Friday, November 12, 2010

THƯ NGỎ GỬI NGHỊ VIÊN MADISON NGUYỄN (Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú 
November 11, 2010 at 21:32

Kết quả bầu cử ngày 2.11 vừa qua cho thấy đa số cư dân Khu vực 7 tiếp tục tín nhiệm Nghị viên Madison Nguyễn trong Hội đồng Thành phố San Jose. Trong bốn năm tới Nghị viên Madison sẽ tiếp tục công việc của mình là giúp phát triển Khu vực 7 nói riêng và cho an sinh của Thành phố San Jose nói chung. Tiếng nói của cử tri đã rõ, mong cộng đồng người Việt cũng bước qua một giai đoạn sinh hoạt mới, bỏ qua những bất đồng quá khứ để cùng nhau góp phần vào việc phát triển chung.
Là một người đã có mặt, đã sinh hoạt và có nhiều gắn bó với cộng đồng người Việt ở đây trong 35 năm qua, thư ngỏ này gửi tới Nghị viên Madison Nguyễn với những đề nghị liên quan đến cộng đồng người Việt để ghi lại dấu ấn lịch sử và những đóng góp của chúng ta cho thành phố này trong hơn ba thập niên qua.

1. Khu phố Little Saigon.

Khu phố Little Saigon, San Jose trên đường
Story Road
được thành phố chấp nhận tạm thời từ tháng 3.2008

Trước năm 2007, là khi dự án đặt tên cho một khu phố Việt được Nghị viên Madison khởi xướng thì đây không phải là lần đầu tiên có một đề nghị như thế tại San Jose. Năm 1994, dưới thời Thị trưởng Susan Hammer đã có kiến nghị từ phiá người Việt lên thành phố yêu cầu đặt tên cho khu phố trên đường Senter, khúc từ Tully Road đến Capitol Expressway, với tên Saigon Town. Nhưng đề nghị đã bị một số cư dân thuộc các sắc tộc khác phản đối và Thị trưởng Hammer sau đó cũng bác bỏ việc đặt tên.
Câu chuyện đặt tên khu phố Việt trong ba năm qua, dưới sự lãnh đạo của Nghị viên Madison Nguyễn, đã tạo nhiều sóng gió trong thành phố và cho cuộc đời chính trị của riêng cô, trước khi Hội đồng Thành phố San Jose có những quyết định tạm thời trong về khu phố mang tên Little Saigon vào tháng 3.2008. Qua sự việc này Nghị viên Madison đã học được nhiều bài học. Nay được cử tri tái tín nhiệm thêm một nhiệm kì, như vậy vị thế chính trị của cô được vững chắc hơn để hoàn tất những gì thành phố đã cố gắng trong việc vinh danh những đóng góp của cư dân gốc Việt, những người trong 35 năm qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của thành phố này.
Đề nghị Nghị viên Madison Nguyễn làm việc với Hội đồng Thành phố để khu vực đã được đề nghị là khu phố Việt tạm thời trong 3 năm qua sẽ chính thức và vĩnh viễn trở thành Little Saigon của San Jose. Kế tiếp là vận động với Bộ Giao thông Tiểu bang (Caltrans) cho đặt những bảng chỉ đường trên xa lộ dẫn vào Little Saigon.

2. Công viên văn hoá Việt.

Vườn Văn hoá Việt được động thổ từ mùa hè 2006 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành

Dự án Vườn Văn hoá Việt được động thổ vào tháng 8.2006 với sự tham dự của hầu như tất cả đại diện chính quyền thành phố và quận hạt, trong đó có tân Nghị viên Madison Nguyễn, cùng vài nghìn đồng hương người Việt. Nhưng đôi tháng trước mảnh đất ấy vẫn trơ trụi những cỏ khô. Hy vọng trong nhiệm kì còn lại của cô, khu vườn sẽ được hoàn tất để làm di sản văn hoá để lại cho con cháu chúng ta.

3. Bảo tàng viện Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hoà.
Tại nhiều thành phố, quận hạt có đông người Việt sinh sống như ở Quận Cam, ở Houston đã có những tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ hay tượng đài người vượt biển để nói lên dòng lịch sử của người Việt Nam đến Mỹ định cư sau khi cộng sản chiếm miền Nam vào tháng 4 năm 1975. San Jose hiện chưa có tượng đài, nhưng có một bảo tàng viện nhỏ mà Nghị viên Madison Nguyễn cũng đã có dịp đến tham quan.
Dù công trình này là nỗ lực của ông Vũ Văn Lộc và cơ quan IRCC cùng một số cá nhân đóng góp, nhưng để bảo tàng viện được tồn tại lâu dài cũng cần sự yểm trợ của thành phố. Cơ quan IRCC là một tổ chức giúp định cư người tị nạn và di dân Việt Nam lâu đời nhất trong sinh hoạt của cộng đồng và của thành phố. Những nỗ lực của cơ quan này để phản ánh lịch sử cộng đồng người Việt ở đây rất đáng được trân trọng và gìn giữ.
Trong bảo tàng viện đã có những hình tượng, di vật về người chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà, từ thời chiến tranh, những năm tháng tù cải tạo, đến hành trình và con đường hội nhập của người Việt vào đời sống Mỹ. Trong khuôn viên bảo tàng viện đã có con tàu vượt biển. Đề nghị xây dựng tượng đài tưởng niệm người vượt biển cũng tại khu vực này để ghi dấu bước chân lịch sử của người Việt tại Hoa Kỳ.

Bảo Tàng viện Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hoà trong công viên Kelly Park

Chính quyền Hà Nội đã muốn xoá bỏ dấu tích của người vượt biển tại các nước Đông Nam Á, như họ đã tạo áp lực với chính quyền Indonesia, Malaysia để đục bỏ những tấm bia tưởng niệm người vượt biển đã chết trên đường đi tìm tự do. Nhưng họ không thể làm như thế với các nước tự do đã nhận cho người tị nạn định cư như Hoa Kỳ, Úc, Canada và các nước tây Âu.

Nghị viên Madison Nguyễn và gia đình cũng là những người vượt biển đến Mỹ định cư, góp phần vào việc hình thành cộng đồng người Việt và làm nên lịch sử ở đây. Vì thế lịch sử của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ phải được ghi lại, chứ không thể xoá bỏ, trước khi sang một trang mới với quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày một phát triển, nhất là về thương mại.

(ảnh trong bài của tác giả)
© 2010 Buivanphu
.
.
.

No comments: