Thứ ba 09 Tháng Mười Một 2010
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20101109-obama-ung-ho-an-do-lam-thanh-vien-thuong-truc-hoi-dong-bao-an
Kết thúc chuyến viếng thăm kéo dài ba ngày tại Ấn Độ, hôm qua (8/11/2010), tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố ủng hộ yêu cầu của chính quyền New Dehli được một chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Ấn Độ hôm qua, tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố rằng ông chờ đợi "trong những năm tới sẽ có một Hội đồng Bảo an được cải tổ với Ấn Độ là thành viên thường trực". Nhưng ông Obama nói ngay rằng : "Quyền hành tăng thêm thì trách nhiệm cũng nặng hơn".
Tổng thống Hoa Kỳ đã gián tiếp chỉ trích thái độ im lặng của Ấn Độ về những vi phạm nhân quyền tại Miến Điện. Ông Obama nói rằng : "Khi các phong trào dân chủ ôn hòa bị đàn áp như tại Miến Điện, các nền dân chủ trên thế giới không thể giữ im lặng". Tổng thống Mỹ không ngại đụng chạm khi nói thẳng rằng, trong các diễn đàn quốc tế, Ấn Độ thường hay tránh né những vấn đề này.
Nhưng dẫu sao, đối với ông Obama, quan hệ giữa hai nước Mỹ - Ấn vẫn là "một trong những khối đối tác lớn của thế kỷ 21". Ông nói đến trách nhiệm chia sẽ giữa hai "nền dân chủ lớn nhất thế giới". Tổng thống Mỹ khẳng định : "Ấn Độ không chỉ là một quốc gia đang trỗi dậy, mà bây giờ đã là một cường quốc thế giới".
Ấn Độ, thành viên luân phiên của Hội đồng Bảo an
Các chuyên gia về chính sách ngoại giao tại New Delhi nhận định rằng Hoa Kỳ ủng hộ Ấn Độ về mặt kinh tế và ngoại giao như là một đối trọng với một nước Trung Quốc thế lực ngày càng mạnh. Ông Obama có những lời khen tặng như vậy cũng là vì Ấn Độ có mức tăng trưởng cao, trong bối cảnh mà các nước phương Tây vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng. Là thành viên của nhóm G20, có thể nói là Ấn Độ đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu nhờ sự năng động của nền kinh tế nước này và New Delhi cũng có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các cuộc thương lượng về mậu dịch hoặc về biến đổi khí hậu.
Với tư cách là một quốc gia đang trỗi dậy, tháng 10 vừa qua, Ấn Độ đã giành được một ghế thành viên luân phiên của Hội đồng Bảo an, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011. Nhưng cho tới nay, New Dehli vẫn chờ được quốc tế công nhận một vai trò xứng đáng hơn.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích việc cải tổ Hội đồng Bảo an sẽ còn mất nhiều năm, nhất là vì tiến trình này sẽ gặp sự chống đối từ một số thành viên do họ sợ bị mất bớt quyền. Ngay cả ở Hoa Kỳ, một số nhân vật cũng không muốn giao quyền phủ quyết cho Ấn Độ, quốc gia vẫn thường có lập trường chống lại Washington trong các định chế của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2005, Nhật Bản đã từng đòi một ghế thường trực, nhưng cho tới nay vẫn chưa được đáp ứng. Một số nước khác như Đức hay Brazil cũng rất muốn trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Dầu sao thì nếu được mở rộng, Hội đồng này phải bao gồm một đại diện của châu Phi, có thể đó sẽ là Nam Phi, Ai Cập hay Nigeria, quốc gia đông dân nhất lục địa này.
.
.
.
No comments:
Post a Comment