Sunday, August 23, 2009
CHỌN LỰA GIỮA NGOẠI BANG CAI TRỊ TỐT và CHÍNH QUYỀN NỘI ĐỊA CAI TRỊ XẤU
Chọn lựa giữa ngoại bang cai trị tốt và chính quyền nội địa cai trị xấu?
Nguyễn Trang Nhung
Chủ Nhật, 23/08/2009
http://danluan.org/node/2386
Tiêu đề bài viết này được đặt theo câu hỏi thảo luận của các thầy trò lớp Công Dân Học - Học Viện Công Dân (http://icevn.org), mà tôi là một học viên. Bài viết này vốn là tài liệu tham khảo nội bộ, nay với sự đồng ý của tác giả - thầy Nông Duy Trường - nguời sáng lập Học Viện Công Dân, tôi xin được phổ biến bài viết.
Sở dĩ tôi muốn gửi bài viết này tới Dân Luận, là bởi bài viết có liên quan tới một chủ đề được đăng tải trên Dân Luận gần đây, đó là: Thà bị thực dân Pháp đô hộ thêm vài chục năm nữa… của tác giả Mê Linh.
Khi đọc bài viết này, các bạn sẽ không thấy câu trả lời thẳng cho câu hỏi (tiêu đề bài viết). Song, tôi có thể nói rằng: ý của tác giả - thầy Nông Duy Trường, cùng đa số học viên trong cuộc thảo luận là: Giữa 2 cái xấu, nên chọn cái ít xấu hơn.
Mong rằng các bạn đọc của Dân Luận sẽ tìm thấy trong bài viết này nhiều điều bổ ích!
Người gửi: Nguyễn Trang Nhung
-------------------------------------
Trong mấy ngàn năm lịch sử của loài người, từ khi lập thành quốc gia, các nước luôn đánh lẫn nhau, nước lớn tìm cách thôn tính nước nhỏ nhằm mở mang bờ cõi, cướp bóc tài nguyên, bắt nô lệ, vân vân. Điều này được minh chứng rõ ràng trong lịch sử Á Đông, tiêu biểu là Trung Hoa, sang tới lịch sử Tây phương từ thời cổ Hy lạp. Rõ ràng là khi một nước bị ngoại bang xâm chiếm và cai trị thì chắc chắn là đau khổ triền miên xảy đến cho dân tộc bị trị. Tất cả các dân tộc bị trị đều tìm cách đánh đuổi ngoại bang xâm lược. Trong mỗi nước, cũng thế, các chế độ xấu, không sớm thì muộn, đều lần lượt bị nhân dân thay đổi.
Căn cứ trên thực tế lịch sử ta có thể đặt thành 2 quy luật:
(1) Không có ngoại bang nào cai trị tốt, và
(2) các chế độ xấu xa trong mỗi nước đều bị chính nhân dân nước đó thay đổi.
Tuy nhiên, đến thế kỷ 20, có hai trường hợp ngoại lệ, và một trường hợp nữa xảy ra vào đầu thế kỷ 21. Đó là trường hợp Nhật Bản và Đức sau Đệ nhị thế chiến. Trường hợp đầu thế kỷ 21 là ở Iraq; trong trường hợp này, vì vẫn còn nhiều dữ kiện lịch sử chưa được công bố, nên ta sẽ bàn đến trường hợp này trong dịp khác.
Bối cảnh lịch sử
Đệ nhị thế chiến do Đức và Nhật gây ra. Hai nước này có một số điểm tương đồng sau: cùng là nước độc tài: Đức là độc tài đảng trị (đảng Quốc Xã) và Nhật là độc tài quân phiệt, cùng là nước phát triển kỹ nghệ cao, cùng bị Mỹ cai trị sau chiến tranh, cùng trải qua một quá trình dân chủ hóa và tiến tới chế độ dân chủ bền vững.
Nhật Bản
Nước Nhật bị buộc phải mở cửa cho tàu chiến của Mỹ (do đề đốc Perry chỉ huy) vào năm 1853 để trình ủy nhiệm thư của tổng thống Filmore. Vào lúc này, Nhật Bản còn thuộc chế độ lãnh chúa (shogun), nhưng các lãnh chúa nhận thấy không chống cự được với sức mạnh của Tây phương nên đồng lòng phục hồi lại chế độ quân chủ và tôn Minh Trị lên ngôi hoàng đế và bắt đầu thời kỳ Minh Trị Duy Tân. Chính quyền Nhật được cải tổ với hoàng đế đứng đầu hành pháp và nội các gồm thượng thư các bộ và cơ mật viện (so sánh với cơ cấu chính quyền triều Nguyễn - Minh Trị sinh cùng thời với Tự Đức nước ta). Từ đó, nước Nhật canh tân, gửi người du học tại Mỹ và Âu châu, và tiến hành kỹ nghệ hóa; nhưng đại đa số dân Nhật vẫn là nông dân. Trong Đệ nhất thế chiến, Nhật bắt đầu "flex the muscle", biểu dương sức mạnh quân sự sau khi đánh thắng quân Tàu trong Trung Nhật Giáp Ngọ Chiến tranh (1894-95) nhằm giành quyền kiểm soát Triều Tiên, và đặc biệt là chiến thắng quân Nga ở eo biển Đối Mã (Tsushima, tiếng Nhật) nơi có hải cảng Lữ Thuận (Lushunkou, theo tiếng Hoa, Port Arthur, theo tiếng Anh) để giành quyền kiểm soát Hoàng hải và đường tiến xuống Thiên Tân (gần Bắc Kinh).
Tướng Douglas MacArthur và Nhật Hoàng Hirohito gặp gỡ lần đầu tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Tokyo ngày 27/09/1945 (Nguồn: Wikipedia)
http://danluan.org/files/timg/cnr9/lttimg_8938.jpg
Các chiến thắng về quân sự cũng đồng thời đưa đến các thắng lợi khác về chính trị cho "các chính trị gia mặc quân phục" trong việc xây dựng chủ nghĩa quân phiệt tại Nhật Bản. Năm 1931, Nhật xua quân chiếm Mãn Châu, và đến năm 1936 ký hiệp ước với Đức và gia nhập phe Trục năm 1941, chính thức tham gia Đệ nhị thế chiến tại Á châu bằng trận Trân Châu Cảng tháng 12, 1941. Sau đó Nhật thua trận như chúng ta đã biết, nhưng chính sách của Mỹ đối với nước Nhật thua trận mới là điều cho ta tìm hiểu thêm.
Thống tướng (5 sao) Douglas MacArthur là tư lệnh tối cao quân Đồng minh chiếm đóng lãnh thổ Nhật sau chiến tranh; tuy mang tiếng là quân Đồng minh, nhưng chủ yếu vẫn là quân Mỹ. Tướng MacArthur là vị tướng chủ tọa buổi lễ ký biên bản đầu hàng của Nhật trên Khu trục hạm Missouri đậu ngoài khơi vịnh Tokyo vào ngày 2 tháng 9, 1945.
Là tư lệnh tối cao, MacArthur được coi là kiến trúc sư của nước Nhật hiện đại. Sau đây là những việc MacArthur làm trong thời gian làm toàn quyền tại Nhật:
Nhận thức được vai trò quan trọng của Nhật hoàng Hirohito trong việc giữ thể diện quốc gia cho dân Nhật và ổn định chính trị: Đích thân Nhật hoàng sang tòa Đại sứ Mỹ gặp MacArthur và nhận chính ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Nhưng MacArthur đã lưu giữ Nhật hoàng tại vị dù gặp nhiều áp lực từ Mỹ buộc ông phải đem Nhật hoàng ra xử như tội phạm chiến tranh [1].
Nhận thức được khả năng và lòng yêu nước của đối tác Nhật bản là thủ tướng Shigeru Yoshida và hợp tác với Yoshida trong việc tái thiết kinh tế và xây dựng dân chủ tại Nhật Bản.
Đề ra chính sách căn bản cho nước Nhật hậu chiến: phi quân sự hóa (demilitarization), dân chủ hóa, và tái thiết kinh tế.
Các chính sách cụ thể về chính trị: nên nhớ trong thời quân chủ, dân Nhật không có quyền chính trị cũng như dân quyền một cách rõ rệt. MacArthur nhanh chóng cho phép dân Nhật được hưởng các quyền này, như quyền được xét xử trong thời gian sớm nhất (hay còn gọi là quyền bảo hộ nhân thân chống lại sự giam gữ trái phép của chính quyền- tiếng Latinh là habeas corpus) [2], hủy bỏ toàn bộ mọi hạn chế các dân quyền, cho phép phụ nữ Nhật được quyền ứng cử/bầu cử (trong cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên tại nước Nhật năm 1946, 14 triệu phụ nữ đi bầu và có 39 phụ nữ đắc cử vào quốc hội, trong số này là một gái giang hồ nổi tiếng, đắc cử với 256 ngàn phiếu) [3].
Soạn thảo bản hiến pháp cho Nhật: MacArthur đề ra những điểm chính thiết yếu cho một chính quyền dân chủ. Hiến pháp Nhật vừa mang đặc tính của hành pháp theo kiểu Mỹ và quốc hội theo kiểu Anh. Kết quả là nước Nhật theo thể chế quân chủ lập hiến, lưỡng viện. Trước hết, Nhật hoàng cũng chỉ là một công dân của nước Nhật, nay ông là biểu tượng của quốc gia, còn chủ quyền quốc gia không còn thuộc về triều đình nữa mà nay thuộc về toàn dân. Đáng kể nhất là điều 9, cam kết từ bỏ dùng biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp với các nước khác, và một điều khoản quy định rõ ràng về dân quyền (bill of rights theo kiểu Mỹ) - Chương 3 [4].
Sử dụng tối đa thẩm quyền của tư lệnh tối cao trong công việc "nation-building" lại Nhật Bản theo mô hình dân chủ, tạo điều kiện cho chính quyền dân cử của Nhật hoạt động và từng bước trưởng thành. Một trong những thí dụ điển hình là cứu đói năm 1946. Nhật bản thiếu lương thực trầm trọng trong năm 1946, ngay sau khi chấm dứt chiến tranh, đất nước còn chưa hồi phục, dân chúng bắt đầu biểu tình đầy đường đòi lương thực. MacArthur phải hứa với Yoshida là vận động Washington viện trợ thực phẩm dù yêu cầu này bị nhiều chính trị gia Mỹ phản đối không muốn dùng thực phẩm của Mỹ để nuôi kẻ cựu thù. MacArthur đã phải nói: "Hãy gửi cho tôi thực phẩm hay gửi cho tôi đạn dược"[5].
Cải cách ruộng đất. Năm 1945 đa số nông dân Nhật vẫn là những "người cầy không có ruộng", đất đai thuộc về những chủ điền ở thành thị. Những người nông dân nghèo bất mãn, không có đất đai đã hưởng ứng lời kêu gọi của giới quân phiệt và giúp cho quân phiệt nắm được chính quyền một cách dễ dàng. Thành phần nông dân bần cố nông cũng là thành phần dễ bị ảnh hưởng của sự tuyên truyền của đảng cộng sản Nhật (được thành lập năm 1922). MacArthur chủ trương phải cải cách ruộng đất tại Nhật và chủ trương này được Yoshida thực hiện qua các đạo luật cải cách ruộng đất, và đến năm 1950, 90% nông dân Nhật được làm chủ ruộng đất của chính mình [6].
Đối tác Nhật Bản
Chính sách của Mỹ (thể hiện qua MacArthur) chắc chắn sẽ không thể nào thực hiện được suôn sẻ nếu không có một đối tác đủ tầm cỡ từ phía Nhật Bản đưa vào thực hành. Đối tác đó là Shigeru Yoshida (Cát Điền Mậu). Yoshida (1878-1967) bắt đầu sự nghiệp chính trị trong ngành ngoại giao; trong tư thế này ông có một cái nhìn đúng đắn và am hiểu về các nước phương Tây hơn các chính trị gia thuộc giới quân nhân, và được xem là có khuynh hướng thân Tây phương. Do đó, khi phe quân nhân lên cầm quyền, dù được thủ tướng lúc đó (1936) bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, nhưng ông vẫn bị phe quân nhân phủ quyết, thay vào đó, ông được cử làm Đại sứ tại Anh quốc. Trong cương vị ngoại giao, Yoshida cổ võ cho chính sách dùng ngoại giao để giải quyết các tranh chấp quốc tế thay vì dùng đến sức mạnh quân sự như phe quân nhân chủ trương. Thái độ chính trị này rất nguy hiểm vì ông có thể bị bắt giam hoặc ám sát. Khi chiến tranh với Mỹ xảy ra tại Trân Châu Cảng, Đại sứ Mỹ là Joseph Grew bị giam lại tại tòa đại sứ. Trước tình cảnh đó, Yoshida đã gửi một lá thư xin lỗi cho Đại sứ Mỹ và lo cho ông được đối xử tử tế [7]. Trong chiến tranh, Yoshida là thành viên của một mạng lưới gồm những chính trị gia chống chiến tranh và hoạt động chống lại phe quân phiệt. Những hành động này khiến ông bị bắt vào tháng 4 năm 1945, nhưng chỉ bị giam có 40 ngày (4 tháng sau khi Nhật đầu hàng). Khi MacArthur chiếm đóng Nhật Bản, tất cả các chính trị gia quân phiệt đều bị thanh trừng, cho nên khi thành lập chính phủ, thành phần lãnh đạo đảng Tự Do [8] đành phải mời Yoshida đứng ra thành lập chính phủ vào năm 1946. Yoshida giữ chức thủ tướng suốt 7 năm cho đến khi Nhật được Mỹ trao trả toàn bộ chủ quyền qua Hiệp ước Hòa bình ký năm 1951.
Trong cương vị thủ tướng trong suốt 7 năm trời, trải qua 5 chính phủ, Yoshida đã lèo lái nước Nhật từ một nước bại trận đổ nát sang phục hồi kinh tế (dân sinh) và chấn hưng dân khí để trở lại vị trí cường quốc.
Giai đoạn 7 năm này rất khó khăn vì Yoshida một mặt phải "deal" với những đòi hỏi của Mỹ về các cải cách xã hội và chính trị, một mặt phải đương đầu với các tranh chấp chính trị giữa các đảng phái (lần đầu tiên nước Nhật có chính trị thi đua kể từ thời Minh Trị Canh tân) và bị "chụp mũ" là tay sai của Mỹ. Một trong những thành công của Yoshida là ngăn chặn được việc Mỹ muốn giải tán các tập đoàn kinh tế zaibatsu, như Mitsubishi chẳng hạn. Người Mỹ tin rằng các tập đoàn tài phiệt là nguyên nhân gây ra những thảm họa trong thập niên 1930 như dùng sức mạnh quân sự để thực hiện giấc mộng Đại Đông Á, nhưng thực ra để thu thập, cưỡng chiếm tài nguyên thiên nhiên của các nước trong vùng. Đó là lý do Mỹ muốn giải tán các zaibatsu, nhưng Yoshida hiểu rằng, muốn làm cho kinh tế phục hồi, không thể không có zaibatsu. Chính sách này của ông khiến Yoshida bị phe "cấp tiến" của cả Nhật lẫn Mỹ chỉ trích kịch liệt, nhưng thực tế chứng minh rằng Yoshida đúng, không những trong chính sách kinh tế mà còn trong các lãnh vực khác từ lao động sang tới thương mại, giáo dục, và quốc phòng. Có thể nói thành công lớn nhất của Yoshida là đã đạt được một hiệp ước hòa bình và an ninh với Đồng Minh [9]. Căn cứ theo hiệp ước này, Đồng Minh trao trả toàn bộ độc lập và chủ quyền cho Nhật, nước Nhật sẽ không tái vũ trang (không có quân đội) mà chỉ có một lực lượng phòng thủ (75 ngàn quân vào thời điểm 1951)- Mỹ sẽ lo bảo vệ cho Nhật khi nước này bị nước khác lấn chiếm (Hiệp định An ninh 1952 ký song phương với Mỹ). Yoshida rời chính trường năm 1954 lúc 76 tuổi [10].
Tóm lại, Yoshida, trong cương vị thủ tướng, đã là một đối tác không thể thiếu của MacArthur, và có thể lịch sử nước Nhật đã đi vào một ngã rẽ khác nếu như thiếu một trong hai nhân vật này.
Đức Quốc
Ta đều biết Đức là nước hai lần gây ra Thế chiến. Khi nước Đức hoàn toàn thống nhất các tiểu bang lại với nhau năm 1871, lúc đó Đế quốc Đức cũng thành hình và Vương quốc Phổ (Prussia) thuộc họ Hohenzollern trở thành dòng họ cai trị Đế quốc Đức. Khi Thế chiến thứ nhất xảy ra năm 1914, Đức là một trong những nước thuộc phe "Cường quốc Trung ương" khởi động chiến tranh. Đến năm 1918, khi chiến tranh sắp tàn, tại Đức xảy ra một cuộc cách mạng khiến cho vua William đệ II phải thoái vị, đưa đến việc thành lập nền Cộng hòa Weimar (vì quốc hội lập hiến được triệu tập tại thành phố Weimar) - ,ột chế độ cộng hòa, dân chủ hiến định. Tuy nhiên nền cộng hòa non trẻ này gặp nhiều khó khăn vì kinh tế suy thoái sau khi Đức thua trận và nhất là thái độ thiếu mã thượng của phe Đồng Minh (Anh Pháp Nga) khi bắt Đức phải ký bản tuyên bố đầu hàng trên một toa xe lửa tồi tàn và các khoản bồi thường chiến phí quá nặng nề khiến lòng tự ái dân tộc của người dân Đức bị tổn thương và mất tin tưởng vào chính quyền dân chủ. Chính điều này dọn đường cho đảng Quốc Xã lên nắm quyền qua bầu cử (sic). Nền Cộng Hòa Weimar được coi như chính thức cáo chung năm 1933 sau 15 năm thực tập dân chủ.
Sau đó thì chúng ta đã biết, Hitler phát động Đệ nhị thế chiến từ 1939-1945, và cuối cùng Đức lại bị phe Đồng Minh đánh bại [11]. Khác với nước Nhật khi đầu hàng chỉ có quân Mỹ vào tiếp quản, nước Đức bị Tứ Cường - Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô - chiếm đóng, với phe Anh Pháp Mỹ chiếm phía tây và Liên Xô phía đông. Tại Đức không có một nhân vật nào của Đồng Minh có "tầm cỡ" như MacArthur ở Nhật, và chính sách của Đồng Minh đối với Đức là chính sách được thảo luận và cùng chấp thuận. Tuy vậy, Mỹ vẫn là nước có tiếng nói quan trọng và ảnh hưởng lớn lao trong việc định hướng chính trị cho nước Đức hậu chiến. Điều đầu tiên phe Đồng Minh làm là nhanh chóng chuyển giao quyền lực từ chính quyền quân đội (ủy ban quân quản 4 bên, sau này khi Liên Xô trở mặt chiếm Đông Đức, còn lại ủy ban quân quản 3 bên) sang chính quyền dân sự, theo thể chế dân chủ cộng hòa. Nước Đức trước chiến tranh đã là một nước dân chủ, cho nên việc tái lập thể chế dân chủ không phải là điều khó khăn vì người dân, sau khi trải qua chế độ Quốc Xã, đã quá ngán ngẩm và chán ghét chế độ độc tài. Tuy nhiên, nước Đức hậu chiến thiếu một nhân vật đủ tài đức để lãnh đạo quốc gia, vì những người dân chủ tài giỏi đã bị Hitler giết, còn những người khác có tài thì lại dính dáng với Quốc Xã. Đó là lúc mà Konrad Adenauer xuất hiện.
Trước khi bàn về vai trò của Adenauer, không thể không nhắc đến vai trò của Mỹ trong việc định hình chính sách đối với châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng. Sau chiến tranh, hạ tầng cơ sở của cả châu Âu bị phá hủy hầu như toàn diện với hàng triệu người vừa chết vừa bị thương, bị phiêu tán, thiếu hụt lương thực trầm trọng và nạn đói đe dọa toàn châu Âu. Trước tình cảnh này, năm 1947, ngoại trưởng Mỹ là George Marshall (cũng là thống tướng tổng tham mưu trưởng trong Đệ nhị thế chiến) đề nghị một kế hoạch viện trợ tái thiết Âu châu kể cả cho Liên Xô nhưng nước này từ chối không nhận. Kế hoạch này thường được gọi là Kế hoạch Marshall lên đến 12 tỷ USD. Trên danh nghĩa, đây là số tiền Mỹ cho vay và được gửi vào trong quỹ Tái thiết Âu châu (European Recovery Program - ERP) của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Âu châu. Những nước Âu châu, kể cả Đức, mượn tiền từ quỹ này và trả góp từ từ để tái thiết, nhưng số tiền trả lại này không cần hoàn trả cho Mỹ mà được trả cho ERP để tái đầu tư cho các dự án xây dựng khác. Lâu dần số nợ này được "quên" đi. Riêng số tiền viện trợ cho Đức từ Kế hoạch Marshall lên tới 1,5 tỷ USD. Tới đây cần mở một câu hỏi, tại sao Mỹ lại "cho không, biếu không" số tiền lên đến 12 tỷ USD từ năm 1947-1951?) [12].
Nước Đức bị chia đôi kể từ năm 1949. Khu vực phía tây được Đồng Minh trao trả lại cho Đức và hình thành nước Cộng hòa Liên bang Đức (CHLBĐ) vào ngày 23 tháng 5, 1949. Khu vực phía đông do Liên Xô kiểm soát cũng tuyên bố trở thành một nước 5 tháng sau đó và trở thành nước Cộng hòa Dân chủ Đức. CHLBĐ là một nước dân chủ theo thể chế liên bang và người thủ tướng đầu tiên là Konrad Adenauer.
Đối tác Đức quốc
Konrad Adenauer sinh năm 1876, xuất thân trong một gia đình tiểu công chức ở Cologne, một trong 4 thành phố lớn nhất nước Đức và được coi là trung tâm thương mại và nghệ thuật, và cũng được coi là trung tâm của đạo Công giáo tại Đức. Adenauer học luật và gia nhập đảng Bảo thủ Cologne (đảng này là tiền thân của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo do ông thành lập sau này). Năm 30 tuổi, Adenauer được bầu làm thị trưởng Cologne và bắt đầu sự nghiệp chính trị từ đây - ông làm thị trưởng Cologne qua suốt thời kỳ Thế chiến thứ nhất, và khi nền Cộng hòa Weimar bắt đầu, ông được đảng đề cử ra giữ chức vụ thủ tướng nhưng ông từ chối và tái đắc cử thị trưởng Cologne lần thứ hai (nhiệm kỳ 12 năm). Khi đảng Quốc Xã lên nắm quyền (qua bầu cử hẳn hoi), tư cách độc lập và tiếng tăm của Adenauer khiến ông trở thành cái gai trong mắt Hitler, vì trong tư cách thị trưởng Adenauer đã công khai tỏ thái độ chống lại đảng Quốc Xã như cấm đảng QX treo biểu ngữ của đảng trên cầu sông Rhine, từ chối gặp Hitler khi Hitler đến Cologne vận động tranh cử năm 1933 [13]. Do đó, khi Hitler cầm quyền, Adenauer bị cầm tù một thời gian ngắn, rồi bị ép rời khỏi chức vụ thị trưởng phải về quê ở ẩn suốt 11 năm. Khi âm mưu ám sát Hitler bị khám phá năm 1944, Adenauer bị bắt lần nữa, nhưng rồi cũng được thả ra vì nhờ có người con trai trong quân đội Quốc Xã "bảo lãnh".
Khi quân Đồng Minh tiến vào Cologne năm 1945, Mỹ định đưa Adenauer lên làm thị trưởng trở lại, nhưng vì một lý do nào đó, người Anh không đồng ý, nên Adenauer không được làm thị trưởng. Tuy nhiên, nhờ vậy mà Adenauer có thì giờ để thành lập đảng Dân chủ Thiên chúa (Christian Democratic Union - CDU) gồm cả tín đồ theo Tin Lành và Công giáo. Tài năng và đức độ (chúng ta sẽ thảo luận thêm thế nào là tài và đức mà người lãnh đạo cần có) của Adenauer giúp ông đắc cử vào Quốc hội Lập hiến năm 1948 và đã đóng vai trò trọng yếu trong việc hình thành hiến pháp cho CHLBĐ. Với vị thế này, Adenauer đắc cử thủ tướng của CHLBĐ năm ông đã 73 tuổi (1949).
Là lãnh tụ của một nước đang bị chiếm đóng, quyền lực mà Adenauer có được thực sự không là bao nhiêu. Một mặt phe Đồng Minh muốn nước Đức bại trận phải dẹp bỏ các đại kỹ nghệ cơ khí mà Đức có trước và trong khi chiến tranh (tương tự như trường hợp ở Nhật), một mặt, phe đối lập trong chính quyền cho ông là bù nhìn của Mỹ và Đồng Minh và luôn luôn gây khó khăn trong quốc hội. Tuy nhiên, những chính sách thực tế và uyển chuyển của ông đã từng bước một phục hồi kinh tế của Đức và thu hồi lại nền độc lập cho Tây Đức kể từ 1949 (4 năm sau khi bại trận).
Phân tích
Hai trường hợp nêu trên là hai thí dụ cho những ngoại lệ về sự cai trị "tốt" của ngoại bang trên một nước. Cả hai trường hợp này Mỹ là ngoại bang nhưng cai trị tốt so với hai chế độ nội địa đã đưa hai nước Nhật và Đức vào các cuộc chiến tranh khốc liệt, đất nước bị tàn phá gần như diệt vong. Việc làm hiển nhiên nhất và không thể chối cãi được của Mỹ là xây dựng thành công chế độ dân chủ tại hai nước này. Và sau khi nền chính trị dân chủ được củng cố bền vững, Mỹ không những trao trả lại độc lập, mà còn trở thành đồng minh về kinh tế và quốc phòng.
Hai trường hợp này có phải là vì nước Mỹ "nhân từ" hay chỉ vì quyền lợi của Mỹ?
Ta có thể nói nước Mỹ là một đảo quốc, vì quốc gia này được biển cả bao bọc chung quanh. Vị thế địa lý này khiến cho nước Mỹ dễ có khuynh hướng bảo thủ, hướng nội và theo chủ nghĩa tự cô lập (isolationism), không muốn dây dưa với những rắc rối của các nước khác ở Âu châu. Khuynh hướng này được thể hiện qua những chính sách ngoại giao từ những năm mới lập quốc từ 1776 đến 1801 khi xảy ra cuộc chiến với các nước thuộc đế quốc Ottoman ở Phi châu. Khi kinh tế phát triển và trở thành một cường quốc về kinh tế, chủ nghĩa tự cô lập dần dần chuyển hướng sang quyền lợi quốc gia, điển hình là chủ thuyết Monroe (1823): Tổng thống James Monroe tuyên bố rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào nội tình các nước thuộc Âu châu và đổi lại các nước Âu châu cũng không được can thiệp vào nội tình các nước thuộc Mỹ châu (Tây bán cầu), nói một cách khác, Tây bán cầu thuộc về ảnh hưởng của Mỹ. Cũng trong thời gian này Mỹ bắt đầu Tây tiến, chinh phục toàn bộ lục địa Mỹ châu với các vùng đất như Texas, New Mexico, Arizona, California và Oregon về phía tây và Florida về phía đông nam. Chương trình Tây tiến bắt nguồn từ một chủ thuyết, tạm dịch là "nước Mỹ ngoại hạng" (American exceptionalism), chủ thuyết này cho rằng Mỹ là nước được thượng đế ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên, xây dựng thể chế dân chủ đầu tiên, và có bổn phận phát huy lý tưởng dân chủ trên toàn thế giới [14]. Người dân Mỹ qua các thăm dò gần đây nhất vẫn cho rằng Mỹ là một thí dụ xứng đáng cho thế giới noi theo [15].
Phát triển về kinh tế cũng như quyền lợi kinh tế đưa Mỹ đi tìm các thị trường khác trên thế giới như Nhật Bản và Trung Hoa ở Á châu (tại Nhật Bản, đề đốc Matthew Perry đã nổ súng buộc Nhật phải mở cửa cho vào buôn bán năm 1853). Trong giai đoạn này Mỹ cũng đi tìm các thuộc địa ở Thái Bình Dương như Philippines, các hải đảo như Guam và Puerto Rico (cuối thế kỷ 19). Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dân và thuộc địa của chính quyền Mỹ bị rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng của Mỹ chỉ trích kịch liệt, điển hình là nhà văn Mark Twain, vua thép và nhà từ thiện Andrew Carnegie, cùng những người khác trong Liên đoàn Phản đế (Anti-Imperialist League).
Sang đầu thế kỷ 20, Mỹ theo chủ nghĩa "bế quan tỏa cảng" về chính trị dù vẫn giao thương với các nước khác. Khi Thế chiến thứ nhất xảy ra, Mỹ vẫn không muốn dính vào cuộc chiến ở Âu châu cho đến khi các tàu buôn của Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm, buộc lòng Mỹ phải tham chiến. Khi cuộc chiến chấm dứt, Tổng thống Woodrow Wilson đề nghị thành lập Hội Quốc Liên (League of Nations) là tiền thân của Liên Hiệp quốc bây giờ để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia với nhau bằng đường lối ngoại giao và hòa bình; tuy nhiên, vì khuynh hướng của dân Mỹ sau chiến tranh lại muốn trở về tình trạng "đóng cửa rút cầu" nên Quốc hội Mỹ không phê chuẩn hiệp ước thành lập Hội Quốc Liên, nên việc này không thành [16].
Sang đến Thế chiến thứ hai [17] và khi vai trò siêu cường của Mỹ đã được công nhận trên thế giới là lãnh đạo của thế giới tự do đương đầu với Xô-viết trong cuộc Chiến tranh Lạnh thì chính sách ngoại giao của Mỹ thiên hẳn về các chính sách thực tế, cân bằng quyền lực, điển hình qua các chủ thuyết "ngăn chặn" (containment), "domino", vân vân. Khi theo đuổi các chính sách thực tế (realism), Mỹ đã ủng hộ rất nhiều các nhà độc tài vi phạm nhân quyền trầm trọng (tại Châu Mỹ Latinh, Á châu, và cả Phi châu) nhưng lại là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh.
Kết luận
Tóm lại, dù hai trường hợp nêu trên là hai trường hợp ngoại lệ, nhưng cũng chứng tỏ được "lòng nhân" của Mỹ đối với nước bại trận, mặc dù số quân nhân Mỹ tử trận là 416.800 người và tốn kém hàng tỷ đô-la chiến phí [18]. Nếu đổi lại Mỹ với bất kỳ nước nào trên thế giới, thì số phận nước bại trận không biết sẽ ra sao. Còn về chính sách ngoại giao của Mỹ, ta có thể ví như một con lắc dao động giữa hai cực: lý tưởng và thực dụng. Các tổng thống Mỹ từ giữa đến cuối thế kỷ 20 thể hiện rất rõ nét sự tương phản giữa hai thái cực lý tưởng và thực dụng, hay pha trộn cả hai trong chính sách ngoại giao của mình. Bài học chúng ta có thể rút ra từ hai trường hợp này là (1) dù người có nhân từ, ta cũng phải có bản lãnh để không trở thành tay sai, và (2) quyền lợi quốc gia vẫn là yếu tố tối hậu quyết định bang giao quốc tế.
Nông Duy Trường
© 2009
-------------------------------
[1] Nixon, Richard, Leaders, Warner Books, 1982, trang 115.
[2] Khi một người bị chính quyền bắt, thì trong thời hạn sớm nhất cảnh sát phải đưa người đó ra tòa để quan tòa luận xem những tội trạng bên chính quyền đưa ra có chính đáng và có đủ chứng cớ hay không.
[3] tlđd. (Tài liệu đã dẫn), trang 116. (Phụ nữ tại Mỹ cũng chỉ mới được quyền ứng/bầu cử vào năm 1921 qua Tu chính Án thứ 19).
[4] http://www.solon.org/Constitutions/Japan/English/english-Constitution.html
[5] tlđd, trang 114.
[6] tlđd.
[7] tlđd.
[8] Đảng phái chính trị (gọi tắt là chính đảng, chính không có nghĩa là công chính hay đối nghịch với tà) tại Nhật được hình thành khá sớm so với các nước tại Á châu, vào năm 1874; nhưng cũng phải trải qua nhiều giai đoạn để trưởng thành, lúc tăng trưởng, lúc bị chính quyền quân chủ đàn áp. Đến năm 1890 các chính đảng đã tham gia thường trực vào sinh hoạt chính trị của quốc gia. Đảng mạnh nhất là đảng Tự Do.
[9] Ký tên vào hiệp ước này có cả đại diện của Việt Nam Cộng Hòa là thủ tướng Trần Văn Hữu (Bản Hiệp ước lưu trữ tại Liên Hiệp Quốc: United Nations Treaty Series 1952 (reg. no. 1832), vol. 136, pp. 45 - 164.
Online tại: http://www.alpha-canada.org/learn/SanFran.htm
[10] tlđd.
[11] Nghị định đầu hàng vô điều kiện được ký vào ngày 7 tháng 5, 1945.
[12] Tham khảo thêm phân tích về Kế hoạch Marshall và Thỏa thuận về các món nợ của Đức tại http://www.cadtm.org/spip.php?article2162
[13] Nixon, tlđd.
[14] Lipset, M. American Exceptionalism: A Double-Edge Sword. W.W. Norton, 1996.
[15] Thimm, J. "American Exceptionalism: Conceptual thoughts and Empirical Evidence," bản điện tử tại:http://www.politikwissenschaft.tu-darmstadt.de/fileadmin/pg/Sektionstagung_IB/Thimm-American_exceptionalism.pdf
[16] Xem thêm Chính sách 14 điểm tại http://en.wikipedia.org/wiki/Fourteen_Points
[17] Khi Thế chiến thứ hai xảy ra, Mỹ vẫn chưa muốn dính vào cuộc chiến tại Âu châu. Tổng thống F. Roosevelt phải ứng biến tạo ra chương trình "Lend-lease" để giúp cho Anh quốc, vì Quốc hội Mỹ cấm không cho can dự vào cuộc chiến tại Âu châu, cho đến khi Đức và Ý tuyên chiến với Mỹ ngày 11 tháng 12, 1941, 4 ngày sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng (7/12/41).
[18] Wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/World_War_II_casualties#endnote_US
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment