Sunday, June 14, 2009

Ý KIẾN của GIỚI LUẬT SƯ VIỆT NAM v/v LS LÊ CÔNG ĐỊNH BỊ BẮT

Ý KIẾN CỦA GIỚI LUẬT SƯ VIỆT NAM VỀ VIỆC LS LÊ CÔNG ĐỊNH BỊ BẮT
RFA
14-6-2009
Sáng hôm qua, Thứ Bảy 13-6-2009, chính quyền Việt Nam đã ra lệnh bắt khẩn cấp Luật sư Lê Công Định là người từng công khai đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền và đứng ra biện hộ cho những tiếng nói bất đồng chính kiến như các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và blogger Điếu Cày.
Nhã Trân tường tình chi tiết và ghi ý kiến của giới luật sư trong nước.
Hình ảnh LS Lê Công Định, ngồi trong văn phòng với 4 nhân viên công an mặc thừơng phục đang xem xét, lục sóat giấy tờ tài liệu ngay bên cạnh ông, được phổ biến rộng rãi trên các báo mạng tại Việt Nam. Sự kiện được loan truyền mau chóng trong công luận ở Việt Nam cũng như hải ngọai, và trong những ngừơi được biết ở Việt Nam có LS Cù Huy Hà Vũ, LS Nguyễn Đăng Trừng và LS Nguyễn Văn Hậu.

LS Hậu xác nhận với chúng tôi:
- Tôi có nghe. Tôi mới xem trên mạng đó chị. Cái này tôi cũng chưa nghe tin chính thức đó chị. Tôi mới nghe tin đây. Nhưng mà tôi cũng không biết (LS Định) bị bắt vì cái gì.

Cũng như LS Trừng và LS Hậu, LS Vũ cho hay là ông có được tin, nhưng chỉ qua truyền thông:
- Tôi mới lên mạng VietnamNet. Tôi cũng đựơc biết trên VietnamNet là LS Lê Công Định vừa bị bắt khẩn cấp. Mấy hôm nay tôi rất bận nên không có được ai nói gì đến việc này cũng như không có thông tin nào khác về việc này.

Lý do LS Lê Công Định bị bắt, như đựơc loan, là chiếu theo Điều 88 - Bộ Luật Hình Sự Việt Nam, vì đã có những "hành vi cấu kết chống lại nhà nước CHXHCNVN". Điều 88 - Bộ Luật Hình Sự Việt Nam quy định các hành vi như tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong dân chúng; sọan thảo, tàng trữ và lưu hành tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống nhà nước.

Đựơc hỏi là lý do LS Lê Công Định bị ghép tội vi phạm Điều 88 - Bộ Luật Hình Sự có cơ sở hay không, dựa vào các họat động của ông lâu nay, LS Cù Huy Hà Vũ trả lời:
- Tôi nghĩ là chuyện mọi người phát biểu quan điểm của mình về mọi vấn đề kinh tế - chính trị rất là bình thường. Luật sư Định có nói là nền chính trị đa nguyên là động lực để phát triển xã hội, thực tế mà nói thì quan điểm này không có gì gọi là sai trái cả. Việc luật sư bào chữa cho mọi người trong các vụ án hình sự thì đấy là chuyện bình thường. Bào chữa cho những người có quan điểm hay chính kiến bất đồng với chế độ chính trị hiện hành thì đấy là chuyện bình thường. Chuyện bắt khẩn cấp LS Định vì lý do là cấu kết với những ai đó để chống nhà nước theo tội danh được quy định tại Điều 88 - Bộ Luật Hình Sự thì theo tôi, vụ việc này bản thân tôi cũng không biết gì nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là việc khởi tố đó phải có những chứng cứ và hành vi mà cơ quan điều tra công an kết luận là đã phạm vào một tội danh được quy định tại Điều 88. Chắc là cơ quan điều tra họ trước sau cũng phải công bố bởi vì cái việc công bố là nhất thiết phải có.

Các báo trong nước trích dẫn thông báo của cơ quan điều tra Việt Nam là từ năm 2005 LS Định đã "móc nối với các tổ chức lưu vong tại nứơc ngòai, họat động với mục tiêu lật đổ chế độ cộng sản tại Việt Nam theo phương thức lập các tổ chức chính trị đối lập là Đảng Lao Động và Đảng Xã Hội để tập hợp lực lượng, đánh từ ngòai vào trong nhằm gây rối lọan trong nứơc".

Chi tiết hơn, thông tin các báo mạng trong nước nói rằng LS Lê Công Định "phụ trách việc cải cách hành chính, ủng hộ về luật pháp cho các tổ chức chính trị chống đối", liên hệ với một số tổ chức như Đảng Việt Tân, Đảng Nhân Dân Hành Động, Đảng Dân Chủ Việt Nam, và Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, đồng thời quan hệ chặt chẽ với một số lãnh đạo của các đảng phái này.

Hỏi thăm LS Cù Huy Hà Vũ về quy định bắt khẩn cấp cũng như đối xử trong thời gian giam giữ nghi phạm, chúng tôi được trả lời:
- Việc bắt khẩn cấp theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam, nếu trong trường hợp bắt tại nhà thì phải có sự hiện diện của người trong gia đình, ngoài ra thì còn có ý kiến của đại diện dân phố, và tất nhiên là có sự có mặt của cảnh sát khu vực, của chính quyền khu vực. Đấy là những điều quy định rất rõ.
Trong trường hợp bắt khẩn cấp tại văn phòng thì luật cũng không quy định một cách rõ ràng, nhưng chắc chắn là cũng phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương chứ không phải là chỉ của cơ quan điều tra.


LS Cù Huy Hà Vũ cũng cho hay khi đựơc hỏi về các quyền hạn phải được dành cho LS Lê Công Định trong trừơng hợp này:
- Người bị bắt có những quyền được bảo đảm, ví dụ có thể chủ động tìm thuê luật sư, đương nhiên có đầy đủ một số quyền, ví dụ như là cái quyền được yêu cầu có luật sư. Mới đây thì luật tố tụng quy định là luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, hoặc ngay sau bắt để mà thực hiện nhiệm vụ lấy lời khai đối chứng để tránh cho đối tượng bị tạm giam bị ép cung một cách không cần thiết. Thân nhân có thể được thăm nuôi khi cần thiết và nếu được phép, còn luật sư thì là cái quyền được tiếp xúc.

Mạng Tin Nhanh Vietnam trong ngày 13 có bài viết trích dẫn trả lời phỏng vấn của Luật sư Bùi Quang Nghiêm là liệu Đòan Luật Sư TP.HCM có hổ trợ gì cho LS Lê Công Định gì về mặt pháp lý hay không, thì ông Bùi Quang Nghiêm cho rằng LS Lê Công Định là một luật sư giỏi, có tài, do vậy tự thân sẽ biết phải làm gì để bào chữa mà không cần đến Đòan Luật Sư Thành Phố.

Báo chí trong nứơc tiếp tục đưa thêm chi tiết về những tội danh mà phía chính quyền Việt Nam quy kết cho LS Định, như nói ông đã biên sọan nhiều tài liệu, phát tán trên các đài truyền thông hải ngọai để "xuyên tạc đừơng lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và kêu gọi thay đổi chế độ, lợi dụng vấn đề bauxite Tây Nguyên, Trừơng Sa - Hòang Sa để kích động tư tửơng chống đối Đảng, Nhà nước" v.v…

Chúng tôi xin được nhắc là LS Lê Công Định tốt nghiệp luật ở Đại Học Luật Hà Nội năm 1989, thạc sỹ luật ở Đại Học Tulane (Hoa Kỳ) năm 200, hành nghề luật từ nhiều năm, và từng là Phó Chủ Nhiệm Đòan Luật Sư TP.HCM. Trong vài năm gần đây ông tham gia biện hộ cho nhiều vụ án được xem là "nhạy cảm" khi bào chữa cho Ls Nguyễn Văn Đài, Ls Lê Thị Công Nhân, và cho blogger Điếu Cày. Bên cạnh đó ông cũng viết một số bài xã luận, trong đó có bài đề cập đến chủ nghĩa đa nguyên và mô hình mới của nền chính trị đa nguyên ở Việt Nam.
(ghi chép theo đài phát, chương trình 6:30 sáng 14-6-2009, giờ Việt Nam)


No comments: