Monday, November 1, 2010

CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN CỦA TRUNG QUỐC TRÊN SÔNG MEKONG GÂY RA NHỮNG CÚ SỐC CHO 60 TRIỆU NGƯỜI

Đăng bởi anhbasam1 on 01.11.2010

Các đập thủy điện Trung Quốc trên sông Mekong gây ra những cú sốc cho 60 triệu người
26-10-2010
Yoolim Lee
Bloomberg Markets Magazine

Sông Mekong lấp lánh dưới ánh bình minh khi Somwang Prommin, một ngư dân người chắc nịch mang chiếc áo phông đen cũ và quần sóoc bắt đầu khởi động chiếc tàu của mình. Chiếc tàu nhỏ lướt trên mặt sông yên bình ở quận Chiang Khong đông bắc Thái Lan, Somwang chỉ vào bờ sông gần đó. Cách đây ba ngày, anh nói, mực nước ở đây cao hơn 3 mét.
Mekong, theo tiếng Thái gọi là “Sông Mẹ” đã trở nên thất thường từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đập thủy điện và nổ mìn ở các ghềnh trên thượng nguồn, Somwang, 36 tuổi, người đã câu cá kiếm sống từ khi lên 8, nói.
Trong tháng 8/2008, lũ lụt tàn phá đã làm giảm sản lượng cá đánh bắt cũng như thu nhập của anh, tạp chí Bloomberg Markets đưa tin trong ấn phẩm phát hành tháng 12/2010. Đầu năm nay, anh đã chứng kiến nạn hạn hán khắc nghiệt nhất đời mình.
Hàng chục triệu cư dân đã trải qua chiều hướng thay đổi tương tự dọc theo con sông Mekong dài 4.800km, có dòng chảy qua sáu nước và là con sông dài nhất Đông Nam Á.
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ vào Biển Hoa Nam (Biển Đông).

Sinh kế bị đe dọa
Mekong và các chi lưu cung cấp lương thực, nước và vận chuyển đường thủy cho 60 triệu người dân ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Sinh kế của họ giờ đây bị đe dọa khi các chính phủ tập trung vào các đập thủy điện dọc con sông để phát điện và tạo ra lợi nhuận.
Trung Quốc, nước đói điện nhiên liệu cho quá trình tăng trưởng bùng nổ, đã xây dựng bốn đập thủy điện trên sông Mekong, đang hoàn tất đập đầu tiên trong năm 1993 mà không tham vấn các nước láng giềng ở vùng hạ nguồn.
Khi nước này chuẩn bị vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm nay, Trung Quốc muốn tăng gần như gấp đôi công suất thủy điện lên mức ít nhất 300 gigawat vào năm 2020 bằng việc xây dựng thêm bốn đập thủy điện trên sông Mekong (mà nước này gọi là sông Lan Thương hay Sông Nghịch). Nó sẽ cung cấp cho Trung Quốc 15 gigawat thủy điện.
Các dự án trên sẽ có tác hại rất lớn với Campuchia và Việt Nam, Milton Osborne, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Lowy ở Sydney, một sử gia viết cuốn “Mekong: Qúa khứ bất an, tương lai bất định” (The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future” (Allen & Unwin, 2006), cho biết.

‘Ích kỷ thiếu quan tâm’
“Những gì Trung Quốc đang làm thể hiện sự ích kỷ thiếu quan tâm tới những tác hại nghiêm trọng mà các đập thủy điện của họ sẽ gây ra với các nước hạ nguồn”, Osborne nói.
Ở hạ nguồn, những nước khác đang theo đuổi những mục tiêu của riêng họ. Cộng sản Lào đã đề xuất xây dựng 10 nhà máy thủy điện trên dòng chính của sông Mekong, với mục tiêu sẽ xuất khẩu điện và biến đổi quốc gia này – từ một nước nghèo nhất châu Á với GDP bình quân đầu người 886 USD thành những gì mà chính phủ nước này gọi là “cục pin của Đông Nam Á”.
Campuchia dự kiến xây dựng hai đập gần biên giới với Lào. Tổng cộng, 12 đập thủy điện đã được các nước dọc theo dòng chính Mekong ở phía dưới Trung Qốc lên kế hoạch xây dựng.
Có hơn 130 dự án thủy điện hoặc đang hoạt động hoặc được dự kiến xây dựng trên sông và các chi lưu của nó, theo Uỷ hội sông Mekong – một tổ chức liên chính phủ gọi tắt là MRC.
Cạnh tranh để khai thác – hay bảo tồn – nguồn tài nguyên nước giới hạn, đang tạo ra những căng thẳng giữa Trung Quốc, các nước thuộc MRC và các tổ chức môi trường quốc tế.

‘Thảm họa với nghề cá’
“Các con đập sẽ gây ra thảm hoạ với nghề cá và sinh thái sông Mekong, một nguy cơ mà hàng triệu người dân trong khu vực không thể chịu đựng nổi”, Aviva Imhof, giám đốc chiến dịch của International Rivers, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Berkeley, California về bảo vệ sông và nhân quyền, nói. “Cần ngăn cấm các nhà xây đập tại dòng chính Mekong”.
Cuộc vật lộn phát triển các dòng sông như Mekong diễn ra ở khắp thế giới, những nơi nguồn tài nguyên nước ngày càng trở nên khan hiếm. Năm ngoái, LHQ ước tính, gần nửa dân số thế giới sẽ sống ở những khu vực “căng thẳng về nước” vào năm 2030 do hậu quả của biến đổi khí hậu, dân số gia tăng và nhu cầu ngày một lớn về lương thực, năng lượng, nhiên liệu sinh học.
Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, một nhóm do Chương trình Môi trường LHQ và Tổ chức Khí tượng thế giới đồng thành lập – cho biết, tiểu vùng Mekong là một trong ba khu vực trên hành tinh dễ bị tác động nhất của ảnh hưởng biến đổi khí hậu gồm nước biển dâng, xâm nhập mặn và các cơn bão làm xói mòn bờ biển và hệ sinh thái.

Tiểu vùng Mekong
Việc xây dựng các con đập sẽ làm tồi tệ thêm những hậu quả trên, Dekila Chungyalpa, giám đốc Chương trình Mekong mở rộng của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Washington cho biết.
Việc xây dựng 12 đập thủy điện đã đề xuất trên dòng chính Mekong với tổng công suất lắp đặt 14.697 megawatt sẽ đem lại doanh thu hàng năm vào khoảng 3,7 tỉ USD, theo báo cáo của MRC về tác động môi trường của các đập trên dòng chính tại hạ nguồn Mekong đưa ra trong tháng này. Khoảng 31% số tiền thu được thuộc về các chính phủ Campuchia và Lào.
Tuy nhiên, các đập thuỷ điện sẽ chuyển 55% lượng nước hạ nguồn vào một hồ chứa, khiến nó trở thành một trong hàng loạt bể ngăn nước với dòng chảy chậm. Báo cáo do một hãng tư vấn độc lập tại Australia chuẩn bị, đã khuyến nghị MRC nên hoãn mọi quyết định về việc xây dựng các đập thuỷ điện trong vòng 10 năm.
Các con đập “có khả năng tạo ra những ảnh hưởng xuyên biên giới và căng thẳng quốc tế”, báo cáo cho biết. “Một con đập trên dòng chính hạ nguồn Mekong sẽ khiến sông thay đổi hoàn toàn”.

“Giết chết cây”
“Nó giống như việc cắt ngang một thân cây”, Richard Cronin, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu độc lập tại Washington, nói. “Nó sẽ giết chết cái cây ấy”.
Các quan chức Trung Quốc nói rằng, đập thủy điện sẽ hữu ích cho môi trường, chứ không phải gây bất lợi. Việc xây dựng các con đập “là bước đi quan trọng của chính phủ Trung Quốc để phát triển mạnh mẽ năng lượng sạch và tái sinh, đồng thời đóng góp cho nỗ lực toàn cầu khi ứng phó với biến đổi khí hậu”, Tống Đào, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh của MRC vào tháng 4.
Trung Quốc có mục tiêu sản xuất 15% sản lượng điện của nước này từ các nguồn nhiên liệu phi hoá thạch vào năm 2020, tăng từ mức 8% hiện nay.
Các dự án gây tranh cãi lớn nhất là đập Tiểu Loan 4.200 megawatt ở Trung Quốc, con đập vòm cao nhất thế giới, và đập Xayabouri 1.260 megawatt ở bắc Lào, dự án đầu tiên mà chính phủ Lào đề xuất xây dựng ở khu vực hạ nguồn Mekong.

Các con đập gây tranh cãi
Đập Don Sahong 240 megawatt, ở Thác Khone thuộc phía nam Lào và nằm cách biên giới Campuchia về phía thượng nguồn khoảng 1km, sẽ ngăn chặn tuyến đường di trú quan trọng nhất của cá trong vùng, phá hoại sinh kế dựa vào nghề cá ở khắp lưu vực, các nhà hoạt động môi trường nhấn mạnh.
“Mekong là một hệ thống liên kết rất lớn”, Jeremy Bird, giám đốc điều hành MRC tại Vientiane, thủ đô Lào, cho biết. “Nếu bạn can thiệp ở một khu vực, bạn sẽ thấy những hậu quả ở các khu vực khác”, ông Bird nói. Văn phòng của ông chịu trách nhiệm giám sát sông Mekong.
Trải dài 14km ở điểm rộng nhất, Mekong là nơi ở của hơn 1.200 loài cá khác nhau – đứng thứ hai về đa dạng sinh học chỉ sau Amazon. Trong đó có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá da trơn khổng lồ và cá heo nước ngọt Irrawaddy.
Lưu vực hạ nguồn Mekong là khu vực khai thác cá nội địa lớn nhất thế giới, ước tính chiếm khoảng 20% sản lượng cá nước ngọt của thế giới, đạt giá trị 9,4 tỉ USD/năm, theo Trung tâm Nghề cá Thế giới – một tổ chức nghiên cứu quốc tế phi lợi nhuận tại Malaysia.

Nguồn Protein
Ví dụ, cá từ Tonle Sap, một hồ lớn và chi lưu cũng như từ sông Mekong, cung cấp hơn 70% lượng protein trong bữa ăn của 15 triệu người Campuchia.
Đi ô tô hay thuyền dọc theo dòng Mekong, sẽ thấy cuộc sống hàng ngày gắn bó chặt chẽ thế nào với nhịp điệu tự nhiên của con sông.
Nguồn nước Mekong cung cấp cho mùa màng, đời sống, các hộ gia đình và được sử dụng trong hoạt động giải trí và vận chuyển. Người dân bắt cá bên bờ sông hay trên những con thuyền dài lòng hẹp bằng việc sử dụng lưới thủ công hay bẫy cá làm từ tre; phụ nữ thì rửa bát đĩa, giặt giũ quần áo; trẻ em bơi lội, cười đùa và vui chơi. Họ không sử dụng bất kỳ thứ mồi nào, họ thảnh thơi thả lưới xuống đáy chỉ vài phút trước khi tát cá.
Vào tháng 9 hàng năm ở miền trung nước Lào, một lễ hội đua thuyền rồng kéo dài ba ngày được tổ chức. 20 đàn ông mặc áo màu vàng, cam, đỏ, xanh lá, xanh dương ngồi theo hàng trên 5 chiếc thuyền rồng tham gia cuộc đua.

Bia Lào, snack Tảo
Trong lúc đó, loa phóng thanh ồn ã phát các ca khúc địa phương, trẻ em theo dõi cuộc đua, đàn ông, phụ nữ uống bia Lào và nhai snack làm từ tảo sấy khô.
Cho đến thế kỷ 20, sông Mekong hầu như không thay đổi nhiều kể từ ngày nó được khám phá bởi nhóm thám hiểm Pháp Mekong. Dẫn đầu là Francis Garnier, nhóm thám hiểm đã đi ngược dòng từ Việt Nam tới phía nam tỉnh Vân Nam vào năm 1866 và 1867.
Các kế hoạch phát triển thuỷ điện dọc theo con sông biến động thường xuyên kể từ 1954, sau khi Việt Nam, Lào và Campuchia giành được độc lập từ Pháp.
Vào cuối những năm 1950, LHQ và Cục Khẩn hoang của Mỹ đã tiến hành các nghiên cứu đề xuất xây dựng đập thuỷ điện nhằm kiểm soát lũ lụt, tưới tiêu mùa màng và cải tổ đường thuỷ. Những kế hoạch này không bao giờ được thực hiện vì Mekong đã biến thành khung cảnh của Chiến tranh Việt Nam.

Chương trình Mekong Mở rộng
Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, chính trị hỗn loạn trong khu vực đã ngăn cản việc khởi công bất kỳ một dự án thuỷ điện nào cho tới năm 1992, khi Ngân hàng Phát triển Châu Á đưa ra Chương trình Tiểu vùng Mekong Mở rộng. Được các chính phủ trong khu vực tán thành, chương trình đã đặt ra kế hoạch xây dựng một hệ thống đường sắt, đường bộ và cầu để kết nối hơn 300 triệu người dân sống ở khu vực xung quanh Mekong. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra năm 1997, các kế hoạch này bị dừng lại.
Giờ đây, khu vực này lại đang phát triển nhanh chóng, dẫn đầu là Trung Quốc với mức tăng trưởng đạt 9,1 trong năm 2009 và ước tính đạt 10,5% trong năm nay (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Điều này dẫn tới áp lực ngày một lớn để phát triển tài nguyên thuỷ điện.
“Nước đại diện cho một trong những cơ hội ngoại giao và phát triển lớn nhất trong thời của chúng ta”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói trong một bài phát biểu hồi tháng 3 nhân kỷ niệm Ngày Nước Thế giới. Năm ngoái, bà Clinton đã thiết lập cái gọi là Sáng kiến Hạ nguồn Mekong như một cách để giải quyết các thách thức môi trường khu vực. Chính phủ Mỹ dự định chi 22 triệu USD trong năm nay cho các chương trình môi trường tại Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Khô hạn kỷ lục
Tình trạng khô hạn kỷ lục của năm nay đã làm gia tăng căng thẳng giữa các nước dọc theo dòng sông. Trong tháng 4, thủ tướng các nước thành viên MRC đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.
Quan chức Trung Quốc cũng tham dự hội nghị diễn ra ở thị trấn nghỉ dưỡng Huahin của Thái Lan, đã nói ở hội nghị rằng, Trung Quốc cũng chịu đựng nạn hạn hán.
Hầu hết các sông ở phía nam Trung Quốc bị cạn khoảng 40% mực nước thông thường, và hơn 600 sông khô hạn hoàn toàn, khiến gần 20 triệu người thiếu nước uống, Trần Minh Chung, một quan chức thuộc Bộ Tài nguyên Nước, nói tại hội nghị.
“Là một nước thượng nguồn với tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi không làm gì tổn hại tới lợi ích của các quốc gia ven sông vùng hạ nguồn”, Trần nói. Quan chức Trung Quốc từ chối bình luận về tuyên bố này.
Trung Quốc đã thực hiện các bước thúc đẩy hợp tác giữa họ với MRC trong những năm gần đây, ông Bird nói. Vào đỉnh điểm khô hạn trong tháng 3, lần đầu tiên, Trung Quốc nhất trí cung cấp cho MRC dữ liệu mùa khô về mức nước và lưu lượng nước từ hai đập thuỷ điện của họ. Nước này đã chia sẻ dữ liệu mùa lụt kể từ năm 2002.

Các đập nước Trung Quốc
Trong tháng 6, Trung Quốc, đối tác đối thoại của MRC kể từ 1996, đã mời các quan chức từ bốn quốc gia và Ban Thư ký MRC tới thăm đập Cảnh Hồng và Tiểu Loan ở tỉnh Vân Nam.
Trung Quốc cho hay, các đập này sẽ có lợi vì chúng có thể giữ nước cho mùa khô và kiểm soát lụt trong mùa mưa.
Mekong có ba mùa. Mùa mát, thời điểm hanh khô từ tháng 11 đến tháng 2. Tháng 3 và tháng 4 là những tháng nóng nhất, khi Thái Lan, Lào và Campuchia chào mừng Năm mới.
Sau đó, mùa mưa bắt đầu. Mùa mưa tháng 5 Mekong đầy nước, Tonle Sap (Biển Hồ) của Campuchia mở rộng gấp năm lần diện tích khoảng 2.700 km vuông vào mùa khô. Vào tháng 7, Thác Khone ở phía nam nước Lào, thác nước lớn nhất thế giới, ngập trong lũ, biến dòng nước trong xảnh thành bùn nâu.

Vựa lúa của Việt Nam
Sau tháng 9, nước lũ bắt đầu rút, con sông chảy vào Tiểu vùng Mekong, để Việt Nam có ba vụ lúa một năm.
Giống như dân chài ở phía bắc Thái Lan phải chịu ảnh hưởng của các đập nước thượng nguồn của Trung Quốc, người dân ở phía tỉnh Stung Treng, phía bắc Campuchia cũng đang đối mặt với những hậu quả của việc xây một con đập ở nước láng giềng Việt Nam.
Bu Sonthana, người đánh bắt cá và làm nông ở làng village của Banmai, cho biết, chi lưu địa phương của dòng Mekong bắt đầu thay đổi thất thường trong năm 1996. Kể từ đó, lũ lụt của sông Sesan bắt đầu phá huỷ mùa màng và các khu vườn ven sông, nơi 97 hộ dân trong làng của bà trồng cà chua và thuốc lá trong suốt mùa khô. Bu Sonthana, 59 tuổi nói rằng, chỉ tới năm 2001, làng của bà mới biết Việt Nam đang xây đập trên sông cách đó 80km về phía thượng nguồn.
Sau đó, đập thuỷ điện Thác Yali trị giá 1 tỉ USD đã bắt đầu đi vào vận hành toàn bộ, theo Ian Baird, một phó giáo sư tại Đại học Wisconsin-Madison, người thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động xuyên biên giới ở lưu vực sông Sesan, nói. Dữ liệu MRC cho thấy, mức nước thay đổi mỗi giờ ở sông Sesan vào khoảng 1 mét ở thời điểm tháng 1/2003.

Lũ lụt thất thường
Lũ lụt trong mùa mưa, mà các cộng đồng từ lâu thấy hài hoà, đã trở nên dữ dội và thất thường kể từ khi Việt Nam bắt đầu xây dựng đập, Bu Sonthana nói.
“Đánh bắt cá và làm nông ngày càng trở nên khó khăn”, bà nói khi ngồi trên nền đất phía trước ngôi nhà gỗ cùng với hàng chục thành viên gia đình và hàng xóm. “Trước đây, chúng tôi không để tâm đến lũ lụt vì chúng mang lại cho chúng tôi rất nhiều cá, và chúng tôi biết nước sẽ rút đi tự nhiên. Giờ đây, phải mất rất nhiều ngày hơn nữa để nước có thể rút đi”.
Quan chức Việt Nam không trả lời khi được yêu cầu bình luận về chuyện này.
“Chính phủ nói họ xây dựng đập để giảm bớt đói nghèo”, Baird cho biết. “Nếu bạn hỏi người dân địa phương, họ sẽ không cảm thấy giàu có hơn. Vì vậy, ai sẽ được xoá đói giảm nghèo?”.

Đập Nam Theun 2
Các tổ chức quốc tế như ADB và Ngân hàng Thế giới cho hay, đập thuỷ điện Nam Theun 2 của Lào, đã bắt đầu hoạt động trong tháng 3 là một mô hình cho các dự án có thể xoá đói giảm nghèo như thế nào.
“Đó có lẽ là dự án thuỷ điện được xem xét kỹ lượng nhất từ trước tới nay”, ông Bird nói. “Những bài học rút ra từ dự án Nam Theun 2 sẽ sẽ được kết hợp vào các dự án khác – đó là kiểm tra thực tế vì không nên xem đây là một dự án độc lập”.
Mô hình ấy được thực hiện trong một thời gian dài. Chính phủ Lào lần đầu tiên đưa ra mục tiêu Nam Theun 2 và mời Ngân hàng Thế giới tham gia vào những năm 1980.
Khoảng 27 ngân hàng Thái Lan và phương Tây cũng các tổ chức tín dụng đã cung cấp vốn cho dự án, chi phí 1,3 tỉ USD, nhiều hơn một chút so với ước tính, Ngân hàng Thế giới cho biết. Chính phủ đã thành lập một liên doanh để vận hành đập có tên là Nam Theun 2 Power Co., với các cổ đông bao gồm Electricite de France SA, nắm giữ 35% và Electricity Generating Public Co. của Thái Lan với 25%.
Năm 2003, Tập đoàn EGAT của Thái Lan đã nhất trí mua điện từ nhà máy thuỷ điện 1.070 megawatt.

Thu nhập của chính phủ
Trong tháng 6, chính phủ Lào đã nhận được 600.000 USD, khoản thu nhập đầu tiên từ xuất khẩu điện của con đập này, theo một báo cáo từ Ngân hàng Thế giới. Chính phủ đặt ra mục tiêu đạt doanh thu trung bình 80 triệu USD/năm trong vòng 25 đầu tiên vận hành nhà máy, báo cáo nhấn mạnh.
Khoảng 6.200 người dân đã tái định cư mở đường cho hồ chứa của đập thuỷ điện. Một số người nói, cuộc sống của họ đã được cải thiện. Tại Nong Boua, cách con đập 60 km, 63 hộ dân giờ đây sống trong những căn nhà gỗ xây dựng dọc theo con đường so với những túp lều mà họ sống trước đây ở nơi không có đường giao thông.
“Thật vui là còn có một trường học và trạm y tế”, một người dân tên là Khammai nói. “Nhưng việc tưới đất đã trở nên khó khăn hơn”.
Vùng hạ lưu từ phía đập nước, nơi có khoảng 120.000 người sinh sống, người dân lại nói về một câu chuyện khác biệt. Tại Veun Sananh, ngôi làng của 76 gia đình, một người dân 45 tuổi chỉ nói mang tên Kham cho biết, khoảng 35 người lớn và trẻ em trong làng đã bị phát ban sau khi đánh cá trên sông.
Các quan chức từ Nam Theun 2 Power đã thăm ngôi làng này trong tháng 6 với các loại kem chống dị ứng.

Da phát ban
Ở làng Boeung Xe gần đó, người dân làng 54 tuổi tên Boun cho biết, 13 trong 350 người sống ở làng của ông đã bị dị ứng trong năm nay sau khi tắm trên sông.
Nam Theun 2 Power đã điều tra những than phiền về chứng phát ban và đề nghị các bác sĩ chuyên khoa da liễu cùng những chuyên gia khác giúp đỡ, theo người phát ngôn của công ty, Aiden Glendinning. Có khoảng 4 – 5% dân số của các vùng bị ảnh hưởng từ chứng phát ban trong thời gian cao điểm của tháng 5, và khoảng 20 trường hợp vẫn mắc bệnh vào giữa tháng 10, ông nói.
Công ty cũng đã theo dõi các khiếu nại về việc đánh bắt cá, ông nhấn mạnh. Con đập đã làm tăng dòng chảy của nước trong suốt mùa khô.
“Một số người dân thường có thói quen bắt cá bằng cách lội vào những vùng nước nông trong mùa khô giờ đây sẽ gặp khó khăn hơn”, ông nói. “Những người khác đánh cá bằng thuyền báo rằng, lượng cá đánh bắt đã tăng lên”.

Campuchia
Cách Nam Theun 2 khoảng 700km về phía nam, dòng Mekong chảy tới Phnom Penh trước khi đến Tiểu vùng Mekong và sau đó  đổ vào Biển Hoa Nam (Biển Đông). Một thành phố hối hả với 2 triệu dân cùng nhiều đền đài và các công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc, sinh kế của người dân ở thủ đô của Campuchia cũng phụ thuộc vào con sông.
“Tôi đã mơ hồ nghe thấy về một số con đập, nhưng không ai thực sự nói về nó ở đây”, Pich Pov, 28 tuổi, người điều hành một du thuyền nhỏ và sống ngay trên đó cùng với gia đình, cho biết. “Mekong là mẹ của tôi. Tất cả mọi người tôi biết đều sinh ra trên dòng sông này, sông cung cấp cho chúng tôi thức ăn và nơi nương tựa”.
Nếu Trung Quốc và các nước láng giềng thực hiện mọi kế hoạch xây dựng đập thuỷ điện, Mekong có thể không còn là bà mẹ nuôi dưỡng Pich Pov và hàng hàng triệu người khác, thay vào đó, nó sẽ trở thành một dòng sông nghịch.

Người dịch: Nguyễn Hùng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010
Nguồn: Bloomberg
.
.
.

No comments: