Wednesday, November 3, 2010

GIẤC MỘNG TRUNG HOA : TƯ DUY NƯỚC LỚN và TƯ THẾ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC TRONG KỶ NGUYÊN HẬU HOA KỲ

Posted by admin on November 3rd, 2010

LỜI GIỚI THIỆU

 “Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa kỳ là cuốn sách hiện đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của phương tiện truyền thông ở cả Trung Quốc lẫn phương Tây. Tác giả cuốn sách, Đại tá Lưu Minh Phúc, hiện là giảng viên Đại học Quốc phòng Bắc Kinh trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân – ông này nguyên là giám đốc Viện Nghiên cứu Xây dựng Quân đội, cơ quan chuyên nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề hiện đại hóa và phát triển lực lượng, cũng thuộc trường đại học nói trên.  Đây là cuốn mới nhất trong một loạt cuốn sách được xuất bản ở Trung Quốc trong thời gian gần đây tiên đoán việc Trung Quốc sẽ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như thế nào. Do tác giả là sĩ quan quân đội nên có thể dễ dàng nhận thấy những quan điểm của ông này phản ánh khá rõ những tham vọng của quân đội hay thậm chí của chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, cuốn Giấc mộng Trung Hoa được rộng rãi đánh giá có sức hấp dẫn không phải ở những khuyến nghị mà nó đưa ra đối với các chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này, mà là ở chỗ cuốn sách đã nêu lên những luận điểm theo đường lối dân tộc chủ nghĩa trong các cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh nền chính trị nội bộ của đất nước Trung Hoa. Cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung rất đáng quan tâm cho việc nghiên cứu trạng thái tâm lý cực đoan đang thịnh hành ở nước này liên quan đến cái gọi là tính ưu việt về chủng tộc của Trung Quốc, chủ nghĩa quân phiệt, và trường phái lý luận coi ý chí chính trị đóng vai trò quyết định tối hậu ở nước này.
Cuốn sách ra mắt đã gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều trên phương tiện truyền thông và giữa các nhà quan sát về Trung Quốc, từ ủng hộ, thuần túy mô tả quan điểm, nhận định, đánh giá riêng, tới không nhất trí hoặc thậm chí hoàn toàn bác bỏ. Riêng báo chí phương Tây đã mô tả cuốn sách này là một lời thách thức thẳng thừng đối với Mỹ, được thể hiện rõ nét qua việc tác giả thúc giục Trung Quốc “chạy hết sức” để trở thành “quốc gia số một” hay “cường quốc chi phối” thế giới.
Cuốn sách ra đời vào thời điểm khi các học giả và chuyên gia của nước CHND Trung Hoa đang tranh luận quyết liệt với nhau về việc liệu đã diễn ra chưa những thay đổi căn bản trong cán cân quyền lực toàn cầu là điều giúp củng cố vị trí và tư thế tương đối của Trung Quốc so với Mỹ, và liệu có nên xem xét những cách thức theo đó Trung Quốc điều chỉnh những chính sách của mình trước những thay đổi về quyền lực tương đối này. Nhận định cho rằng Trung Quốc đã chống chọi với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thành công hơn nhiều so với Mỹ và các cường quốc khác đang góp phần củng cố tâm lý chung cho rằng Trung Quốc giờ đây không cần phải quan tâm đến dư luận nước ngoài hay đến những lợi ích của Mỹ nữa, đặc biệt là về những vấn đề đụng chạm đến “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc – đáng chú ý nhất là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia của nước này.
Cuốn sách được viết ra cho đông đảo độc giả và do một cơ quan báo chí thương mại của Trung Quốc, chứ không phải là một đơn vị trực thuộc quân đội, phát hành và do vậy nó không đại diện cho những quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc hay Quân Giải phóng. Tuy nhiên, cuốn sách có thể được coi là một tiếng nói và một quan điểm tương đối cực đoan trong cuộc tranh luận đang diễn ra ở đất nước Trung Hoa xung quanh tư thế chiến lược và quân sự của nước này.
Thông tấn xã Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bạn đọc tập tài liệu tham khảo “Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa kỳ” với hy vọng giúp bạn đọc có được cái nhìn sâu hơn về một chủ đề được nhiều người quan tâm này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

——

Lưu Minh Phúc

CHƯƠNG 1

ĐỨNG ĐẦU THẾ GIỚI: GIẤC MƠ TRĂM NĂM CỦA TRUNG QUỐC

Đứng đầu thế giới là giấc mơ trăm năm của Trung Quốc. Giấc mơ này tập trung biểu hiện qua lý tưởng phấn đấu của ba nhân vật vĩ đại là Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tôn Trung Sơn là người tiên phong của cuộc cách mạng dân chủ của Trung Quốc, Mao Trạch Đông là người sáng tạo ra Trung Quốc mới, Đặng Tiểu Bình là nhà thiết kế cải cách mở cửa. Đặc trưng chiến lược chung của ba nhân vật vĩ đại này là ở chỗ: Trong mục tiêu quốc gia lớn của Trung Quốc, họ đều là những người theo đuổi chủ nghĩa “đứng đầu thế giới”.
Hàm nghĩa của việc Trung Quốc trỗi dậy “đứng đầu thế giới” là gì? Trước hết đó là tổng lượng kinh tế của Trung Quốc phải đứng đầu thế giới. Trên cơ sở này thực hiện việc Trung Quốc đứng đầu thế giới về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thế kỷ 21 đi theo hướng nào? Chính là sự trỗi dậy theo mục tiêu và phương hướng “đứng đầu thế giới”.

1. Tôn Trung Sơn: Trung Quốc phải là cường quốc hàng đầu thế giới

Trong thời đại Trung Quốc là “nước nghèo yếu nhất thế giới” , Tôn Trung Sơn đã yêu cầu “mọi nguời phải lập chí”, xây dựng Trung Quốc trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới” và kêu gọi 400 triệu người đều phải có nguyện vọng và ý chí này. Ý chí và tinh thần của người tiên phong vĩ đại này đã khiến người Trung Quốc hiện nay cảm thấy kinh ngạc và tự hào.

Xây dựng Trung Quốc trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới”
Trung Quốc không chỉ đuổi kịp Anh, Mỹ mà còn phải vượt lên trên họ. Đây là chí hướng vĩ đại của Tôn Trung Sơn. Năm 1894, trong thư gửi lên Lý Hồng Chương (quan đại thần triều Thanh), Tôn Trung Sơn đã đề xuất cương lĩnh cải cách của mình: “Nhân năng tận kỳ tài, địa năng tận kỳ lợi, vật năng tận kỳ dụng, hóa năng sướng kỳ lưu” (có thể phát huy hết tài năng của mọi người, có thể khai thác hết tác dụng của đất đai, có thể lợi dụng hết công năng của vạn vật, có thể để cho hàng hóa được lưu thông). Thực hiện được bốn điều này, Trung Quốc “có thể vượt lên châu Âu”. Sau này Tôn Trung Sơn còn nhiều lần nói đến chủ nghĩa tam dân, muốn xây dựng đất nước giàu mạnh đứng đầu thế giới.
Xây dựng Trung Quốc trở thành quốc gia “bốn nhất” và “sáu nhất” là mục tiêu phấn đấu của cả cuộc đời Tôn Trung Sơn. Điều gọi là quốc gia “bốn nhất” đó là : mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới, nền chính trị tốt nhất thế giới, dân chúng hạnh phúc nhất thế giới. Điều gọi là quốc gia “sáu nhất”, đó là lớn nhất, ưu việt nhất, tiến bộ nhất, trang nghiêm nhất, giàu có nhất, bình yên sung sướng nhất. “Người Trung Quốc phải làm nên những kỳ tích vĩ đại nhất nhân loại” – đây là ý nguyện cao cả của Tôn Trung Sơn. Tôn Trung Sơn còn đưa ra chủ trương thế giới hòa bình, thế giới đại đồng, mong muốn người Trung Quốc sẽ thực hiện sứ mệnh đảm bảo hạnh phúc lớn nhất cho nhân loại, làm nên kỳ tích lớn nhất cho nhân loại, không chỉ mang lại lợi ích cho một dân tộc một quốc gia, mà còn mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại.
Sau cuộc khởi nghĩa Quảng Châu đầu tiên năm 1895 bị thất bại chạy ra nước ngoài, Tôn Trung Sơn đã đi chu du khắp thế giới, đến thăm các cường quốc, một mặt khảo sát tình hình chính trị của các nước, tìm hiểu nguyên nhân khiến có nước giàu nước nghèo, mặt khác tiến hành phong trào cách mạng. Đến trước khi diễn ra khởi nghĩa Vũ Xương, ông đã 7 lần đi chu du thế giới, cứ hai năm lại đi vòng quanh thế giới một lần. Trong cuộc đời kéo dài 58 năm 8 tháng của ông, có tới 10 năm 1 tháng ông sống ở Mỹ và châu Âu, ông đã 8 lần đi Mỹ và châu Âu. Mục tiêu lớn của Tôn Trung Sơn “Trung Quốc cần trở thành nước giàu mạnh nhất thế giới” là được xây dựng trên cơ sở những năm tháng đi du ngoạn thế giới của ông.

Dân tộc Trung Hoa là “dân tộc ưu tú nhất thế giới”
Tôn Trung Sơn cho rằng dân tộc Trung Hoa là dân tộc “4 nhất”. Trong chủ nghĩa tam dân, ông đã nêu rõ: “Dân tộc Trung Hoa là dân tộc lâu đời nhất thế giới, là dân tộc lớn nhất thế giới, là dân tộc văn minh nhất thế giới, là dân tộc có khả năng đại đồng hóa nhất thế giới… Nghiên cứu về dân tộc chúng ta, từ trước cho đến nay, chí ít đã có khoảng 5000 đến 6000 năm. So với các dân tộc khác trên thế giới, dân tộc chúng ta vẫn đông nhất và lớn nhất. Từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác, cho đến nay vẫn là dân tộc ưu tú nhất thế giới.”
Tôn Trung Sơn cũng nói đến ưu thế trí tuệ của sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ trong khi so sánh thành tích học tập của sinh viên Trung Quốc với sinh viên Mỹ . Ngày 21/12/1923 trong khi phát biểu tại buổi liên hoan của sinh viên trường Lĩnh Nam, Quảng Châu, Tôn Trung Sơn đã nói: “Trên toàn nước Mỹ, tài trí thông minh vốn có của người Trung Quốc đều được người Mỹ thừa nhận, cho dù là học ở trường nào hay lớp nào ở Mỹ, điểm thi mỗi học kỳ của sinh viên Trung Quốc đều cao hơn sinh viên Mỹ”. Tôn Trung Sơn đã dùng lịch sử để chứng minh Trung Quốc là đất nước có thời gian giàu có dài và thời gian nghèo nàn ngắn, ông cũng dùng tính cách dân tộc để chứng minh tố chất của người Trung Quốc ưu thế hơn tố chất của người nước ngoài.
Tôn Trung Sơn cho rằng người Trung Quốc với tư cách là một dân tộc ưu tú nhất thế giới, nhất định phải có ý chí lớn vượt lên trên Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ông nói: “Chúng ta có đất đai rộng lớn, dân số đông, tài trí thông minh bẩm sinh, ưu thế hơn nhiều so với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đất nước chúng ta cải tạo tốt, Trung Quốc cường thịnh, còn phải vượt lên Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Hạnh phúc mà người Trung Quốc được hưởng phải cao hơn Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Mọi người phấn đấu vì đất nước, xây dựng một đất nước tốt đẹp nhất thế giới, thế mới là có ý chí lớn. Hy vọng mọi người từ nay phải có ý chí lớn.”

Vận dụng chủ nghĩa mở cửa
Quá trình Trung Quốc trỗi dậy trở thành nước “đứng đầu thế giới” là một quá trình mở cửa hướng ra thế giới, học tập thế giới. Nhất định phải đi theo con đường “mở cửa chấn hưng đất nước”, “mở cửa để đuổi kịp và vượt các nước”. Ngày 23/10/1912, trong diễn thuyết tại buổi chiêu đãi ở Phủ Đô Đốc An Huy, Tôn Trung Sơn đã nói: “Muốn các ngành nghề phát triển thì phải đi theo chủ nghĩa mở cửa”. Chính sách của Tôn Trung Sơn được nêu trong hiệp định ký tại Bắc Kinh với Tổng thống Viên Đại và Tổng trưởng các bộ chính là chính sách mở cửa. Thế nào là chính sách mở cửa? Đó chính là để cho người nước ngoài đến Trung Quốc mở mang các công ty nhà máy. Mà chủ nghĩa mở cửa Trung Quốc đã thực hiện từ thời cổ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của đời Đường, nước ngoài đã cử hàng vạn học sinh sang Trung Quốc du học, như Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản … Khi đó người nước ngoài đến Trung Quốc, người Trung Quốc không phản đối, đó là vì trong thời kỳ thịnh vượng nhất của nền văn minh Trung Quốc, từ trên xuống dưới đều hiểu rõ chủ nghĩa mở cửa chỉ có lợi mà không hề có hại gì.
Tôn Trung Sơn còn chỉ rõ Nhật Bản đất đai chỉ lớn bằng hai tỉnh của Trung Quốc, dân số cũng chỉ bằng hai tỉnh của Trung Quốc. 40 năm trước cũng là đất nước bé nhất, nghèo nhất, yếu nhất. Từ sau Minh Trị Duy Tân, trong vòng 40 năm đã trở thành cường quốc. Trên thế giới chỉ có 6, 7 nước được gọi là cường quốc, Nhật Bản là một nước trong số 6,7 cường quốc đó. Chính sách mà Nhật Bản vận dụng chính là chính sách mở cửa. Đất đai của Trung Quốc lớn gấp 20 lần Nhật Bản, dân số cũng lớn gấp hơn 20 lần Nhật Bản, muốn dựa theo cách làm của Nhật Bản thì cũng phải thực hiện chính sách mở cửa, không đến 3 hay 5 năm sau sẽ mạnh gấp 10 lần Nhật Bản. Tôn Trung Sơn nói: “Trung Quốc cần phải xây dựng cơ nghiệp. Chúng ta không có vốn thì mượn vốn nước ngoài. Chúng ta không có nhân tài thì sử dụng nhân tài của nước ngoài. Phương pháp của chúng ta không tốt thì vận dụng phương pháp của nước ngoài. Lẽ nào kết quả lại không văn minh hơn nhiều lần so với các nước ở phương Tây và phương Đông?”

“Đứng đầu thế giới” không thể mô phỏng, mà phải có “tinh thần sáng tạo”
Từ hàm nghĩa của “Trung Hoa Dân Quốc”, Tôn Trung Sơn đã nhấn mạnh đến ý nghĩa sáng tạo. Ngày 15/7/1916, trong khi diễn thuyết lại cuộc tọa đàm tại Thượng Hiền Đường, Thượng Hải, Tôn Trung Sơn đã giải thích vì sao không thể nói “nước Cộng hòa Trung Hoa”, mà phải nói “Trung Hoa Dân Quốc”. Về ý nghĩa của chữ “Dân”, Tôn Trung Sơn phải mất hơn 10 năm nghiên cứu mới có kết quả. Tôn Trung Sơn cho rằng nước cộng hòa như kiểu Mỹ, châu Âu được xây dựng trước Trung Quốc. “Dân Quốc” của thế kỷ 20 còn mang theo tinh thần sáng tạo, không nên mô phỏng theo mô hình của thế kỷ 18, 19. Chỉ vài năm sau sẽ xuất hiện một Trung Hoa Dân Quốc trang nghiêm huy hoàng ở lục địa phía Đông, vượt lên các nước cộng hòa trên thế giới.
Tôn Trung Sơn còn từ thể chế chính trị “ngũ quyền phân lập” của Trung Hoa Dân Quốc để phân biệt với “tam quyền phân lập” của các nước phương Tây, điều này chứng minh nét đặc sắc và ưu thế của thể chế chính trị Trung Quốc. Ngày 18/8/1916, trong diễn thuyết của mình, Tôn Trung Sơn nói:
“Các nước văn minh trên thế giới hiện nay phần lớn đều thực hiện tam quyền phân lập, tuy có nhiều lợi ích, nhưng cũng có nhiều cái hại, vì thế 15 năm trước tôi mới đưa ra “ngũ quyền phân lập”. Thế nào là “ngũ quyền phân lập”, đó là ngoài lập pháp, tư pháp và hành chính ra, còn thêm chế độ chất vấn và thi cử. Hai chế độ này không có gì là mới đối với nước ta, từ thời cổ đã có, là cách làm hay, có thể trở thành mô hình của các nước trên thế giới trong thời kỳ cận đại”. Từ chủ nghĩa tam dân mang đặc sắc Tôn Trung Sơn đến Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác của Mao Trạch Đông và chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đều toát lên một đạo lý, đó là: sáng tạo chấn hưng đất nước, đặc sắc chấn hưng đất nước. Từ góc độ sáng tạo và đặc sắc, “đứng đầu thế giới” cũng là “duy nhất thế giới”. Đế quốc Anh khi đó là độc đáo, vì thế giới chỉ có một nước Anh. Mỹ sau này cũng độc đáo, vì thế giới chỉ có một nước Mỹ. Trung Quốc cũng độc đáo vì thế giới chỉ có một nước Trung Quốc. Những nước “đứng đầu thế giới” xuất hiện trong thời kỳ cận đại đều là những nước có nét đặc sắc riêng, đều là đất nước có tính sáng tạo. Nó vừa không phải là tác phẩm phục chế của mô hình “đứng đầu thế giới” trước đó, cũng không thể bị các quốc gia sau này mô phỏng. Tuy các nước đều học tập những nước đi trước, kinh nghiệm của các nước đi trước cũng được vận dụng, nhưng các nước “đứng đầu thế giới” đều là những nước lớn sáng tạo, là nước lớn mang nét đặc sắc riêng, vì thế không thể phục chế mô phỏng.

Quân đội không mạnh không thể xây dựng đất nước
Phát biểu tại buổi chiêu đãi giới quân đội tại Sơn Tây ngày 20/9/1912, Tôn Trung Sơn đã nêu rõ do xây dựng đất nước vào thế kỷ 20, các cường quốc cạnh tranh nhau, chưa thể thực hiện được thế giới đại đồng, nên quân đội không mạnh không thể xây dựng đất nước.
Phát biểu trước các đại biểu giới lao động tại Philíppin ngày 23/6/1924, Tôn Trung Sơn nói cách đây 2000 năm, Trung Quốc hùng mạnh, không chỉ nổi lên ở phương Đông, mà uy phong còn chấn động châu Âu. Trung Quốc tuy mạnh, nhưng lấy chủ nghĩa hòa bình để giáo huấn thế giới, khuyên các nước hiếu chiến nên xây dựng cuộc sống hòa bình. Nhưng khi Trung Quốc khuyên bảo thì các nước khác lại đang chuẩn bị xây dựng lực lượng lục quân hải quân hùng mạnh, đưa tới kết quả như ngày nay. Các nước thấy Trung Quốc đất rộng của cải nhiều, thị trường rộng lớn, quân sự yếu kém, văn hóa không phát triển, nên tìm cách chia cắt mảnh đất này, xây dựng phạm vi thế lực của mình. Từ mối quan hệ quốc tế “các cường quốc cạnh tranh nhau” và bài học lịch sử của Trung Quốc, Tôn Trung Sơn đã nêu bật mối quan hệ giữa quân đội hùng mạnh với việc xây dựng đất nước bang giao. Để xây dựng Trung Quốc trở thành “nước hùng mạnh nhất thế giới” Tôn Trung Sơn đã xây dựng một cương lĩnh quân sự với khí phách hào hùng. Nay xem lại vẫn cảm thấy phấn chấn mãnh liệt. Trong cương lĩnh, Tôn Trung Sơn nhấn mạnh đến kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội với 30 triệu quân và kế hoạch xây dựng lực lượng kỹ thuật công trình quốc phòng với 10 triệu quân. Ngày 26/10/1912, phát biểu tại buổi chiêu đãi các học viên trường quân chính Nam Xương, Tôn Trung Sơn nêu rõ từ nay về sau hy vọng sâu sắc các học viên phát huy khí thế hào hùng, chăm chỉ nghiên cứu học tập, để cho 400 triệu đồng bào đều có tinh thần thượng võ. Trung Quốc khi đó có 400 triệu dân, kế hoạch của Tôn Trung Sơn xây dựng lực lượng quân đội và kỹ thuật với 40 triệu quân, chiếm 1/10 dân số, đây quả là khí phách quân sự hào hùng của một nhà chính trị.

Học tập và vượt Mỹ
Tôn Trung Sơn cho rằng học tập Mỹ, trước hết phải học tập tinh thần xây dựng đất nước của Mỹ. Muốn đuổi kịp và vượt Mỹ cần phải xây dựng chí hướng lớn cho đất nước và dân tộc.
Tôn Trung Sơn ca ngợi “Mỹ là nước văn minh tiến tiến”,”Mỹ là nước cộng hòa đầu tiên của thế giới”, có nhiều chỗ Trung Quốc đáng học tập. Đồng thời với việc đề xướng học tập Mỹ, ông còn tin tưởng sâu sắc rằng Trung Quốc còn có thể đuổi kịp và vượt Mỹ. Ngay cả khi cuối tháng 12/1923, khi xảy ra sự kiện 6 pháo hạm Mỹ đến uy hiếp ở Bạch Nga Đàm, Quảng châu, Tôn Trung Sơn vẫn khuyến khích sinh viên Quảng Châu phải lấy kinh nghiệm xây dựng đất nước của Mỹ làm mô hình phấn đấu của cách mạng Trung Quốc, xác lập ý chí đuổi kịp và vượt Mỹ. Ngày 21/12/1923, phát biểu tại buổi gặp gỡ sinh viên trường Lĩnh Nam, Quảng Châu, Tôn Trung Sơn nói: “Các cháu sinh viên hiện nay học kiến thức của nước Mỹ, thi lịch sử nước Mỹ, nước Mỹ trở nên hưng thịnh là do tiến hành cách mạng. Khi Mỹ tách khỏi Anh, dân số chỉ có 4 triệu người, cả nước chỉ có 13 tỉnh thành phố, toàn là những vùng đất hoang sơ. Về dân số chỉ bằng 1/100 Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc hiện có 400 triệu dân với 22 tỉnh thành phố, tài nguyên phong phú. Nước Mỹ bé nhỏ như vậy lại có thể làm nên nghiệp lớn như hiện nay, nếu có thể đi theo con đường cách mạng của Mỹ, Trung Quốc người đông tài nguyên phong phú thì kết quả trong tương lai đương nhiên sẽ tốt đẹp hơn Mỹ.”
Tôn Trung Sơn cho rằng Trung Quốc có nhiều điều kiện có lợi có thể vượt Mỹ. Trong cuốn “Phương lược kiến quốc” ông nói: “Đất đai của Trung Quốc rộng lớn hơn Mỹ. Tài nguyên khoáng sản phong phú, đứng vào hàng đầu thế giới. Dân số có tới 400 triệu người, cũng đứng đầu thế giới. Tài trí thông minh của người Trung Quốc cũng nổi tiếng từ thời xa xưa. Việc kế thừa nền văn hóa 5000 năm cũng là điều thế giới chưa từng có. Hàng nghìn năm trước cũng đã từng là quốc gia hùng mạnh trên thế giới.”
Ngày 10/10/1919, trong cuốn “Các ngành của Trung Quốc nên phát triển như thế nào”, Tôn Trung Sơn viết: “Trung Quốc đất rộng, của cải nhiều, nông sản và khoáng sản phong phú, không những đuổi kịp mà còn có thể vượt Mỹ. Sức lao động của Trung Quốc nhiều gấp 4 lần sơ với Mỹ, nước ta chỉ thiếu vốn và tài năng. Nếu nước ta có 2 nhân tố này thì các ngành của nước ta sẽ phát triển, không chỉ ngang bằng Mỹ, mà còn có thể gấp 4 lần Mỹ”.

2. Mao Trạch Đông: “Đại nhảy vọt”- vượt Anh, đuổi kịp Mỹ

Mao Trạch Đông cũng là một người theo đuổi ý tưởng “đứng đầu thế giới,” thực tiễn và tư tưởng chiến lược “đứng đầu thế giới” của ông có tính thăm dò và sáng tạo, đương nhiên cũng có tính hạn chế của lịch sử. Những huy hoàng và khó khăn của ông, những thành công và sai lầm của ông đều mang màu sắc thần kỳ.

“Khai trừ khỏi thế giới!”
Mao Trạch Đông cho rằng đuổi kịp và vượt Mỹ là trách nhiệm của Trung Quốc.
Ngày 29/10/1955, trong bài phát biểu tại cuộc hội đàm về cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, Mao TrạchĐông từng nói: “Mục tiêu của chúng ta là phải đuổi kịp và vượt Mỹ. Nước Mỹ chỉ có hơn 100 triệu dân, còn chúng ta có hơn 600 triệu dân, do đó chúng ta phải đuổi kịp Mỹ. Cuối cùng phải mất mấy chục năm, phải nhìn vào cố gắng của mọi người, ít nhất phải mất 50 năm, cũng có thể là 75 năm, 75 năm là 15 lần kế hoạch 5 năm. Ngày nào đuổi kịp Mỹ, vượt qua Mỹ chúng ta mới mở mày mở mặt. Hiện tại chúng ta vẫn chưa là gì, bị các nước khác chèn ép. Quốc gia của chúng ta lớn thế này, có khả năng huy động lớn, lịch sử có hàng nghìn năm, đất đai rộng lớn, tài nguyên nhiều, dân cư đông đúc, song một năm chỉ sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép, tới nay mới bắt đầu chế tạo ô tô với sản lượng còn rất thấp và thực tế vẫn chưa ra làm sao. Vì vậy, các giới trong cả nước, trong đó kể cả giới công thương, các đảng phải dân chủ trong và ngoài nước đều cần phải nỗ lực, xây dựng nước ta trở thành một quốc gia giàu mạnh. Chúng ta cần phải lãnh trách nhiệm này. Trên thế giới, cứ bốn người thì chúng ta có một người, do đó không phấn đấu vươn lên là điều không thể chấp nhận được, chúng ta nhất định cần phải phấn đấu vươn lên không chịu thua kém”.
Mao Trạch Đông cho rằng chỉ khi Trung Quốc vượt qua được Mỹ, mới có thể đóng góp to lớn cho nhân loại. Năm 1956, trong bài phát biểu tại “Lễ tưởng niệm Tôn Trung Sơn”,Mao Trạch Đông nói: “Là quốc gia rộng 9,6 triệu km2 và có hơn 600 triệu dân, Trung Quốc cần phải có đóng góp tương đối lớn đối với nhân loại. Song trong thời gian dài quá khứ,đóng góp này lại quá nhỏ. Điều này khiến chúng ta cảm thấyhổ thẹn”. Mao Trạch Đông nhấn mạnh: “Vượt qua Mỹ, không chỉ có thể mà còn hoàn toàn cần thiết, hoàn toàn đáng làm. Nếu không như vậy, thì dân tộc Trung Hoa chúng ta có lỗi với các dân tộc trên thế giới, cống hiến của chúng ta cho nhân loại quá nhỏ bé”.
Nước Mỹ mới chỉ thành lập được 180 năm, sản lượng thép 60 năm trước cũng chỉ đạt được 4 triệu tấn, vậy chúng ta lạc hậu so với Mỹ 60 năm. Giá như có thêm 50-60 năm, chúng tahoàn toàn nên vượt qua Mỹ. Đây là một trách nhiệm. Có dân cư đông, đất đại rộng lớn, tài nguyên phong phú, lại đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng sau 50-60 năm xây dựng đất nước mà vẫn không đuổi kịp Mỹ thì chúng ta sẽ ra sao đây? Chúng ta sẽ bị khai trừ khỏi thế giới!

“Thời gian biểu” vượt Anh đuổi kịp Mỹ
Đã vài lần, Mao Trạch Đông điều chỉnh “thời gian biểu” vượt Anh, đuổi kịp Mỹ. Theo đó, có thể thấy rõ lộ trình tâm huyết vượt Anh, đuổi kịp Mỹ của ông.
Ngày 18/11/1957, phát biểu tại Hội nghị đại biểu ĐảngCộng sản và Đảng công nhân ở Mátxcơva, Mao Trạch Đôngtừng nói: “Đồng chí Khrushchev từng nói với chúng ta rằng 15 năm sau, Liên Xô có thể vượt qua Mỹ. Tôi cũng có thể nói rằng 15 năm sau, chúng tôi có thể đuổi kịp hoặc vượt qua Anh”. Không lâu sau khi về nước, Mao Trạch Đông đã triệu tập hội nghị lãnh đạo đảng phái dân chủ và các nhân sỹ dân chủ không đảng phái thông báo ý tưởng chiến lược vượt Anh, đuổi kịp Mỹ. Xã luận Tết Dương lịch năm 1958 trên “Nhân dân Nhật báo” có đoạn: Chuẩn bị thêm 20-30 năm để đuổi kịp và vượt qua Mỹ về kinh tế.
Ngày 15/4/1958, một lần nữa Mao Trạch Đông nhận định rằng: 10 năm có thể đuổi kịp Anh, và thêm 10 năm nữa có thể đuổi kịp Mỹ. Việc từng tuyên bố 25 năm hoặc nhiều hơn một chút để đuổi kịp Anh Mỹ là đã tính dư ra 5-7 năm. Khẩu hiệu 15 năm đuổi kịp Anh vẫn không thay đổi.
Tháng 5/1958, tại Hội nghị lần thứ hai khóa 8 của Đảng, Phó Thủ tướng Lý Phú Xuân nêu rõ: 7 năm đuổi kịp Anh, 15năm đuổi kịp Mỹ. Trong lời phê, Mao Trạch Đông sửa lại thành: 7 năm đuổi kịp Anh, thêm 8-10 năm đuổi kịp Mỹ.Ngày 22/6/1958, Mao Trạch Động tiếp tục nhận xét một báo cáo của Phó Thủ tướng Bạc Nhất Ba: vượt Anh, đuổi kịp Mỹ không phải là 15 năm, cũng không phải là 7 năm, mà chỉ cần2-3 năm, 2 năm là có thể. Thậm chí Mao Trạch Đông còn chủ trương ngoài việc thực hiện một số hạng mục như đóng tàu, chế tạo ô tô, điện lực, năm tới cần phải vượt qua Anh.
Ngày 2/9/1958, Mao Trạch Đông tuyên truyền khẩu hiệu: Hãy phấn đấu vì mục tiêu 5 năm đuổi kịp Anh, 7 năm vượt qua Mỹ!
Để thực thi chiến lược vượt Anh, đuổi kịp Mỹ này. MaoTrạch Đông đã phát động cuộc vận động “Đại nhảy vọt”. Tạihội nghị ở Nam Ninh đầu năm 1958, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Tôi không tin xây dựng đất nước khó hơn đánh trận”.
“Đại nhảy vọt” không thực hiện được mục tiêu vượt Anh, đuổi kịp Mỹ, mà ngược lại còn khiến kinh tế Trung Quốc đìnhđốn và tụt hậu. Giấc mơ “Đại nhảy vọt” thất bại, GDP của Trung Quốc đang từ chiếm 5,46% tỷ trọng toàn cầu năm 1957 đã giảm xuống còn 4,01% vào năm 1962, thấp hơn mức tỷ trọng năm 1950 (4,59%). Sau đó, trong thực tiễn, Mao TrạchĐông đã tỏ ra lý trí và bình tĩnh. Ngày 13/1/1961, tại Hội nghịcông tác trung ương, Mao Trạch Đông cho rằng: Xem xét tình hình hiện nay, xây dựng chủ nghĩa xã hội không cần phải hoàn toàn gấp. Hấp tấp vội vàng sẽ không thành công, càng vội vàng thì càng không làm được việc, không bằng chậm lại một chút và hướng tới phát triển theo mô hình sóng. Việc này giống với việc người đi bộ, đi một đoạn cần phải nghỉ. Quân đội hành quân cũng cần nghỉ. Giữa hai trận đánh cũng cần nghỉ ngơi chỉnh đốn.
Sau đó, ngày 30/1/1962, tại Hội nghị công tác trung ươngtoàn quốc, Mao Trạch Đông đã phát biểu rộng rãi tổng kết về“Đại nhảy vọt” rằng: “Tại Trung Quốc, việc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa lớn mạnh trong 50 năm không đủ, sẽ phải mất 100 năm hoặc nhiều hơn. Từ thế kỷ 17 tới nay, sự pháttriển của chủ nghĩa tư bản đã trải qua hơn 360 năm. Ở nước ta, muốn xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, tôi dự tính phải mất hơn 100 năm. Trung Quốc dân số đông, nền tảng cơ sở còn mỏng, kinh tế lạc hậu, muốn đưa sức sản xuất lớn phát triển lớn mạnh cũng như đuổi kịp và vượt qua quốc gia tư bản chủ nghĩa tiên tiến nhất thế giới, phải mất hơn 100 năm. Cũng có thể chỉ mất vài chục năm như một số người cho rằng 50 năm là có thể làm được. Nếu được như vậy, cảm ơn trời đất, còn gì tốt hơn. Tuy nhiên, tôi khuyên các đồng chí thà xem xét khó khăn nhiều hơn một chút, như thế sẽ giành thời gian nghĩ nhiều hơn. Hơn 300 năm xây dựng được một nền kinh tế chủ nghĩa tư bản lớn mạnh, đối với nước ta, xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa lớn mạnh trong vòng 50-100 năm có gì là không tốt? Từ nay trở đi, trong vòng 50-100 năm, trên toàn thế giới sẽ là thời đại vĩ đại chuyển biến triệt để chế độ xã hội, là một thời đại long trời lở đất và không có thời đại nào trong lịch sử có thể so sánh được. Do tính mù quáng mà vấp phải nhiều thất bại và khó khăn, nên cần chuẩn bị trước và từ đó rút ra kinh nghiệm để giành thắng lợi cuối cùng. Từ quan điểm này xuất phát, suy xét lâu hơn một chút là rất có lợi, ít suy nghĩ là có hại”.

Lộ trình vượt Anh, đuổi kịp Mỹ: “Đại nhảy vọt”
Trung Quốc vượt Anh, đuổi kịp Mỹ chắc chắn phải cần“Đại nhảy vọt”. Đây là một quan niệm kiên định của MaoTrạch Đông. Năm 1949, bình quân thu nhập quốc dân của người Trung Quốc là 27 USD, lúc đó, thu nhập bình quân củatoàn Châu Á là 44 USD. Tới năm 1952, bình quân thu nhập quốc dân chỉ bằng 2,3% bình quân thu nhập quốc dân của Mỹ. Có thể thấy rõ để vượt Anh, đuổi kịp Mỹ chắc chắc phải cần“Đại nhảy vọt”.
“Đại nhảy vọt” của Trung Quốc trong những năm cuối thập niên 50 thế kỷ 20 của Trung Quốc đã trải qua bài học đau đớn. Tuy nhiên, thất bại trong thời kỳ lịch sử đặc thù củamột mô hình “Đại nhảy vọt” không có nghĩa là bất kỳ hìnhthức “Đại nhảy vọt” nào đều không thể thực hiện được. Ngày 13/12/1964, trong khi đánh giá dự thảo báo cáo công tác chínhcủa Chu Ân Lai tại phiên họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhândân toàn quốc khóa III, Mao Trạch Đông có viết: Chúng ta không thể đi theo con đường phát triển khoa học kỹ thuật cũ của các nước trên thế giới, từng bước đi theo sau người khác. Chúng ta cần phải phá vỡ quy luật, tận dụng hết mức kỹ thuật tiên tiến, trong một thời kỳ lịch sử không quá dài, cần phải xây dựng nước ta trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩahiện đại hóa. Bước “Đại nhảy vọt” mà chúng ta từng đề cập đến chính là mang ý tưởng này. Lẽ nào đây là điều không thể thực hiện được? Là sự khoác lác? Không, là điều có thể làmđược. Đó không phải là nói chơi và cũng không phải là khoác lác. Chỉ cần nhìn vào lịch sử của chúng ta là có thể hiểu được. Ngay ở trong nước, không phải chúng ta về căn bản đã đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản hùng mạnh? Không phải chúng ta từ một nền tảng tay trắng qua 15 năm nỗ lực – trên mọi mặt của cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội – cũng đã đạt được trình độ khả quan? Không phải chúng ta cũng đã từng thử nghiệm bom nguyên tử ư? Trong quá khứ, người phương Tây từng gọichúng ta là “người bệnh phương Đông”, nay không phải đã xóa bỏ cái biệt danh này rồi sao? Tại sao giai cấp tư sản phương Tây có thể thực hiện được, giai cấp vô sản phươngĐông không thể làm được? Nhà đại cách mạng Trung Quốc, tiền bối Tôn Trung Sơn của chúng ta đầu thế kỷ này từngnhận định rằng Trung Quốc sẽ cần phải có “Đại nhảy vọt”. Trong vòng vài chục năm, tiên liệu của ông chắc chắn sẽthành hiện thực. Đây là một xu thế tất yếu mà không có thế lực phản động nào có thể ngăn cản được.
“Quan điểm Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông chính là muốn phá vỡ quy luật thông thường, đi theo con đường mới.Năm 1958, “Đại nhảy vọt” 3 năm mở màn đã thất bại, songtới năm 1978, bắt đầu cuộc “Đại nhảy vọt” 30 năm không phải đã thành công sao? Nước Trung Quốc lạc hậu kinh tế muốn tăng tốc đuổi kịp và vượt qua các nước phương Tây pháttriển kinh tế, không thể không có “Đại nhảy vọt”. Những gì Tôn Trung Sơn tiên sinh từng viết trong cuốn “Kiến quốc phương lược”, mà ông đích thân phác thảo kế hoạch dựngnước, chính là kế hoạch và phương lược của “Đại nhảy vọt”.“Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông không chỉ là lần “nhảy vọt” thất bại năm 1958, mà còn là gần 30 năm cầm quyền đặtnền móng và phấn đấu đạt thành tựu. “Đại nhảy vọt” củaMao Trạch Đông và Tôn Trung Sơn tuy do hạn chế về điều kiện khách quan cũng như điều kiện chủ quan vấp phải khó khăn và thất bại, song người đi trước đã đúc rút ra kinhnghiệm truyền lại cho chúng ta di sản quý báu. “Đại nhảy vọt” năm 1958 đã gây khó khăn cho Trung Quốc, song 20 năm sau, bắt đầu từ năm 1978, Trung Quốc lại bắt đầu thựchiện “Đại nhảy vọt”. Sau khi kế thừa và tổng kết nền tảng kinh nghiệm của người đi trước, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện“Đại nhảy vọt” thành công, do ông đã tìm được quy luật “Đại nhảy vọt” xây dựng kinh tế Trung Quốc, tạo ra kỳ tích 30 năm cải cách mở cửa. 30 năm cải cách mở cửa chính là khoảngthời gian “Đại nhảy vọt” thành công 30 năm. Trung Quốc ngày nay – do “Đại nhảy vọt” cải cách mở cửa tạo nên – vẫn cần tiếp tục “nhảy vọt” trên con đường phát triển khoa học kỹ thuật, cần đáp ứng yêu cầu quan điểm phát triển khoa học ,tiến hành “Đại nhảy vọt” về khoa học. Thêm 30 năm “Đại nhảy vọt” khoa học nữa, Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới.

Kỳ sau: Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn, giấu mình chờ thời
.
.
.

No comments: