Saturday, June 20, 2009

VỀ BẢN TƯỜNG TRÌNH CỦA LS LÊ CÔNG ĐỊNH

Về bản tường trình của luật sư Lê Công Định
Kazenka's Blog
Friday, 19 June 2009
http://kazenka.blogspot.com/2009/06/ve-ban-tuong-trinh-cua-luat-su-le-cong.html

Tôi đã nghe đi nghe lại 4 lần
bản tường trình mà luật sư Lê Công Định đọc trước cơ quan an ninh và báo chí Việt Nam. Một số người thất vọng trước việc "nhận tội" của luật sư Định, thế nhưng thực ra thì trong hoàn cảnh của mình, ông không có sự lựa chọn nào khác. Mặc dù vậy, ngoài những hành vi âm mưu lật đổ chế độ và chống phá nhà nước CHXHCNVN, mà tôi cho rằng cơ quan an ninh Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng để buộc luật sư Định phải thừa nhận thì còn có 2 điểm khiến tôi chú ý.
Thứ nhất là cách mà luật sư Định nói về
đảng Việt Tân, "Tôi biết Việt Tân là một tổ chức khủng bố...". Sẽ không có gì lạ nếu đây là lời phát ngôn từ phía chính quyền Việt Nam. Thế nhưng việc luật sư Định phát biểu như vậy lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Câu nói đó đã như một cái tát vào mặt những người của đảng Việt Tân đã hợp tác và ủng hộ ông trong phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, đồng thời nó còn thể hiện một sự thoả hiệp nhất định (dưới sức ép nào đó) giữa luật sư Định với chính quyền Việt Nam.
Thứ hai là ở phần cuối bản tường trình, luật sư Định có nói, "Tôi thấy rằng những việc làm trên của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình, và tôi mong được nhà nước xem xét khoan hồng". Dĩ nhiên là một số hành vi của luật sư Định đã vi phạm luật pháp Việt Nam hiện tại, và ông không có cách nào khác là phải thừa nhận điều đó. Thế nhưng cách thừa nhận của ông lại rất giống với sự nhu nhược mà chính ông đã
lên tiếng phê phán cách đây vài năm. Chắc hẳn vì điều này mà một số người đã tỏ ra thất vọng khi ông "nhận tội".

Hiện tôi chưa rõ bằng cách nào mà chính quyền Việt Nam lại buộc được luật sư Định đọc một bản tường trình như vậy, và điều gì ẩn tàng phía sau sự việc này, thế nhưng có thể nhận thấy chính quyền Việt Nam chỉ với một mũi tên mà bắn trúng 3, 4 mục tiêu:
- Làm giảm uy tín chính trị của luật sư Lê Công Định trong 2 nhóm đối tượng chính: nhóm những người dân vốn coi ông là "thành phần phản động" sau khi biết ông bị bắt, và với việc ông nhận tội thì uy tín của ông sẽ càng suy giảm trong nhóm này; nhóm những người đấu tranh cho tự do dân chủ vốn đang hy vọng ông như một lãnh tụ tiềm năng (có người gọi là "minh chủ") vừa có tài, vừa có tâm, vừa có dũng khí của phong trào đối lập với ĐCSVN trong tương lai, thì nay sự thoả hiệp của ông với chính quyền đã khiến không ít người thất vọng.
- Gây nghi ngờ lẫn nhau và dẫn đến chia rẽ trong nội bộ những người đấu tranh cho tự do dân chủ. Một người đã tạo ra những tiếng vang và niềm tin nhất định trong phong trào như luật sư Định, mà rốt cục chỉ sau vài ngày tạm giam đã nói rằng "rất ân hận" và "mong được nhà nước xem xét khoan hồng" thì đó như một sự đánh động đến những người còn lại với một giả thiết cho rằng chính quyền Việt Nam đã cài người vào phong trào theo kiểu hy sinh một con mồi để bắt được một mẻ cá lớn, nên sau khi hoàn thành mục tiêu đối tượng mới nhanh chóng "nhận tội".
- Làm giảm tinh thần chiến đấu của những người đấu tranh cho tự do dân chủ đồng thời là một lời răn đe hiệu quả đối với những người còn đang phân vân giữa đấu tranh hay thoả hiệp. Trong bối cảnh hoạt động chính trị đối lập ở Việt Nam hiện tại chủ yếu là diễn ra trên mạng Internet theo kiểu "chính trị salon", thì việc cơ quan an ninh mạng của Việt Nam đã chứng tỏ rằng không có gì mà họ không nắm được một khi họ muốn qua vụ bắt giữ luật sư Định, sẽ khiến những người đấu tranh khác ở Việt Nam trở nên e dè hơn khi hành động. Đồng thời với những ai còn đang phân vân thì một lần nữa qua vụ việc Lê Công Định, chính quyền đã cho họ thêm một bài học về sự an phận.

Cá nhân tôi qua vụ việc Lê Công Định cũng đã có một vài tổng kết sơ bộ như sau:
- Khi biết tin luật sư Định bị bắt, tôi đã bất ngờ vì những gì tôi biết về ông lúc đó chỉ là thông qua những bài viết của ông trên BBC mà tôi vốn hâm mộ. Tôi cho rằng chỉ với những bài viết như vậy thì người ta sẽ không bắt ông vào lúc này. Khi đó tôi vẫn nhìn ông như một người trí thức đơn thuần.
- Khi biết luật sư Định có tham gia tổ chức này, đảng phái kia thì tôi đã có thêm một góc nhìn khác về ông, đó là coi ông như một chính khách. Khi có một vài thông tin cho rằng ông liên quan đến blog Change we need, thì lúc đó trong tôi đã sẵn sàng nhìn ông như một chính khách với các thủ đoạn chính trị. Đó là lý do tôi đã viết entry
"Trí thức và chính khách", như một sự băn khoăn của cá nhân trước một con người nổi tiếng.
- Khi xem và nghe luật sư Định đọc bản tường trình nhận tội, quả thực tôi có hơi bất ngờ vì sự việc diễn ra nhanh chóng quá. Thế nhưng tôi không cảm thấy thất vọng về ông, đơn giản vì tôi không còn nhìn ông chỉ dưới góc nhìn trí thức nữa. Nếu tôi chỉ nhìn ông dưới góc nhìn trí thức thì quả thật là tôi không còn có thể đặt một niềm tin nào vào nơi ông nữa, một người đã "ăn năn hối hận" và gọi những gì mà cách đây không lâu chính ông từng tin tưởng và tranh đấu là "sai trái". Thế nhưng nếu nhìn ông dưới góc nhìn chính khách, tôi có thể thông cảm cho ông, một chính trị gia phải biết tiến lùi đúng lúc, phải biết cách mị dân, và như tôi đã nói "Và lựa chọn chính trị nhiều khi chỉ là việc xem xem cái gì là ít bẩn thỉu và dối trá nhất trong một số cái".
- Và vì vậy, không cần phải úp mở, lựa chọn chính trị của tôi là ủng hộ những hành vi bất bạo động nhằm lật đổ chế độ và chống phá nhà nước CHXHCNVN của ông Định. Đối với tôi, sẽ không bao giờ có cái gì có thể gọi là dân chủ trong một đất nước nằm dưới sự cai trị của một chế độ chuyên chế, và để tiến tới nền dân chủ đích thực, không còn cách nào khác, trước nhất phải lật đổ chế độ chuyên chế.

Ở đây cũng xin nói cho rõ rằng, cụm từ "lật đổ chế độ [chuyên chế]" không có nghĩa là lật đổ theo cái cách mà ông chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết mới đây đã
hù doạ các học viên của Học viện Ngoại giao: "ai đó muốn lật đổ chế độ này, muốn máu đổ". Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho ông Triết bởi cách hiểu cực kỳ phản động và lỗi thời này của ông. Lật đổ chế độ trong suy nghĩ của những người đấu tranh cho tự do dân chủ một cách chân chính chỉ đơn thuần là dùng những biện pháp bất bạo động nhằm xoá bỏ sự độc quyền chính trị của ĐCSVN, chứ không phải là trả thù, là xoá bỏ ĐCSVN. Bản thôi tôi luôn cho rằng trong một chế độ dân chủ, ĐCSVN với nền tảng của mình, họ vẫn sẽ lực lượng nòng cốt của chính quyền mới.


Ai đó nhận tội, xin hưởng khoan hồng ?
Quế Sơn
Đăng ngày 20/06/2009 lúc 13:22:25 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3874
Sáng nay cầm tờ báo Tuổi Trẻ, tôi hơi giật mình thấy tin: “Khởi tố các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long”, tôi chỉ “ hơi giật mình”, bởi thông tin trên xảy ra sớm hơn so với suy nghĩ của tôi.

Qua các bài viết tôi thấy rất kính trọng và khâm phục về Tài và Tâm của anh trong ngành Luật. Từ khi nhà cầm quyền đưa tin bắt Ls Lê Công Định về tội chống phá nhà nước, tôi thường xuyên theo dõi các thông tin về Ls Lê Công Định trên các trang thông tin điện tử. Khi anh bị bắt, tôi đã nghĩ chắc chắn nhà cầm quyền sẽ dùng đủ các hình thức để loan tin “Lê Công Đinh cúi đầu nhận tội và xin hưởng khoan hồng”. Vì thế tôi xin viết ra đây những điều mà tôi nghĩ rằng phù hợp với kịch bản Ls Lê Công Định sau ngày 13 Tháng 6.

Chiêu bài ép cung của nhà cầm quyền
Chúng ta chẳng lạ gì khi mà các thông tin báo chí phản ánh việc chính quyền ép người vô tội nhận tội. Đối với những người mà chính quyền cho là có tội, chính quyền sẽ dùng đủ mọi cách để ép cung như: dùi cui, đấm đá, tra tấn, dọa nạt… khiến cho những người bị ép cung đó sợ hãi mà khai theo sự chỉ dẫn của chính quyền, còn với những ai “cứng đầu” không chịu khuất phục trước bạo lực thì chính quyền lại có nhiều chiêu rất độc đáo, để khiến những người đó phải ngoan ngoãn nhận tội.
Với Ls Lê Công Định, tôi chắc rằng những: dùi cui, đấm đá, tra tấn, dọa nạt… mà chính quyền sử dụng ép cung chắc không bao giờ Ls Định chịu khuất phục. Vậy thì làm sao ép Ls Định nhận là “có tội” để làm giảm nhiệt đối với các nước trên thế giới, khi mà các nước đang yêu cầu trả tự do ngay lập tức đối với Ls Định? Rất có thể chính quyền đã sử dụng phương cách nào đó làm cho Ls Định sẽ không còn khả năng kiểm soát bản thân và phải làm theo những gì chính quyền ép ông.
Do vậy tôi không tin vào cái gọi là “ Bản tường trình” và đoạn Video quay cảnh Ls Đinh đọc bản tường trình nhận tội được nhà cầm quyền thông tin trên Truyền Hình và Báo Chí.
Mặt khác ta cũng xem lại cách thông tin của truyền thông nhà nước này như thế nào.

Truyền thông công cụ của sự dối trá
Nếu như mọi người theo dõi thông tin thường xuyên trên mạng, thì chẳng lạ gì cái kiểu thông tin của nhà nước này. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Thái Hà và Toà Khâm Sứ.
Tại Thái Hà, khi nhà cầm quyền bắt dân oan Lê Thị Hợi, họ đã dùng kỹ thuật truyền hình để lồng ghép cắt tỉa đoạn video và thông tin lên truyền hình: “ Bà Lê Thị Hơị đã cúi đầu nhận tội và nhận rõ những hành vi sai trái của mình là do bị kích động… và xin nhà nước khoan hồng”. Rồi đến vụ Đức Tổng Ngô Quang Kiệt họp với chính quyền Hà Nội thì truyền hình đã cắt lời phát biểu của Ngài để từ tạo nên sự chia rẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc. Tiếp theo khi xử sơ thẩm 8 giáo oan Thái Hà thì truyền thông nhà nước lại một lần nữa đưa tin: “các giáo dân đã cúi đầu nhận tội…”, sau đó đã xảy ra sự kiện là các dân oan Thái Hà đã gửi đơn kiện các cơ quan truyền thông của nhà nước về việc đưa tin sai lạc. Điểm qua đó ta thấy được truyền thông của nhà cầm quyền Việt nam hiện nay như thế nào?
Vì thế với Ls Lê Công Định nhà cầm quyền có thể dùng các kỹ thuật để có thể làm được tất cả những gì để cáo buộc ông.

Với những lý do ở trên (việc ép người vô tội nhận tội và truyền thông một chiều), thì tôi không tin là “Luật sư Lê Công Định nhận tội, xin hưởng khoan hồng” một cách ngọt ngào và trơn tuột như thế. Hậu trường sân khấu của vở tuồng này chắc còn lắm điều hay.
Quế Sơn
Thông tin liên quan:

“ "Chị Tư" Lê Công Định xin hưởng khoan hồng”. VietNamNet, ngày 18/06/2009
“Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức thừa nhận hành vi phạm tội”. Công An Nhân Dân, ngày 18/06/2009
“Lê Công Định thừa nhận chống phá nhà nước”. Báo Dân Trí, ngày 18/06/2009.© Thông Luận 2009


No comments: