Saturday, November 6, 2010

BIỂN ĐÔNG và AN NINH THẾ GIỚI DƯỚI ÁNH SÁNG THƯỢNG ĐỈNH EAS 5 TẠI HÀ NỘI

Đào Như
Đăng ngày 05/11/2010 lúc 21:30:10 EDT

Hôm nay tại Chicago, thứ sáu 29/10/2010, nhận được tin của Tini Trần, phóng viên AP từ Hà nội: các quốc gia Hiệp Hội Đông Nam Á - ASEAN- cố thuyết phục Hoa kỳ gia nhập tổ chức Thượng đỉnh Đông Nam Á (ĐNA)- East Asia Summit (EAS) - hầu tạo thế lực đối trọng ngăn chận tham vọng của Trung Quốc đang tìm cách bành trướng thế lực trên Biển Đông, Đông hải, Bắc Á hải cũng như biển Hoa Đông gần quần đảo Điếu Ngư/Senseku.

Thật sự, thượng đỉnh EAS được thành lập vào năm 2005 do sự đòi hỏi của tình hình an ninh và phát triển kinh tế khu vực ĐNA và Đông Á Thái Bình Dương. Thoạt tiên, Thượng đỉnh EAS gồm có 16 thành viên: 10 Thành viên của ASEAN và 6 thành viên khác, gồm có 3 thành viên Đông Bắc Á: Trung Quốc, Nhật, Nam Triều Tiên và 3 thành viên Nam Á: Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan. Theo qui định, Thượng đỉnh EAS mỗi năm họp một lần. Thượng đỉnh EAS-1 lần thứ nhất, được tổ chức tại thủ đô Malaysia-Kuala Lampur vào ngày 14-12-2005. Năm nay, Thượng đỉnh EAS-5 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 30/10/2010 và qui tụ đông đủ 18 thành viên với sự hiện diện quan trọng đặc biệt của Tổng Thư Kí Liên Hiệp Quốc (TTK-LHQ), ông Phan Cơ Văn (Ban Ki moon). Điều đó có nghĩa là sáng thứ bảy 30/10 Tổng thống Nga, Dimitri Medvedev có thể gặp gỡ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, tại Thưọng đỉnh EAS-5 tại Hà nội. Mặc dầu theo nguyên tắc Nga và Hoa kỳ phải chờ đến năm 2011 mới được gia nhập tổ chức Thượng đỉnh EAS. Nhưng họ, nhất là Hoa kỳ, được các nước trong Hiệp Hội ĐNÁ yêu cầu tham dự hội nghị sớm hơn.

Cũng như thường lệ, tại Thượng đỉnh EAS-5, sẽ có những cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị, có thể là song phuơng hay đa phương giữa các quốc gia, khi họ cảm thấy có nhu cầu họp riêng với đối tác của họ để giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn với nhau. Thủ Tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, có buổi họp song phương với Thủ Tướng Nhật, Naoto Kan, để tiếp tục giải quyết tranh chấp lãnh hải và các đảo giữa Trung Quốc và Nhật. Sau buổi họp, cả hai vị Thủ Tướng đều tuyên bố buổi họp có tiến bộ đáng kể. Theo Naoto Kan, Thủ Tướng Nhật, thì Thủ Tướng Trung Quốc đã đồng ý gỡ bỏ những rào cản trong việc xuất khẩu Đất hiếm -Rare Earth Metals- sang Nhật. Có điều lạ là cả Trung Quốc và Nhật đều không một lời nói đến về vấn đề lãnh hải và đảo Điếu ngư/Sensaku. Không biết họ đợi đến lúc nào nữa đây? Ngày thứ sáu 29/10 họ cũng gặp nhau tại hội nghị cấp cao ASEAN tại Hànội, nhưng lúc ban đầu không chịu bắt tay nhau, mặc dầu dưới sự điều hợp của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng. Hơn thế nữa, tại Thượng đỉnh EAS-5, Trung Quốc vẫn kiên định lập trường không chấp nhận bất cứ cuộc đàm phán đa phương nào với khối ASEAN. Trung Quốc trước sau như một chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng quốc gia một của ASEAN. Trong lúc đó, các quốc gia ASEAN quyết tâm đoàn kết, đòi hỏi đàm phán đa phương với Trung Quốc. Ngày thứ năm 28/10, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III, tuyên bố: “Tiếng nói của khối ASEAN là một, khi toàn khối ASEAN đàm phán với bất cứ thế lực nào từ bên ngoài - ASEAN should have one voice before we venture (into) talking to other claimants”. Trong khi đó, trong lúc tiếp đón ông Phan Cơ Văn (Ban Ki moon), TTK-LHQ, tại Phnom-Penh ngày 27/10, Thủ tướng Kampuchia, Hun Sen, tuyên bố trong một thông cáo: “Các nước ASEAN không nên hùa theo Nhật và Hoa kỳ để gây áp lực với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông”. Qua thông điệp đầy tính cảnh báo này, chính phủ Kampuchia biểu lộ lập trường và quan điểm của họ hỗ trợ Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông. Điều đó nói lên Trung Quốc đã thành công phần nào trong việc chia rẽ khối ASEAN. Như ai cũng biết, tại Thượng đỉnh an ninh khu vực ARF-17 vào tháng 7 vừa rồi tại Hà nội, Ngoại trưởng Hoa kỳ, bà Hillary Clinton, đã làm các nhà lãnh đạo Bắc kinh phát điên loạn khi bà tuyên bố Hoa kỳ cũng có lợi ích quốc gia của Hoa kỳ tại Biển Đông và Hoa kỳ nhìn Biển Đông như những hải trình tự do và an toàn chung cho cả thể giới và bà cũng hết tiếng kêu gọi hồ sơ Biển Đông phải được giải quyết bằng đàm phán đa phương trong hòa bình, tránh mọi sự xung đột vũ trang. Do đó, lần này dĩ nhiên phải có cuộc gặp gỡ song phương giữa Hoa kỳ và Trung Quốc bên lề Thương đỉnh EAS-5 để cùng nhau làm dịu bớt căng thẳng và giảm nhiệt trong quan hệ Mỹ Trung… Ngoài ra còn nhiều cuộc tiếp xúc song phương khác nữa như giữa Nga và Nhật, giữa Trung Quốc và Nam Hàn, giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Ấn độ và Trung Quốc…

Cùng với mục đích làm giảm độ nóng của Thượng đỉnh EAS-5, một nhà chính trị Trung Quốc, ông Huang Jing, thuộc viện Đại Học Quốc Gia Singapore, tuyên bố: “Nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục giao hảo thân thiện thì cả thế giới cùng hưởng lợi, nhưng nếu có xung đột xảy ra giữa hai nước này thì cả thế giới cùng mất mát. Chính việc quân bình lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra hòa bình cho thế giới ngày hôm nay…”. Nghĩ cho cùng, câu nói này của họ Huang cuối cùng cũng chỉ là tự nâng cấp chỗ đứng của Trung Quốc trên thế giới. Theo họ Huang, như vậy thế giới hôm nay là Thế giới lưỡng cực, đứng trên chóp bu của hai cực là Trung Quốc và Mỹ. Có thật vậy không? Phải cần thêm thời gian tham khảo trước khi trả lời câu hỏi này. Trong thực tế, cả hai phía Mỹ và Trung Quốc, theo ông Kurt Campbell, phụ tá Ngoại giao Mỹ, đều muốn giữ mối “quan hệ xây dựng” trong khung cảnh hiện tại. Vì thế, Ngoại Trưởng Hoa kỳ, bà Clinton, hôm thứ 26-3-10 đã đột xuất thêm vào chuyến công du 2 tuần các nước Á châu của bà, cuộc tiếp xúc với Đái Bĩnh Quốc vào ngày 31-10 tại đảo Hải Nam. Thay vì như bà đã có kế hoạch chỉ gặp họ Đái tại Hà Nội ngày 30/10 bên lề Thượng đỉnh EAS-5. Có lẽ đó cũng là một phương sách của bà Ngoại Trưởng Hoa kỳ trong cố gắng giảm nhiệt thượng đỉnh EAS-5…

Có một điều rất lạ, thật ngạc nhiên và không thể hiểu nổi là tại sao tại EAS-5 Nhật không chịu lên tiếng cảnh báo cho thế giới biết Trung Quốc đang đẩy mạnh tham vọng cưỡng chiếm lãnh hải và hải đảo đến bờ /vực thẳm của đổ vỡ, của bộc phát xung đột vũ trang trên biển. Ngày 23/10/2010, phóng viên của tờ báo HongKong Asia Times, Kosuke Takahashi, trong một bài tường trình dài - China Scholars Enter Okinawa Fray - ông đã tố cáo những học giả Trung Quốc lên tiếng đòi đảo Okinawa của Nhật: “To much of the world, the Japanese Island of Okinawa is synonymous with vast United States Military Bases and the troubled relationship between servicemen and locals who want the Americans out. In recent year, however, the specter of anti Chinese is also in the air…”. Theo họ thì đảo Okinawa nguyên thủy là của Trung Quốc. Đến năm 1879, vì tình trạng suy yếu của Trung Quốc dưới triều đại Mãn Thanh, đảo này bị mất vào tay Nhật.

Trong khi vấn đề biển vả hải đảo Điếu ngư/Sensaku còn đang căng thẳng, chưa giải quyết xong, Trung Quốc liền vung tay đòi hỏi chủ quyền của đảo Okinawa. Hơn thế nữa, ai cũng biết đảo Okinawa đang dưới sự chiếm đóng, gọi là bảo trợ của Hoa kỳ. Việc đòi hỏi chủ quyền đảo Okinawa của Trung Quốc được thế giới coi như một cú đấm cùng một lúc vào mặt Mỹ và Nhật. Quả thật, trong khi Biển Đông chưa giải quyết xong những xung đột với ASEAN, với Việt Nam thì Trung Quốc lại quay sang cào cấu, xách nhiễu, gây sóng gió trên biển Hoa Đông với Nhật. Cả thế giới đang nhọc nhằn, quan ngại trước hội chứng tâm thần – Bipolar Disorder Syndromes – của Trung Quốc… Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương còn nhiều sóng gió vì tham vọng điên cuồng của Trung Quốc.

Địa bàn hoạt động của EAS-5 vì vậy rất rộng. Chủ đề của hội nghị EAS-5 rất đa dạng. EAS-5 phủ bóng trên nhiều vấn đề của thời đại, của khu vực cũng như của thế giới. Những cuộc trao đổi, đàm phán song phương tại EAS-5 vẫn chưa được soi sáng. Bí mật vẫn còn trùm lên EAS-5. Nhưng có một điều chắc chắn do tính cách gai gốc của EAS-5, chính thế EAS-5 đã nâng tầm Hà nội trên chính trường quốc tế và nhất là trong chiến lược trở lại Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Đào Như
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: