Monday, June 15, 2009

VOA PHỎNG VẤN ĐẠI SỨ HOA KỲ TẠI VIỆT NAM

Phỏng vấn đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak
15/06/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-15-voa19.cfm
Thưa quý vị, hôm 13/6, đại sứ Mỹ Michael Michalak đã có buổi tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở thủ đô Washington. Trong cuộc gặp mặt này, ông Michalak đã lắng nghe và hồi đáp những câu hỏi mà cộng đồng đặt ra với ông. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng đã dành cho đài VOA một cuộc phỏng vấn riêng, trong đó ông đánh giá một loạt các vấn đề liên quan tới nhiệm kỳ của ông tại đây.

Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak
http://www.voanews.com/vietnamese/images/voa-michael-michalak_210.jpg

VOA: Ông cảm thấy thế nào khi thêm một lần nữa quay trở lại đối thoại trực tiếp với cộng đồng người Việt ở Mỹ?
Michael Michalak: Tôi thích làm việc này. Đó là một phần công việc của tôi và là điều tôi nghĩ chúng tôi cần làm nhằm có được cái nhìn tổng thể từ người Việt khắp nước Mỹ. Tôi nghĩ là người Việt ở đây rất nồng hậu và chào đón tôi rất nhiệt tình. Bất kỳ chặng dừng chân nào của tôi ở Mỹ, tôi cũng muốn tiếp xúc với người Việt, tạo cơ hội cho họ bày tỏ tâm tư.

VOA: Nhưng thưa ông, sau cuộc gặp của ông mới đây với cộng đồng người Việt ở California, một số người không hài lòng với quan điểm của ông về chuyện chưa đưa Việt Nam trở lại danh sách của Mỹ về các nước cần đặc biệt quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo (CPC). Ông nghĩ sao về thông tin này?
Michael Michalak: Đây là một đất nước tự do nên ai cũng có thể bày tỏ quan điểm của mình. Nếu lúc nào mọi người cũng hài lòng với công việc tôi làm, tôi không nghĩ tôi đã làm đúng công việc của mình. Tôi nghĩ sẽ luôn có người cho rằng tôi làm chưa đủ hoặc hơi quá. Nhưng đây là nước Mỹ, ai cũng có quan điểm riêng.

VOA: Trong thời gian hai năm làm việc ở Việt Nam, điều gì khiến ông đau đầu nhất, thưa ông?
Michael Michalak: Bất kỳ vấn đề nào tôi phải giải quyết cũng khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi thấy nhân quyền là vấn đề chúng tôi đạt được ít tiến bộ nhất cho dù đã có tiến triển. Đây cũng là lĩnh vực chúng tôi còn nhiều việc phải làm nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng còn nhiều điều cần phải giải quyết trong lĩnh vực giáo dục vì tôi nghĩ các thách thức liên quan tới giáo dục ở Việt vẫn còn rất lớn, và lợi ích mà các chương trình giáo dục mang lại cũng sẽ lớn, không những chúng giúp thúc đẩy nhân quyền mà còn thúc đẩy phúc lợi xã hội và kinh tế cho người dân Việt Nam. Tóm lại, nhân quyền và giáo dục có lẽ là hai vấn đề khiến tôi đau đầu nhất.

VOA: Vì sao ông lại đặt giáo dục là một trong các ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình?
Michael Michalak: Giáo dục là một trong những công cụ rất cơ bản mà quốc gia nào cũng cần để phát triển, cả về mặt kinh tế, xã hội hay chính trị. Tôi nghĩ người dân cũng cần phải biết đưa ra quyết định riêng và tôi nghĩ hệ thống giáo dục sẽ mang lại cho họ khả năng đó. Việt Nam có nhiều người tài giỏi nhưng tôi nghĩ các kỹ năng của họ cần phải phát triển thêm nữa, và đó là điều mà các chương trình giáo dục có thể mang lại. Nó sẽ mang lại các lợi ích hết sức tích cực. Nếu nhìn vào nội các Việt Nam, bạn có thể biết ngay là ai từng ra nước ngoài tu nghiệp. Họ xuất chúng không chỉ trong chính phủ, mà còn trong cả lĩnh vực tư nhân và tôi muốn thấy thêm nhiều người Việt Nam có khả năng đó.

VOA: Mới đây ông có gửi một bức thư riêng tới báo Tuổi Trẻ để phản đối bài báo ‘Chuyện không bình thường’ có liên quan tới ông. Vì sao ông lại ‘buồn và thất vọng’ đến vậy?
Michael Michalak: Tôi nghĩ bản thân bức thư của tôi đã nói lên nhiều điều. Một trong những nguyên tắc cơ bản đối với các nhà báo giỏi là luôn phải kiểm tra lại nguồn tin. Tôi nghĩ giá mà họ đã kiểm tra thêm trong trường hợp đó thì hay hơn.

VOA: Liệu điều đó có phản ánh một tình trạng chung của báo chí Việt Nam, đó là việc đưa tin một chiều và phục vụ cho lợi ích của một ai đó không, thưa ông?
Michael Michalak: Thật sự cũng khó nói. Tướng Giáp từng viết nhiều bức thư đề cập tới vấn đề khai thác bauxite. Tôi nghĩ có nhiều blog cũng có nhiều ý kiến khác nhau, rồi các bài báo đặt dấu hỏi về các dự án đó. Nhiều phiên chất vấn quốc hội đã được truyền hình trực tiếp, và các viên chức chính phủ đã phải trả lời các câu hỏi về ngân sách và tính hiệu quả của chính phủ. Tôi có thể nói là tôi không hài lòng với tình trạng báo chí Việt Nam hiện thời, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục cố gắng trao đổi nhằm cải thiện tình trạng này.

VOA: Ông từng nói rằng một nền báo chí sôi động là điều cần thiết nhằm tăng tính minh bạch cũng như giúp nước này trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng. Trong hai năm làm nhiệm vụ ở Việt Nam, ông có thấy một sự thay đổi mang tính tính cực nào không?
Michael Michalak: Thực sự là chưa. Tôi muốn thấy có thêm nhiều sự thay đổi hơn nữa, nhất là về lĩnh vực luật báo chí, trong đó có điều khoản cho phép báo chí đưa tin mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về vấn đề tham nhũng. Tôi cũng muốn thấy điều khoản về bí mật quốc gia mở rộng hơn. Ví dụ như bấy lâu nay thông tin về nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vẫn được coi là một bí mật quốc gia, mà đó lại là thông tin tối quan trọng cho người dân cũng như các nhà đầu tư cần để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn. Tôi nghĩ còn rất nhiều việc phải làm, và tôi đã phát biểu về vấn đề đó với chính phủ tại hội nghị các nhà tài trợ mới đây. Tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chủ đề đó.

VOA: Đại sứ quán Mỹ mới đây ra thông cáo cho biết tàu hải quân Mỹ (USNS) lần đầu tiên tham gia tìm kiếm nhân đạo người Mỹ mất tích ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Nhưng một số nhà quan sát nói rằng bước đi nhân đạo này có tính chính trị nhất là trong bối cảnh hải quân Trung Quốc gia tăng hoạt động ở vùng biển Đông. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Michael Michalak: Tôi nghĩ hai vấn đề đó không liên quan tới nhau. Chúng tôi đã bàn thảo về chuyện đưa tàu khảo sát đại dương của Mỹ ba tới bốn năm nay rồi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng vượt qua các trở ngại và khó khăn về mặt thủ tục. Đây hoàn toàn là một vấn đề nhân đạo. Đây là lần thứ hai tàu này vào Việt Nam. Lần đầu tiên tàu này tới thăm và chúng tôi có mời các quan chức Việt Nam lên thăm con tàu để xem khả năng hoạt động của nó ra sao. Lần này thì con tàu đến hoàn toàn vì mục tiêu nhân đạo mà thôi.

VOA: Luật sư ủng hộ cải cách và dân chủ Lê Công Định mới bị bắt ở Việt Nam. Ông phản ứng sao trước tin này?
Michael Michalak: Tôi biết Lê Công Định. Đó là một trong các luật sư giỏi nhất của Việt Nam. Tôi cũng mới nghe tin và tôi sẽ tìm hiểu thêm thông tin vì luật sư này từng làm việc với chính phủ, các công ty hay những người muốn nêu lên chính kiến. Nói chung là luật sư Định làm việc với mọi thành phần trong xã hội nên tôi thấy khó có thể tin là luật sư này lại câu kết với các thế lực thù địch. Tôi rất quan tâm và muốn tìm hiểu về vụ này.

VOA: Liệu người dân Việt Nam có nên mong chờ vào một chuyến thăm của các quan chức cấp cao của Mỹ trong tương lai gần không, thưa ông?
Michael Michalak: Chúng ta đều mong chờ các cuộc viếng thăm cấp cao, nhưng hiện chưa thể biết là có thu xếp được hay không. Tân chính quyền còn khá mới nên vẫn còn đang hoạch định các kế hoạch công du. Cả tôi và chính quyền Việt Nam đều nỗ lực để đưa nhiều nhất có thể quan chức Mỹ tới thăm Việt Nam. Đã có các chuyến thăm cấp cao của Việt Nam sang Mỹ nên tôi hy vọng phía chúng tôi sẽ có các chuyến công du đáp lễ.

TIN LIÊN QUAN :

Đại sứ Mỹ ‘quan tâm’ vụ bắt luật sư Lê Công Định
Luật sư Lê Công Ðịnh bị bắt



No comments: