sẽ sang thăm Hà Nội nhân dịp tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương cuối năm 2006. Và Tổng thống George W. Bush đã thật sự viếng thăm Hà Nội nhân dịp ông tham dự APEC-14 với một đội ngũ 1,200 người. Gồm có các nhà kinh doanh, đầu tư và báo chí. Trong đoàn tháp tùng Tổng thống George W. Bush viếng thăm Hà Nội, có cả Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice.

- Ngày 22/07/2007, theo bản tường trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tổng thống George W. Bush tiếp đón tại Tòa Bạch ốc phái đoàn của ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch nước Việt Nam. Trong buổi tiếp xúc này, Tổng thống George W. Bush bày tỏ sự hài lòng của ông trong công cuộc phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ trong hiện tại. Và Tổng thống George W. Bush cũng không quên nói lên quyết tâm của ông sẽ giúp đỡ Chính phủ Việt Nam phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, xây dựng xã hội dân sự và một nền dân chủ pháp trị chân chính và vững chắc…

- Vào ngày 24/06/2008, trong buổi tiếp đón phái đoàn Việt Nam tại Tòa Bạch Ốc, trước sự hiện diện của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Hoa kỳ George W. Bush đã long trọng cam kết ủng hộ nền độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam. Lời cam kết này được nhắc lại trong bản tường thuật: "Joint Statements Between The United States Of America and The Socialist Republic of VietNam - White House Washington DC - June 24, 2008". Qua lời tuyên bố của Tổng thống George W. Bush, Hà Nội và Washington, cả hai đều tin tưởng sâu sắc vào tương lai quan hệ Việt - Mỹ. Trong suốt những thời kỳ chiến tranh gian khổ chống xâm lăng, nhân dân Việt Nam chưa bao giờ được nghe một lời cam kết nào từ một nhà lãnh đạo của các nước bạn trong việc bảo vệ nền độc lập, lãnh hải và lãnh thổ của ta một cách đanh thép và quyết liệt như vậy. Có chăng chỉ có câu “môi hở răng lạnh” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc . Nghe lạnh tận chân răng!

Hội nghị ARF-17, tại Hà Nội, ngày 23/07/2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, đã quyết liệt yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải chấp nhận đàm phán đa phương với các quốc gia ASEAN trong những tranh chấp lãnh hải và hải đảo trên Biển Đông và bà nhất quyết yêu cầu các quốc gia liên hệ phải giải quyết mọi tranh chấp này bằng thương thảo và hòa đàm. Phải chăng lời phát biểu của Ngoại trưởng Hoa kỳ, Hillary Clinton, đã phản ảnh phần nào đường lối ngoại giao của nguyên Tổng thống George W.Bush: Mỹ ủng hộ Việt Nam bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Quan hệ Việt Nam và Mỹ không phải một sớm một chiều mà là mối quan hệ đã trải qua gần hơn hai thập niên thử thách. Chừng ấy bề dày lịch sử, với chừng ấy số lượng dữ kiện, cho phép chúng ta đoán chắc dù đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ và ai lên lãnh đạo nước Mỹ thì chiều hướng và đường lối ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam và đường lối ngoại giao của Việt Nam đối với Mỹ, trước sau vẫn vậy. Không bao giờ thay đổi. Vì lợi ích của hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, vì bảo vệ an ninh khu vực, vì nền hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới là những lý do cơ bản và chân chính cho sự tồn tại lâu dài của mối quan hệ hài hòa Việt - Mỹ.

Đào Như
10-11-2010
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: