Sunday, November 7, 2010

HỒ CẨM ĐÀO TÂY DU (Thư Paris - Từ Nguyên)

Thư Paris
Từ Nguyên
Saturday, November 06, 2010

Ðồng minh... giai đoạn?
Nước Pháp trải thảm đỏ và nghi lễ thượng khách đón chào Hồ Cẩm Ðào (Hu Jintao), 68 tuổi, chủ tịch Trung Hoa viếng thăm chính thức nước Pháp ba ngày, một ngày ở Paris và hai ngày ở Nice.
Cuộc đón tiếp theo đúng nghi thức trong bầu không khí lạnh nhạt, không họp báo, không tiếp xúc thương gia, kỹ nghệ gia. Ðược quốc hội Trung Hoa bầu ngày 15 tháng 3, 2008 với nhiệm kỳ 5 năm, Hồ còn làm chủ tịch Trung Hoa cho tới hết nhiệm kỳ của Sarkozy và chờ đợi để gặp... người kế vị Sarkozy!
Hồ tới Pháp với nhiều khế ước trong tay, hay dự tính ký kết với xí nghiệp Pháp trị giá hằng chục tỷ đô la.Trong lãnh vực nguyên tử, công ty Areva của Pháp ký khế ước trị giá 3 tỷ cung cấp 20,000 tấn uranium cho Tàu trong 10 năm. Areva cũng muốn nhân cuộc viếng thăm của chủ tịch Trung Hoa để thúc giục mua hai trung tâm nguyên tử loại mới EPR cùng với việc xây dựng một nhà máy biến chế khác.
Airbus chờ đợi Trung Hoa đặt mua 102 máy bay, trị giá 10 tỷ đô la. Dassault Aviation hy vọng cung cấp máy bay loại nhỏ cho các công ty. Cuối cùng, hãng xăng Total chờ đợi Trung Hoa đặt hàng xây dựng nhà máy chế biến khí thắp từ than đá trị giá từ 2 đến 3 tỷ Euro.
Trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Le Figaro trước ngày tới Pháp, Hồ Cẩm Ðào nhắc lại rằng mối bang giao có từ 46 năm qua đã ghi dấu quan hệ giữa hai nước về mọi phương diện. “Trung Hoa sẵn sàng gia tăng sự thông cảm và tín nhiệm với nước Pháp bằng những cuộc đối thoại thẳng thắn và chân thành để mở rộng mối giao thương và hợp tác.” Ít ra là trong một giai đoạn vì nhu cầu chiến lược. Về phía người Pháp, sau bao kinh nghiệm gian nan với Trung Hoa, những vấn đề húy kỵ của Trung Hoa như là nhân quyền... nay không còn được nhắc tới.

Chương trình của quốc khách
Ðiện Elysée thi hành đúng theo chương trình của Bắc Kinh đề ra trong chuyến công du của chủ tịch nước. Dạ tiệc tại Ðiện Elysée tối Thứ Năm với thực khách được mời là Alain Delon, Jean Reno, Jack Lang, Jean-Pierre Raffarin, Anne Lauvergeon, Franck Riboud, Serge Dassault,... chỉ có lời chúc tụng khi nâng ly, không có diễn văn, sau đó vị quốc khách về nghỉ ở khách sạn Geroge-V trên đại lộ Champs Elysée. Ngày hôm sau, rời Paris đi Nice, thăm viếng một xưởng của tổ hợp Schneider Electric ở Carros (Alpes-Maritimes) và đi thăm xưởng xe hơi Peugeot-Citroen.
Sau bữa ăn tối với tổng thống Pháp và phu nhân trong quán ăn La Petite Maison, quốc khách người Hoa nghỉ lại đêm trong một dãy tòa nhà của lâu đài Negresco 2,500 Euro một đêm. Christian Estrosi, thị trưởng Nice, bảo đảm sẽ không có một người nào chống đối biểu tình tới phá rầy sự yên tĩnh của người khách lạ, vừa thay thế Tổng Thống Obama trong danh sách những người có uy quyền nhất trên hoàn vũ, theo tuần báo Forbes.
Mối giao tình giữa Hồ Cẩm Ðào và Sarkozy tất nhiên lạnh nhạt hơn so với thời Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) với Cựu Tổng Thống Jacques Chirac. Họ Giang khiêu vũ với Bernadette Chirac theo tiếng nhạc accordéon khi tới lâu đài Bitty ở Corrèze, quê hương của Chirac.
Người Hoa vẫn không quên những gì đã xảy ra năm 2008 khi ngọn đuốc thế vận ngang qua Paris, mặc dầu chuyện phá hoại không phải là ý đồ của chính quyền Pháp. Rồi vụ Tây Tạng và cuộc tiếp kiến của Sarkozy dành cho Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ở Ba Lan. Tháng 12, 2008, Trung Hoa hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Liên Hiệp Âu Châu tại thành phố Lyon, một quyết định chưa từng có.
Thấm đòn, Pháp và Âu Châu ra sức vận động bình thường hóa mối bang giao : trong thông cáo chung tháng 4, 2009, Pháp cam kết từ nay, “không can dự vào các vấn đề nội trị” của Trung Hoa.

Vì vụ G-20
Hồ Cẩm Ðào tới Pháp lần này, sau khi Sarkozy tới Hoa Lục bốn lần và nhiều cuộc vận động về phía người Pháp... chỉ vì G-20, hội nghị thượng đỉnh quy tụ tám cường quốc và một số nước đang lên. Trung Hoa giữ một vai trò quan trọng trong G-20, đối đầu với G-8 mà Trung Hoa không phải là thành viên. Bắc Kinh coi G-20 do Pháp cầm đầu họp tại Hán Thành năm tới như là một dịp để đặt thẳng một số vấn đề với Hoa Kỳ, nhất là về vấn đề tài chính.
Elysée đang áp dụng chính sách hòa dịu mong sao cho thượng đỉnh G-20 đạt được kết quả. Trung Hoa “không có tinh thần nhân nhượng” như nhận xét của một nhà ngoại giao Pháp sẽ gây khó khăn cho Sarkozy trong vai trò chủ tọa.

Nhờ Trung Hoa, Sarkozy được đề cử
Chuyện xảy ra lúc trà dư tửu hậu kỳ hội nghị thượng đỉnh G-20 tháng 9, 2009 tại Pittsburg, Hoa Kỳ. Chủ tọa G-8 có tính cách luân phiên, chủ tọa G-20 được chọn trong số các nước tham dự. Anh và Hoa Kỳ đề nghị Pháp, Mễ Tây Cơ ủng hộ đề nghị này.
Nhà ngoại giao kể chuyện này cho báo chí nói luôn rằng: “rồi Hồ Cẩm Ðào lên tiếng, cho biết cũng đồng ý như vậy luôn,” mà không giải thích tại sao. Nhờ vậy Sarkozy chủ tọa cả hai hội nghị thượng đỉnh. (Le Monde)

Giao thương Pháp, Hoa
Giao thương giữa Pháp và Trung Hoa là một tình trạng bất bình đẳng. Pháp mua nhiều, bán ít hàng cho Trung Hoa, thâm thủng tới 29 tỷ Euro năm 2009. Pháp có 850 xí nghiệp ở Trung Hoa với 250,000 nhân công trong khi Hoa chỉ có 100 xí nghiệp tại Pháp với 8,000 nhân công.
Pháp mua hàng nhiều của: 1. Ðức, 2. Trung Hoa và Hương Cảng, 3. Bỉ, 4. Ý, 5. Tây Ban Nha, 6. Hoa Kỳ, 7. Anh, 8. Hòa Lan.
Pháp bán hàng nhiều cho: 1. Ðức, 2. Ý, 3. Tây Ban Nha, 4. Bỉ, 5. Anh, 6. Hoa Kỳ, 7. Hòa Lan, 8. Trung Hoa và Hương Cảng.
Chiều 4 tháng 11, hằng trăm người biểu tình tuần hành đến Sứ Quán Trung Hoa kêu gọi ủng hộ nhân dân Tây Tạng bị xâm lược đồng thời tố cáo trước công luận chính sách bá quyền của T trong vùng (RFI, AFP)

Reporters Sans Frontière đòi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010
Nước Pháp đã từng giữ im lặng, không bình luận về gì về việc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người từng đứng trước họng xe bọc sắt trên quảng trường Thiên An Môn đòi dân chủ, được giải Nobel Hòa Bình năm 2010. Ông hiện còn bị giam giữ, và những người biểu tình đòi Sarkozy đặt vấn đề với Hồ Cẩm Ðào, chuyện đã không xảy ra.
Nhiều nhà ngoại giao Âu Châu xác nhận rằng họ đã nhận được thư của Bắc Kinh khuyến cáo không tham dự lễ trao giải Nobel này vào cuối năm nay.

Khủng bố lại đe dọa

Mối nguy cho Pháp
Cơ quan tình báo Pháp báo động nhiều lần trong những ngày vừa qua. Sau đây là ba bốn chuyện xảy ra cho biết chắc chắn là có sự đe dọa khủng bố.
Thứ Tư, 27 tháng 10: Trong một cuốn DVD phát trên đài Al-Jazira, Osama bin Laden cảnh cáo rằng nước Pháp chỉ được sống yên khi rút quân khỏi A phú hãn và không còn ngược đãi người Hồi trên đất Pháp, ám chỉ vụ cấm trùm đầu. Giọng nói của ông này được cơ quan tình báo chứng thực.
Thứ Sáu, 29 tháng 10: Hai gói hàng có gài chất nổ gởi đi Mỹ bị khám phá tại Dubai và Anh.
Thứ Hai, 1 tháng 11: Một gói hàng có gài chất nổ gởi Tổng Thống Sarkozy được cảnh sát khám phá tại Hy Lạp.
Thứ Ba, 2 tháng 11: Thêm một gói hàng có chất nổ gởi tới sứ quán Pháp tại Hy Lạp. Cùng một lúc các sứ quán tại Berlin, Bologne và Athènes cũng nhận được những gói hàng có chất nổ này, tất cả gởi đi từ Hy Lạp.
Mùa Giáng Sinh bắt đầu tuần qua tại Paris, với những giàn đèn chiếu sáng của những hiệu buôn lớn tại đại lộ Haussman. Năm nay, người Pháp sẽ không còn tằn tiện: sau hai năm tiết kiệm, dân chúng sẽ tiêu nhiều hơn (thêm 20%), theo cuộc điều tra trên mạng lưới của công ty Twenga.
Báo chí dự đoán rằng dù có đe dọa, có chuyện chính quyền tăng gia phòng ngừa chứ không làm nản lòng người đi mua sắm. Riết rồi quen!

DSK sẽ là tổng thống Pháp?
Ðối với tuần báo Newsweek, Dominique Strauss-Kahn “là tổng thống Pháp”... trong tương lai. Tuần báo Mỹ bán 7 triệu số trên thế giới tuần trước dành trang bìa cho tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (FMI) với tiêu đề: “Next” (Người kế vị). Và câu: Dominique Strauss-Kahn sẵn sàng điều khiển nước Pháp... hay là thế giới? Câu viết có thể khiến cho DSK phải đỏ mặt, trong bài viết của Libération, và lôi về thực tại tất cả những lãnh tụ khác của đảng Xã Hội, đang mơ ước ra tranh cử tổng thống hai năm tới.
Dưới tiểu đề “The Top Guy,” tờ báo đưa ra một DSK là hình ảnh của một TGÐ được mọi người kính phục. Tờ báo nhắc lại rằng mới đây thôi, nhiều lãnh tụ của cường quốc thế giới xếp hàng tới văn phòng của ông để “tìm cách củng cố nền kinh tế” của nước mình. Ông không bao giờ được nịnh hót nhiều như lúc này trong suốt cuộc đời của ông. Tờ báo còn tự hỏi rằng ra tranh cử tổng thống Pháp có phải là “một thách đố quan trọng của DSK” hay không?
Vì khi lược thuật cuộc đời của DSK, tờ báo cũng nhắc đến một trở ngại mà ông ta sẽ có thể gặp phải khi tham gia cuộc chạy đua: lập trường chính trị của ông ta. Ông từng giải tư một số công ty quốc doanh và giảm thuế khi làm bộ trưởng Kinh Tài: không phải hoàn toàn là một người theo chủ trương Xã Hội.

Ðu dây
Chính vì muốn lấy lòng phe tả năm 2006 mà DSK đã thay đổi giọng điệu. Một người thân cận với ông, nay làm việc trong lĩnh vực tư, cho tờ báo biết rằng năm 2006, ông ta chỉ nghe theo những người Troskystes để soạn thảo chương trình hành động. Vì vậy mà ông ta đã bị thảm bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng. “Strauss-Kahn là người dám bắn vào chân mình,” chính người đó nói vậy.
Ði trên con đường dẫn tới điện Elysée phải có lập trường minh bạch. Eric Woerth, bộ trưởng Lao Ðộng trong thời gian thảo luận về cải cách hưu bổng, không ngớt cảm ơn những lời khuyến khích của TGÐ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đề nghị với các nước nâng cao tuổi về hưu ít ra là hai năm.
Với lời cảm ơn ghim sau lưng như vậy, DSK làm sao thuyết phục được phe tả, nhất là những nhóm cực tả rằng điều khiển một cơ quan quốc tế như Quỹ FMI không phải là theo lập trường của phe tư bản hữu phái.

Chạy theo các bà?
Ngoài vấn đề lập trường chính trị, DSK còn bị gặp rắc rối khác khó lòng tránh khỏi khi ra vận động tranh cử. Ðó là chuyện “chạy theo các bà.” Theo tờ báo, DSK cũng đang chuẩn bị, bằng cách ăn uống ít lại, tập thể dục để chuẩn bị xuất hiện trước những cuộc tranh luận truyền hình. Libération, nhật báo xuất bản ở Paris nói ngược lại: DSK sẽ không ham tranh chức tổng thống vì ông ta không muốn theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt!
Vậy thì được báo khen như vậy thì cũng làm cho người thích chú ý, đối thủ lo lắng nhưng cũng chưa có gì rõ ràng hơn. (Theo Libération)

FMI khen ngợi Sarkozy
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lại ca ngợi nước Pháp và đặc biệt Nicolas Sarkozy đã thực hiện cuộc cải cách hưu bổng, “một bước tiến quan trọng” tuy rằng còn cần phải “cải cách nhiều thứ khác như là việc làm cho giới trẻ và ngành giáo dục.” Ðó là nhận định của Olivier Blanchard, kinh tế gia cũng là người Pháp của Quỹ trên Ðài Europe 1.
Theo ông, chuyện này nước Pháp đáng ra phải thực hiện hai mươi năm trước đây. Chuyện còn làm là cải cách về việc làm cho giới trẻ, khuyến khích tinh thần kinh doanh của người Pháp. Ông Blanchard chắc chắn rằng hệ thống giáo dục cũng phải được cải tổ nhất là ngành đại học, để bắt kịp với đà tiến của thế giới.

Sarkozy chia buồn cùng Obama
Sarkozy, mà ai cũng biết không có cảm tình bao nhiêu đối với đương kim tổng thống Hoa Kỳ, đã tỏ lòng ái ngại cho Barack Obama trong cuộc bầu cử vừa qua. Ðảng Dân Chủ của tổng thống đã gặt hái... thảm bại.
Trước hội đồng chính phủ, Nicolas Sarkozy nói rằng nước dân chủ nào cũng vậy, “gặp khó khăn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ” để an ủi người bạn bên kia đại dương. Chính Nicolas Sarkozy và đảng UMP cũng bị thảm bại trong cuộc bầu cử vùng hồi tháng 3.
“Cầm quyền thiệt là khổ, nhưng không khổ bằng những người đối lập. Nếu không phải vậy thì sao đảng đối lập nào cũng muốn chiếm đa số?”
Người Pháp được hỏi: Bạn có bằng lòng với kết quả của cuộc bầu cử của Mỹ? 16,775 có ý kiến: 50% bằng lòng, 50% không bằng lòng!

Sức Khỏe

Trở lại... muối
Ăn ít muối giảm rủi ro bị bệnh tim mạch. Vì là điều quan trọng đối với sức khỏe nên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và mỗi lần, các tác giả muốn nói rõ hơn. Lần này, lưu ý đến muối có sẵn trong thức ăn. Vậy thì không phải: thêm mắm, thêm muối là tốt đâu!
Người Pháp tiêu thụ nhiều muối. Nhiều quá là đằng khác! Vì tính trung bình mỗi ngày họ tiêu thụ từ 8 đến 10g trong khi Tổ Chức Y Tế Quốc Tế OMS khuyên giới hạn trong 6g, nghĩa là một muỗng nhỏ thôi! “Vì rằng chừng 2g là đủ cho nhu cầu thân thể,” lời của Pierre Meneton, nhà nghiên cứu tại Viện Inserm, chuyên viên về vấn đề này.
Theo ông, quá liều lượng chlorure de sodium trong người gây ra từ 30,000 đến 35,000 tử vong mỗi năm tại Pháp vì chuyện chứng minh được: muối gây ra bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu hay làm tim đập chậm hơn. Vì vậy mà một số bác sĩ đã lập ra hội SALT (Sodium alimentaire: limitons le taux)
Muối đối với các nhà khoa học này không phải chỉ là thứ rắc trên thức ăn (ngay cả khi đã được lưu ý rắc ít thôi), mà muối đã có sẵn trong thức ăn sản xuất kỹ nghệ. Bởi vì muối làm cho thức ăn ngon hơn, đậm đà hơn và giữ thức ăn được lâu hơn. Muối hút nước nên làm cho ta khát, do đó phải uống nhiều nước. “Thứ muối đó có trong tất cả các thức ăn sản xuất bày bán: trong những hộp xúp, mức trái cây, ngay cả trong bánh mì hay các loại bánh.”
Một ổ bánh mì baguette chứa 5g muối và một sandwich jambon-beurre chứa từ 4 đến 5g muối. Thức ăn có nhiều muối nhất là fromage, charcuterie và bánh mì. “Nhưng nếu kỹ nghệ thực phẩm giảm bớt muối, những hàng bán ra không còn mùi vị...” lời của Giáo Sư Xavier Girerd, chuyên về tim mạch tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris, phó chủ tịch hội nghiên cứu về cao huyết áp.
Dù sao, giảm ăn fromage là điều hay vì thức ăn này còn có nhiều chất béo. Tốt hơn là rau, trái tươi, thay vì thức ăn trong hộp. Thật sự trước vấn đề muối, không phải rằng ai cũng bị ảnh hưởng giống nhau. Thông thường những người bị huyết áp cao đã dùng thuốc có thể khỏi kiêng cữ trừ phi quan niệm rằng có phòng ngừa thì vẫn hơn!
Tại Hoa Kỳ, một tài liệu công bố trên tạp chí y học cho biết: giảm 3g muối có thể cứu từ 59,000 đến 92,000 trường hợp tai biến mạch máu não. Tài liệu này phân tích sự khác biệt giữa đàn ông, đàn bà, người trắng và người da màu và cho biết: Người da màu thích ăn mặn nên bị cao huyết áp nhiều hơn dân da trắng.
Tại Phần Lan, những cuộc vận động tuyên truyền cho vấn đề này thật rầm rộ có kết qua : trong 6 năm, dân chúng giảm tiêu thụ muối từ 12 xuống 8g.
Ðời sống “không có muối” cũng không phải là dễ dàng. Cho nên Sophie McLoughlin mở ra một trang nhà trên mạng lưới (hoạt động sau lễ Giáng Sinh năm nay) sanssel.com góp ý với những người làm bếp, các bà hay các ông... nội trợ. (Le Figaro, 1.11)
Bạn có tin tưởng để mua thuốc bệnh trên mạng lưới Internet? 91,7% của 2,288 người được hỏi trả lời: Không. Chỉ 8,3% trả lời Có.

Ðặc biệt tuần trước

Rơi từ bảy tầng lầu
Từ nay ai đi ngang qua hiệu Tabac Vincennes ở góc đường Pyrénées Quận XX, Paris, cũng nhìn lên tấm bạt màu đỏ và mấy tầng lầu của cao ốc này. Nhờ tấm bạt này và hai cánh tay của một người bộ hành mà Idris, đứa bé 15 tháng, rơi từ tầng lầu thứ bảy, thoát chết. Bố mẹ bị mời tới bót cảnh sát về tội bỏ bê con nhỏ.
Chuyện ly kỳ xảy ra chiều Thứ Hai, 1 tháng 11. khi bố mẹ của Idris đi mua hàng để cô chị 4 tuổi và đứa em 15 tháng trên bao lơn. Khoảng 16 giờ 30, thằng bé chun ra rồi rơi vào khoảng trống cách mặt đất 15 thước... mà không hề hấn chi. Nhờ gặp nhiều may mắn.
- Bình thường tấm bạt màu đỏ cuốn lên trong những ngày cuối tuần, ngày lễ, khi tiệm đóng cửa. Hôm đó là ngày lễ, tấm bạt lại được giương ra và đỡ đứa bé.
- Một người trong khu vực đi ngang, đúng lúc đưa tay đỡ đứa bé ôm vào lòng. Ðứa bé khóc một chút rồi ngủ. Ðưa vào bệnh viện không thấy có thương tích chi. Người đó lại là một bác sĩ.
- Người trên lầu tám chứng kiến cảnh này, nghe tiếng la khóc của cô chị, từ lầu trên nhảy xuống giữ đứa bé này. Nếu không có thể đứa bé này lại rơi xuống bảy tầng lầu!

Paris tràn ngập hình ảnh
Tháng 11 là tháng của hình ảnh và ngành nhiếp ảnh. Với 100 cuộc triển lãm trong 10 khu vực, hầu hết các phòng tranh, viện văn hóa đều dành cho photo.
Ngoài ra còn có :
- Rue de Bretagne, une installation de parcours của Dominique Bouchard trưng bày trong những tủ kiếng dọc theo con đường này.
- Các câu lạc bộ phòng chụp hình tại Paris ngày 28 tháng 11 phơi bày mặt trái của ngành chụp hình thời trang: trình diễn, làm việc trong xưởng, huấn luyện.
- Các nghệ sĩ trong sáng tác tập thể: Street Photography Now do Thames & Hudson trưng bày những hình ảnh trích từ cuốn sách tại các đường Beaurepaire, Yves Toudic, Marseille, Legouvé, des Vinaigriers, Quận X Paris. (Theo Figaroscope)

Hình ảnh từ các nước Trung Âu
Mới lạ đối với dân Paris: những hình chụp từ những nước Trung Âu: 90 nghệ sĩ của Hung Gia Lợi, Ba Lan, Slovaque, Slovene, Tiệp tại Carousel, từ 18 đến 21 tháng 11.
Nơi đây trưng bày những hình chụp quãng thời gian từ những năm 1920-30 theo kỹ thuật của thời đó.

Smartphone đắt hàng
Smartphone, máy điện thoại cầm tay còn dùng cho nhiều mục đích khác, rất được chiếu cố tại Pháp. Cứ bốn máy bán ra, có một là smartphone, chiếm 25% so với 11% cùng lúc này năm 2009. Theo với đà này, Pháp sẽ có tới 7,4 triệu máy lưu hành trong năm 2010, chiếm 30% số máy đang được sử dụng.
Tới nay, hầu hết các hiệu máy lớn đều có smartphone sau Apple với iPhone: Samsung, Sony Ericsson, Motorola hay HTC. Thương vụ chiếm 57% của loại hàng này, so với 30% năm trước.

Tiếng sét ái tình
Mục Y học của nhật báo Le Figaro kỳ này đăng tin cho biết chuyện gì đã xảy ra lúc hai người... mới thấy nhau lần đầu mà liền... yêu nhau. Ðó vốn là câu hỏi của Giáo Sư Stéphanie Ortigue của Ðại Học Syracuse nêu lên đã được các nhà khoa học trên thế giới góp ý trả lời. Kết quả được đăng trên Journal of Sexual Medecine. Sau đây là những tiết lộ ly kỳ:
- Chỉ cần 1/5 giây đồng hồ là đủ rơi vào lưới tình, mạng lưới của tình yêu, không thoát ra được nữa.
- Tia năng lượng này (tiếng sét) không phải phát ra từ bộ phận điều khiển cảm tính của con người. Ít nhất có 12 vùng của não bộ cùng làm việc và phát ra tia năng lượng và truyền ngay đến tim. Vì vậy mà có người... ngất xỉu vì tiếng sét này!

Cải cách Hưu Bổng
Còn tiếp tục chống đối?
Chuyện nhức đầu đối với các lãnh tụ các nghiệp đoàn: Làm sao ngưng chống đối? Tình hình không còn hăng say như trước nhưng ngưng sớm quá, bị thành phần khích động trong nghiệp đoàn chống đối, kéo dài, ngân quỹ thâm thủng!
Trong những ngày đầu tháng 11, sau khi luật đã được thông qua tại Quốc Hội, vẫn còn rải rác những cuộc xuống đường, phong tỏa xa lộ vài phi trường ở Roissy, Toulouse, Clermont Ferrand và Nantes. Những ngày sắp tới, từ 22 đến 26 tháng 11, gọi là tuần lễ hành động, những cuộc xuống đường chống đối trở lại, nhưng chắc chắn không còn rầm rộ như mới đây?

Toyota thu hồi 135,000 xe hiệu iQ
Toyota vừa thông báo sẽ thu hồi 135,000 xe hiệu iQ, trong đó có 9,234 chiếc tại Pháp, sản xuất từ tháng 9, 2008 đến tháng 10, 2010 để sửa chũa bộ phận truyền tín hiệu trong xe.
Chủ xe sẽ nhận được thư bảo đảm đem xe tới và làm xong trong 2 giờ đồng hồ, miễn phí. Năm nay là năm xui của Toyota: Gần 11 triệu chiếc trên thế giới đã bị thu hồi để sửa chữa, khi thì chuyện này, khi thì chuyện khác.
Hối suất trong tuần: 1 Euro = $1.4. Vàng: $1,345.50 một ounce. Dầu thô: $85.94 (tăng)
.
.
.

No comments: