Saturday, June 6, 2009

VỀ SỰ RA ĐI CỦA NHÀ VĂN-HOẠ SĨ VÕ ĐÌNH

Sao vội thế hả anh Võ Đình?
Nguyễn Hưng Quốc
Melbourne 5 tháng Sáu 2009
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=84D152070E93DDAAD57CC038EBE03CD8?action=viewArtwork&artworkId=8788
Nhận được tin nhà văn kiêm hoạ sĩ Võ Đình từ trần, tôi không ngạc nhiên nhưng vẫn buồn. Không ngạc nhiên vì cách đây mấy tháng, đọc một bài viết của Trần Thị Lai Hồng, vợ ông, trên Gió-O,[1] tôi đã biết sức khoẻ của Võ Đình suy sụp đi nhiều lắm.

Nhớ, lúc ấy, đọc xong, tôi bần thần thật lâu. Suốt mấy ngày liền, tôi không ngớt bị ám ảnh bởi hình ảnh một Võ Đình nằm trong viện dưỡng lão, giữa bao nhiêu người già yếu và bệnh hoạn thuộc đủ mọi sắc tộc. Buồn.

Trong văn giới Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt, thuộc thế hệ trưởng thành và cầm bút trước năm 1975, tôi đánh giá cao Võ Đình. Tôi xem ông là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam ở hải ngoại sau năm 1975. Xin nói ngay: trong lãnh vực này, không có một người tiêu biểu nhất. Kinh nghiệm lưu vong, dù trong lãnh vực văn học nghệ thuật, phong phú và đa dạng đến độ không có bất cứ một người nào, dù tài hoa đến mấy, có thể được xem là tiêu biểu nhất. Bóng mỗi người, may lắm, chỉ trùm lấp được một góc. Chỉ khác nhau ở phạm vi: rộng hay hẹp. Và ở cái tầm: cao hay thấp. Thế thôi. Võ Đình cũng thế. Ông chỉ có thể được xem là đại biểu cho lớp người cầm bút định cư ở nước ngoài trước năm 1975, những người tuy sống ở ngoại quốc thật lâu nhưng vẫn giữ được một cốt cách rất ư Việt Nam.
Việt Nam, trước hết, ở phương diện ngôn ngữ.

Nhiều người thường nói, và bản thân tôi cũng từng tin, nếu không từng viết hẳn ra, đâu đó, là: một trong những nguy cơ lớn nhất mà giới cầm bút lưu vong phải thường trực đối diện là thuộc phạm vi ngôn ngữ. Vốn liếng từ vựng của người ta không những không được cập nhật mà còn bị rơi rụng và hao hụt dần đi theo thời gian. Đó là chưa kể nguy cơ pha tạp, do sự tác động mạnh mẽ của ngôn ngữ chính mạch trong xã hội họ đang sống. Tất cả những nguy cơ ấy dẫn đến một nguy cơ khác, nghiêm trọng hơn: người ta mất hoặc giảm dần cảm giác về ngôn ngữ. Từ vựng tuôn ra từ tay họ không còn sức sống hôi hổi và tươi roi rói như lúc họ còn ở trong nước. Để diễn tả kinh nghiệm ấy, nhà thơ Cao Tần dùng một chữ đắc địa: “héo”: “Tiếng Việt trong ta ngày một héo.” Về phương diện lý thuyết, những lập luận như thế có vẻ hợp lý. Quên, sau mấy chục năm xa cách, đó là chuyện bình thường. Lạc hậu, so với dòng ngôn ngữ không ngừng thay đổi và sinh sôi nảy nở, cũng là một chuyện bình thường nữa. Chẳng có gì đáng phải nghi ngờ cả. Thế nhưng, nếu tất cả những hiện tượng vừa kể là phổ biến thì có lẽ chúng cũng không phải là tất yếu. Nhìn vào thực tế văn học Việt Nam ở hải ngoại, chúng ta không gặp mấy khó khăn khi tìm ra những ngoại lệ, những người xa Việt Nam đã lâu, lâu lắm, mà vẫn viết tiếng Việt hay, hơn nữa, có thể nói, thật hay. Không những hay mà còn mới. Và trẻ. Lúc nào cũng phơi phới. Kể ra thì khá nhiều, nhưng hiện ra trong óc tôi, trước hết, một số tên tuổi chính: rời Việt Nam từ 1975, tức ba mươi mấy năm rồi, có hai cây bút có văn phong cực kỳ sinh động: Võ Phiến và Đỗ Kh.; rời Việt Nam trước đó nữa, có hai cây bút viết phê bình và tuỳ bút có văn phong tài hoa và độc đáo: Phạm Công Thiện và Đặng Tiến; còn trước đó nữa, rời Việt Nam tận những năm đầu tiên của thập niên 1950 thì có... Võ Đình.

Trong bài
“Viết văn bằng tiếng Việt” đăng trên tạp chí Việt số 2 ra vào giữa năm 1998, Võ Đình tự nhận ông “thuộc vào lớp người gốc Việt sống lâu năm nhất ở hải ngoại” (tr. 46). Mà đúng. Khi lớp người Việt tị nạn đầu tiên đặt những bước chân đầy bỡ ngỡ lên các mảnh đất Mỹ châu, Âu châu và Úc châu vào giữa năm 1975 thì Võ Đình đã sống ở đó đúng một phần tư thế kỷ. Mà không phải chỉ sống, ông còn hội nhập hẳn vào đời sống của Tây phương. Ông giỏi ngoại ngữ, có một số sách viết bằng tiếng Anh được xuất bản, và, với tư cách hoạ sĩ, tham gia vào nhiều cuộc triển lãm quốc tế.

Thế nhưng, Võ Đình lại rất Việt Nam. Ngoài lãnh vực ngôn ngữ, ở nhiều phương diện khác, Võ Đình cũng đều Việt Nam.
Ví dụ chuyện giao tiếp và thư từ.

Xin nói ngay, tôi không giao tiếp với Võ Đình nhiều. Ông sinh năm 1933, lớn hơn tôi 23 tuổi; rời Việt Nam sang du học ở Pháp vào năm 1950, lúc tôi chưa ra đời. Tôi chỉ gặp ông một lần duy nhất, trong một khoảng thời gian khá ngắn, vào đầu năm 1989, khi ông đến nghe tôi nói chuyện về thơ tại đại học George Mason, sau đó, dự buổi ăn tối chung với nhiều anh chị em cầm bút khác đang sống trong vùng Washington D.C., Hoa Kỳ. Thời gian nói chuyện riêng với nhau thật ít. Tôi chỉ nhớ, trong buổi ăn tối ấy, Võ Đình ngâm mấy bài thơ nói là để tặng tôi. Để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là bài “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính và bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm. Phải nói ngay là Võ Đình có giọng ngâm thơ điêu luyện và truyền cảm. Tuy nhiên, điều tôi chú ý nhiều hơn ở ông không phải ở giọng ngâm mà là ở ánh mắt. Võ Đình có đôi mắt đẹp. Đẹp và sắc, sắc lẹm. Trong lúc ông ngâm thơ, đôi mắt ấy thỉnh thoảng lại liếc ngang, rất nhanh, quét qua một số người, dường như để thăm dò phản ứng của họ về giọng ngâm của ông. Bắt gặp ánh mắt ấy, tôi nghĩ thầm: Cẩn thận! Ông này nhạy cảm, hay tự ái và dễ hờn lắm đấy! Tiếc, tôi không có cơ hội gặp lại ông lần nào nữa để kiểm tra cái ấn tượng ban đầu ấy. Chỉ mừng thầm là dường như buổi gặp gỡ ngắn ngủi duy nhất giữa ông và tôi đã diễn ra một cách tốt đẹp. Mấy ngày sau, trong một bức thư gửi cho Võ Phiến, Võ Đình kể về tôi với những nhận xét khá ưu ái. Mấy tháng sau, nhân Hồ Trường An sang Mỹ, ông gửi tặng tôi bức tranh mộc bản “Mây Tần” vì biết tôi từng có ý định dùng hai chữ ấy để đặt tên cho con gái đầu lòng. Mười hai năm sau, vào đầu năm 2001, Võ Đình còn chịu khó xem lại cuốn băng video thu buổi nói chuyện của tôi tại đại học George Mason mà nhà văn Trương Vũ còn giữ được và cho ông mượn, rồi ông viết thư cho tôi, nói là có những chi tiết “không thể không... cảm động”. Một năm sau đó, trong bản tiểu sử tóm tắt viết dưới hình thức niên biểu gửi tôi, Võ Đình ghi sự kiện “chính” trong đời ông vào năm 1989 là “[g]ặp... Nguyễn Hưng Quốc lần đầu tại George Mason University”.
[2]

Lần đầu tiên ấy cũng là lần cuối cùng. Cuối năm 2003, lúc đang ở Việt Nam, tôi nhận được điện thoại của Võ Đình báo tin ông cũng mới về đến Việt Nam. Lúc ấy tôi đang chuẩn bị ra phi trường để về lại Úc nên không thể gặp ông được. Đành hẹn một dịp khác. Cái “dịp khác” ấy không bao giờ đến nữa. Trừ phi có một thế giới nào khác. Đâu đó.

Suốt bao nhiêu năm, quan hệ giữa tôi và Võ Đình chủ yếu chỉ qua thư từ và emails. A! Chung quanh chuyện thư từ và emails cũng có lắm điều đáng nói. Võ Đình có vẻ là một người thích viết thư và đọc thư. Bức thư nào của ông gửi tôi, dù dài hay ngắn, cũng đều được viết một cách nắn nót với một chữ ký ít nét nhưng mạnh mẽ và thường khá lớn. Ông kể, ông thường giữ gìn thư từ của người khác gửi ông một cách cẩn thận, có khi cất trong các phong bì riêng. Ông không những quan tâm đến nội dung mà còn chú ý đển cả nét chữ nữa. Cho đến nay, ở hải ngoại, ông là người duy nhất có bài viết nhận xét về nét chữ của giới cầm bút Việt Nam. May mắn, tôi cũng được ông nhắc đến với một lời khen: “văn đã hay mà chữ lại tốt”, kèm theo một lời chê: đôi khi “trượt chân xuống chỗ hoa hoè”.
[3]

Còn emails? Nói đến Võ Đình mà chắc đến chuyện emails, chắc không ít người quen biết ông sẽ ngạc nhiên ghê lắm. Võ Đình vốn nổi tiếng là người dị ứng với các kỹ thuật truyền thông hiện đại. Ông tự đặt cho ông hỗn danh là “Ông Lâu”, low technology, người kém về kỹ thuật.
[4] Ông không thích sử dụng điện thoại. Bản thảo của ông thường được đánh máy và bỏ dấu tay. Từ đầu thế kỷ 21, chắc nghe bạn bè xúi giục, ông sắm một cái computer và nối mạng đàng hoàng. Nhưng hình như thiếu kiến thức về kỹ thuật, ông thường xuyên gặp trở ngại khi sử dụng internet. Thư từ cho tôi, ông hay than thở về chuyện ấy. Ví dụ đoạn đầu bức thư đề ngày 19.10.2002: “Trời còn mờ tối. Bắt chước bà Soa,[5] dâng hương, gióng 3 tiếng chuông. Hai tiếng đầu thật ‘ngon’, tiếng thứ 3 ngượng ngập, lạc lõng. Suy ra, có lẽ, có lẽ thôi, vì thỉnh chuông mà trí óc không được vào ‘chánh niệm’ 100%. Tối qua, vào internet, mở email ra, thấy có 2 cái messages của NHQ. Bấm, không chịu mở ra. Thì ra cái máy đã chết cứng. Lần thứ... không kể xiết.”
Trừ những lúc trục trặc như thế, bình thường Võ Đình vẫn có thể đọc được emails bạn bè gửi đến. Và thỉnh thoảng ông cũng trả lời bằng emails. Thường rất gọn. Dăm ba dòng. Hình như ông không xem những lời nhắn vội vàng và ngắn ngủi ấy là thư nên ông vẫn viết thư tay theo kiểu truyền thống. Không hiếm trường hợp, gửi emails cho ông xong, tôi phải chờ một, hai tuần để đọc phản hồi qua ngả... bưu điện. Trong bức thư gửi tôi ngày 14.3.2003, ông phân bua: “Mình chưa đến trình độ viết với máy PC (cứ lúng ta, lúng túng...) nên cứ viết tay. Kệ mình. Q. có viết cho mình thì cứ viết bằng máy!”

Tổng cộng, thời gian sử dụng emails của Võ Đình không lâu. Chỉ vài ba năm gì đó. Khoảng 2004/5 (?), ông mổ cườm mắt. Sau đó, ông không còn đọc email được nữa. Và chắc ông cũng không gửi email cho ai. Tuy nhiên, thời gian sử dụng email ngắn ngủi của Võ Đình cũng để lại một thành quả thú vị: một cuốn sách ông và tôi soạn chung.

Cuốn sách, hình thành từ sáng kiến của Võ Đình từ năm 2002, thật ra là một tập tài liệu về một nhà văn khác. Chúng tôi thoả thuận với nhau: chuẩn bị thì chuẩn bị, nhưng giữ bí mật, không nói với ai cả cho đến khi cuốn sách được xuất bản; và cuốn sách chỉ được xuất bản sau khi nhà văn ấy đã thành người thiên cổ. Nghĩa là, đó chỉ là một dự án dài hạn. Có thể còn lâu lắm. Năm năm. Mười năm. Hay lâu hơn nữa. Không có gì gấp gáp. Vậy mà, lạ, Võ Đình vẫn làm việc một cách khá hối hả: chỉ trong một thời gian ngắn, phần đóng góp của ông, dài hơn một trăm trang giấy in, đã được đánh máy cẩn thận và gửi qua tôi bằng email. Thấy ông hăng hái, tôi cũng hăng hái theo. Tôi phóng tay viết “Lời nói đầu”, gửi cho Võ Đình xem, ông đồng ý ký tên chung: Nguyễn Hưng Quốc và Võ Đình. Tôi lại nhờ em trai tôi, Nguyên Hưng, trình bày giùm bìa sách.
Cuốn sách, như vậy, xem như đã hoàn tất. Hoàn toàn.
Và để đó.
Chờ.
Không ngờ người ra đi trước lại là Võ Đình.

Melbourne 5 tháng Sáu 2009
Nguyễn Hưng Quốc


----------------------------------------------------------------------

[1]Trần Thị LaiHồng, “Manor/Mona/Mônà” đăng trên Gió O.
[2]Xem bài “Võ Đình, lý lịch trích ngang” trên Tiền Vệ.
[3]Bài “Chữ” được in trong cuốn Huyệt Tuyết của Võ Đình, Văn Nghệ xuất bản tại California năm 2002. Bài này cũng có thể đọc trên trang Gió O.
[4]Xem bài “Ông Hai Lâu” in trong cuốn Huyệt Tuyết.
[5]Một nhân vật trong truyện ngắn “Bàn thờ nhà bà Soa” của Võ Đình. In trong cuốn Huyệt Tuyết.


No comments: