Friday, November 12, 2010

ẢNH HƯỞNG CỦA LÝ ĐÔNG Á TRONG CUỘC ĐỜI CỦA NGHỆ SĨ THANH HÙNG


(Nhân ngày giỗ 1 năm của nghệ sĩ Thanh Hùng)

Thanh Hùng là một nghệ sĩ tài hoa, là một nhà ngâm thơ lớn. Có thể nói ông là một trong những người ngâm thơ hay nhất của Việt Nam. Ông biết rất nhiều thể loại thơ và các cách ngâm khác nhau. Điều đặc biệt, ông là người thành công nhất trong việc đem thơ của nhà cách mạng Lý Đông A vào tâm hồn người Việt Nam.

Nghệ sĩ Thanh Hùng

Trong suốt cuộc đời của Thanh Hùng, ông là người chịu ảnh hưởng lòng yêu nước nồng nàn và lãng mạn của nhà cách mạng dân tộc trẻ tuổi Lý Đông A. Và nghệ sĩ Thanh Hùng đã  sống và thể hiện lòng yêu nước đó như một người Duy Dân chân chính. 

Mỗi lần nghe Thanh Hùng ngâm những bài thơ như Chính Khí Việt, Lưỡi Gươm Việt hay Đạo Trường Ngâm, người nghe có cảm nhận  như cả hồn sử dân tộc sống dậy trong người.

Ở thời kỳ 1940, tổ quốc đã cho dân tộc Việt 3 thiên tài trẻ tuổi. Ở trong Nam là đức thầy Huỳnh Phú Sổ, người đã khai sáng Phật Giáo Hoà Hảo năm ngài 18 tuối. Ở miền Trung có Trương Tử Anh là người đã khai sinh đảng Đại Việt năm 24 tuối, và ở ngoài Bắc có Lý Đông A, người bắt đầu tập đại thành tư tưởng nhân loại năm 17 tuối và hoàn tất năm 22 tuổi.

Năm 15 tuổi, Lý Đông A theo hầu cụ Phan Bội Châu. Ông hỏi cụ Phan, trước các trào lưu duy tâm và duy vật, Viêt Nam phải theo tư tưởng nào? Cụ Phan trả lời, dân không duy tâm, dân không duy vật, dân chỉ duy dân.

Và từ đó Lý Đông A đã lập thuyết Duy Dân xây dựng cơ sở nền tảng triết học cho cách mạng Việt nam và nhân loại, lấy con người làm tiền đề triết học và cứu cánh của cách mạng.

Năm 1940 khi mới 20 tuổi, Lý Đông A trở thành cố vấn chính trị cho cuộc nổi dậy của Việt Nam Quang Phục Hội dưới sự lãnh đạo của Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm. Nghĩa quân Quang Phục Hội đã chiếm được thị trấn Lạng Sơn. Sau 3 ngày làm chủ tình thế, lực lượng kháng chiến đã bị quân đội Pháp tiêu diệt. Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm bị xử tử. Lý Đông A và các đồng chí khác trốn sang Trung Hoa. Ở đó, ông đã hoàn tất toàn bộ tư tưởng cho cách mạng Việt mà ông gọi là Đại Việt Duy Dân Thảo Án Quốc Sách Toàn Pho. Tài liệu nầy vẫn còn đưọc anh em Duy Dân gìn giữ đến ngày nay.

Đối với Thanh Hùng, Lý Đông A là một vị thánh của dân tộc. Anh kể nhiều giai thoại xung quanh cuộc đời của Lý Đông A. Nhiều gia đình ở ngoài Bắc có người làm tổng đốc, đến đốc học, ông phán, ông thông, thầy ký, khi được gặp Lý Đông A giảng về cuộc cách mạng dân tộc đã tôn ông làm thầy, mặc dù lúc đó ông mới trên dưới 20 tuổi. 

Tư tưởng nhân bản của Lý Đông A ảnh hưởng trên thuyết Nhân Vị của ông Ngô Đình Nhu, tư tưởng dân tộc của Linh Mục Kim Định, trên giới trí thức như Nghiêm Xuân Hồng, Thái Lăng Nghiêm, Vũ Khắc Khoan, trên các vị lãnh đạo Phật Giáo như thầy Thích Quảng Độ, thầy Thích Đức Nhuận và nhiều tầng lớp thanh niên miền Nam sau năm 1954.

Nhưng đặc biệt hơn cả, Thanh Hùng là người có khả năng diễn đạt những bài thơ yêu nước  dạt dào của Lý Đông A. Giọng ngâm hào hùng của ông sắc như lưỡi gươm đã đưa giòng thơ yêu nước của Lý Đông A vào tâm hồn người Việt.

Khi ra hải ngoại, ông đi khắp nơi và thường dùng thơ cách mạng Lý Đông A để nuôi dưỡng lòng yêu nước các anh em trẻ. Thanh Hùng lúc nào cũng sẵn sàng trải lòng yêu nước ra cho anh em.  Ông chiêm nghiệm cái hồn sử, cái siêu nhiên của dân tộc qua những bài thơ yêu nước của Lý Đông A. Với một giọng ngâm thiên phú, ông đã lột hết tinh túy của những giòng thơ cách mạng trong Đạo Trường Ngâm và làm rung động tâm hồn người dân Việt.

Thanh Hùng đã sống và hành xử như là một người Duy Dân. Ông sống một đời sống giản dị và khiêm tốn, để dành cuộc đời cho văn nghệ, đặc biệt là văn nghệ yêu nước. Ông thấm nhuần quan điểm của Lý Đông A về văn nghệ vì Lý Đông A cho rằng văn nghệ chân chính phải phát thệ cái yêu thương của loài người. Và Thanh Hùng chính là ngôn sứ đi rao truyền cái văn nghệ yêu thương đó cho mọi người.

Nhân kỷ niệm 1 năm ngày anh đã ra đi, tôi xin đốt nén hương để tưởng nhớ đến một người anh rất yêu quí.

© Nguyễn Xuân Phước
© Đàn Chim Việt

-----------------------------------------





.
.
.

No comments: