Monday, June 15, 2009

AI CỬ, LUẬT SƯ BẦU ?

AI CỬ, LUẬT SƯ BẦU ?
Luật sư Lê Công Định
Freelecongdinh’s Blog
Tháng Sáu 16, 2009
http://freelecongdinh.wordpress.com/
Hội nghị Luật sư toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội đã khép lại sau 3 ngày làm việc căng thẳng, từ 10/5/2009 đến 12/5/2009, mà báo chí đăng là “thành công tốt đẹp” như khi bế mạc bao Hội nghị long trọng khác từ hơn 60 năm qua.

Kết quả bầu cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn Luật sư Việt Nam không nằm ngoài dự đoán của đa số người quan tâm, và đặc biệt càng đúng với mong muốn của một số người “rất quan tâm”.
Tôi trở về sau những ngày hội nghị với tâm trạng không biết nên buồn hay vui. Vui vì cuối cùng giới luật sư cũng có được một Tổ chức toàn quốc đại diện cho nghề nghiệp của mình sau thời gian dài chờ đợi.
Buồn vì mong ước có được một vị thủ lĩnh thực sự cho giới luật sư Việt Nam đã bị dập tắt nhanh chóng, dù trước khi đến Hội nghị tôi cũng không quá ảo tưởng về một sự đổi thay ngoạn mục.

Tại Hội nghị, phần bàn luận về bản Điều lệ Liên đoàn và thể thức bầu cử đã diễn ra chóng vánh và vụng về, giống y như các vụ án hình sự nhạy cảm mà tôi từng tham gia, bởi lẽ những người tổ chức chỉ muốn “xong cho rồi” để tránh rủi ro bất ngờ cho kịch bản soạn sẵn. Ngồi trong phòng họp tôi miên man nghĩ đến các kỳ bầu cử từ trước đến nay, rồi tự hỏi trong Hội nghị Luật sư toàn quốc này ai cử để luật sư bầu (!?).
Tất nhiên sẽ có người trả lời thay giới luật sư rằng chính các anh đề cử ứng viên của mình chứ còn ai khác (!?). Những ai lo lắng cho tương lai nghề luật sư nói riêng và gương mặt sáng sủa của hệ thống tư pháp ở đất nước này nói chung, chắc chắn không chọn các ứng viên ấy. Là những người thực sự mong muốn góp phần vào sự phát triển và tiến bộ của quốc gia, chúng tôi nghĩ rằng Chủ tịch Liên đoàn Luật sư dứt khoát phải là một vị thủ lĩnh đáng kính của giới luật sư.

Để trở thành thủ lĩnh, vị Chủ tịch phải lăn lộn với nghề luật sư bằng bề dày kinh nghiệm và thâm niên nghề nghiệp mà đồng nghiệp nào cũng phải kính trọng. Người ấy tất nhiên phải sống và nuôi gia đình bằng tiền kiếm được từ nghề này, chứ không phải bằng tiền trợ cấp của cơ quan nào đó trả cho vài ba ngày “làm luật sư” trên giấy. Quan trọng hơn cả, người ấy phải thể hiện đẳng cấp và tầm vóc của nghề nghiệp, để giới luật sư có thể ngẩng cao đầu khi xã hội nhìn lên và bạn bè quốc tế trông vào.

Những tiêu chuẩn căn bản đó, tiếc thay, tôi không thấy hoặc tìm ra ở các ứng viên cho các chức danh lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam lần này. Có lẽ đành phải chờ thêm 5 năm nữa đến Hội nghị Luật sư Toàn quốc lần thứ hai vậy. Hy vọng lúc ấy có thể “đãi cát tìm vàng”. Nếu may ra tìm được vàng thật, thì cũng không uổng phí công chờ đợi, giống như thể “đi tìm thời gian đã mất” vậy thôi (như tựa đề một tác phẩm danh tiếng của văn hào Pháp Marcel Proust: À la recherche du temps perdu)!

Chuyện vừa diễn ra, tuy nhiên, lại làm tôi băn khoăn nhiều về chuyện khác. Như một định mệnh của dân tộc, cứ mỗi khi cần phải đưa ra quyết định quan trọng nhằm tạo nên những chuyển đổi bước ngoặc cho các vấn đề thiết yếu của đất nước, thì người Việt chúng ta luôn quá thận trọng, nhìn tới nhìn lui để rồi cuối cùng… đánh mất cơ hội. Điều lẽ ra có thể làm được hôm nay thì luôn để lại nhiều năm sau mới dám mạnh dạn thực hiện. Trách sao vận nước cứ long đong, nói chi đến vận mệnh nghề nghiệp cỏn con của giới luật sư này.

Luật sư Lê Công Định
Nguồn:
website của đoàn LS Tp.HCM

No comments: