Saturday, November 20, 2010

GIẤC MỘNG "CỬU TRÙNG ĐÀI" THẾ KỶ 21 (Hồng Hà)

HỒNG HÀ
Tháng Mười Một 21, 2010 • 7:52 sáng

Từ những năm đầu của thế kỷ 21, tất cả các cơ quan ban ngành đoàn thể Hà Nội đã rậm rịch lên kế hoạch cho các dự án kỷ niệm thành phố tròn 1000 tuổi. Đã 10 năm trôi qua, cái ngày đặc biệt ấy cuối cùng cũng đến nhưng điều mỉa mai thay, những chẳng mấy bản kế hoạch được hoàn thành kịp vào đúng ngày đại lễ, đặc biệt là những dự ắn có quy mô lớn.

Trong vở kịch để đời “Vũ Như Tô”, nhà văn dã sử Nguyễn Huy Tưởng đã khắc họa một giấc mộng mang tính chất “căn tính” của dân tộc ta. Dân tộc ta là một dân tộc nhược tiểu nằm ở biên giới phía Nam Đại Trung Hoa. Hàng năm, ta phải triều cống cho thiên tử phương Bắc, cung điện, nhà cửa đều không được phép cao hơn, to hơn các công trình của Trung Nguyên. Do vậy, phàm là người Việt, ai cũng lấy làm uất ức. Trong “Vũ Như Tô”, vua nhà Lê là Tương Dực và kiến trúc sư Vũ Như Tô đều có một tham vọng: xây dựng một công trình kiến trúc vĩ đại hơn bất cứ một tòa lâu đài nào của triều đình phương Bắc, với cái tên thể hiện rõ sự đồ sộ của nó: Cửu Trùng đài.

Cũng với tâm lý trên khi đứng trước ngày đại lễ Nghìn năm Thăng Long, Ban quản lý dự án cũng tiếp tục vẽ ra những “mô hình” mà mới nghe qua ai cũng thấy như thực hiện “nhiệm vụ bất khả thi” vậy!

Có lẽ dự án được triển khai lâu nhất là loạt dự án làm thay đổi cảnh quan thành phố Hà Nội. Thành phố đã từng đưa ra ý tưởng thong dòng sông Tô bằng cách nối con sông huyết mạch đó với Sông Hồng. Theo đề án, hai bên bờ sông, đoạn Cầu Giấy – Cầu Mới được quy hoạch thành hệ thống công viên, vườn hoa; một phần rất nhỏ mặt sông được quy hoạch thành khu dịch vụ văn hoá – du lịch, khu ẩm thực, bãi đỗ xe trên mặt sông.

Hành lang bờ sông sẽ được thiết lập hệ thống cây xanh, chiếu sáng-nhằm chống việc đổ rác thải, tái lấn chiếm như hiện nay.

Bên cạnh các hạng mục chủ yếu, hệ thống thu gom, xử lý nước thải chống ô nhiễm cho dòng sông sẽ được xây dựng mới. Dự án được thực hiện trong khoảng 3 năm – đến 2010 sẽ hoàn thành các hạng mục chủ yếu, cơ bản tạo ra kiến trúc cảnh quan mới cho dòng sông với tổng chi phí đầu tư giai đoạn này khoảng 255 tỷ đồng. Thế nhưng cho đến nay, con sông Tô Lịch mới chỉ được cải tạo một phần không đáng kể, chưa hề được khơi thông và vẫn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Còn quang cảnh  hai bên bờ sông vẫn chỉ là là nhà dân san sát, cái cao cái thấp, cái thò ra cái thụt vào và chất đầy rác rưởi. Sông Tô đã ô nhiễm nhiều chục năm nay, việc chỉ với 3 năm vừa nạo vét lòng sông, vừa quy hoạch cải tạo cảnh quan hai bên bờ thật sự là quá sức với một thành phố đang trong quá trình phát triển với rất nhiều kế hoạch đang chờ được thực hiên như hiện nay.

Dự án tàu điện ngầm xuyên qua lòng thủ đô nghe thực đầy hứa hẹn khi kết thúc những năm cuối cùng của thế kỷ trước. Ai cũng háo hức khi nghĩ đến việc Hà Nội  sẽ thể hiện sự văn minh bằng việc sở hữu một hệ thống tàu điện ngầm trrong nội thành. Đi kèm với việc xây dựng hệ thống này là dự án khôi phục khu phố cổ. Cả hai dự án được thực hiện song song nhằm để kỷ niệm ngày Đại lễ Nghìn năm Thăng Long. Nhưng đến giờ, một đoạn đường ray vẫn chưa thấy tăm hơi nơi nào! Còn khu phố cổ vẫn cái cảnh tầng một là biển hiệu lòe loẹt của một khu thành nấp, tầng hai ghi dấu một Hà Nội cũ kỹ, xộc xệch như bị bỏ quên.

Ba mươi sáu phố phường của dân Kẻ Chợ có niên đại gần ngàn năm giờ chỉ còn là bức tranh nhếch nhác dở Đông dở Tây, nửa cũ nửa mới… Tham vọng khôi phục lại vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội hướng tới dịp sinh nhật nghìn tuổi là việc làm thiết thực và đúng đắn nhưng cũng phải đối mặt với biết bao thử thách. Thử thách lớn nhất là tài chính, cần một nguồn tài chính vô cùng lớn để di dời dân chúng, giải tỏa mặt bằng, sau mới đến lượt xây cất theo bản quy hoạch. Cho đến nay, khu phố cổ vẫn còn nguyên vẻ xộc xệch và chưa một hộ gia đình nào được chuyển đi để thực hiện dự án khôi phục cả, trong khi đó lễ hội đã mất đến hơn 90 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án thuộc hạ tầng cơ sở, Ban quản lý Dự án Ngàn năm Thăng Long không quên các dự án thuộc thượng tầng kiến trúc. Gây rầm rộ nhất phải kể đến các dự án phim lớn. Công chúng Việt Nam, từ những người theo dõi sát sao các phương tiện thong tin đại chúng cho đến những người thờ ơ với đài báo, đều nhận ra một điều rằng: “Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long” sẽ là chủ đề cho rất nhiều những bộ phim hoành tráng trong năm 2010. Để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng ấy, các dự án đã được đệ trình, duyệt lên duyệt xuống và chọn lựa trong nhiều năm.  Sau một loạt những chướng ngại thủ tục rườm rà, phức tạp tới mức nhiều dự án không đủ sức vượt qua, cuối cùng các phim thuộc dự án kỷ niệ nghìn năm Thăng Long cũng được lên danh sách gồm “Thái Tổ Lý Công Uẩn”, “Người con của Rồng”, “Trần Thủ Độ”, “Vó ngựa trời Nam”, “Tây Sơn hào kiệt”, “Hà Thành Cầm giả ca”

Thế nhưng,  khi đếm ngược thời gian, càng gần đến năm 2010, các dự án này cứ mất hút dần, để rồi cuối cùng chỉ còn thấy người ta nhắc đến hai bộ phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn”“Trần Thủ Độ” của Hãng phim truyện Việt Nam. Dự án lớn nhất là “Thái Tổ Lý Công Uẩn” với vốn đầu tư dự kiến lên tới 200 tỉ đồng Việt Nam. Nhưng tiếc thay, cho dù nhiều lần “thay tên đổi họ” để qua mắt các nhà đầu tư, dự kiến vẫn chỉ là dự kiến. Không biết đến bao giờ bộ phim về câu chuyện dời đô cách đây 1000 năm mới được thành phim, nhưng có thể chắc chắn một điều rằng chúng không thể ra mắt khan giả vào năm 2010 được. Bộ phim truyền hình dài tập “Trần Thủ Độ” cũng mang số phận Tương tự. Dự kiến phim sẽ được phát vào đúng dịp kỉ niệm Nghìn năm Thăng Long trên VTV1 giờ vàng, vậy mà nhà đài đành phải lấp sóng bằng một bộ phim khác của tư nhân, nội dung chẳng liên quan gì đến Hà Nội!

Biết bao dự án, cái thì dở dang, cái thì hoàn thành trong tình trạng vá víu, cái thì không biết bao giờ mới bắt đầu… Xem ra “Cửu trùng đài” mãi mãi chỉ là giấc mộng bất thành của dân Việt. Chỉ vì tham vọng “Cửu trùng đài” mà dân chúng nổi loạn vì sưu cao thuế nặng, nộp mạng vào việc phu dịch không biết ngày về… Cuối cùng, tòa “Cửu trùng đài” vĩ đại ấy đành ngậm ngùi cháy thành tro bụi cùng với tâm huyết của người kiến trúc sư tài hoa Vũ Như Tô. Những dự án ngày nay cũng tốn biết bao sức người sức của, nhưng chẳng biết liệu chúng có xứng đáng với tiền của, công sức, máu và nước mắt của dân chúng hay chỉ là miếng mồi ngon cho những kẻ cơ hội “đục nước béo cò” để rồi tất cả cũng tan theo mây khói như tòa “Cửu trùng đài” của Vũ Như Tô.

HỒNG HÀ
© 2010 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC


.
.
.

No comments: