Monday, August 24, 2009

SẢN XUẤT PHIM "THÚ TỘI" : KINH NGHIỆM IRAN


Sản xuất phim “thú tội”: Kinh nghiệm Iran
Hiền Minh
25/08/2009 1:39 sáng
http://www.talawas.org/?p=9360
Nhìn theo góc độ luật pháp phương Tây hiện đại, sự thú tội của phạm nhân, và được bố cáo rộng rãi cho quần chúng, trước khi có phiên tòa diễn ra, là không có giá trị pháp lý. Ngay cả luật pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong cố gắng “hòa nhập”, cũng công nhận nguyên tắc về quyền được coi là vô tội khi chưa bị tòa án buộc tội. Nhưng cứ quan sát các tranh luận từ các vụ “thú tội” gần đây, trên các forum và trang mạng trong đó talawas, thấy rõ là các vụ “đấu tố trên truyền hình” vẫn có tác động tâm lý mạnh mẽ tới mức nào. Vì thế, phương pháp này vẫn còn được nhiều chính phủ sử dụng, không chỉ riêng Việt Nam.

Điều này có lịch sử lâu đời của nó. Ngay ở châu Âu thời tiền hiện đại, những vụ thú tội công khai được xem là dấu hiệu chân thực của tội lỗi, ăn năn và cố gắng xin cứu rỗi. Các vụ xử phù thủy thế kỷ 16-17 đòi hỏi phải có lời thú tội – thường có được sau các thủ thuật tra khảo tàn nhẫn. Như lời của hai sử gia khi viết về các vụ săn phù thủy ở Âu châu, “công lý đòi hỏi chỉ khi nào đã bị buộc tội bởi chính lời thú nhận của mình, thì các phù thủy mới có thể bị tử hình”
[i]. Logic này lại được kéo sang thế kỷ 20, tại các nước cộng sản. Nikolai Bukharin – người bị Stalin thanh trừng và xử bắn năm 1938 – nói trong bài phát biểu cuối cùng trước tòa: “Sự tự thú của bị cáo là nguyên tắc pháp luật của thời Trung cổ.”

Sang đến 20 năm cuối của thế kỷ 20, một nước phi cộng sản nhưng cũng được thống trị bằng một ý thức hệ độc đoán, Iran, có thể lại là quốc gia áp dụng nhiều nhất và hoàn hảo nhất việc kết án bằng những lời nhận tội, được quay thành video. Nền Cộng hòa Hồi giáo, được Ayatollah Ruhollah Khomeini thành lập sau cuộc cách mạng, đã vượt mặt cả Stalin và Mao trong việc dùng video và truyền hình để công bố lời thú tội của những kẻ “phản loạn”.

Trong tác phẩm phân tích “những lời thú tội bị tra khảo”, sử gia chuyên về Iran, Ervand Abrahamian, nhận xét:
“Mặc dù các xã hội khác, như Hoa Kỳ giai đoạn chủ nghĩa McCarthy, cũng quan tâm các vụ nhận tội công khai, nhưng không xã hội nào vượt mặt Iran, Nga thời Stalin, Trung Quốc thời Mao, và châu Âu thời đầu hiện đại trong việc sử dụng một cách hệ thống.”
[ii]

Như Abrahamian giải thích, những lời thú tội và xin tha thứ sẽ có hiệu quả nhất khi quần chúng chia sẻ hai tâm trạng. Thứ nhất, họ cảm thấy Tổ quốc đang bị thế lực bên ngoài đe dọa, cấu kết với kẻ thù ngay trong nước. Thứ hai, quần chúng phải không biết gì về sự chuẩn bị công phu trước khi sô diễn ra mắt. Họ xem lời nhận tội gắn với sự thật và đạo đức – chứ không phải với đe dọa hay tra tấn. Vì thế, những lời thú tội phải thật trơn tru, mạch lạc, nhấn mạnh sự tự nguyện và bộc lộ mưu đồ phá hoại của thù trong giặc ngoài.
Cuốn sách của Abrahamian mô tả lại thời kỳ “khủng bố” thập niên 1980, khi Cộng hòa Hồi giáo Iran vừa phải đối phó với “Đại Quỷ Hoa Kỳ”, “Tiểu Quỷ Anh” và “Quỷ Nga”, lại vừa phải dẹp yên các nhóm đối lập trong nước, đặc biệt là phe cộng sản. Đây cũng là lúc mà các video nhận tội được sử dụng triệt để.
Phần mô tả dưới đây dựa vào tài liệu của Ervand Abrahamian.

Thủ tục
Sau phần thẩm vấn sơ bộ (mà đôi khi được bỏ qua), tù nhân được dẫn vào phòng hỏi cung chính, nơi sẽ tiến hành quay video. Câu hỏi chủ chốt, được lặp đi lặp lại từ đầu cũng như về sau, là: “Anh/chị có đồng ý trả lời phỏng vấn [mosahebeh] hay không?” Một người tù kể lại lúc gặp mặt, người hỏi cung gạt hồ sơ của anh ta sang bên, chỉ hỏi: “Anh có đồng ý phỏng vấn không?”
[iii]
Để tù nhân khuất phục, tra tấn thường được sử dụng. Có thể là đánh bằng roi, không cho ngủ, treo lên trần nhà, bẻ tay, nhấn nước… Có người bị buộc phải chứng kiến – hoặc thậm chí trực tiếp tham gia vào – các buổi hành quyết. Có người bị bịt mắt, ngồi im trong phòng biệt giam suốt 17 giờ liền, chỉ có hai lần được nghỉ – mỗi lần 15 phút – để ăn và đi vệ sinh. Những trò này có thể kéo dài vài tháng, cho tới khi người tù đồng ý “trả lời phỏng vấn”. Abbas Amir-Entezam (1933-), cựu phó Thủ tướng trong chính phủ đầu tiên của Iran sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979, bị kết án chung thân năm 1981 với tội danh làm gián điệp cho Mỹ. Trong các lá thư được tuồn ra ngoài năm 1994-95, ông thề rằng trong 16 năm ngồi tù, ông tận mắt chứng kiến “hàng trăm” người chết hoặc phát điên. Ông kể: “Suốt nhiều tháng, tù nhân bị cho vào các quan tài kích cỡ 50×80x140 cm. Năm 1984, 30 người nằm trong các quan tài như thế. Một số kẻ phát điên.”

Cuộc phỏng vấn, khi đã diễn ra, trở thành sự mặc cả. Kẻ hỏi cung hiểu rằng lời khai phải đáng tin thì mới thuyết phục: những tội danh phóng đại và thứ ngôn ngữ “nhét vào mồm kẻ khác” sẽ khiến sự “ăn năn hối cải” trở thành vô dụng. Mỗi bản khai lại phải được “đo ni đóng giày”. Vì thế, an ninh đồng ý để các nạn nhân tự viết lời khai. Về phần mình, tù nhân hiểu rằng nếu họ tự nhận những tội danh nghiêm trọng, họ có thể lên đoạn đầu đài. Nếu “ăn năn” quá đỗi, họ sẽ mất hết uy tín và tương lai chính trị.

Khi đã thương lượng xong, an ninh cung cấp cho người tù phần mào đầu và kết luận soạn sẵn nhưng để trống phần giữa. Đây là dịp để các nạn nhân có thể suy nghĩ mình sẽ viết gì để không tự sát về mặt chính trị. Một số người, nếu đủ khôn ngoan và tỉnh táo, sẽ viết những lời ăn năn chung chung mà không cụ thể.
Trong phần mào đầu, nạn nhân ca ngợi Khomeini là Bậc Lãnh tụ Tối cao, Nhà Lãnh đạo Vĩ đại của Cách mạng, Người Sáng lập Nền Cộng hòa. Nó cũng nhấn mạnh những lời họ viết hoàn toàn tự nguyện.
Phần kết luận cảm ơn các giám thị trại giam đã cho người tù cơ hội học hỏi, tranh luận tư tưởng để nhìn ra đường sáng. Người tù xin cho có cơ hội để phụng sự Cuộc Cách mạng Hồi giáo và nhân dân Iran. Họ hy vọng khi đã ăn năn hối cải, họ sẽ tìm thấy sự tha thứ, cứu rỗi và được cộng đồng chấp nhận hòa nhập trở lại. Nhưng nếu Bậc Lãnh tụ Tối cao không tha thứ, điều đó cũng dễ hiểu vì tội của họ quá nặng nề.
Nếu phần đầu và kết là ngôn ngữ tuyên truyền tích cực cho chính thể, trọng tâm chính của lời khai chứa đầy những lời lên án phe đối lập nói chung và tổ chức của kẻ sám hối nói riêng. Ở phần này, mỗi người một vẻ. Ngôn ngữ của kẻ bảo hoàng sẽ khác một nhà tranh đấu sinh viên. Lời khai của một chiến sĩ Hồi giáo Mojahedin phải khác lời của một kẻ Marxist, hay người của Đảng Cộng sản Tudeh.
Các “sô diễn” được quay trong nhà tù lớn nhất và khét tiếng nhất của Iran, trại Evin. Không chỉ có kiểu quay thông thường (một tù nhân trước camera), chính thể còn tổ chức các mizegerds (thảo luận bàn tròn), goftogus (đối thoại) và monazerehs (tranh luận). Ở các buổi “thảo luận”, khán giả cũng chính là các đồng phạm trong trại. Một giám thị làm người dẫn chương trình, giới thiệu các vị “khách đại diện cho các nhóm phản cách mạng”. Các vị “khách” tới đây hoàn toàn tự nguyện, sẽ trình bày tội trạng của họ và trả lời câu hỏi từ khán giả. Những “sô diễn” như thế được phát trong chương trình hai giờ mỗi tuần vào giờ cao điểm truyền hình đầu thập niên 1980. Chúng cũng được phát qua radio, và nội dung lại được phổ biến rộng rãi cho báo in.

Người cộng sản thú tội
Một “vở tuồng” điển hình do chính thể dàn dựng là sự kiện hai lãnh đạo cộng sản được đưa lên truyền hình đúng ngày Quốc tế Lao động năm 1983.
Đảng Cộng sản Iran, Đảng Tudeh, thành lập năm 1941 và đã bị chế độ quân chủ Iran đàn áp ngay từ thập niên 1950. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, Đảng Tudeh và các nhóm cánh tả, lần đầu tiên sau hàng chục năm, được cho phép tham gia bầu cử. Nhưng mâu thuẫn nhanh chóng bùng nổ. Đầu năm 1983, chính quyền bắt khoảng 200 đảng viên cộng sản. Trong số này có Noureddin Kianouri, chủ tịch Đảng, và Mahmud Behazin, chủ tịch Hội Nhà văn Iran. Hai tháng sau, đúng ngày 01/05, chính quyền đưa hai nhân vật này lên truyền hình để thú tội. Các sô diễn tương tự với những đảng viên cộng sản còn lại sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 1984, khi người đồng sáng lập Đảng, Ehsan Tabari, cũng lên truyền hình sỉ vả cả đoạn đời 50 năm của ông này đi theo chủ nghĩa Marx
[iv].

Vụ thú tội của các đảng viên Tudeh được chính quyền làm rầm rĩ hơn tất cả các vụ bắt đối lập khác. Lý do dễ hiểu là vị Lãnh tụ Tối cao xem chủ nghĩa cộng sản là đối thủ ý thức hệ chính của Hồi giáo. Khác với chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa bảo hoàng, chủ nghĩa cộng sản vẽ ra được một tương lai lý tưởng, và lý giải cả quá khứ lẫn hiện tại một cách đầy “khoa học”. Thật là một sự kiện lớn khi các lãnh đạo của Đảng sẵn sàng thú tội thay vì hy sinh như những nhà cách mạng chân chính!

Behazin, chủ tịch Hội Nhà văn và là người từng dịch tác phẩm của văn hào Sô-viết Sholokhov, mở đầu phần nhận tội. Ông nói trong suốt quá trình lịch sử, ngay từ Cuộc Cách mạng Hiến pháp 1905, người cộng sản đã phản bội nhân dân Iran. Ông nói chủ nghĩa Marx không có tương lai ở Iran vì nó chỉ đem lại khẩu hiệu sáo rỗng và vì “Hồi giáo, với chính sách “Không Đông cũng chẳng Tây”, có thể bảo vệ Iran trước chủ nghĩa đế quốc”

Chủ tịch Kianouri tiếp lời, rằng phong trào cộng sản mắc bốn thứ bệnh: phụ thuộc, ý thức hệ nước ngoài, tự thần thánh hóa, và không hiểu gì về Iran. Về tội thứ nhất, ông nhận “chúng tôi là đầy tớ chứ không phải là đồng chí của Đảng Cộng sản Liên Xô”. Tội thứ hai khiến Đảng “tìm cách giải quyết các vấn để của Iran bằng chủ nghĩa Marx – một ý thức hệ không phù hợp”. Tội thứ ba khiến Đảng đấu đá nội bộ triền miên: “Lãnh đạo Đảng chúng tôi, giống như phần còn lại của giới trí thức Iran, bị sa đọa vì cái Tôi và sự ích kỷ”. Căn bệnh thứ tư khiến các đảng viên “biết về châu Âu nhiều hơn Iran. Chúng tôi không biết công nhân và nông dân nước ta nghĩ gì vì chúng tôi không thèm nghiên cứu lịch sử của chính mình”. Kianouri chế giễu tin đồn “của các viên chức nước ngoài” rằng ông đã bị đánh thuốc. “Tôi muốn cảm ơn nhà chức trách vì sự đối xử nhân đạo.” Cho dù trong cả buổi phát hình, tay của Kianouri đặt dưới bàn: ông bị đánh gãy tay trong thời gian chuẩn bị “vở tuồng”.

Không lâu sau buổi phát hình, chính quyền cấm Đảng Tudeh hoạt động vì “làm gián điệp cho nước ngoài” và “tàng trữ vũ khí để lật đổ Nền Cộng hòa Hồi giáo”. Và liên tục từ tháng Năm tới tháng Chín 1983, tám ủy viên trung ương khác của Đảng Tudeh lần lượt lên truyền hình, nhận rằng mình đã “phản quốc”. Các màn diễn solo này được nối tiếp bằng cuộc “thảo luận bàn tròn” của 17 lãnh đạo Đảng, được phát trên truyền hình thành ba phần, mỗi phần kéo dài 90 phút.

Cũng vẫn được quay trong nhà tù Evin, bộ phim chiếu cảnh những người này ngồi dưới các biểu ngữ “Đả đảo Liên Xô”, “Đả đảo Mỹ”… Trước mặt họ là microphone và ly nước, giống như đang ở trong một cuộc họp báo. Trong số 17 người này, có bảy người đã lên tivi trước đó, gồm cả Chủ tịch Đảng Kianouri. 10 người còn lại cũng ở cấp ủy viên Trung ương Đảng.

Dẫn chương trình lần này là đảng viên cộng sản Amoui, nổi tiếng vì từng ngồi tù 24 năm. Ông xin tha thứ cho toàn bộ những vị tham dự, và nói “chủ nghĩa Marx đã không bắt rễ được trong quần chúng Hồi giáo”. Những người còn lại lần lượt tự giới thiệu bản thân, và nhấn mạnh sự có mặt của họ là tự nguyện. Kianouri một lần nữa khẳng định sự thay đổi quan điểm của ông không phải vì tra tấn mà vì “bắt gặp sự thật trong tù”. Reza Sheltouki, một sĩ quan không quân bị chế độ quân chủ tống giam từ 1954 tới 1978, nói cả cuộc đời, ông đã đọc nhầm sách. “Iran và chủ nghĩa Marx-Lenin khác nhau về mọi mặt – về ý thức hệ, tư tưởng, tâm lý, xã hội học và cách sống.”

17 người tham dự sau này gặp số phận khác nhau. Chủ tịch Đảng, Kianouri, tiếp tục bị giam rồi quản thúc tại gia cho đến ngày qua đời năm 1999. Ông còn kịp cho in hồi ký – với sự cho phép của nhà chức trách – nhưng không nhắc gì về những trải nghiệm trong tù. Có người được thả và sau này mở nhà xuất bản. Nhưng chín người trong số này bị tử hình vào năm 1988.

Bổn cũ soạn lại
Tác giả Ervand Abrahamian khép lại cuốn sách bằng nhận xét, bước sang thập niên 1990, chính thể Iran nhận ra rằng các sô diễn trên tivi nay trở thành “phản tác dụng”. Quần chúng và giới trí thức không còn đánh đồng các vụ nhận tội công khai với sự thật, mà gắn chúng với sự tra tấn tàn nhẫn. Tác giả viết về các sô diễn:
“Thay vì chính thống hóa những kẻ nắm quyền, chúng lại có thể mang tính lật đổ. Thay vì tập trung chú ý vào phe đối lập, chúng nhắc người dân về đặc điểm khủng khiếp của chính thể. Thay vì chia rẽ đối lập, chúng giúp họ đến với nhau – nếu không chính thức, thì ít nhất cũng ở trong sự lên án chung đối với các màn nhận tội bắt buộc và điều kiện trại tù khắc nghiệt. Thay vì nêu bật điểm yếu của đối lập, chúng làm người ta chú ý tới chính thể – đặc biệt là các phương pháp sản xuất các sô diễn.”
[v]

Nhưng nhận xét này có vẻ không còn đúng khi ta chứng kiến những gì diễn ra gần đây, sau các vụ biểu tình phản đối kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Iran ngày 12/06. Đầu tháng Tám, chính quyền đem hơn 100 người ra xử với cáo buộc tổ chức các cuộc biểu tình. Ít nhất bốn nhân vật có tiếng – bao gồm cả một cựu phó Tổng thống – được chiếu cảnh thú tội trên truyền hình. Nhà nước công bố đoạn video, trong đó Mohammad-Ali Abtahi, cựu phó Tổng thống dưới thời Mohammad Khatami, khai nhận đã âm mưu làm “đảo chính nhung” để hạ bệ Tổng thống đắc cử, Ahmadinejad.
[vi]

Ở cuối thập niên 1990, Ervand Abrahamian cho rằng ít người Iran nào còn tin rằng thế lực nước ngoài sắp sửa đánh chiếm đất nước. “Iran đã sống qua cả khủng hoảng con tin và cuộc chiến Iraq; Liên Xô đã sụp đổ; và Hoa Kỳ không thể thay đổi hướng đi của cuộc cách mạng.” Nhưng có thuyết phục được ai hay không, thì chính thể hiện nay có vẻ vẫn cho rằng lá bài “đế quốc nước ngoài” còn xài được. Khi lôi hơn 100 người ra xử đầu tháng Tám, truyền hình Iran chiếu cả cảnh công dân Pháp, cô Clotilde Reiss, bị tố cáo làm điệp viên và xin lỗi “lẽ ra không nên tham gia các hoạt động phi pháp”
[vii]. Một nhân viên của Sứ quán Anh, Hossein Rassam, cũng được truyền thông Iran loan tin đã “nhận tội”[viii]. Có tờ báo Iran chạy tít: “Sứ quán Anh, đại bản doanh của đảo chính”. Một người khác, khi ra tòa, khai rằng tình báo Mỹ đã cài cắm người vào các đảng và trường đại học để gây bất ổn cho cuộc bầu cử[ix]. “Yếu tố nước ngoài” lại được dùng để khuyến khích người dân tin rằng đất nước đang lâm nguy. Có liên quan gì không trong bối cảnh Iran cảm thấy bị quốc tế, do Mỹ dẫn đầu, bao vây để triệt phá “quyền không thể chối cãi” có năng lượng hạt nhân? Nghĩ cho cùng, đấu tố trên truyền hình là một phần biểu hiện của một chính thể, bị ám ảnh về sự lật đổ, sẵn sàng dùng bổn cũ soạn lại để tự vệ.
© 2009 Hiền Minh
© 2009 talawas blog

------------------------------

[i] A. Kors và E. Peters, Witchraft in Europe: A Documentary History (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1995), trang 175.
[ii] Ervand Abrahamian, Tortured Confessions: Prison and Public Recantations in Modern Iran (Berkeley: University of California Press, 1999)
[iii] Sách đã dẫn, trang 139
[iv] http://en.wikipedia.org/wiki/Tudeh_Party_of_Iran
[v] Sách đã dẫn, trang 227
[vi] http://www.ft.com/cms/s/0/f4f1f5e6-7fc3-11de-85dc-00144feabdc0,dwp_uuid=be75219e-940a-11da-82ea-0000779e2340.html
[vii] http://www.latimes.com/news/nationworld/world/la-fg-iran-academic17-2009aug17,0,49573.story
[viii] http://www.timesonline.co.uk/tol/news/world/middle_east/article6789373.ece
[ix] http://www.payvand.com/news/09/aug/1071.html



No comments: