Friday, November 26, 2010

GÓP Ý, SỬA SAI & SỬA XE (Tưởng Năng Tiến)

Tưởng Năng Tiến
Tháng Mười Một 26, 2010

Tôi tình cờ nghe được một mẩu đối thoại – giữa hai người dân bản xứ, ở California – như sau:
- Biết tại sao mà đường phố sáng Chủ Nhật vắng ngắt vậy không?
- Không.
- Tụi Mỹ đen còn ngủ. Mỹ trắng thì đang ở trong nhà thờ. Mấy đứa Á
Châu – Ấn Độ, Tầu, Phi, Việt Nam … thì đi làm “over – time” từ
hồi sớm lận.
- Còn Mễ?
- Dân Mễ Tây Cơ thì bận …sửa xe !

Tui thiệt tâm đắc hết sức với lời khẳng định cuối cùng. Tôi đang sống trong một khu phố nghèo, ở miền Bắc California. Hàng xóm đều là dân thiểu số mà phần đông là người Mexican. Họ rất vô tư, hồn nhiên, chất phát, và thường là những người tốt bụng.
Nói thiệt: tui quí mến họ hết biết luôn. Tình cảm quí mến đó sẽ gia tăng gấp năm, gấp mười (hay mười lăm, hoặc hai mươi, không chừng) nếu như người Mễ thích sửa đồng hồ, bút máy, hay một vật dụng gì đó nhỏ bé tương tự, thay vì là cái thứ to đùng – như xe ô tô.

Sửa xe – tất nhiên – cũng là một việc làm hay một thú vui (tiêu khiển) vô cùng tao nhã, và có nhiều giá trị thực tiễn. Ðiều đáng tiếc là chuyện này không thể thực hiện một cách thầm lặng, nhẹ nhàng (trong phòng hay nhà riêng) và rất làm phiền lòng hàng xóm – nếu như chúng ta cứ thử đèn, thử còi, thử thắng… hoài hoài.

Nhiều người cứ nằng nặc cho rằng “hát hay không bằng hay hát.” Chuyện ca hát, nói nào ngay, tôi ít rất khi bị làm phiền nên không quan tâm lắm. Tôi chỉ cực lực phản đối cái quan niệm “sửa xe hay không bằng hay sửa” của những ông bà hàng xóm giềng hiện tại. Họ sửa xe đều đều, và cái cách mà họ làm việc này mới thiệt là chuyện rất đáng phàn nàn.

Nếu có hai cái bánh xe trước bị mòn – và hai cái bánh sau đỡ mòn hơn chút xíu –  người Mễ sẽ đội xe lên, lấy hai cái bánh sau thế cho hai bánh trước. Vài bữa sau, sau khi cả bốn bánh xe đều mòn nhẵn như nhau, họ sẽ ra chợ trời (hay một nơi bán vỏ xe cũ) mua những cái bánh “trông cũng chưa đến nỗi nào” về thay. Cũng thế, nếu bình điện (hay bất cứ cơ phận nào) bị hư, họ ra nghĩa địa xe hơi tìm mua một cơ phận tương tự thế vô.

Nói tóm lại là họ chỉ sửa qua loa, sửa đỡ, sửa cho có, sửa lấy lệ, sửa cầm chừng, sửa sơ sơ, sửa tạm, sửa chút chút, sửa đại khái, sửa tượng trưng…để hôm sau – hay tuần sau – lại lôi xe ra tiếp tục (lai rai)
sửa nữa, cho … nó đỡ buồn!
Tôi rất tiếc là mình đã không chia sẻ được với niềm vui rất đơn sơ, hồn nhiên nhưng vô cùng phiền phức như thế. Cách mà người Mễ sửa xe luôn khiến tôi liên tưởng –  với tất cả sự buồn rầu, và ái ngại –  đến lối sửa sai nơi xứ sở của mình.
Chỉnh đốn, chỉnh huấn, khắc phục, kiểm điểm, kiểm thảo, phê bình, tự phê, góp ý,  sửa sai… là việc làm (ồn ào) thường trực của những người cộng sản Việt Nam – cứ y như việc sửa xe gắn liền với đời sống của những người di dân Nam Mỹ, ở Hoa Kỳ vậy.
Ngày 11 tháng 11 năm 2010, người ta đọc được Biên Bản Hội Thảo Khoa Học (Góp ý với Văn kiện đại hội Đảng CSVN) với lời giới thiệu – không lấy gì làm nồng nhiệt lắm – trên Đàn Chim Việt, như sau:

Đàn Chim Việt vừa nhận được điện thư từ một thân hữu ở VN cho biết mới đây, một số các nhà kinh tế và lý luận cộng sản kỳ cựu, bao gồm những người như: GS Trần Phương – nguyên phó Thủ tướng Chinh phủ; Vũ Khoan – nguyên phó Thủ tướng Chính phủ; PGS Trần đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế; GS Phan văn Tiệm – nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính; Việt Phương – nguyên Thư ký cố vấn của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng; Dương Thu Hương – nguyên phó Thống đốc Ngân hàng; GS Đào xuân
Sâm – nguyên Trưởng bộ môn Quản lý kinh tế trường Nguyễn Ái Quốc; PGS Võ Đại Lược – nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới… đã có buổi thảo luận về Dự thảo Văn kiện Đại Hội Đảng CSVN lần thứ 11. Tuy chỉ là biên bản cuộc hội thảo, độc giả cũng dễ dàng tóm lược những điểm chính đã bàn tới. Điều bi hài là những ý kiến của các nhà nghiên cứu được cho rằng trung thực và thẳng thắn, nhưng chỉ dám kết luận đây là cuộc thảo luận về Dự thảo Văn kiện, chứ không nhằm vào’sửa Văn kiện.’ Buổi thảo luận cũng mong được lưu lại với hậu thế rằng vào năm 2010, có một số trí thức cs dưới chế độ ưu việt của loài người đã ‘không đến nỗi dốt nát.’ Một kết luận nghe ra thật chua xót và bùi ngùi cho dân tộc
có gần 5 ngàn năm văn hiến
.”

Ủa, chớ cớ sao mà phải  “chua xót và bùi ngùi cho dân tộc” vậy cà? Dù có (chẵn) năm, hay mười, ngàn năm văn hiến thì cũng huề thôi. Nói gần, nói xa, chả qua nói thiệt: ngay cả Chúa, Phật, Thánh, Thần … các thứ có ngồi chung lại cả (mấy) ngày trời cũng không sửa nổi cái văn kiện (thổ tả) dẫn thượng – chớ “một số trí thức cs dưới chế độ ưu việt của loài người” thì ăn nhằm cái (mẹ) gì!
Coi: về hình thức, bản dự thảo này được mô tả là “quá dài, rất trùng lắp, la liệt, ngổn ngang đủ thứ, không thể góp ý được, đao to búa lớn quá.” Đó là ý kiến của qúi ông Việt Phương, Trần Phương và Đào Văn Sâm.
Về nội dung: “Toàn là giả dối cả” (bà Phạm Chi Lan). “Hầu như không có nhận định nào trong Văn kiện là đúng sự thật thực tiễn” (bà Dương Thu Hương). “Nhiều chuyện …tự lừa dối mình và lừa dối người khác” (ông Trần Phương). “Tư duy lý luận lạc hậu, mâu thuẫn … không gắn với thời đại, xem thường thiên hạ” (ông Lê Du Phong).
Ông Nguyễn Trung (người vẫn thường bị mang tiếng là “ngu trung”) mà còn phải thở dài sườn sượt: “Nhận định về quốc tế, về các nước XHCN và tình hình đất nước sai. Nên bỏ đi!”


Họ đã nói đến thế thì kể như là hết ý, và … hết thuốc chữa rồi. Ngay đến Trời (e) cũng phải bó tay còm thôi, chớ người phàm – như chúng ta – tư cách gì mà sửa đổi hay “Góp ý cho các Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng” cho được. Cái gọi là Văn Kiện Đại Hội XI của ĐCSVN, theo như nhận xét của những nhân vật dẫn thượng, là văn bản của một tổ chức chính trị (đã) ở vào giờ thứ hai mươi lăm – giờ vĩnh biệt – rồi. Có góp ý, sửa đổi, sửa sai hay không thì Đại Hội vẫn sẽ khai mạc. Chiếc xe có tên XHCNVN vẫn mở máy, phun khói tùm lum, và bóp còi inh ỏi – như thường lệ. Có điều chắc chắn là nó sẽ không chạy được nữa. Hỏng rồi! Chính bác tài, và những chú ét, cũng không hề có ý định cho xe lăn bánh đi đâu cả.
Những người di dân Mễ Tây Cơ, ở Hoa Kỳ, không sửa xe một cách rốt ráo chỉ bởi họ nghèo. Hoàn cảnh không cho phép họ có đủ điều kiện để làm việc đến nơi đến chốn. Còn những người cộng sản Việt Nam thì không bao giờ sửa sai một cách đàng hoàng vì họ chưa bao giờ thực tâm muốn thực hiện chuyện này. Điều duy nhất mà họ sẽ tiếp tục làm, trong những ngày tháng  tới, là gỡ đồ phụ tùng đem bán. Kiếm được thêm đồng nào hay đồng đó, thế thôi!

Tình trạng này còn sẽ kéo dài thêm cỡ bao lâu, và rồi chuyện gì sẽ xẩy ra sau đó, đều ngoài tầm tay của những người trí thức ở Việt Nam. Lớp người này đã được nhà văn Phạm Đình Trọng mô tả (ở Thời điểm quyết định số phận dân tộc Việt Nam) vào ngày 29 tháng 10 năm 2010 – như sau:

Hơn nửa thế kỉ thực hiện chuyên chính vô sản trong chính sách cán bộ, trong đối xử, sử dụng con người, nhà nước chuyên chính vô sản đã vô hiệu, loại bỏ triệt để, hoàn toàn tầng lớp trí thức tài năng do lịch sử để lại, sau đó lại gạt bỏ những trí thức ở thế hệ mới có tài năng, có năng lực sáng tạo nhưng trung thực khảng khái, dám bộc lộ chính kiến riêng, dám nói sự thật và lẽ phải. Trong không khí ấy, nhiều tài năng trung thực khác phải ngậm ngùi rời bỏ đất nước ra đi!
Một đội ngũ công chức công nông có bằng cấp, học hàm, học vị cao ngất nhưng nghèo trí tuệ, nghèo sáng tạo được đào tạo và trọng dụng đang nắm giữ những vị trí lãnh đạo của bộ máy quản lí và điều hành nhà nước từ trung ương tới địa phương. Những nguy khốn của đất nước, những cơ cực của người dân hôm nay chính là hậu quả của bộ máy công chức đã vắng bóng tài năng và sáng tạo, vắng bóng cả cái đức của bộ  máy công bộc, lại thiếu vắng cả khí phách và ý thức dân tộc
.”

Nhận xét này được tận tình chia xẻ bởi một tác giả khác, nhà bình luận La Thành:
 “ Sau hơn nửa thế kỷ bị đàn áp và chia rẽ, tuyệt đại đa số trong bộ phận có học nhất của người Việt đã bị thoái hoá về ý thức phản kháng, đã lựa chọn lối sống thích nghi với hệ thống chính trị, quy phục cường quyền. Hiện tại, đây là bộ phận kém đoàn kết và kém được tổ chức nhất trong quốc dân Việt: khi một cá nhân nào đó có vấn đề với chính quyền, dường như chỉ một mình anh/chị ta phải đương đầu với các hệ luỵ. Sự liên kết nội bộ và tinh thần phản kháng của giới trí thức Việt thực sự yếu ớt hơn nhiều so với các tầng lớp ít học và nghèo khổ hơn họ.
Ở trong nước, giới tinh hoa Việt đang hoặc nuốt nhục cầu vinh, hoặc đã hoàn toàn mất phương hướng trong khi chỉ sống và làm việc một cách đối phó trước những tình thế cụ thể
.”

Giữa cảnh chợ trời (và chợ chiều) này mà vẫn còn một số những người trí thức không nhẩy vào hôi của, không vỗ tay tán thành chuyện cướp bóc, và vẫn đủ bình tĩnh – cũng như tư cách –  thản nhiên nói lên những nhận xét trung thực của mình (tưởng) cũng là qúi hoá lắm rồi.
Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều quá (để) rồi… thất vọng, cứ mong mỏng như ông Tô Hải là phải giá:

Qua mấy trang biên bản ‘Hội Thảo Khoa Học’, (đọc đi đọc lại thì mới ngộ ra rằng những lời phát biểu của các vị ấy chỉ là những gì CÁC VỊ ẤY THẤY nhưng không tìm đâu ra một câu CÁC VỊ ẤY CẦN LÀM! Nói một cách khác vạch ra những điều toàn dân đều thấy, cả thế giới đều thấy nhưng ‘cái thấy’ của các vị ấy, dù nó có muộn hơn ngàn người thì nó cũng nặng gấp ngàn lần ý kiến ‘đã thấy’ của người khác. Cái mà người ta cần là các vị ấy chỉ ra cái cần làm cho Đảng của các vị ấy và toàn dân thì bị… tránh né, hoặc nói xa nói gần, hiểu sao cũng được!
Tớ thông cảm cho các vị ấy vì…. như ngạn ngữ của người Pháp đã nói mà tớ tạm dịch như sau : ‘Quyền quí bắt buộc’ (Noblesse oblige) nên thôi ! Dù có nói một phần sự thật chậm hơn mọi người thì cũng còn hơn là không nói
!”
Nghe ra kể cũng bùi ngùi và chua xót (thật) nhưng vẫn còn hơn là không nghe được gì hết trơn, hết trọi – đúng không ?

Tưởng Năng Tiến
12/2010
.
.
.

No comments: