Friday, November 12, 2010

CUỘC HỘI LUẬN CŨNG ĐẠI DIỆN ĐẢNG VIỆT TÂN (3)

Nguyễn Quốc Quân & Đặng Vũ Chấn
Đại diện của Đảng Việt Tân
Thứ Bảy, 13/11/2010

Cuộc hội luận giữa độc giả Dân Luận và đại diện Đảng Việt Tân đã sang vòng thứ hai, và cũng là vòng cuối cùng. Ban Biên Tập Dân Luận chân thành cảm ơn hai ông Nguyễn Quốc Quân và Đặng Vũ Chấn đã tham gia cuộc hội luận lần này, và chúng tôi cũng hi vọng sẽ được gặp lại các ông, cũng như các đảng viên khác của Đảng Việt Tân vào những dịp khác.
--------------------------------------------

Câu trả lời cho 9 câu hỏi vòng hai từ phía Việt Tân sẽ được đăng làm hai kỳ. Câu trả lời cho 10 câu hỏi vòng một có thể được tìm thấy ở phía cuối bài, trong mục "Tin liên quan".
-------------------

Về quá khứ của Việt Tân

Câu hỏi 1: Rất cảm ơn đại diện Đảng Việt Tân đã trả lời hai thắc mắc lớn về quá khứ của Việt Tân, theo cách nhìn của cộng đồng hải ngoại. Chúng tôi muốn đi sâu hơn vào cáo buộc "khủng bố" mà Đảng CSVN dành cho Mặt trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, tức là tiền thân của Đảng Việt Tân.
Xin Đảng Việt Tân cho độc giả Dân Luận biết mục đích chiến dịch Đông Tiến của phó đề đốc Hoàng Cơ Minh. Có phải tiền thân của Đảng Việt Tân chủ trương bạo động để lật đổ Đảng CSVN? Nếu đúng, xin đại diện Đảng Việt Tân chia sẻ với độc giả Dân Luận lý do tại sao có sự chuyển biến trong phương cách đấu tranh của Đảng Việt Tân, từ bạo động sang bất bạo động? Đảng Việt Tân sẽ làm thế nào để thuyết phục độc giả Dân Luận rằng mình sẽ đoạn tuyệt với con đường bạo động trong tương lai?
(ĐVC) Vào thập niên 80 trở về trước, muốn thoát khỏi sự toàn trị tuyệt đối của chế độ CS, người ta chỉ có hai con đường hoặc là trốn chạy, vượt tường, vượt biên, vượt biển hoặc nổi lên lật đổ chế độ. Trong hoàn cảnh bị thống trị và bưng bít thông tin hoàn toàn đó, mới chỉ tìm cách trốn chạy không thôi, chứ chưa nói tới phản kháng, đã bị coi là trọng tội, bị bắn chết (như bao nhiêu người vượt tường Berlin) hay bị bắt tù. Hoàn cảnh đó không thích hợp cho mọi hình thức đấu tranh nào khác ngoài lối đấu tranh cổ điển kháng chiến võ trang. Hình thức đấu tranh bất bạo động đầu tiên tại VN CS là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã chứng tỏ bị dập tắt thẳng tay và chỉ giúp thêm cho chế độ nhận diện được những người có tư tưởng đối kháng để mà tha hồ trù dập mà ít ai biết để la làng cứu trợ. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) ra đời trong bối cảnh trên, với hình ảnh tất nhiên của một lực lượng võ trang quân sự. Nhưng ngay từ thời đó, những người sáng lập MT/VT đã ý thức được rằng nếu chủ yếu là đấu tranh quân sự, thì chỉ đem cái yếu của ta mà chọi lại với sở trường của địch, chắc chắn sẽ thua; nhất là khi mà chế độ VNCH với cả triệu quân cùng sự hỗ trợ quân viện dồi dào từ Mỹ cũng đã không giữ nổi miền nam VN. Cho nên MTQGTNGPVN đã chủ trương tiến hành một cuộc đấu tranh “vận dụng”, vận động và khai dụng sức mạnh của đại khối dân tộc vào một trận thế đấu tranh toàn dân toàn diện bằng mọi phương tiện và hình thức. Trong cuộc đấu tranh vận dụng này, vai trò của lực lượng võ trang kháng chiến cần thiết nhưng không phải chủ yếu để tấn công các cơ sở, định chế, lực lượng của bộ máy thống trị, mà chủ yếu để bảo vệ những thành quả cách mạng, những hành lang giao liên, bảo vệ người dân chống lại áp bức của bạo quyền, đồng thời làm hình ảnh biểu tượng để khích động tinh thần người dân, phá vỡ tinh thần tuyệt vọng rằng một khi CS đã cai trị rồi thì không ai dám hay có thể đứng lên chống cưỡng lại.
Trong thời gian đầu, MT đã chính thức phát động Giai Đoạn Đấu Tranh Đông Tiến từ ngày 1-6-1981 cho đến ngày 26-12-1883. Mục đích của giai đoạn này là để thiết lập được nhịp nối giữa những người từ hải ngoại về và những lực lượng kháng chiến trong nước, khai thông sự liên lạc và chuyển vận tiếp tế từ hải ngoại vào trong nước cũng như đưa đón cán bộ từ trong nước ra huấn luyện và xâm nhập trở lại VN. Giai đoạn Đông Tiến kết thúc với sự ra đời của đài phát thanh kháng chiến vào ngày 27-12-1983, mà qua đó nhiều tổ chức kháng cự lẻ tẻ trong nước đã tự động giải thể để gia nhập MTQGTNGPVN. Sau giai đoạn Đông Tiến đã có nhiều đợt xâm nhập VN khác từ ít đến đông người với mục đích chính là dọn đường cho bộ phận lãnh đạo của MT nhập nội để trực tiếp điều động công cuộc đấu tranh cùng với đồng bào trong nước.
Ở đây cũng cần nói rõ là MT không có những chiến dịch Đông Tiến 1, 2, 3 như thông tin từ phía CSVN để chỉ những đợt xâm nhập lớn của MT. Cho nên những bài viết tấn công chửi bới MT ở hải ngoại trong đó đề cập đến Đông Tiến 1, 2, 3 ra vẻ biết rất rõ từ bên trong của MT, đã chỉ cho thấy các tác giả đã lấy thông tin từ nguồn VC cung cấp.
Trong thời kỳ nói trên đã có những đụng độ quân sự giữa kháng chiến quân và quân đội CSVN. Khi hai bên giao tranh quân sự với nhau thì không thể gọi đó là khủng bố. MT chưa hề một lần giết hại, cướp bóc người dân lành vô tội như CSVN đã và đang khủng bố những tiếng nói đối kháng phản biện trong nước cũng như đánh đập giết oan những dân lành chẳng may bị công an bắt về đồn và chết tại đó. Trong khi vừa nắm quyền bằng gieo rắc sự sợ hãi của người dân đối với bộ máy bạo lực áp chế, vừa lớn tiếng tố cáo VT là khủng bố, Đảng và Nhà Nước CSVN quả đang thể hiện tinh thần suy bụng ta ra bụng người, vừa đánh trống vừa ăn cướp.
Qua thập niên 90, tình hình có những biến chuyển thuận lợi hơn cho cuộc đấu tranh nói chung mặc dù lúc đó vào thời gian cuối 80 đầu 90 là thời gian cực kỳ khó khăn cho riêng MT sau những tổn thất lãnh đạo và áp lực từ phía các đối tác bạn cũng như thù. Thứ nhất là có sự đổi mới nới lỏng hơn bộ máy kềm kẹp để tự cứu chế độ, khiến dân chúng có khoảng giao thương dễ thở hơn. Thứ hai, càng ngày chế độ CS càng mất dần khả năng bưng bít kiểm soát thông tin, nhất là thời đại điện toán mạng toàn cầu, khiến sự liên lạc thông tin trong ngoài và trong nước với nhau càng dễ dàng hơn. Thứ ba là vì nhu cầu sống còn, VN đã phải hội nhập vào thế giới văn minh, nên nhà nước dù muốn dù không cũng phải ít nhất ra vẻ tuân thủ một số quy uớc hành xử văn minh chung, và phải mở cửa đón nhận sự phê phán của công luận quốc tế. Những biến chuyển trên đã tạo ra một môi trường và điều kiện thích hợp, thuận lợi hơn cho phương thức Đấu Tranh Bất Bạo Động (ĐT/BBĐ) nhất là khi mà những cuộc cách mạng nhung tại Đông Âu đã chứng tỏ ĐT/BBĐ là khả thi và đưa đến thành công mà ít đổ vỡ thiệt hại nhất. Cho nên VT đã và đang cổ xúy việc ĐT/BBĐ, và trong ĐT/BBĐ không có chỗ cho lực lượng võ trang, vì nếu VT sử dụng bạo lực võ trang thì mặc nhiên phủ nhận và phá hỏng chính phương thức ĐT/BBĐ của mình.

Về sự kiện bốn thành viên Việt Tân vừa bắt tại Việt Nam

Câu hỏi 2: Nếu không có gì là bí mật hoặc làm ảnh hưởng đến những đảng viên Việt Tân đang bị giam giữ, xin Đảng Việt Tân kể cho độc giả Dân Luận biết các hoạt động của bốn người này tại Việt Nam? Họ có làm gì trái với lương tâm, với đạo đức, hay đi ngược lại các thông lệ và pháp luật quốc tế?
(ĐVC) Ta cứ xem và đọc những gì báo lề phải và công an cho biết cũng như bắt anh Phạm Minh Hoàng đọc trên truyền hình. Lẽ tất nhiên công an phải công bố những “tội trạng nặng nhất” để biện minh cho sự bắt bớ của mình. Những hoạt động bị coi là có tội của đảng viên VT quốc nội Phạm Minh Hoàng là: viết báo, viết blog bình luận về tình hình VN và đề nghị những giải pháp, tổ chức những lớp dạy thanh niên về kỹ năng lãnh đạo, về thói quen suy nghĩ độc lập tự chủ, về tinh thần yêu nước, tham gia hội thảo về Biển Đông, ký tên vào kiến nghị phản đối việc cho Trung Quốc khai thác Bô Xít, họp chi bộ VT tại nhà, qua Mã Lai học về Đấu Tranh Bất Bạo Động để về nước giúp phát triển xã hội dân sự và giúp bà con bị áp bức tranh đấu cho quyền lợi của chính họ một cách hữu hiệu hơn. Còn 3 đảng viên VT kia mà cho đến giờ này CSVN vẫn còn im lặng không xác nhận đã bắt, họ là những dân oan đã từng cùng người đồng nạn đứng lên khiếu kiện đòi công lý và giúp các dân oan ít chữ viết những đơn khiếu kiện, cũng như nhắc nhở đừng quá vọng động để cho công an có lý do đàn áp bằng bạo lực.
Với những hoạt động trên, xin để độc giả tự đánh giá xem họ có làm gì trái với lương tâm, đạo đức, hay đi ngược lại các thông lệ và pháp luật quốc tế không.

Câu hỏi 3: Theo tôi biết, các quý vị đảng viên Việt Tân đã công khai ra mặt như: Đỗ Hoàng Điềm, Hoàng Tứ Duy, Nguyễn Quốc Quân, Đặng Vũ Chấn, Võ Hồng... đều là người Mỹ (Úc) gốc Việt. Đó có thể là lợi thế vì khi bị bắt, tôi thấy trước sau gì ĐCSVN cũng trả tự do, riêng ông Phạm Minh Hoàng có 2 quốc tịch (Việt, Pháp), có phải do vậy ít có hi vọng ĐCSVN trả tự do cho ông Hoàng không? Vì ông Hoàng còn là người Việt nên ĐCSVN còn có "quyền"?
(NQQ) Để bảo vệ chiếc ghế quyền lực toàn trị, thực tế chứng minh rằng mọi cơ chế độc tài đều tìm cách thường xuyên siết chặt “vòng kim cô vâng phục” lên giới bị trị bằng những hành vi trấn áp nặng nề mỗi khi “có thể” hơn là áp dụng cái “quyền” thực sự ghi rõ trong hiến pháp hay luật pháp của chính họ.
Chỉ vì đang có quốc tịch Việt Nam trong giai đoạn này, mà những người Việt dám sống thẳng sống thật đã phải chịu đựng biết bao gian nan cùng cực so với bất cứ người nào có quốc tịch nước ngoài. Tôi đồng cảm với mối quan tâm và buồn phiền của bạn về cách ứng xử khác nhau lạ lùng ấy!
Chắc chắn mang quốc tịch Việt Nam không thể tiếp tục là một tội hiến định và mỗi công dân Việt Nam không thể là một người tù dự khuyết với vòng kim cô sẽ được nối tiếp nhiều thế hệ như thế. Vậy mỗi người có thể làm gì để sớm chấm dứt tình trạng này?
ĐT/BBĐ là cuộc chiến toàn dân toàn diện. Chúng ta đang và sẽ tận dụng mọi phương tiện và ưu điểm tương đối của mỗi vị thế có được trong tay, ngoại trừ các phương tiện bạo lực, để đối đầu với bạo quyền. Trong đó, mỗi phương tiện đều có điểm mạnh và điểm yếu. Để duy trì hiệu năng của một số phương tiện, có lẽ chúng ta sẽ không bàn quá sâu vào các chi tiết.
Riêng về khía cạnh truyền thông, mọi người đều thấy rằng tội ác và xấu xa thường được phát triển nhanh chóng trong bóng tối và dối trá. Do đó, một điều khá hiển nhiên là cần cùng nhau rọi đèn vào bóng tối. Không có ánh đèn nào thừa cả, càng nhiều ánh sáng càng sớm đầy lùi bóng tối. Đem sự thật phơi bày để tiêu diệt gian trá. Vai trò của mỗi chúng ta là tận dụng mọi phương tiện và lợi thế của mình để hỗ trợ lẫn nhau.
Trong quốc nội cũng như hải ngoại, nếu bạn đang là nạn nhân thì hãy mạnh dạn kể rạch ròi cho bạn bè chòm xóm được nghe hay trả lời phỏng vấn báo đài. Về tác dụng của truyền thông đại chúng, người trong nước đã hiểu rõ hơn và bớt e dè rất nhiều so với năm năm trước.
Nếu bạn cùng quan điểm và gần gũi với nạn nhân, xin đừng chùn bước. Nếu là blogger hãy chịu khó đưa tin lên Trang Nhật Ký của mình, lên Paltalk nói cho mọi người nghe, biểu lộ suy tư của mình trên các trang Web, ký kiến nghị, v.v… Đặc biệt nếu các bạn đang sống ở hải ngoại, tận dụng lợi thế quốc tịch nếu có, tận dụng lợi thế thông tin thông thoáng và hoàn cảnh kinh tế không bị o ép, … hãy cố gắng chấp nhận ít/nhiều khó khăn làm tất cà những gì trong tầm tay để giúp thế giới thấy rõ hoàn cảnh thực sự của người dân trong quốc gia mà họ đang giao tiếp. Rời khỏi vị trí khán giả, nhập dòng vào cuộc chạy đua tiếp sức chính là cách hỗ trợ thiết thực nhất.
Đảng Việt Tân đang quảng bá và hành động theo lời kêu gọi “MỘT người vào tù… MƯỜI người tiến lên… TRĂM người bao bọc… NGÀN người lên tiếng… Dân Tộc phải Thắng.” là nhằm trả lời cho những đàn áp tùy tiện hiện nay của nhà nước độc tài.
(còn tiếp)

-----------------------------

Tin liên quan


.
.

No comments: