Monday, August 17, 2009

DÂN CHỦ và PHẢN BIỆN XÃ HỘI


Quyết định 97/2009/QĐ-TTg ngày 24/7/2009 ghi rõ: "Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai [sic!] với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”. Thành ra Mặt trận Tổ quốc có gạt bỏ cái chức năng phản biện tưởng là đương nhiên của mình ngay trong dự thảo sửa đổi điều lệ, thay vì phản biện chính cái quyết định ấy, là chuyện không có gì khó hiểu: Mặt trận đang "sửa đổi" theo hướng ngày càng ngoan ngoãn hơn, để tránh "làm khó chịu" nhà cầm quyền. Và người ta không cần phải nghĩ đến cái giá mà đất nước phải trả khi không có phản biện xã hội.
Bauxite Việt Nam

Dân chủ và phản biện xã hội
NGHĨA NHÂN
08:11 ngày Thứ Hai, 17/08/2009
http://bauxitevietnam.info/c/5857.html
“Phản biện xã hội” gần đây được đề cập nhiều tới mức tưởng như ấy là chức năng đương nhiên của các tổ chức xã hội dân sự và nhất là của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) – tổ chức có nhiệm vụ “tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và nhà nước, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân” (Luật MTTQ VN).

Thế nhưng tới dự thảo sửa đổi Điều lệ MTTQ được đưa ra lấy ý kiến các vị trong Ủy ban Trung ương MTTQ VN ngày 13-8 thì nội dung này đã không được đưa vào.

Cơ quan soạn thảo là Ban Thường trực MTTQ giải thích rằng ấy là bởi “phản biện xã hội” dù đã được văn kiện Đại hội X khẳng định song lại chưa được nhà nước thể chế hóa thành luật. Và sâu xa hơn, dù không phải là nhiệm vụ mới nhưng là “việc khó, nhạy cảm và chưa có cơ chế cụ thể”.

Theo ông Cư Hòa Vần, trí thức người H’Mông, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, nguyên Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thì việc không khẳng định được chính thức quyền “phản biện xã hội” của MTTQ thật khó chấp nhận. Ông bảo, một chức năng quan trọng như vậy mà không làm bật được lên thì làm sao hóa giải được bao bức xúc trong xã hội.

GS Phan Đình Diệu từng tham gia MTTQ từ khóa I đến nay kể: “Các hội đồng chuyên môn của MTTQ vốn tập trung nhiều nhà trí thức uy tín, lâu nay vẫn phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước. Mỗi lần như vậy đều được chuẩn bị công phu, có mổ xẻ, phân tích với tinh thần phê phán có xây dựng”. Thế nhưng kết quả gửi đi thường không được phản hồi. GS Diệu nhận định: “Phản biện chỉ có tác dụng khi được lắng nghe, tranh luận, tiếp thu, đối thoại. Phản biện chỉ có ý nghĩa trong một xã hội dân chủ, trên nền tảng dân chủ”.

Gác “phản biện” ra ngoài dự thảo sửa đổi Điều lệ MTTQ, liệu Mặt trận có thể phát huy được sức mạnh lực lượng của mình, thúc đẩy hơn nữa dân chủ xã hội?

Nguồn:
http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=266129


No comments: