Sunday, June 14, 2009

VỀ CHÍNH SÁCH KIỂM DUYỆT MÁY ĐIỆN TOÁN CÁ NHÂN (PC) CỦA TRUNG QUỐC

Câu chuyện kiểm duyệt Internet
Lê Phan
Thursday, June 11, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96371&z=97
Vốn không phải là như giới trẻ, sinh ra là đã quen thuộc với Internet và computer, tôi thường ít khi dám nói đến chuyện kỹ thuật vi tính. Nhưng sau khi Trung Quốc, hôm 8 Tháng Sáu vừa qua, ra lệnh cho tất cả các computer bán ra tại xứ họ phải có một chương trình mà theo họ có nhiệm vụ lọc ra những nội dung thô lậu hay đồi trụy, tôi tò mò đi hỏi thăm về chương trình này, và phải nói càng tìm hiểu càng thấy đáng sợ.

Chương trình được gọi là “Lục Bá” tức là đập màu xanh (Green Dam), theo báo chí là do hai công ty có tên là Kim Huệ và Ðại Chính sản xuất ra. Theo lệnh này thì tất cả các nhà sản xuất máy computer có đến ngày 1 Tháng Bảy để thi hành chính sách này nếu không thì họ sẽ không được bán máy ở Trung Quốc.

Ngay lập tức những lời chỉ trích và phản đối ồn lên không những trên thế giới mà còn ở ngay tại Trung Quốc nữa. Một bài bình luận trong tờ Vũ Hán Vãn Báo phê bình “Bắt buộc ráp chương trình chọn lọc này là hành động mù quáng.” Các nhà sản xuất computer ở Hoa Kỳ thì nói việc này đưa ra những câu hỏi hóc búa về kiểm duyệt và liệu các nhà sản xuất máy có bị liên đới trách nhiệm nếu chương trình, do hai công ty có liên hệ với quân đội và công an Trung Quốc thiết lập, gặp khó khăn với hệ điều hành và làm cho computer không chạy được thì sao. Một nhà sản xuất máy vi tính Hoa Kỳ được tờ New York Times dẫn lời nói là, “Thực ra, không ai biết chương trình này có khả năng làm được những gì.”

Chính quyền Bắc Kinh dĩ nhiên là không có ý định gì thối lui. Ngày hôm sau khi loan báo vừa đưa ra, phát ngôn nhân Tần Cương của Bộ Ngoại Giao đã biện minh, “Nếu quí vị có con em hay đang sắp có con thì quí vị phải hiểu mối quan tâm của bố mẹ đối với nội dung thiếu lành mạnh.”

Nhưng các blogger, các nhóm tranh đấu, ngay cả đến báo chí nhà nước cũng đã tỏ ra nghi ngờ, đặt câu hỏi về liệu có thể tin cẩn được vào chương trình này hay không, và phân vân không biết là có phải chỉ lọc lõi những nội dung tình dục hay còn có những nội dung nào khác nữa. Một số còn chỉ trích nhà nước đã bỏ ra 41 triệu đồng Nguyên, khoảng 6 triệu đô la, cho một chương trình vốn đã không được đưa ra đấu thầu.

Trung Quốc vốn nổi tiếng đã duy trì một bức đại tường lửa, ngăn cản, cấm đoán nhân dân đến thăm các websites mà nhà nước không muốn. Tuần trước, chính quyền đã ngang nhiên chặn luôn cả Hotmail, Facebook, Twitter và những địa chỉ liên lạc khác chỉ vì sợ có một phong trào nào đó nhắc nhở đến quảng trường Thiên An Môn và vụ đàn áp phong trào sinh viên, công nhân chống chính phủ.

Tuần báo Tài Kinh, một tạp chí kinh tế nổi tiếng, đã đặt câu hỏi là “Làm sao có thể ngăn chặn việc này sẽ không trở thành cổng hậu cho việc lạm dụng quyền bính. Cho đến nay, các viên chức chưa trả lời những câu hỏi. Chính phủ có thể yêu cầu bố mẹ lãnh trách nhiệm qua nhiều động cơ khác, nhưng chính phủ không thể trở thành một đại phụ huynh quyền uy tuyệt đối được.”

Tờ Bắc Kinh Nhật báo đã để nguyên một trang bàn về Green Dam và thấy là chương trình này không toàn hảo như nhà nước nói. Một câu hỏi về toán trong đó có chữ “balls” quả bóng, đã bị chặn, cũng như những tấm hình không may có nền vàng cũng bị chặn.

Ðể chứng tỏ cởi mở, Green Dam đã mở ra một trang cho người sử dụng trên website của họ. Viết trên website này, một giáo sư nói cô đã tò mò vào tìm hiểu và khi muốn xem hình mấy chú heo con thì bị chặn. Cô giáo than, “Tội nghiệp heo con quá!” Càng tò mò cô tìm vào xem hình các phụ nữ bộ tộc Phi Châu ăn mặc hở hang, có người để trần ngực, thì ngạc nhiên thấy là hình ảnh đó không bị kiểm duyệt.

Một vị giáo sư tại trường Luật của viện Ðại Học Hải Nam than, “chẳng khác gì mua xe rồi nhà nước bảo cho đi đâu thì đi đó.” Ngay trên Nhân Dân Nhật báo, một người tự nhận là giáo sư báo chí của viện Ðại Học Bắc Kinh tức giận viết là qua hành động ngăn cản và cấm đoán này, nhà nước đã “coi tất cả mọi người sử dụng Internet là trẻ con”.

Nhưng điều làm một số người lo ngại hơn là liệu những nội dung chính trị có bị kiểm duyệt hay không. Theo Wall Street Journal, công ty Kim Huệ có nhiệm vụ chặn websites và hình ảnh và công ty Ðại Chính có nhiệm vụ lọc ngôn ngữ. Kim Huệ, trên website của họ, đã tự biện minh nói là trong các websites họ chặn không có cái nào có nội dung chính trị, nhưng Ðại Chính thì lại nói là các “chữ” cấm kỵ của họ là theo “luật lệ của nhà nước.” Chả trách khi thử đánh vào những chữ như “lục tứ” là hai chữ vẫn dùng để chỉ ngày 4 Tháng Sáu, ngày đàn áp Thiên An Môn, thì không sao vào được.

Nhưng một blogger tên là Rob Cottingham viết trên một địa chỉ đối thoại của những người mê Internet Slashdot, đã nói là việc Trung Quốc nối mạng toàn thể 40 triệu computer trong nước họ còn có tiềm năng đáng sợ hơn nữa. Ông Cottingham giải thích là các vị tướng lãnh và các ông công an ở Trung Quốc sẽ khó có thể cưỡng lại việc là Green Dam sẽ giúp họ một cổng hậu đi vào 40 triệu cái máy computer một lúc. Ngoài chuyện dùng cổng hậu này để chặn, họ còn có thể dùng cổng hậu này trở thành một vũ khí như biến nó thành một botnet khổng lồ.
Botnet, Cottingham giải thích, đơn giản là một hệ thống nhiều computer tất cả đều chạy một lúc một chương trình. Nó có thể như hồi trước khi chương trình SETI (nghe tín hiệu điện tử không gian) yêu cầu chúng ta cho họ nối mạng để sử dụng máy của chúng ta tính toán các tín hiệu nhận được. Nhưng bình thường botnet nguy hiểm hơn nhiều. Conficker chẳng hạn là một botnet có mục tiêu xấu. Botnet càng lớn thì khả năng phá hoại càng nhiều. Một botnet với 40 triệu máy PC không những chỉ “giết” một website mà còn có thể tấn công vào hệ thống điện hay đột nhập hệ thống nước của một quốc gia thù nghịch nào đó. Cottingham giải thích là với tiềm năng như vậy, dầu cho Bắc Kinh có thể không chế tạo ra chương trình này với mục đích đó, nhưng sự quyến rũ của hệ thống này được đưa vào mục đích quân sự quá lớn để họ có thể từ chối được.

Nhưng có điều, như các tay sành sỏi điện toán đều biết, nếu có người viết chương trình thì cũng sẽ có người phá được chương trình đó. Hiện các tay chống đối đã khám phá ra là Green Dam có một số khuyết điểm. Thứ nhất là chương trình được viết ra cho Internet Explorer của Microsoft, thành ra nếu bạn sử dụng Firefox thì không bị ảnh hưởng gì cả. Và cũng vì được viết riêng cho hệ điều hành Microsoft, nếu bạn sử dụng Mac hay là nếu như các tay sành điệu, dùng Linux thì Green Dam chẳng còn công hiệu nữa.
Một blogger nổi tiếng ở Trung Quốc chuyên viết những bài chế nhạo nhà nước, ông Vương Tiểu Phong nói, “Người ta sẽ có cách phá hủy những bức tường lửa. Thật là đáng tiếc là chính quyền cứ tốn tiền dân đóng thuế để xây tường lửa.”

Lê Phan


No comments: