Friday, August 14, 2009

TRẬN CHIẾN MẬU DỊCH MỸ - HOA



Phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa
Thực hiện: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Thursday, August 13, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=99639&z=196
Trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa: Mỹ thắng một keo - Ta cần noi theo?
Hôm Thứ Tư, 12 Tháng Tám, một hội đồng của Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO) ra phán quyết rằng luật lệ của Trung Quốc về nhập cảng và phân phối các sản phẩm giải trí như sách báo phim ảnh vi phạm các quy định mậu dịch quốc tế, nên cần xét lại. Phán quyết này, có lợi cho Hoa Kỳ, và mặc dầu phía Trung Quốc vẫn còn cơ hội kháng cáo, đã đặt ra câu hỏi tương tự cho trường hợp Việt Nam. Hiện nay, các sản phẩm trí tuệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn là “giao lưu một chiều,” trong đó Mỹ thì mở cửa, Việt Nam thì vẫn đóng. Ðể tìm hiểu thêm về vấn đề này, biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái của Người Việt hỏi ý kiến chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Xin được đăng nguyên văn.


ÐQAThái: Ðể độc giả hiểu thêm vấn đề, xin ông tóm lược bối cảnh dẫn đến phán quyết của WTO liên quan đến sản phẩm trí tuệ của Mỹ nhập vào thị trường Trung Quốc.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ðây là trận đánh kéo dài hơn hai năm, nay mới có kết quả tương đối thuận lợi hơn cho phía Hoa Kỳ sau ba đợt tấn công.
Ðầu tiên, Tháng Tư năm 2007, chính quyền George W. Bush mở trận đánh khi viện dẫn các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO để đòi tham khảo ý kiến chính phủ Trung Quốc về những biện pháp hạn chế cả quyền lợi lẫn việc phân phối các sản phẩm giải trí của Mỹ trên thị trường Hoa lục. Hai tuần sau, Liên Hiệp Âu Châu cũng xin tham dự vào việc thảo luận này với Trung Quốc và được đồng ý. Qua Tháng Sáu, hai ngày tham khảo giữa đôi bên vẫn không khai thông được vấn đề. Ngày 10 Tháng Bảy, Hoa Kỳ yêu cầu lại đợt tham khảo bổ túc và 10 ngày sau, Liên hiệp Âu Châu cũng xin tham dự. Kết quả thảo luận bổ túc ấy vào cuối Tháng Bảy vẫn không đi tới đâu.
Vì vậy, đến Tháng Mười năm ngoái, Hoa Kỳ yêu cầu Ủy Ban Hòa Giải của WTO trực tiếp giải quyết bằng cách lập ra một hội đồng thẩm xét lời khiếu nại của Mỹ theo những điều kiện nhất định. Ðấy là đợt tấn công thứ ba. Một số quốc gia đệ tam khác, như Âu Châu, Nhật, Hàn Quốc, Ðài Loan v.v... có quyền theo dõi việc thẩm xét. Và hội đồng này đã gặp ngần ấy phe liên hệ vào Tháng Bảy rồi Tháng Chín năm ngoái, trước khi ra phán quyết tạm thời được thông báo cho Hoa Kỳ và Trung Quốc vào tháng Tư vừa qua.
Hôm 12 vừa rồi, hội đồng ra chung quyết, theo đó, Hoa Kỳ có lý trong một số khiếu nại về các sản phẩm và dịch vụ thuộc loại ấn loát lẫn điện tử, như sách báo tạp chí; về các sản phẩm thính thị - vừa nghe vừa xem - để giải trí tại gia như băng nhạc, băng hình; và về phim ảnh trình chiếu ngoài rạp. Còn chuyện khiếu nại về các hình phạt ăn cắp tác quyền quá nhẹ trên thị trường Hoa lục thì kết quả chưa thỏa mãn phía Hoa Kỳ.
Vắn tắt thì Mỹ có thắng mà chưa dứt điểm và phía Trung Quốc vẫn có quyền kháng án. Và dù Bắc Kinh có thua thì việc chấp hành quy định mới của WTO vẫn là bài toán nan giải cho Mỹ trong một xã hội thực sự chưa biết và chưa cần thượng tôn luật pháp như Trung Quốc.

ÐQAThái: Với phán quyết này của WTO, phải chăng Washington đã lấn một bước sang sân chơi Bắc Kinh về phương diện trao đổi mậu dịch giữa đôi bên?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ mất hơn hai năm để khiếu nại nhờ sức đẩy bền bỉ và rất mạnh của các doanh nghiệp về giải trí của Mỹ khi quyền lợi bị thiệt hại vì chánh sách hạn chế cạnh tranh và bảo hộ mậu dịch của Trung Quốc. Với phán quyết của WTO, Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Mỹ sẽ có thế mạnh hơn để đẩy tiếp cho tới khi Trung Quốc thực sự tuân thủ nguyên tắc tự do và cạnh tranh bình đẳng của kinh tế thị trường và tới khi xã hội xứ này phải thay đổi. Mà thị trường văn hóa phẩm cũng là nơi có thể đưa tới nhiều thay đổi về nhận thức của dân chúng Hoa lục.
Nhìn ra ngoài, Hoa Kỳ và Trung Quốc có cả chục mâu thuẫn về quyền lợi và việc đấu tranh hay vận động luật lệ là chuyện trường kỳ vì Trung Quốc đạt xuất siêu rất cao khi mua bán với Mỹ, trong khi vẫn cố bảo vệ thị trường Hoa lục và cản trở doanh nghiệp nước ngoài.

ÐQAThái: Việt Nam đã gia nhập WTO năm 2004. Trước đó, năm 1997, vào những phút chót trước khi Hoa Kỳ ký Hiệp Ðịnh Thương Mại song phương với Việt Nam, Washington đã nhượng bộ yêu sách của Hà Nội trong điều khoản các sản phẩm trí tuệ chỉ giao lưu một chiều từ phía Việt Nam vào Mỹ chứ không có chiều ngược lại. Tại sao vậy, theo nhận định của ông?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta là nạn nhân vì cái bệnh “mót” thành quả biểu kiến của chính quyền Bill Clinton. Cũng chính quyền này đã mở cửa cho Trung Quốc vào WTO với một số hứa hẹn để trấn an Quốc Hội và doanh nghiệp Mỹ vào năm 2001 mà chưa có kết quả.
Thời ấy, có thể là Clinton đã cho đại diện Thương Mại Mỹ là bà Charlene Barshefsky chấp nhận một số đề nghị “láu cá” của Hà Nội trong một lá thư đính kèm hiệp định là hạn chế việc doanh nghiệp Mỹ đầu tư và phân phối sản phẩm trong lãnh vực văn hóa. Nghĩa là cho Hà Nội mở cửa một chiều. Tôi thiển nghĩ, ngoài lý do đánh giá thấp mối lợi đầu tư trong ngành đó, ông Clinton đã chống chiến tranh Việt Nam từ khi còn trẻ nên muốn sớm lật qua một trang sử mới khi hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Hà Nội trước khi chấm dứt nhiệm kỳ hai. Vì vậy mới tha Hà Nội trong chuyện thật ra là rất quan trọng. Dù rất giỏi tính chuyện lời lỗ, nước Mỹ vẫn thường đánh giá sai yếu tố văn hóa trong quan hệ giữa các nước.

ÐQAThái: Liệu có thể xem phán quyết của WTO hôm Thứ Tư vừa qua với Trung Quốc là cái đà để WTO áp dụng một phán quyết tương tự đối với Việt Nam?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vấn đề tùy mức độ quan tâm của chính quyền Mỹ, gồm có Hành Pháp và đại sứ Thương Mại, và gồm cả Quốc Hội, để có thể lên tiếng.
Ở đằng sau phải là sức đẩy của thị trường là doanh nghiệp, của dân Mỹ và cả cộng đồng ta khi yêu cầu Quốc Hội - tức là giới dân cử địa phương - phải quan tâm đến việc này. Lý do thứ nhất là quy định của Hiệp Ðịnh Thương Mại song phương Mỹ-Việt không có tính chất vĩnh viễn mà còn có thể định kỳ duyệt xét lại, và thứ hai là vì quy định của WTO. Trong hướng đó, nên tìm hiểu kỹ về cơ sở luật lệ để vận động chính quyền đặt lại vấn đề. Ngoài Hoa Kỳ, còn nhiều quốc gia hay chính quyền khác mà cộng đồng người Việt nơi đó có thể vận động được, trên cơ sở kinh tế và luật pháp, chứ đừng nói gì đến dân chủ hay dân trí là chuyện thiên hạ nhiều khi chẳng quan tâm!
Hãy lấy một thí dụ: nếu trên các chuyến bay quốc tế ra vào Việt Nam mà hành khách có thể đọc và đem về sách báo hay tài liệu phim ảnh do doanh nghiệp Mỹ gốc Việt sản xuất ở ngoài này thì tình hình có khi sẽ vui hơn nhiều! Nếu không, chỉ có doanh nghiệp - tất nhiên là của tay chân nhà nước tại Việt Nam - bắt hết quảng cáo trên các chuyến bay đó và tung tài liệu tuyên truyền rất mỹ miều ra ngoài này!
Về dài thì phải nghĩ đến việc cùng doanh nghiệp Mỹ trở về đầu tư vào văn hóa, báo chí hay nghệ thuật, cho thị trường và chính trường tại Việt Nam được thông thoáng hơn. Miễn là đừng chửi nhau là “giao lưu với Việt Cộng” vì hiện nay thì vẫn chỉ là giao lưu một chiều - nên mới có hiện tượng chửi nhau quá nhiều ở ngoài này!

TIN LIÊN QUAN :

Mỹ thắng kiện Trung Quốc về DVD (BBC)

Sản phẩm nghệ thuật : Trung Quốc kháng nghị quyết định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (RFI)



No comments: