Sunday, August 23, 2009

NHỮNG CÔNG TRÌNH của QUỸ NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG


Giới thiệu công trình của nhóm Cộng tác viên Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông
Dương Danh Huy

23/08/2009 10:55 sáng
http://www.talawas.org/?p=9310
Một trong những mục đích của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông là góp phần nâng cao ý chí, ý thức và kiến thức của người Việt trong cuộc đấu tranh cho chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.

Đã có nhiều người ủng hộ phương cách ôn hoà, duy lý, phi chính trị của Quỹ, đặc biệt là qua nhóm Cộng tác viên. Cho tới nay, nhóm Cộng tác viên đã thực hiện được bốn việc rất thiết thực để nâng cao nền kiến thức của người Việt về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông.

Thứ nhất, nhóm Cộng tác viên đã đánh máy toàn bộ bản tiếng Việt của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
VNN đã đăng bản đánh máy này. Mặc dù Công ước đã ra đời từ năm 1982 và đã được nhắc tới nhiều lần như một công cụ để bảo vệ chủ quyền, đây là lần đầu tiên mà một bản đánh máy tiếng Việt được công bố rộng rãi.

Thứ nhì, nhóm Cộng tác viên đã hiệu đính (chưa công bố) bản đánh máy quyển
Tập san Sử Địa 29: Đặc khảo Hoàng Sa, Trường Sa mà trước đó Quỹ đã thực hiện. Tập san Sử Địa 29 được xuất bản tại Sài Gòn vào tháng 3 năm 1975 sau sự kiện Trung Quốc xâm lăng các đảo phía Tây Hoàng Sa vào năm 1974. Đây là một bản đánh máy công phu giữ lại toàn bộ layout của quyển sách quý và hiếm này, và có lẽ là bản đánh máy duy nhất của toàn bộ quyển sách.

Thứ ba, mới đây các cộng tác viên Hoa Phạm, Thảo Uyên, Thanh Tú, Nguyễn Duy Hiếu, Việt Phương, Pikachu, Khôi Nguyễn, Ngọc Thu, Thùy Minh Nguyễn, Lê Hồng Thuận, Lê Trung Bảo, Trần Hoài Vũ, Phan Tuấn Quốc đã đánh máy quyển
Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ông Lưu Văn Lợi, cựu Trưởng ban Biên giới Việt Nam. Quyển này vẫn còn là một trong những quyển sách quan trọng nhất mà Việt Nam đã xuất bản về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Quyển này có bản dịch tiếng Anh đã được xuất bản.

Thứ tư, các cộng tác viên Hoa Phạm, Thảo Uyên, Thanh Tú, Nguyễn Duy Hiếu, Việt Phương, Pikachu, Khôi Nguyễn, Ngọc Thu, Thùy Minh Nguyễn, Lê Hồng Thuận, Lê Trung Bảo, Trần Hoài Vũ, Phan Tuấn Quốc đánh máy quyển
Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quyển này là bản dịch tiếng Việt của một quyển sách tiếng Pháp và tiếng Anh của giáo sư luật quốc tế nổi tiếng Monique Chemillier-Gendreau (Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, ISBN 9041113819, 2000). Có thể nói là giáo sư Chemillier-Gendreau đã dùng luật quốc tế để chém nát ngụy biện của Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa. Có lẽ đây là quyển sách quý nhất thế giới về Hoàng Sa, Trường Sa ngoài tư liệu lịch sử. Nếu chỉ đọc một quyển sách về Hoàng Sa, Trường Sa thì nên đọc quyển này. Đây là lần đầu tiên bản tiếng Việt được đem tới người Việt một cách rộng rãi.

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cảm ơn nhóm Cộng tác viên, cảm ơn
Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa đã cung cấp tài liệu và hy vọng rằng những công trình quý báu của họ sẽ góp phần nâng cao ý chí, ý thức và kiến thức của người Việt trong cuộc đấu tranh cho chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Cá nhân tôi hy vọng rằng người Việt, đặc biệt là trí thức Việt, sẽ đọc những tài liệu trên không chỉ để biết mà còn để nâng cao ý chí, ý thức và kiến thức của những người khác về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, và để đấu tranh chống lại tuyên truyền của Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế.

© 2009 Dương Danh Huy
© 2009 talawas blog



No comments: