Monday, August 24, 2009

NHỮNG NGƯỜI MÙ HUYỆN VĨNH CHÂU


THẢN NHIÊN CÙNG BÓNG TỐI
Võ Đắc Danh
Aug 23, '09 4:27 AM
http://dacdanhmientay.multiply.com/journal/item/151/151
Căn nhà lụp sụp ẩn sau bờ tre giữa giồng cát mịt mờ gió bụi, nắng trưa như thiêu đốt cả xóm làng. Thạch Rươl - người đàn ông 51 tuổi - đang nằm võng dưới gốc bàng trú nắng. Nghe tiếng xe gắn máy dừng lại trước sân, anh đứng dậy và bước đi lọang chọang vào nhà, hai tay quờ quạng tìm cánh cửa. Bất chợt tôi gặp tấm bảng nhỏ trên cánh cửa với dòng chữ “ Tổ ấm tình thương, gia đình Phật tử, mùa Vu lang 1994”. Tôi chợt nghĩ, nếu không có căn nhà tình thương nầy thì không biết gia đình anh sẽ sống ở đâu bởi cả nhà anh có đến bốn người mù, chỉ còn mỗi vợ anh và đứa con trai 11 tuổi là sáng mắt. Thạch Rươl cho biết, cách nay khỏang bảy tám năm, bỗng dưng mẹ anh bị mù. Ban đầu đôi mắt mờ dần, hơn hai năm sau thì tối hẳn. Rồi tiếp theo đến lượt anh và hai đứa con anh cũng thế. Đứa con trai anh năm nay 28 tuổi, vừa mù vừa bệnh tâm thần, đã bỏ nhà đi lang thang không biết nó đang ở phương trời nào, sống chết ra sao ? Còn Thạch Thị Huệ, năm nay 22 tuổi, may mắn hơn thằng anh vì nó chỉ mù một mắt, được một sư cô dẫn lên Sài Gòn cho ở mướn. Nhưng cũng vì một mắt mà nó chỉ được trả lương mỗi tháng bốn trăm ngàn đồng, tức một nửa tiền công so với người còn đủ hai con mắt. Tôi hỏi hàng ngày lấy gì sống, Thạch Rươl nói vợ anh ra rẫy làm mướn, còn anh với thằng con trai vác lưới ra biển kéo cá, kéo tôm. Chị trưởng ấp nói thêm: “Tội lắm, thằng cha vừa vác lưới, vừa vịn vai con lần dò từng bước hơn hai cây số, vấp ngã mấy lần mới ra tới biển, mò mẫm, lặng hụp cả ngày kiếm được vài chục ngàn đồng”.

Đi qua bờ ruộng chừng hơn trăm mét, cũng dưới lùm tre là căn chòi đổ nát của hai mẹ con ông Thạch Cô, cả hai đều bị mù, cũng không ruộng đất. Tôi hỏi ông sống bằng gì, ông chỉ tay về phía cánh đồng xa xôi và nói: “ Vợ tôi với mấy đứa nhỏ đi làm mướn”. Mẹ ông, bà Thạch Kel cho biết: “Thấy vậy chớ sắp có nhà mới rồi chú ạ, miếng đất kế bên đó, mấy chú trên xã chuẩn bị cất cho cái nhà tình thương, mừng quá !”
Bà Dương Thị Thao, 82 tuổi, sống một mình trong căn chòi chật hẹp bị che phủ bởi đám tre gai. Bằng giọng nói run run với cái nhìn chơi vơi như thẳm sâu trong bóng tối, bà kể:“Cách nay khỏang năm năm, tự dưng một con mắt bị mờ dần,rồi từ từ nó tối hẳn, một năm sau thì đui hết hai con”. Tôi hỏi bà sống bằng gì, bà nói thì cứ ngồi ở đây, hàng xóm cho gì ăn nấy”. Anh bạn tôi dúi vào tay bà tờ giấy bạc, bà chắp hai bàn tay lên ngực, ngước mặt lên trời: “Nam mô a di đà Phật !”

Có lẽ hạnh phúc hơn những người mù mà chúng tôi đã gặp ở đây là cô Kim Phượng. Năm 20 tuổi, Phượng yêu một chàng trai cùng làm thuê trong xóm rẫy. Một mối tình chân quê đang đằm thắm ngọt ngào thì đùng một cái, mùa khô năm 2000, cả ấp Đại Bái phát lên dịch đau mắt, hàng chục người bị mù, đôi mắt của Kim Phượng cũng chìm dần trong bóng tối. May thay, tình yêu không chết theo đôi mắt của cô. Chàng trai ấy đã xin phép cha mẹ cô cho anh rước cô về, dựng một túp lều nhỏ ngòai đê biển, ngày ngày anh đi làm thuê làm mướn để nuôi cô.

Có một điều rất lạ, dường như chẳng thấy ai tỏ ra than thân trách phận hay buồn đau về sự tăm tối của mình, họ cứ thản nhiên như việc gì đến phải đến. Bà Tư Thanh kể: “Năm đó bổng dưng tôi nghe hai con mắt nó xốn xốn, đau đau, ông thầy thuốc ở xóm trên bảo về lấy trái chuối hột đập cho dập ra, đem nhúng dấm rồi đắp lên, tôi làm theo thấy hết đau nhưng sau đó không thấy đường luôn”

Chị Lý Thị Liên, trưởng ban nhân dân ấp Đại Bái A, xã Lạc Hòa cho biết, ấp của chị có 81 người mù, đại đa số là phụ nữ trong tuổi lao động. Hỏi có ai giải thích về nguyên nhân, chị nói không nghe rõ lắm, có người nói do nguồn nước, có người nói do môi trường vệ sinh không bảo đảm, có người lại nói do củ hành tím gây ra, chẳng hiểu đâu là nguyên nhân chính. Anh Lâm Âu, chi hội Chữ thập đỏ xã Lạc Hòa cho biết, từ năm 2000 đến nay, các tổ chức từ thiện của Việt kiều Mỹ, Uc, Canada đã trực tiếp liên hệ với anh để đưa bà con mù lên Sài Gòn điều trị đến chín lần, mỗi lần vài chục người, chuyến gần đây nhất trước tết nguyên đán là 63 người, tổng cộng có trên 260 người thóat mù, chưa kể các tổ chức từ thiện trong nước trực tiếp xuống xã đưa bà con lên Trung tâm y tế huyện xóa mù cho hơn 80 người nữa. Như vậy, Lạc Hòa đã xóa mù cho hơn 300 người.Trong đợt khám sàn lọc tuần qua, Lạc Hòa có 60 người sẽ được tiếp tục xóa mù trong tháng tới, còn lại khỏang 240 người không còn khả năng điều trị.

Theo bác sĩ Vương Văn Quang, giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Vĩnh Châu thì Lạc Hòa và Vĩnh Hải là hai xã có tỷ lệ bệnh nhân mù cao nhất trong huyện ( nếu không muốn nói là trong cả nước ). Chúng tôi hỏi con số bệnh nhân mù trong tòan huyện là bao nhiêu ? Bác sĩ Quang nói rằng chưa có cuộc điều tra xã hội học để kết luận về thực trạng cũng như chỉ số gia tăng mỗi năm là bao nhiêu, chỉ biết rằng từ năm 2002 đến nay Vĩnh Châu đã kết hợp với các tổ chức y tế và từ thiện trong và ngòai nước để xóa mù cho hơn 1300 người, nhưng chủ yếu là mổ đục thủy tinh thể và mây thịt, còn các nhóm mù khác vẫn chưa có giải pháp. Bác sĩ Quang cũng cho biết thêm, từ năm 2000, sở y tế tỉnh Sóc Trăng đã có một công trình nghiên cứu về thực trạng và các yếu tố liên quan đến bệnh mắt ở Vĩnh Châu, nhưng đến nay, giữa kết quả nghiên cứu và thực trạng đời sống của người dân có liên quan đến bệnh mù chừng như vẫn còn khỏang cách.
Trước khi rời khỏi Vĩnh Châu, chúng tôi nhận được thông tin: trong tuần tới, tổ chức CBM sẽ xuống Vĩnh Châu để mở lớp tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã về chăm sóc mắt ban đầu và phòng chống bệnh mù lòa. Hy vọng rằng từ nay, người dân Vĩnh Châu sẽ có cơ hội để tự cứu mình.


No comments: