Nguồn: Ann Koh, Bloomberg
18.11.2010
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Tue, 11/23/2010 - 12:18
Các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Đông nam Á, dự định sẽ hoạt động tại Việt Nam và Thái Lan vào năm 2020, có thể sẽ bị chậm trễ ít nhất là tám năm vì thiếu hụt công nhân tay nghề cao và giá sản xuất than đá thấp, công ty Wood Mackenzie cho biết.
Hai quốc gia này sẽ cần thời gian dài hơn để thông qua ngân sách cho các nhà máy điện hạt nhân so với những nhà máy nhiệt điện chạy than, cũng như để thiết lập những biện pháp an toàn, Graham Tyle, người đứng đầu chi nhánh năng lượng khu vực đông nam Á tại Wood Mackenzie, một công ty tư vấn năng lượng có văn phòng tại Edinburgh, Scotland cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Singapore. Những nhà máy đầu tiên này có thể bị dời lại sớm nhất là vào năm 2028, ông nói.
"Những yếu tố chủ chốt cũng bao gồm việc tài trợ cho những dự án này, chúng tôi cho rằng sẽ bị chậm trễ vì chúng sẽ tốn kém hơn nhà máy nhiệt điện chạy than," ông Tyler nói. "Đây không chỉ đơn giản như là xây dựng một trạm sản xuất điện. Bạn cần có những kỹ sư được đào tạo để vận hành, kiểm tra và bảo đảm an toàn."
Đông nam Á đang tìm cách đa dạng hoá nguồn điện năng của mình khi những mỏ khí đốt trong khu vực đang cạn dần và sức tiêu thụ điện tăng. Thái Lan muốn bắt đầu đưa vào hoạt động hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên từ năm 2020 với công suất 1000 megawatt cho mỗi cái, cơ quan năng lượng chính phủ cho biết vào năm ngoái. Việt Nam dự định đưa hai nhà máy ở phía nam vào hoạt động vào năm 2020 và muốn xây thêm 13 nhà máy với công suất 16.000 megawatt vào năm 2030, chính quyền cho biết vào tháng Sáu.
Nhu cầu về điện ở Đông nam Á được dự tính sẽ tăng 6% mỗi năm trong hai thập niên tới, Wood Mackenzie cho biết. Tổng công suất có thể tăng từ 108 gigawatt năm nay đến 308 gigawatt vào năm 2030, ông Tyler nói.
An toàn hạt nhân
Thái Lan, dự định sẽ thành lập một khung qui chế về an toàn hạt nhân trong vòng bốn năm bắt đầu từ năm 2011 nhưng có thể không hoàn tất cho đến 2026, theo dự tính của Wood Mackenzie.
Việt Nam có thể sẽ không có khả năng trả một khoản tiền "phụ trội" như Các Tiểu Vương Quốc Á Rập đang làm để nhập khẩu những công nhân có kinh nghiệm, và cũng chưa thành lập những chương trình đào tạo như Trung Quốc và Nga, ông Tyler nói.
Các Tiểu Vương Quốc Á Rập, với nền kinh tế lớn gấp ba lần Việt Nam trong năm ngoái, đã ký một hợp đồng trị giá 18,6 tỉ Mỹ kim vào tháng Mười hai với Tập đoàn Điện Lực Hàn Quốc để hoàn thành bốn nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020.
"Bạn có thể nhập khẩu người có tài, nhưng bạn phải trả giá cao," ông Tyler nói. "Các Tiểu Vương Quốc Á Rập thì giàu có hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực này, vì thế họ có thể bỏ tiền để mua. Đông nam Á có thể không có khả năng để làm việc này."
Khu vực này sẽ nương tựa vào các nhà máy nhiệt điện chạy than để bắt kịp nhu cầu điện năng một khi các cơ sở hạt nhân vẫn không xây dựng được. Đến năm 2030, có khoảng 35% công suất điện trong khu vực được sản xuất từ than, trong khi điện hạt nhân chỉ chiếm 2%, ông Tyler nói.
.
.
.
No comments:
Post a Comment