Wednesday, August 12, 2009

BÀ AUNG SAN SUU KYI TIẾP TỤC BỊ QUẢN THÚC TẠI GIA

MIẾN ĐIỆN
Bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia
Aung San Suu Kyi placée en résidence surveillée

LE MONDE 11.08.09
Bài của Jacques Follorou
http://www.lemonde.fr/asie-pacifique/article/2009/08/11/aung-san-suu-kyi-placee-en-residence-surveillee_1227492_3216.html#ens_id=1227602
Sau nhiều tháng tìm cớ thoái thác lần lữa, hôm thứ Ba 11 tháng Tám, một tòa án Miến Điện đã tuyên xử Bà Aung San Suu Kyi, Giải thưởng Nobel Hoà bình 1991, ba năm tù giam vì đã vi phạm lệnh quản chế tại gia. Liền ngay sau khi bản án được tuyên bố, nhóm quân nhân cầm quyền đã giảm bản án này còn mười tám tháng quản thúc tại gia trong nhà của Bà ở thủ đô Rangoun. Nhà lãnh đạo phong trào dân chủ Miến Điện đã bị mất tự do trong suốt mười bốn năm qua.

Quyết định tư pháp này hẳn đã làm dấy lên nhiều phản ứng mãnh liệt trong cộng đồng quốc tế và cô lập thêm chế độ Miến Điện, bị tố cáo làm câm nín tiếng nói của khuôn mặt lãnh đạo đối lập trong xứ. Ngay buổi sáng ngày thứ Ba, đã có nhiều phản ứng. Mã Lai Á là quốc gia đầu tiên gióng lên tiếng nói. Là thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Asean), cũng như Miến Điện, Mã Lai Á đã kêu gọi tổ chức này là phải "nhóm họp khẩn cấp" để nêu lên trường hợp của Bà Aung San Suu Kyi.

Bà đã bị truy tố vì đã chứa chấp một người Mỹ tên là
John Yettaw, hồi đầu tháng Năm, một tín đồ giáo phái Mormon, cựu chiến binh tại Việt-Nam có tâm thần yếu kém, theo như lời của các nhà ngoại giao Tây phương ở Rangoun. Bị xử bảy năm tù, trong đó bốn năm khổ sai, anh này bằng cách bơi qua một cái hồ để đột nhập căn nhà - nằm sát bờ hồ - của người lãnh đạo đối lập Miến Điện. Anh ta đã khai trong phiên tòa rằng Thiên Chúa đã gửi anh ta đến để cảnh báo là có một "âm mưu sát hại". Bà Suu Kyi đã để cho anh ta lấy lại sức trước khi mời anh ta ra đi.

Cứ theo ý kiến của tất cả những quan sát viên, bản án này trên hết thể hiện một ý chí của chế độ, là tìm cho được bằng mọi giá, một cái cớ để gạt bỏ khuôn mặt lãnh đạo đối lập Miến Điện ra khỏi mọi đời sống chính trị. Thời gian quản thúc tại gia của Bà cứ bị gia hạn từ năm một kể từ 2003, đã hết hạn ngày 27 tháng Năm.
Nhằm tránh né tất cả những chống đối từ trong xứ cũng như ở bên ngoài, nhóm quân nhân muốn tiến hành một công cuộc, mà theo như người cầm đầu Miến Điện "Tướng"
Than Shwe, từ ngày 27 tháng Ba năm 2008 đã cho đây là một "cải tổ hiến pháp nhằm trao quyền của Nhà Nước lại cho nhân dân". Sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2008, nhiều tổng tuyển cử sẽ được diễn ra vào năm 2010 để hợp thức hóa cái tiến trình này mệnh danh là " tờ thông hành dẫn tới nền dân chủ ". Đảng của bà Aung San Suu Kyi, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã tẩy chay và tố cáo những thủ thuật chính trị của chế độ, cho rằng hiến pháp mới này lại sẽ thừa nhận củng cố quyền hành của phe quân nhân.

Nhiều sự chống đối quốc tế về số phận dành cho Bà Suu Kyi không một mảy may ảnh hưởng gì tới nhóm quân nhân Miến Điện. Thảm họa gây ra bởi cơn bão Nargis trong tháng Năm 2008 đã minh chứng thêm sự bất lực của Liên Hiệp Quốc, cơ quan này đã chịu tách rời những vấn đề cứu trợ nhân đạo với chính trị, điều kiện chính yếu của sự hợp tác của Rangoun để có thể tới nơi tiếp cứu giúp đở các nạn nhân.Vào tháng Năm 2008, trong chuyến công du tại Miến Điện của Tổng thư ký LHQ,
Ban Ki-moon, viên đặc sứ của Tổng thư ký phụ trách về Miến Điện, Ibrahim Gambari, đã bị loại trừ khỏi phái đoàn và không có câu hỏi liên quan đến Bà Aung San Suu Kyi hay là những cải tổ chính trị gì cả. Vào tháng Tám 2008, lần này thì đến lượt Bà từ chối gặp Ô. Gambari để chống đối việc giam giữ Bà. Chuyến viếng thăm của Tồng thư ký LHQ trong hai ngày 3 và 4 tháng Bảy, với mục đích là sự trả tự do cho nhà đối lập, cũng bị thất bại. Ông Tổng thư ký không được cho gặp Bà ấy.

Hiện tại, chỉ có Hiệp hội các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean) có vẻ đang ảnh hưởng trên chế độ Miến Điện. Từ lúc khởi đầu phiên tòa xử Bà Suu Kyi, tổ chức đã cho biết "sự ưu tư trầm trọng của mình" trên "sức khỏe yếu kém của Bà". Các nhà ngoại giao Thái Lan, Singapor, và Nga là các nước thân cận với Rangoun, đã gặp Bà và cũng đã thuyết phục được các tướng lãnh Miến Điện chấp nhận bất chợt việc công khai hóa phiên tòa (đã được dự trù xử kín-Ghi chú của người dịch).

Ảnh hưởng của Asean trên Rangoun về sự kiện Bà Suu Kyi cũng được xuất hiện vào cuối tháng Bảy vừa qua trong việc dời ngày tuyên án từ cuối tháng Bảy cho đến ngày 11 tháng Tám, để khỏi gây phiền phức cho sự diễn tiến hội nghị cấp vùng của tổ chức tại Phuket, miền Nam Thái Lan. Những quốc gia chính yếu của Hiệp hội Asean, trong đó có Trung Quốc, đồng ý thực hiện những cuộc thương thảo song phương với Hoa Kỳ, mà không bị xáo trộn nào cả. Cũng trong dịp mà ngoại trưởng Hoa Kỳ,
Hillary Clinton, là khách được mời tham dự hội nghị.

Bà Clinton đã nhân cơ hội này trên diễn đàn nhắn lời kêu gọi chính quyền Rangoun trả tự do cho Bà Suu Kyi. Bà Ngoại trưởng đã đưa ra viễn ảnh những "sự đầu tư của Hoa Kỳ vào quốc gia này", rồi cũng vô ích. Luật sư biện hộ cho Bà Aung San Suu Kyi,
Nyan Win đã thổ lộ rằng thân chủ mình "đã chuẩn bị tình huống xấu xa nhất". Ngày 26 tháng Bảy, một nhật báo do chính quyền kiểm soát bêu riếu "việc xen vào nội bộ của người Mỹ" trong các vụ việc của tổ chức Asean : "Nếu Hiệp hội Asean nghe theo những lời chỉ thị của Ngoại trưởng Hoa Kỳ thì tổ chức này đi liếm gót giày cho Washington". Miến Điện vẫn còn có thể trông cậy vào sự ủng hộ của các cột trụ của Hiệp hội Asean. Cái xứ sở rất giàu có về nguyên liệu này hưởng thụ được lòng nhân từ rộng rãi của hai láng giềng Trung Quốc với Ấn Độ. Và Nga với Trung Cọng, chẳng những là những nhà cung cấp khí giới cho phe quân nhân, mà còn không quản ngại tỏ ra cố gắng bảo vệ Miến Điện - của phe quân nhân – hết mình trong lòng cơ chế Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

T.C. lược dịch (ngày 11/08/2009)

http://www.doi-thoai.com/baimoi0809_130.html


TIN LIÊN QUAN :
Chế độ quân phiệt Myanmar tuyên án bà Suu Kyi (DCV – CNN)
Bà Aung San Suu Kyi bị tuyên án 18 tháng quản thúc tại gia (BBC)
Bà Aung San Suu Kyi bị tuyên án 18 tháng quản thúc tại gia (RFI)
Bà Aung San Suu Kyi sẽ kháng án trong khi làn sóng phản đối Miến Điện càng dâng cao (RFI)

No comments: